Bóng Thầy giữa cõi sắc không

Cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Phước Sơn - Ảnh: Võ Văn Tường
Cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Phước Sơn - Ảnh: Võ Văn Tường
0:00 / 0:00
0:00
GN - Vậy là gần một năm từ ngày Thầy buông bỏ những gì không phải của Thầy để tự tại thong dong trong thế giới vô tung.

Tôi được nhắc nhở vì quý thầy biết rằng không báo trước là tôi sẽ quên mất ngày lễ tiểu tường của Thầy trong ngày Phật đản sắp tới! Quả thật, trí nhớ của tôi rất tệ trong các sinh hoạt như thế! Rất nhiều lần tôi bị trách mắng vì sự vô tình này, vì người ta ít thấy bóng dáng của tôi trong những buổi lễ thù tạc, nơi mà mọi người có cơ hội gặp gỡ nhau để hâm nóng lại những kỷ niệm yêu thương với người mới mất hay đã khuất bóng từ lâu! Tôi cũng nghe râm ran nhiều về cuộc đời Thầy sau khi Thầy cưỡi hạc vân du, biết thêm ít nhiều giai thoại về Thầy và ước gì người ta thường thăm viếng và trò chuyện khi Thầy còn sanh tiền!

Kể cũng lạ vì không nhiều người biết đến và nhớ đến sự hiện diện của Thầy ở ngôi đại tự, và là đại học Phật giáo, nơi mà căn phòng nhỏ của Thầy vẫn lặng lẽ nằm im trong cái không khí rộn ràng của đông đảo Tăng Ni, Phật tử sinh hoạt mỗi ngày! Những lúc Thầy bị bệnh, nhập viện cũng chẳng mấy người thăm viếng, săn sóc! Cho đến cái thời khắc Thầy sắp cưỡi hạc vân du, cái chỗ trọ khiêm tốn của Thầy cũng không mấy người lai vãng, ngoài một vài vị thị giả. Học trò xuất gia và tại gia của Thầy nhiều lắm, vì Thầy không chỉ làm việc trong lãnh vực giáo dục, nghiên cứu mà còn tham gia công tác hoằng pháp! Thế nhưng qua sông rồi dường như ít người nhớ đến ông lái đò! Một ông lái đò trí tuệ và đức hạnh hiếm có như Thầy thật khó tìm trong cái thế giới đầy vật chất và thực dụng này!

Tôi không phải đệ tử xuất gia của Thầy, mà chỉ là học trò, nhưng may mắn được sống trong cùng trú xứ! Trong bốn năm học tập, có lẽ Thầy chẳng có ấn tượng gì nhiều về một học tăng trung bình môn Hán cổ như tôi! Ký ức của tôi về Thầy trong thời gian đầu là hình ảnh của một vị Sa-môn với đời sống giản dị, chuẩn mực trong cách hành xử, nghiêm túc trong giáo dục và nghiêm nghị đối với Tăng Ni trẻ. Với sự kính trọng pha lẫn chút e dè, chúng tôi thường gọi Thầy là “Cụ Khổng”, vì chỗ nào Thầy xuất hiện là không khí ở đó trở nên trang nghiêm, trầm lắng! Tuy nhiên, Thầy lại rất hòa đồng trong sinh hoạt cùng chúng Tăng. Ngoài giờ nghiên cứu, giảng dạy, hành thiền, Thầy vui vẻ và thân thiện tham gia các hoạt động thể dục thể thao cùng các học tăng. Những lúc như thế, Thầy khiến học tăng có cảm giác gần gũi, thân thương và ấm áp… Nụ cười hoan hỷ của Thầy vào những lúc ấy đã là chất liệu nối kết tình thầy trò lại với nhau trong đời sống hàng ngày.

Thời gian cứ thế trôi qua! Thầy vẫn lặng lẽ trong nếp sống thiền môn thanh đạm, âm thầm đóng góp trí tuệ và công sức cho sự nghiệp giáo dục Phật giáo. Thầy như con tằm nhả tơ để làm đẹp cuộc đời mà không một ý niệm mong cầu. Sản phẩm Thầy cống hiến cho nhân thế không chỉ là các tác phẩm biên soạn, phiên dịch, trước tác có giá trị trong lãnh vực nghiên cứu học thuật, mà còn chuyển tải nội lực tâm linh của một bậc chân tu thực nghiệm. Như là hệ quả, những trăn trở, thao thức và ước nguyện của Thầy về một Tăng đoàn Phật giáo đầy đủ phẩm chất và giá trị thật sự đối với sự tồn tại của nó đã và đang lưu chuyển vào tâm tư của nhiều người học trò với lý tưởng xuất gia chuẩn mực. Dù độc hành suốt hơn 60 năm trên con đường tu học và hành đạo, Thầy vẫn kiên định hạnh độc cư giữa cảnh phồn hoa náo thị. Mặc ai chạy ngược chạy xuôi trong vòng xoáy danh lợi, địa vị, Thầy vẫn an nhiên trước những thăng trầm của thế sự. Lời dạy của tiền nhân “Vạn sự như lôi nhất tâm thiền định” dường như đang được Thầy thể hiện bằng chính cuộc sống của mình!

Thầy luôn khuyên hàng hậu học đừng quá bận rộn với những thị phi của cuộc đời, vốn là một thói quen khá tiêu cực không chỉ thịnh hành trong đời sống thế gian mà đang len lỏi ngay trong thế giới tôn giáo! Không chỉ khuyên người mà Thầy đã tự mình thực hiện hóa lời dạy của Đức Phật một cách sinh động qua nếp sống điềm tĩnh, an tịnh, trầm lặng để thắng vượt tám ngọn gió đang làm điên đảo cuộc đời (“Bát phong”: lợi, suy, vui, khổ, vinh, nhục, khen, chê).

Không chùa chiền, không đệ tử, không để lại tài sản vật chất gì có giá trị, nhưng cuộc đời Thầy mãi là tấm gương sáng để hậu thế soi mình! Khi tài danh sắc thực thùy đang là mục tiêu của mọi đối tượng trong xã hội ngày nay, khi mà nếp sống người tu hành bị xã hội hóa, vật chất hóa, hành chánh hóa thì đời sống thiểu dục tri túc, nghiêm trì giới định tuệ của một bậc chân tu gắn chặt với tiếng chuông sớm tối trong chốn thiền môn quả thật là một hình mẫu đáng để cho giới Phật tử đương thời suy gẫm…!

Không phải là người thân tín của Thầy, nhưng thỉnh thoảng tôi đến vấn an Thầy để được ngồi dưới chân Thầy, để khoe với Thầy những công việc mà tôi đã và đang làm. Thầy rất quan tâm đến chương trình giáo dục của Giáo hội. Khi được biết Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương đang biên soạn bộ giáo trình trung cấp Phật học, Thầy rất vui mừng và sẵn lòng cho phép tôi sử dụng các tư liệu quý của Thầy nghiên cứu cho công tác có ý nghĩa này. Câu chuyện giữa Thầy và tôi mỗi khi có duyên hội ngộ thường xoay quanh nội dung giáo dục Phật giáo, chương trình đào tạo của học viện, của các trường trung cấp, công tác hoằng pháp… Là người biết rõ những khó khăn, thử thách, và sự đơn độc trong lãnh vực này nên Thầy luôn dặn dò, động viên tôi cần phải kiên trì với lý tưởng. Có thể nói rằng sự khích lệ, sách tấn, chia sẻ của Thầy là nguồn động lực vô giá giúp tôi vững vàng và kiên định với chọn lựa của mình!

… Tôi may mắn được đến ngồi bên Thầy trước vài giờ Thầy mãi mãi đi xa! Thầy vẫn tỉnh táo và nhận biết sự hiện diện của tôi mặc dù Thầy không nói. Được biết, cả tuần đó Thầy chỉ ra dấu, hoặc cố chút sức tàn, nguệch ngoạc vài chữ vào cuốn sổ nhỏ để thị giả biết ý mà làm! Thầy từ chối tiếp nhận thức ăn, nước uống đã vài ba hôm, nhưng vẫn chánh niệm lắng nghe những lời Phật dạy trong kinh Trung bộ, Tương ưng… cho đến lúc Thầy xả báo thân!

Mới đó mà đã một năm rồi kể từ ngày Thầy đi vào cõi tịnh, nhưng sao tôi vẫn không có cảm giác vắng Thầy hay mất Thầy! Có phải chăng bởi vì hình bóng của Thầy, lời dặn dò của Thầy, mong ước của Thầy vẫn hiện diện trên bước đường tu học và hành đạo của tôi! Đức hạnh của Thầy vẫn còn mãi giữa cõi sắc không!

Chùa Từ Mãn, Củ Chi - Mùa sen nở

Trưởng lão Hòa thượng Thích Phước Sơn sinh năm 1938, trong một gia đình thâm tín ngôi Tam bảo, tại làng Xuân Quang, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.

Hòa thượng từng đảm nhiệm chức vụ Trưởng ban Ban Phật giáo Việt Nam trực thuộc Viên Nghiên cứu Phật học Việt Nam, sau đó được bổ nhiệm chức vụ Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam từ nhiệm kỳ VII (2012 - 2017).

Tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ VIII (2017-2022), Hòa thượng được Giáo hội cung cử vào Ban Chứng minh Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam.

Do niên cao lạp trưởng, Hòa thượng đã chánh niệm xả báo thân vào lúc 2 giờ 56 phút, ngày 16 tháng 4 nhuận, năm Canh Tý, Phật lịch 2563 (7-6-2020) trong căn phòng yên tĩnh của Tăng xá thiền viện Vạn Hạnh (quận Phú Nhuận, TP.HCM). Trụ thế 84 năm, với 47 hạ lạp.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.