GN - Con cái đối với cha mẹ là mối quan hệ huyết thống gia đình. Bất cứ thời đại nào thì mối quan hệ này cũng được đề cao và xem trọng. Gia đình là thành viên của xã hội, nếu một gia đình đầm ấm hạnh phúc thì xã hội bình yên, ngược lại nếu gia đình lục đục thì xã hội rối loạn.
Gieo hạt thiện lành cho con - Ảnh minh họa
Kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt (Trường bộ kinh, số 31), Đức Phật dạy năm bổn phận của cha mẹ đối với con cái. “Này Gia chủ tử, được con phụng dưỡng như phương Đông, theo năm cách như vậy, cha mẹ có lòng thương tưởng đến con theo năm cách: Ngăn chặn con làm điều ác; khuyến khích con làm điều thiện; dạy con nghề nghiệp, cưới vợ xứng đáng cho con; đúng thời trao của thừa tự cho con. Này Gia chủ tử, như vậy là cha mẹ được con phụng dưỡng như phương Đông theo năm cách và cha mẹ có lòng thương tưởng con theo năm cách”.
Bây giờ, chúng ta đi vào phân tích năm bổn phận cao cả này để thấy được tinh thần giáo dục trong gia đình quan trọng đến nhường nào.
Ngăn chặn con làm điều ác
Cha mẹ là “những vị thầy đầu đời” của con cái. Khi ở nhà cha mẹ là thầy cô giáo dạy bảo những điều hay lẽ phải để làm hành trang cho con bước vào đời. Đức Phật dùng thuật ngữ papa nivarenti để nói đến bổn phận của cha mẹ là phải can ngăn con cái khỏi những hành động bất thiện. Papa có nghĩa là bất cứ hành động bất thiện nào được thể hiện qua lời nói, hành động và ý nghĩ. Nivarenti muốn nói đến nỗ lực để tránh xa hành động bất thiện này. Giúp con cái tránh xa những hành động xấu ác là một phần trong việc giáo dục con cái của cha mẹ.
Cha mẹ có những biện pháp nào để ngăn cản những hoàn cảnh có thể lôi kéo con cái họ vào những hành động bất thiện? Đức Phật không tin rằng một phương pháp mạnh, như trừng phạt, đánh đập sẽ giúp cho các bậc cha mẹ đạt được mục đích này. Ngài từng nói: “Tất cả mọi người đều bị sự trừng phạt đe dọa, ám ảnh”, và Ngài bác bỏ bất cứ hình thức trừng phạt nào. Không thể tìm thấy trong bộ tạng kinh Pitaka bất cứ điều gì để chứng tỏ rằng sự trừng phạt là một phương cách hữu hiệu để rèn luyện nhân cách cho trẻ. Trái với sự suy nghĩ rằng “không đánh thì con hư”, Đức Phật từ bi đã đề nghị những phương cách tốt hơn để giúp rèn luyện nhân cách cho trẻ - những phương cách này sẽ được nói đến sau đây.
Đức Phật không bao giờ khuyến khích việc sử dụng những lời chửi mắng như là một phương cách hữu hiệu để giúp con trẻ loại bỏ những hành vi bất thiện. Ngài dạy rằng, một phản ứng giận dữ chắc chắn đưa tới kết quả của việc sử dụng những lời nói nặng nề, xúc phạm. Trong một đoạn kinh, Đức Phật cho rằng những lời cộc cằn, thô lỗ chỉ có thể đưa đến sự bực tức, khổ đau cho người nói. Dựa trên quan điểm này, ta thấy rằng việc chửi mắng, thóa mạ cũng giống như việc trừng phạt con cái bằng cách đánh đập, sẽ không giúp ích gì cho cha mẹ trong việc khuyên bảo con cái họ tránh xa những hành động bất thiện.
Khuyên nhủ là một phương cách hữu hiệu để giúp con cái không đi theo những cách sống tai hại. Nhưng trước hết, chính cha mẹ phải là những người gương mẫu: “Trước khi giáo huấn ai, phải tự xét lại mình”. Muốn cho con cái nghe lời mình, trước hết cha mẹ phải thực hành những lời dạy của chính mình. Khi chính cha mẹ cũng kiềm chế không làm những hành động xấu ác, thì họ sẽ dễ dàng thuyết phục con cái mình tránh xa khỏi những điều tương tự.
Tóm lại, theo Đức Phật, có được phương cách để giúp con cái không trở thành xấu ác, vô đạo đức là một bổn phận tiên quyết của các bậc làm cha mẹ. Thay vì giao bổn phận đó cho các thầy cô giáo, hay các nhà tôn giáo, chính cha mẹ cũng phải cho con cái thấy sự quan tâm của họ và có bổn phận giúp con cái họ không học theo những thói quen xấu của cá nhân hay xã hội.
Khuyến khích con làm điều thiện
Không làm các việc ác, siêng làm các việc lành, giữ tâm ý trong sạch, đó là lời Phật dạy. Đây là lời dạy căn bản nhất của Đức Phật đối với chúng đệ tử của Ngài. Bổn phận của người làm cha làm mẹ là phải hướng dẫn con cái biết làm việc phước thiện. Đức Phật đã dùng thuật ngữ Pali kalyane nivesenti để nói về điều đó. Kalyane có nghĩa là “những hành động tốt đẹp, dễ thương và đạo đức”. Nivesenti có nghĩa là “thiết lập”, hay “là nguyên nhân của”.
Hành vi thiện ý chỉ những lời nói, hành động và ý nghĩ xuất phát từ lòng từ bi, bác ái và trí tuệ. Do đó các yếu tố của hành vi đạo đức là sự thực hành bố thí (dana), gìn giữ giới luật (sila), và phát triển tâm trí (bhavana). Đức Phật khuyến khích cha mẹ ươm trồng những tư tưởng và hành động này cho con cái họ. Với sự tận tâm dạy bảo của cha mẹ, con cái sẽ có thể có được những đức tính này.
Lại nữa, cha mẹ phải có một đời sống làm ăn lương thiện, chơn chánh. Nghĩa là kiếm sống bằng nghề chơn chánh, kiếm tiền bằng chính tài năng và trí tuệ của mình. Đức Phật luôn nhấn mạnh rằng việc giao tiếp với thiện tri thức (pandita) sẽ bổ sung thêm cho cá tính của ta; do đó cha mẹ cần phải thuyết phục con cái họ kết bạn với những người như thế. Lần nữa, Đức Phật nhấn mạnh đến việc dùng ái ngữ, như là một phương cách hữu hiệu để những người có trách nhiệm gieo trồng các hành vi thiện cho người khác. Các bậc cha mẹ muốn giáo huấn, hướng dẫn con đến cái thiện, cũng phải làm như thế.
Tuy nhiên, Đức Phật cũng thấy rằng không phải lúc nào chúng ta cũng có thể đem lại hạnh phúc tức thì cho người mà ta đang cố gắng dìu dắt họ hướng đến các hành động thiện. Nhất là các bậc cha mẹ, họ sẽ cảm thấy khó làm vừa lòng con cái với những lời khuyên nhủ, dạy dỗ chân chánh. Con cái thì thích làm bất cứ điều gì đem lại cho chúng những sự thỏa mãn tức thì hơn là những ích lợi dài lâu. Chúng có thể cảm thấy rất bực bội khi nghe những lời cha mẹ khuyên dạy, không giống với những điều chúng muốn làm.
Vào những trường hợp như thế, Đức Phật khuyên cha mẹ phải cứng rắn bảo vệ những giá trị của lời mình dạy, chứ không nên chiều con. Khi cha mẹ biết rằng mình đang sử dụng những phương cách chánh đáng vì sự phát triển nhân cách của con cái, họ phải cương quyết đi đến cùng chứ không thể chùn bước.
Bằng lời nói và hành động, Đức Phật đã gửi gắm thông điệp rằng cha mẹ cần hướng dẫn con cái đến những điều thiện mỹ. Bổn phận của cha mẹ là khuyến khích con cái họ nói, làm và suy nghĩ những điều thiện. Sự dạy dỗ, dìu dắt này phải là mục đích chính của cha mẹ, không phải là một vấn đề phụ thuộc.
Cùng con tắm cho Bụt - Ảnh: Làng Mai
Dạy con nghề nghiệp
Dạy con nghề nghiệp là bổn phận quan trọng của cha mẹ đối với con cái. Ngày còn bé cha mẹ cho miếng cơm, manh áo, ngày lớn khôn lo dựng vợ gả chồng, tạo sự nghiệp kinh doanh cho con cái nương nhờ tương lai. Kinh Sigalovada dạy, cha mẹ phải tạo điều kiện để con được giáo dục hướng đến một nghề nghiệp thích hợp. Đây là một nhu cầu cần thiết. Vì nếu chỉ dạy con từ bỏ việc ác, siêng làm việc thiện mới chỉ là nền tảng đạo đức cơ bản. Tương lai đời sống con cái có nên danh hay không đó là phải hướng nghiệp cho con cái. Cha mẹ phải biết chọn nghề nào cho thích hợp với con của mình. Đừng gượng ép trái nghề, hay nghề mà con không thích thì không đưa đến kết quả tốt và thành công về sau.
Bổn phận này cho ta thấy rằng cha mẹ cần có những phương cách để làm cho cuộc sống của con cái được tốt hơn, bên cạnh việc giúp con cái họ phát triển nhân cách. Trong kinh Mangala, Đức Phật dạy: “có tri thức rộng, có kỹ năng, kỷ luật và ái ngữ là những ân sủng”. “Kỷ luật” và “ái ngữ” thuộc về sự phát triển nhân cách; “tri thức rộng” và “khả năng” là những chuẩn mực trong nghề nghiệp. Con cái cần sự giúp đỡ của cha mẹ trong cả hai lãnh vực này.
Theo phong tục của người Việt, trong ngày làm lễ thôi nôi, người ta bày trên bàn những dụng cụ như: kim tiêm, kềm, bay, đục, bào, hay bút vở... Khi thấy con chọn kim tiêm thì biết rằng sở thích của con là muốn làm bác sĩ, nếu chọn đục, bào thì biết con sau này sẽ thích làm nghề thợ mộc; nếu chọn cái bay thì làm thợ nề, còn nếu chọn bút vở thì biết con mình sau này sẽ muốn học hành, làm việc văn phòng. Hãy cho trẻ tự động chọn theo sở thích, để biết con mình muốn nghề gì. Đồng thời cũng phải biết thời trong cuộc sống hiện tại, nghề nào lương thiện làm ăn tốt thì hướng nghiệp cho con cái đi theo. Nghề nghiệp của con cái phải phù hợp với sức khỏe, kỹ năng và sở thích. Làm được như vậy chắc chắn tương lai của con cái sẽ thành công.
Giúp con cái chọn bạn đời
Chọn bạn đời cho con là vấn đề vô cùng thiết yếu. Ở đây không có nghĩa là cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, mà cha mẹ đóng vai trò tư vấn và truyền trao kinh nghiệm vốn có của mình để con cái chọn bạn đời xứng đôi vừa lứa, hợp với nhau lâu dài. Tình yêu và hôn nhân là chuyện của con cái. Nhưng nếu để con cái tự quyết trong vấn đề này thì chưa chắc đã bảo đảm hạnh phúc lứa đôi lâu dài. Ở các nước phương Tây, khi đủ 18 tuổi thì con cái tự quyết định chọn bạn đời và đưa về giới thiệu cho cha mẹ. Nó như chuyện đã rồi, cha mẹ không xen vào chuyện yêu đương của con cái. Đây cũng là một quyền lợi riêng tư, nhưng do quá riêng tư cho con cái thành ra tỷ lệ ly hôn xảy ra ở các nước này rất cao. Trong lúc ở Việt Nam, Ấn Độ và các nước châu Á thì con cái chọn bạn đời có sự can thiệp của cha mẹ. Con cái xem cha mẹ như người bạn có thể tâm sự mọi chuyện riêng tư, thành ra ở các nước này tỷ lệ ly hôn thấp hơn.
Trong thời Đức Phật, sự tham gia của cha mẹ vào việc tìm người phối ngẫu cho con cái có vẻ rất thích hợp. Một phần vì trước đây ở Ấn Độ không có một hệ thống giáo dục cho tất cả, thế hệ trẻ không có sự lựa chọn người phối ngẫu một cách khôn ngoan. Mặt khác, vì không có những luật lệ về hôn nhân cố định, nhiều người sau khi lập gia đình thường bỏ nhau mà không có những bổn phận đối với con cái hay người họ bỏ rơi. Trong hoàn cảnh xã hội đó, Đức Phật đã khuyên cha mẹ nên giúp con cái họ chọn lựa những người bạn phối ngẫu thích hợp.
Hôn nhân là một bước quan trọng trong cuộc đời của một người bạn trẻ. Những hướng dẫn của cha mẹ có thể làm phong phú thêm sự hiểu biết của con cái về việc chọn lựa một người bạn đời thích hợp. Nhờ thế, cha mẹ có lý do để hãnh diện khi họ có thể giúp con cái ở bước ngoặt quan trọng này và lời khuyên của Đức Phật dường như vẫn rất thực tế, ngay cả ở thời đại bây giờ.(*)
Trao của thừa tự cho con đúng thời điểm
Cuối cùng, Đức Phật khuyên cha mẹ nên giao lại tài sản gia đình cho con cái. Dĩ nhiên Đức Phật không bảo cha mẹ phải giao hết tất cả tài sản gia đình cho con cái họ, để trở thành người vô gia cư vào lúc cuối đời. Thay vào đó, Đức Phật khuyên họ nên chuyển giao một phần tài sản gia đình cho con cái ở một thời điểm thích hợp. Hãy quán niệm những lời dạy của Đức Phật, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn điều này. Đức Phật dùng thuật ngữ dayajjam để chỉ phần tài sản gia đình mà người con có quyền được hưởng. Dayajjam có nghĩa là “một phần tài sản được coi như là món quà của cha mẹ dành cho con cái”. Một từ ngữ khác, samaye có nghĩa là “thời điểm thích hợp”.
Đúng thời điểm luôn tạo nên một giá trị lớn, bởi nếu trao của thừa tự sớm quá thì con cái chưa chín chắn trong chi tiêu, dẫn đến chuyện tiêu xài hoang phí, cuối cùng tán gia bại sản. Ngược lại, nếu trao của thừa tự quá muộn thì con cái mất cơ hội làm ăn phát triển kinh tế, đồng thời con cái sẽ dễ dị nghị, nghi ngờ cha mẹ. Do đó, lựa chọn một thời điểm thích hợp để trao của thờ tự là một việc làm trí tuệ. Mặc khác, để tránh sự tranh giành nhiều ít hay không đồng đều trong việc trao của thừa tự, bậc làm cha mẹ phải cân nhắc và minh bạch để tránh những hậu họa không cần thiết.
Tóm lại, Đức Phật đã hướng dẫn các cư sĩ tại gia các phương pháp giúp họ trở thành những bậc cha mẹ hạnh phúc khi dạy dỗ, giáo dục nên những đứa con đầy nhân cách. Khi nghĩ về sự thành công của mình trong vai trò làm cha mẹ, người ta có quyền được hãnh diện vì điều đó. Những nghĩa vụ này góp phần thắt chặt thêm mối liên hệ giữa cha mẹ và con cái. Đức Phật nhắc nhở con cái cần bày tỏ lòng biết ơn đối với cha mẹ khi cha mẹ đã hoàn thành nghĩa vụ của họ. Kết quả tích cực này cho ta thấy bổn phận của người làm cha mẹ có ý nghĩa thật lớn lao.
Thích Trung Định / Báo Giác Ngộ số 1064
.................
(*) Diệu Liên Lý Thu Linh (dịch từ Being Proud Parents, trích trong The Buddha’s Teachings on Prosperity, NXB Wisdom Publications)