Việc ngài ký tên vào biên bản sửa đổi hiến pháp đưa đến sự chấm dứt một nền chính trị thần quyền kéo dài trong suốt 469 năm ở trên thế giới.
Giờ đây Đức Dalai Lama thứ 14 không còn là vị lãnh đạo tối cao của quốc gia, cũng không còn là người lãnh đạo của chính phủ Gaden Phodrang - Chính phủ Tây Tạng. Từ nay ngài chỉ là người cố vấn cho các vấn đề mà chính quyền Tây Tạng quan tâm, và dành nhiều thời gian hơn cho việc đi thăm viếng và hoằng pháp quốc tế.
Triều đại Gaden Phodrang đã được dựng nên từ năm 1642, khi Đức Dalai Lama thứ 2 trở thành vị lãnh đạo tinh thần và nhà lãnh đạo chính quyền Tây Tạng. Dưới nền chính trị thần quyền này, các vị Dalai Lama có rất nhiều quyền lực, có thể ví như Nữ hoàng Anh, Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Ấn Độ… trong hệ thống chính trị của các quốc gia ấy.
Việc cải đổi hiến pháp này đánh dấu sự kết thúc sứ mệnh đầu tiên trong hai sứ mệnh lịch sử mà ngài đã đặt ra cho mình vào năm 1959, lúc ngài phải rời khỏi Tây Tạng để làm một nhà lãnh đạo lưu vong. Nhiệm vụ lịch sử thứ hai của ngài là thay đổi phương thức chọn lựa sự tái sinh đối với người kế vị của ngài hiện đang được áp dụng, người kế vị của ngài sẽ là vị Dalai Lama do chính ngài chỉ định.
Theo kế hoạch của ngài Dalai Lama, người kế vị của ngài sẽ là người được chỉ định trong lúc ngài đang còn sống, vị ấy phải là một học giả có uy tín và là một Tăng sĩ có sở đắc tâm linh. Điều này có nghĩa là không như 14 vị Dalai Lama trước đây, vị Dalai Lama thứ 15 sẽ không phải là một đứa bé được phát hiện ra thông qua một quy trình tôn giáo truyền thống và được một nhóm các vị trưởng lão Tỳ-kheo đã được chọn lọc xác nhận đấy là thân tái sanh của Đức Dalai Lama thứ 14.
Trong sự sửa đổi hiến pháp của nước Tây Tạng lần này, điều khoản về quyền lực truyền thống của Hội đồng nhiếp chính (một nhóm gồm các vị trưởng lão Tỳ-kheo, các Bộ trưởng và các quan chức), rằng: “Hội đồng nhiếp chính sẽ nắm tất cả quyền lực của Đức Dalai Lama trong khi ngài qua đời” cũng được hủy bỏ.