Borobudur… chỉ là Borobudur thôi

GN - Trước Borobudur, tôi đã đến hầu hết những thắng tích Phật giáo ở Ấn Độ và Đông Nam Á. Vậy mà Borobudur của xứ sở vạn đảo Indonesia vẫn có thể cho tôi những ngỡ ngàng và xúc động mạnh mẽ chưa từng có. 

Một ngày đầu tháng Vu lan, chúng tôi bay nối chuyến tới Yogyakarta, nghỉ đêm tại khách sạn gần bên để trước 5 giờ đã có mặt cùng những người đến sớm nhất, cầm đèn pin, leo lên chờ mặt trời mọc trên đỉnh Borobudur. 9 giờ rưỡi, khi từng đoàn du khách đông đúc bắt đầu đổ tới, chúng tôi trở về khách sạn ăn sáng. Rồi quay lại đón hoàng hôn Borobudur kịp 5 giờ chiều.

buro 1.jpg


Toàn cảnh Borobudur nhìn từ phía Tây bắc

Kỳ vĩ, trác tuyệt vô song

Tôi từng ngắm rất nhiều lần những bức hình Borobudur trên các website du lịch. Tuy nhiên, tôi chắc chắn chúng không bao giờ có thể giúp mình được chuẩn bị, dù chỉ phần nào, cái cảm giác choáng ngợp sẽ chiếm lĩnh, thậm chí như là áp chế khi giây phút đầu tiên đến trước Borobudur “bằng xương bằng thịt” (ý tôi nói xương thịt của những thớ đá). Những người bạn đi cùng chuẩn bị máy ảnh chuyên dụng đời mới nhất, loay hoay tìm đủ góc độ, để cuối cùng đều thú nhận cảm giác như là bất lực. Có lẽ chụp Borobudur từ một khinh khí cầu thì may ra… 

Nếu nói kỳ vĩ, có thể nhiều người sẽ so sánh với Angkor. Nhưng Angkor là những phức thể đền đài còn Borobudur là một công trình đơn nhất. Nằm trên ngọn đồi cao 15m, giữa những cánh đồng và những rặng dừa trên thung lũng Kedu rộng rãi được bao quanh bởi núi non, công trình này cao 42m, trong thế giới kiến trúc Phật giáo, chỉ thấp hơn so với Bodh Gaya (cao 55 mét) của Ấn Độ. Được xây nên bởi hơn 1 triệu khối đá, mỗi khối khoảng 100kg, công trình Borobudur bao gồm 10 tầng, 6 tầng dưới hình vuông, 4 tầng trên hình tròn, tất cả đồng tâm với nhau, càng lên cao càng thu nhỏ lại, đến đỉnh là một tháp lớn trung tâm vươn tới trời cao. Ở bốn phía, giữa mỗi cạnh ở mỗi tầng đều có cổng và cầu thang đi lên, nối tiếp nhau thành lối đi 26 mét từ tầng dưới cùng đến tầng trên cùng.

Nếu nói trác tuyệt, chắc chắn có thể khẳng định không chút phân vân rằng không một công trình đơn nào khác trên thế giới có kho tàng phù điêu và tượng tròn nhiều với độ trau chuốt nghệ thuật cầu kỳ, tinh tế đến thế. Tổng cộng có 1.460 bức phù điêu, bức nhỏ nhất 62 x 100cm, bức lớn nhất 250 x 100cm, phủ kín khoảng 1.900m2, chưa kể 600m2 của những chạm khắc trang trí quanh các bức phù điêu. Ở mỗi tầng, khách hành hương vào từ cổng phía Đông, đi theo chiều kim đồng hồ. Ở tầng thứ nhất có 4 chuỗi phù điêu (2 chuỗi phía trên và phía dưới của mặt tường bên ngoài, 2 chuỗi phía trên và phía dưới của mặt tường bên trong); ở các tầng 2, 3 và 4 mỗi tầng đều có 2 chuỗi phù điêu phía trên và phía dưới. Mỗi chuỗi phù điêu kể những câu chuyện khác nhau từ những cuốn kinh Phật khác nhau. Vì vậy, nếu muốn “đọc” tất cả, người ta phải đi 4 vòng ở tầng thứ nhất và 2 vòng ở mỗi trong ba tầng tiếp theo, tất cả là 10 vòng qua những cuốn sách truyện tranh nối tiếp nhau mở ra trên phù điêu đá dài tổng cộng 5km.

Nếu sáu tầng vuông ở dưới là những hành lang tương đối hẹp (thường bề ngang chỉ 2m) vòng quanh khối trung tâm, nơi cái nhìn của ta luôn trong cự ly gần với những phù điêu trên bức tường bên phải mình thì ba tầng tròn kế tiếp ở trên là những không gian mở ra tầm nhìn xa về mọi hướng với 72 tháp stupa (thù đồ / phù đồ). Toàn bộ công trình có 504 bức tượng Phật kích thước như người thật. Ở lan-can của 5 tầng vuông phía dưới, 432 tượng Phật được đặt trong các hốc đá còn trên 3 tầng tròn kế tiếp, trong mỗi stupa có một tượng Phật. Thân phía trên của các stupa hình quả chuông này đều không kín mà có những lỗ hổng đều đặn, qua đó, có thể thấy tượng Phật bên trong. Ở hai tầng tròn dưới, những lỗ hổng này hình thoi (hình viên kim cương) còn ở tầng thứ ba phía trên, những lỗ hổng này hình vuông. Tầng tròn cao nhất trên đỉnh chỉ có 1 stupa kín, không thể thấy có tượng Phật bên trong hay không.    

buro 4.jpg


Bình đồ Borobudur tạo dựng một Mandala

Với rất nhiều du khách không phải tín đồ Phật giáo, không thấu hiểu Phật giáo, Borobudur vẫn đủ sức chinh phục họ bằng quyền năng của một công trình kiến trúc giản dị mà hùng mạnh, lôi cuốn họ bằng sức hấp dẫn của những gallery nghệ thuật thể hiện thông điệp tôn giáo qua vô vàn hình ảnh sống động về xứ sở và dân cư Indonesia. Chính ở quần đảo nhiều núi lửa hoạt động nhất thế giới này, dung nham chảy trên quãng đường dài trước khi đông nguội thành đá rắn chắc đã góp chất liệu cho những tác phẩm điêu khắc sắc sảo một cách độc đáo. Tính toán khối lượng công việc xây dựng và chạm khắc, có thể suy ra rằng phải vài trăm người làm việc mỗi ngày liên tục trong ít nhất 30 năm mới có thể hoàn thành. Trong thực tế, Borobudur bắt đầu được xây khoảng năm 760 và hoàn thành khoảng năm 830. Người ta không chỉ khâm phục công sức, tâm huyết của bao nhiêu con người sùng kính đằng sau tượng đài vĩ đại này mà còn phải thật sự ngưỡng mộ: bằng cách nào Java ngày xưa lại có thể hội tụ nhiều thợ thủ công, nhiều nghệ sĩ tài năng đến thế? 

Dẫn dắt hành trình tỉnh thức

Borobudur không chỉ phong nhiêu những vẻ đẹp cho thị giác mà còn trù mật những vẻ đẹp ẩn giấu, chỉ khải lộ cho những tinh thần khao khát kiếm tìm giác ngộ.

Tên gọi Borobudur kết hợp “Budur” là địa danh cổ của Java với “Boro” xuất phát từ “Bara” hay “Byhara”, tức “Vihara” trong tiếng Phạn, chỉ một thể loại chùa Phật (“Vihara” là “tịnh xá” phân biệt với “Chaitya” là nơi thờ phụng).

Có người bảo rằng Ur trong Borobudur nghĩa là “núi”. Borobudur tượng hình một ngọn núi vĩ đại. Phụng thờ núi thiêng vốn là tín ngưỡng cổ xưa ở Java trước khi xứ sở này tiếp nhận vũ trụ quan Phật giáo Ấn Độ mà núi ở trung tâm giữ vị trí linh thánh và sự tôn kính những ngọn núi nơi Đức Phật tu tập và giảng pháp.

Những người khác thấy Borobudur tạo dựng một mandala vĩ đại. Bình đồ Borobudur hiện ra rỡ ràng một mô hình vũ trụ thu nhỏ biểu hiện trí tuệ viên mãn, trí tuệ sở chứng của bậc giác ngộ. Điều này dễ hiểu trong bối cảnh Phật giáo của Java đậm màu sắc Mật tông.

Nhiều người lại cho rằng Borobudur chủ yếu là một stupa. Stupa vốn có nghĩa gò đất mai táng đã trở thành loại hình kiến trúc đặc trưng Phật giáo từ khi vua Ashoka xây hàng loạt ngôi tháp tôn thờ xá-lợi Phật ở Bắc Ấn. Từ xa nhìn lại, toàn bộ công trình Borobudur in bóng trên nền trời một ngọn tháp khổng lồ. Một stupa lớn ở trung tâm trên tầng cao nhất được vây quanh bởi 72 stupa nhỏ hơn ở ba tầng phía dưới. Ngoài ra, các hốc đá bài trí tượng Phật ở những tầng vuông phía dưới cũng sử dụng các motif trang trí hình stupa.      

Ngọn núi? Mandala? Stupa? Borobudur, đúng hơn, có lẽ đã tích hợp tất cả vào một con đường dẫn dắt hành trình người ta từ vô minh đến giác ngộ. Không có bất cứ căn phòng nào để bước vào, chỉ có những biểu tượng mà người ta có thể tôn kính bằng cách đi vòng quanh. Borobudur “không phải nơi chốn để hiến dâng lòng sùng kính tới các Đức Phật mà đúng hơn là nơi thực hành để đạt đến giác ngộ của Bồ-tát”.

Từ dưới lên trên, các chuỗi phù điêu ở các tầng vuông lần lượt thể hiện những câu chuyện trong Mahakarmavibhanga (kinh Nghiệp quả), Jataka (kinh Bổn sanh - những câu chuyện tiền thân Đức Phật), Avandanas (kinh Hành động thiện lành), Lalitavistara (kinh Phổ diệu - những câu chuyện cuộc đời Đức Phật), Gandavyuha (kinh Hoa nghiêm - trong đó có những câu chuyện Sudhana được Bồ-tát Văn Thù đưa vào con đường đại giác).

buro 2.jpg


Các stupa trên bốn tầng tròn

Một stupa lớn ở trung tâm trên tầng cao nhất được vây quanh bởi 72 stupa nhỏ hơn ở ba tầng phía dưới, theo các học giả Paul Mus và J.J. Boeles, thể hiện một trích đoạn trong kinh Diệu pháp liên hoa. Khi Đức Phật Sakyamuni (Thích Ca Mâu Ni) trên núi Linh Thứu, qua Bồ-tát Dược Vương mà giảng kinh Liên hoa cho tám vạn đại sĩ:

Vào lúc bấy giờ, trước Đức Thế Tôn, một ngôi bảo tháp bằng bảy chất liệu quý báu, cao năm trăm do tuần, chu vi hai trăm năm chục do tuần, từ đất bay lên, đứng trong không gian. Bảo tháp được trang hoàng bằng đủ thứ bảo vật. Có năm ngàn lan-can và hàng ngàn hàng vạn khám thất. Trang hoàng bằng vô số cờ phan, và mắc rủ xuống là những vòng hoa ngọc. Chuông nhỏ quý báu thì có cả vạn ức, cũng được treo lên. Mọi phía bảo tháp đều phát ra hơi thơm đàn hương, tỏa khắp thế giới này. Bảo cái có mắc phan phướn thì do bạc, vàng, lưu ly, xa cừ, mã não, trân châu và mai khôi, bảy chất liệu quý báu như vậy kết hợp tạo thành, và cao đến cung trời Tứ thiên vương. Chư thiên của tầng trời Đao Lợi thì rưới hoa mạn-đà của chư thiên mà hiến cúng bảo tháp. Tám bộ và ngàn vạn ức chúng khác cũng hiến cúng, cung kính, tôn trọng và tán dương bảo tháp bằng các loại hoa, hương liệu, vòng hoa, cờ phan, lọng dù và kịch nhạc1.

Đại bảo tháp chứa Đa Bảo Phật-đà (một vị Phật quá khứ) xuất hiện bất cứ khi nào kinh Liên hoa được thuyết giảng. Đức Thế Tôn bèn chiêu tập các chư Phật hóa thân của Như Lai hiện đang thuyết pháp giáo hóa ở mười phương quốc độ. Tất cả các chư Phật hóa thân tụ hội, mỗi Ngài đều ngự trên tòa sư tử dưới cây ngọc báu. Vô lượng các vị Phật cùng các vị Bồ-tát thấy Đức Phật Sakyamuni ngồi bên Phật quá khứ trong Đại bảo tháp. Sakyamuni nói Người chuẩn bị nhập Niết-bàn và tất cả vị Phật, các vị Bồ-tát thề nguyện trước Người sẽ nối tiếp thuyết giảng kinh Liên hoa. Ấy là vì vậy mà các vị Phật trong 72 stupa quy tụ quanh đại stupa cao nhất nhưng quay ra bốn phương tám hướng: họ đang thực hiện lời thề nguyền tuyên thuyết Pháp hoa.

“Ai có năng lực

diễn giảng Pháp hoa,

thì thế tức là

thấy được Như Lai,

thấy Đức Đa Bảo

cùng chư hóa Phật”.

Như vậy, 10 tầng tháp Borobudur biểu tượng hóa 10 giai đoạn tinh tấn mà một Bồ-tát phải trải qua để đạt đến Phật quả. Con đường của khách hành hương từ dưới chân lên đỉnh (núi) tháp mang ý nghĩa hành trình từ thế giới ảo ảnh đến tỉnh thức chân lý.   

Tuy nhiên, hoàn toàn không kể đến thời gian di chuyển, nếu mắt ta dừng chỉ 10 giây ở mỗi tác phẩm điêu khắc của Borobudur thì đã phải 5 tiếng rưỡi để lướt qua tất cả những bức phù điêu và những bức tượng Phật. Thành ra 4 tiếng rưỡi buổi sớm, hầu như không tốn thời gian chụp hình, cũng chỉ đủ cho chúng tôi đi chậm rãi một lượt qua các tầng tháp, dừng lâu hơn ở những phù điêu nổi tiếng nhất, qua 72 stupa trước khi nhiễu ba vòng quanh tháp lớn trung tâm trên cùng. Mới là một hiểu biết tri thức tối thiểu (Jnana) chứ chưa phải hiểu biết viên mãn (Vijnana) về con đường của Borobudur, “thấy tháp Phật như thấy Phật”. Tôi hình dung, lời tự hứa với lòng về một cơ duyên quay trở lại trọn vẹn hơn chắc cũng là kỷ vật mà Borobudur tặng cho nhiều trong số những người lần đầu tiên đến đây như mình. Để rồi bỗng bâng khuâng những ai đã từng và sẽ còn đến, đặt bước trên những lối đá này của Borobudur…

Qua suốt ngàn năm và mỗi mỗi bình minh

Từng bước nơi Borobudur, nghe hương vị cổ kính của thời gian xa ngái, trong đó man mác cả những ngậm ngùi dâu bể.

Borobudur được xây dựng sau thời điểm Đức Phật đản sinh hơn 1.000 năm. Java và Sumantra có thể nói là những miền đất Đông Nam Á ở cách quê hương của Đức Phật xa nhất (hơn 5.000km). Nhưng trong thế kỷ VII và thế kỷ VIII, nơi đây trở thành một trong những trung tâm học thuật nổi tiếng của thế giới Phật giáo. Nhà sư Nghĩa Tịnh (635-731) của Trung Hoa đời Đường đã tới Sumantra năm 671, ở lại đây 6 tháng học tiếng Sanskrit. Đại Đường Tây Vực cầu pháp cao tăng truyện của ông ghi chép rằng nơi này khi đó thu hút những tu sĩ, học giả Ấn Độ đến hoằng pháp và nhiều khách hành hương Trung Hoa đến tu học. Phật giáo đã có một thời hoàng kim rực rỡ ở miền Trung Java, với rất nhiều chùa tháp nguy nga được xây dựng trong khoảng từ năm 750 đến năm 850. Nhưng từ đầu thế kỷ X, nền văn minh này đột ngột biến mất. Do sự tấn công của những thế lực thù địch, do những thảm họa tự nhiên…, Borobudur gần như bị quên lãng, ngủ giấc ngủ ngàn năm cho đến khi được đánh thức do những cuộc thám hiểm, những cuộc khai quật trong thế kỷ XIX của các quan chức, học giả phương Tây. Sau nhiều nỗ lực phục hồi di sản nhờ sự hỗ trợ của UNESCO và nguồn kinh phí lớn của chính phủ Indonesia, công sức của các nhà khoa học, các kiến trúc sư, kỹ sư, thợ thủ công…, đầu năm 1983, Tổng thống Suharto chính thức công bố với thế giới sự trở lại của Borobudur. Từ đó, mỗi năm hàng triệu người trên khắp thế giới tìm về chiêm ngưỡng bảo tháp. 

Hai thời điểm thu hút những du khách “sành điệu” đến Borobudur là lúc bình minh (Borobudur sunrise) và hoàng hôn (Borobudur sunset). Sáng sớm hôm đó, chúng tôi đến Borobudur cùng một tour guide “lão luyện” mà chúng tôi đã nhờ Công ty Du lịch Thanh niên xung phong (TP.Hồ Chí Minh) và công ty đối tác Indonesia của họ cẩn thận tuyển lựa để có thể được nghe hướng dẫn thật tỉ mỉ, kỹ lưỡng. Chiều tối, chúng tôi trở lại một mình. Buổi sáng chúng tôi trở ra ngược với dòng du khách đổ vào thì giờ đây chúng tôi trèo lên cũng ngược dòng với những du khách lấy tour ban ngày đang đi xuống theo tiếng loa nhắc gọi. Số du khách lấy tour hoàng hôn ít hơn nhiều so với tour bình minh. Gương mặt những du khách thời khắc rạng ánh ngày thường nhiều tò mò, háo hức; gương mặt những du khách nuối tiếc níu tia sáng cuối cùng của mặt trời dường như lại thoáng nét trầm ngâm, mơ màng. Sáng sớm, nhiều người giương sẵn các thiết bị ghi hình đủ loại; chiều tối, phần đông chỉ hướng mắt phía chân trời. Chúng tôi tự hỏi có bao người cũng đến đây lúc ban mai và trở lại khi chiều tắt giống như mình? Bóng tối dần buông. Chúng tôi ngồi xếp bằng trên nền đá, dưới chân những stupa, thư thái, để tâm trí hoàn toàn trong trẻo, chẳng bận tâm ngàn năm hay mỗi ngày. Nếu đó là tọa thiền thì chỉ bởi vì hít thở thật tự nhiên giữa vũ trụ đã là thiền, “bình thường tâm thị đạo”. Cho đến khi những người bảo vệ di tích báo đã 7 giờ tối, “hết giờ!”, chúng tôi soi đèn pin trên lối đá đi xuống, chẳng mấy chốc thấy mình đã hòa vào những con phố, những quán hàng…

buro 3.jpg

 
Sơ đồ phân bố những chuỗi phù điêu kể chuyện trên các bức tường Borobudur

Ở sân bay Adisucipto, chúng tôi mua cuốn sách Borobudur - Golden Tales of the Buddhas (Borobudur - Những câu chuyện huy hoàng về các vị Phật) của John Miksic, với tranh ảnh tuyệt đẹp được Marcello và Anita Tranchini thực hiện. Cùng với họ, chúng tôi một lần nữa bước lên những bậc đá của Borobudur, trải nghiệm khí quyển đặc biệt mà kiến trúc có thể kiến tạo cho tâm thức, “ngâm nga” (theo cách nói của nhà văn Hồ Anh Thái) các bức phù điêu, các bức tượng Phật sống động và thâm trầm đến thế, suy ngẫm về những kiến giải tràn đầy cảm hứng của các nhà khoa học đối với biểu tượng Borobudur… Để thêm một lần ngỡ ngàng, xúc động mới mẻ trước Borobudur kỳ vĩ, trác tuyệt có thể dẫn dắt hành trình tỉnh thức, qua suốt ngàn năm và mỗi mỗi bình minh.               

Tạm biệt Borobudur, trở về thành phố quê hương, bao nhiêu công việc sẵn chờ đó lại cuốn ta đi trong guồng quay vội vã. Rồi ngày qua ngày, ta có thể vui sướng nhận ra những xúc động vẫn lắng đọng sâu thẳm, dần dà hóa chuyển từ ấn tượng mãnh liệt thành êm ái, an nhiên, hòa vào nhịp đời thường nhật.  

Rốt cuộc, nếu cần một tính từ duy nhất cho Borobudur? Riêng tôi nghĩ rằng, có lẽ chỉ là “Borobudur” thôi.

Phan Thị Thu Hiền

 ____________

1 Kinh Hoa sen Chánh pháp (Diệu pháp Liên hoa kinh), Hòa thượng Thích Trí Quang dịch giải.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.