Thôi thúc họ tiếp tục làm việc không chỉ là câu chuyện chén cơm, manh áo, mà còn là trách nhiệm với công việc, góp sức để cuộc sống được tốt đẹp hơn.
Thiết kế trên Báo Giác Ngộ số 1120-1121 - Tống Viết Diễn |
Những bước chân lặng lẽ
Tháng 9 cũng trùng với thời điểm mùa mưa đến trong thành phố. Thời gian này, đường sá thưa thớt người đi lại vì giãn cách, khung cảnh như càng ảm đạm hơn. Thế nhưng, ngày nào cũng vậy, cứ đúng 7 giờ sáng là chú Lê Thanh Tuấn (49 tuổi) phải rời khỏi nhà để bắt đầu công việc của một công nhân vệ sinh. Ngụ tại một căn nhà nhỏ trên đường Phạm Thế Hiển, công việc của chú cố định trong khu vực phường 4, quận 8 và phường 6, quận 5. Những tuyến đường mà chú thường thu gom rác như An Bình, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Văn Đừng là nơi tập trung nhiều bệnh viện và địa điểm bệnh nhân Covid-19 cách ly tập trung trong thời gian qua.
Dịch bệnh nhiều hiểm nguy, nguồn rác thải từ các khu dân cư đang cách ly cũng ẩn chứa nhiều rủi ro, nhưng chưa ngày nào chú từ chối phục vụ ở những nơi mình đã được phân công. “Rác mình nhặt là dân trả tiền. Đã nhận tiền thì có thế nào cũng phải thực hiện cho đàng hoàng”, chú Tuấn chia sẻ.
Có những ngày khối lượng rác thải phải thu gom nhiều, chú ráng làm thêm đến tận 7, 8 giờ tối. |
Với số tiền lương vỏn vẹn 5 triệu đồng mỗi tháng, thế nhưng khối lượng công việc chú Tuấn phải thực hiện đôi lúc rất nhiều. Có hôm đang đi thu gom rác thì trời mưa bất chợt, tuy nhiên, chú Tuấn vẫn không dừng lại công việc của mình. “Dừng thì không làm kịp đâu, nước mưa chảy vào mấy bịch rác thải y tế thì nguy hiểm hơn nữa”, chú giải thích. Có những ngày khối lượng rác thải phải thu gom nhiều, chú ráng làm thêm đến tận 7, 8 giờ tối.
Công việc phải dầm mưa dãi nắng là vậy, lắm khi mệt, kiệt sức nhưng chú Thanh Tuấn cũng không dám nghỉ lâu, cùng lắm là nghỉ nửa ngày mà thôi. “Làm mệt quá chịu không nổi thì tôi làm phân nửa, chứ không dám bỏ hết, nghỉ hết. Nghỉ một ngày thì hôm sau rác sẽ dồn lên rất nhiều, không dọn xuể. Mà quan trọng hơn là mùi hôi thối sẽ bốc lên, người dân giãn cách ở nhà đã bí bách mà thêm mùi rác nữa thì chịu sao nổi. Chưa kể, gia đình nào có người đang điều trị Covid-19 tại nhà, rác khẩu trang mà không dọn sạch sẽ thì rất nguy hiểm cho người dân xung quanh”, chú chia sẻ.
Trong phút nghỉ ngơi ngắn ngủi giữa lúc làm việc, sau khi chất rác lên đầy xe, vừa lấy dầu gió ra xức để bớt đi cái lạnh khi dầm mưa hơn 2 giờ đồng hồ, vừa để át đi mùi rác, chú Tuấn trải lòng: “37 năm làm nghề lao công nhặt rác, 12 tuổi đã vào nghề nên tôi rất trân quý cái nghề đã giúp mình nuôi cả gia đình. Nói gì nói, dù sợ Covid nhưng mình đâu thể nào ở nhà trong khi biết công việc của mình giúp ích cho cộng đồng”.
Nói đôi câu, chú lại vội vã đi đến nơi khác để thu gom rác cho kịp giờ chuyển đến nơi tập kết. “Còn một chuyến như thế này nữa mới xong một ngày”, chú chỉ tay lên chiếc thùng xe đã đầy rác, nói vọng lại. Đồng hồ lúc này đã hơn 3 giờ chiều.
Chiếc xe hư giữa phố
Ở một góc ven đường Trần Hưng Đạo vắng hoe, khác hẳn với những ngày tấp nập khi chưa có dịch, anh Nguyễn Hoàng Tuấn (trọ tại ấp 3, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) loay hoay sửa chiếc xe chết máy trong mưa. Vừa sửa xe, tháo bugi chùi khô nước, anh Hoàng Tuấn vừa lo: “Sửa cả tiếng đồng hồ rồi chưa được, giờ là hơn 4 giờ chiều rồi, không sửa được thì biết làm sao đây”. Phía sau anh là một chiếc xe lôi đầy rác thải y tế, điện thoại của vợ anh gọi tới liên hồi. Mỗi lần như vậy, trước khi cúp máy anh đều giục vợ về trước để lo cơm nước cho đứa con học lớp 7 đang ở nhà một mình.
Anh Nguyễn Hoàng Tuấn tìm mọi cách sửa chiếc xe tắt máy trong mưa |
Rời quê hương Cần Thơ lên TP.HCM gần 10 năm, cả hai vợ chồng anh Hoàng Tuấn đều mưu sinh bằng nghề thu gom rác thải, lấy việc làm nặng nhọc và nhiều rủi ro về sức khỏe để nuôi dưỡng tương lai cho con trẻ. Với công việc này, ngày bình thường vợ chồng anh Hoàng Tuấn sẽ kiếm được tầm 7 triệu một tháng, nhưng dịch này thu nhập của họ sụt xuống chỉ còn tầm 2 triệu hơn.
“Nhiều quán ăn, nhà nghỉ đóng cửa do dịch. Nhiều hộ dân không làm ra tiền để trả tiền rác, họ kêu cứ đổ đi rồi qua dịch tính. Họ khất thì mình cũng phải làm, rác mà không dọn ô nhiễm lắm. Với lại, ngày thường họ trả tiền cho mình đầy đủ, lúc họ khó mình bỏ họ sao đành. Mình nghĩ cho bản thân mình quá thì qua dịch mình cũng chẳng còn việc làm, họ sẽ kêu người khác làm thôi...”, anh Hoàng Tuấn trải lòng.
Ngày thường cuộc sống đã khó khăn, những ngày dịch giã càng khó hơn khi chiếc xe máy cũ của anh cứ hay tắt máy giữa chừng, nhất là lúc trời mưa là không chạy được. “Tại xe không có vè, không có bửng che, xe lại quá cũ nữa nên mỗi lần thế này là phải chịu khó. Vừa sửa, vừa khấn vái ơn trên độ cho sửa được, về nhà”, anh cho biết.
“Mùa dịch này ai cũng khó khăn. Quan trọng của cuộc sống, mình cần biết đủ, gói ghém và biết bằng lòng. Hai vợ chồng mình kiếm được hai triệu một tháng, mua được gạo là mừng, vì còn nhiều hoàn cảnh khốn khó hơn mình rất nhiều”, anh Nguyễn Hoàng Tuấn chia sẻ.
Dù xe hay hỏng hóc nhưng suốt mấy tháng qua, trong khi thành phố phải giãn cách, chưa một ngày nào vợ chồng anh dám nghỉ. Ngày nào anh và vợ cũng len lỏi vào các con hẻm để lấy rác. Những nơi nhiều hộ gia đình có F0, rác thải y tế, khẩu trang và vật dụng cá nhân bỏ ra trước cửa nhà, dù rất lo sợ nhưng anh luôn dọn sạch sẽ. Những nơi rác thải sinh hoạt nhiều, anh cũng dọn dẹp chỉn chu, không vì hôi thối mà làm cho có, với suy nghĩ đơn giản: “Dịch ai cũng bí bách, môi trường mà không sạch nữa thì nguy hiểm lắm. Mình cực chút mà mọi người an toàn hơn”.
Không chỉ kỹ lưỡng trong công việc mà anh cũng giữ gìn cho chính bản thân mình, với rác thải y tế, anh luôn sắp xếp, cột lại cẩn thận. Sau mỗi lần lấy rác, anh xịt khuẩn liền lên tay và cả những bọc rác vừa cho lên xe, hạn chế tiếp xúc nhiều nhất có thể.
Niềm vui của anh Hoàng Tuấn khi xe nổ máy, anh chào tạm biệt chạy vội về nhà |
Lui cui sửa xe từ lúc trời mưa đến lúc đã tạnh mà vẫn chưa được, chốc chốc anh lại tự trấn an mình rằng ở hiền sẽ gặp lành. “Mình bốc rác cực, nhiều người thương tặng cho hộp cơm, hay để dành cho thùng giấy để mình bán ve chai. Chủ trọ thấy vợ chồng khó khăn cũng không lấy tiền nhà, để đó chưa tính. Mình nghĩ cho người khác thì sẽ có người khác giúp mình lại thôi”, anh kể. Tâm sự đôi ba câu, chiếc xe bắt đầu nổ máy, anh mừng rỡ nói: “Thêm một lần nữa ở hiền gặp lành rồi”.
Để về đến nhà trọ, anh Hoàng Tuấn phải mất cả giờ đồng hồ, với nỗi lo không biết có cơn mưa bất chợt nào đang chờ phía trước. Thế nhưng đây cũng là quãng đường mà anh hay bất kỳ ai trong hoàn cảnh này cũng đều mong chờ nhất sau một ngày làm việc cật lực.