Mất 3 tiếng rưỡi từ Sài Gòn về đến thị xã Sa Đéc, chỉ cần hỏi thăm cầu Sa Đéc ở đâu, bạn đã đến ngay trước ngõ của làng hoa Sa Đéc nổi tiếng rộng khoảng 60ha với 600 hộ chuyên trồng hoa và cây cảnh tại xã Tân Quy Đông.
Sắc hoa đồng bằng
Khác với những làng hoa đã quen thuộc ở Sài Gòn, hoa ở Sa Đéc được đặt trên giàn để tận dụng nước lên từ các con rạch nhỏ, tạo nên nét đẹp sông nước đặc biệt cho bạt ngàn hoa ở đây. Giàn được làm bằng tre và được chống bằng những viên gạch đúc riêng dài gần 1m. Tuy nhiên, được này mất kia, người trồng hoa ở đây lại khá vất vả vì luôn phải lội nước, bùn sình để chăm sóc từng luống hoa, tưới nước, bón phân...
Đến bất kỳ nhà nào, bạn cũng có thể xin phép vào nhìn ngắm, hít căng lồng ngực hương hoa đồng cỏ nội và hòa mình vào với những cánh đồng mênh mông hoa cúc vàng, vạn thọ, mồng gà, hướng dương… rực rỡ sắc màu.
Những chiếc cầu nhỏ bắc qua mương, những chiếc xe cút kít đẩy hoa nằm ngay bờ rạch, nắng xiên xiên qua từng khóm hoa, rất duyên! Làng hoa ở đây còn nguyên sơ, chưa có dấu vết nào của các tiểu cảnh dựng sẵn.
Chưa có nhiều khách du lịch, không cả kinh doanh, vì thế du khách có thể thong dong vừa trò chuyện thoải mái với người dân, vừa có thể chụp ảnh ôm hoa, tưới cây, gánh hoa… mà không thấy ai chen chúc, cũng không có cảnh đòi tiền, giật khách bát nháo. Đi đến đâu cũng thấy những nụ cười chân chất, hồn hậu, đúng kiểu miệt vườn Nam bộ.
Men theo đường ra bờ sông, bạn còn có thể nhìn thấy cảnh các chủ vựa hoa đang tập trung hoa chuyển xuống thuyền đi về lục tỉnh ngày tết, những tiếng gọi í ới, bước chân vác từng ôm hoa chạy nhanh nhanh. Chợt bùi ngùi nhớ tiếc cái không khí hối hả, nô nức "trên bến dưới thuyền" mà Sài Gòn mình đã chẳng còn...
Về đôi bờ xưa cũ
Rời làng hoa Sa Đéc, đón chuyến xe buýt 666 chỉ với 5.000 đồng ngay dưới chân cầu Sa Đéc, bạn sẽ đến ngay chợ Sa Đéc, trung tâm thị xã. Chợ Sa Đéc rất lớn, chia làm hai khu chính: chợ thực phẩm và chợ bán vật dụng, quần áo…
Khu chợ thực phẩm thật sự là một thiên đường với những ai ghiền ăn đặc sản miền Tây: khô mắm đủ loại, cá đồng tươi roi rói, so đũa, điên điển, vú sữa, cam Lai Vung… bày bán đầy vun trên từng bước chân đi. Ngoài khu chợ chính, chợ Sa Đéc còn có khu ven sông kéo dài hơn hai cây số, nhộn nhịp, ồn ào với đủ thứ thức ăn, quần áo…
Hòa vào dòng người đang hối hả đi sắm đồ tết, giữa những tiếng rao rặt Nam bộ và xa xa là tiếng xuồng máy phành phạch đặc trưng sông nước thật sự là một trải nghiệm thú vị đối với chúng tôi, những người vốn suốt ngày phải sống với tiếng còi xe chát chúa và thứ hơi lạnh nhân tạo của máy lạnh nơi phố thị.
Thả bộ dọc theo con đường của chợ ven sông này, chúng tôi còn khám phá thêm được rất nhiều nhà cổ, một nét chấm phá cổ kim độc đáo. Nằm lọt thỏm giữa những ngôi nhà cao tầng chen chúc ở chợ, những ngôi nhà cổ vẫn toát lên phong thái sang trọng, thanh nhã của ánh hào quang quá khứ.
Đối diện bến phà Tắc Ráng, ngôi nhà số 49 Nguyễn Huệ là một chỉnh thể kiến trúc toàn bích. Những hình chạm tinh xảo trên đỉnh mái ngói rêu phong, những mái che cửa sổ được chạm trổ cầu kỳ, tất cả tạo nên những đường cong huyền bí cho căn nhà trong ánh chiều bên sông.
Tất nhiên, đã nhắc đến nhà cổ thì không thể bỏ qua căn nhà cổ nổi tiếng của ông Huỳnh Thủy Lê ở số 225A Nguyễn Huệ, được chỉnh sửa và hoàn chỉnh từ năm 1917. Được biết đến nhiều qua tiểu thuyết và bộ phim Người tình của nữ nhà văn Marguerite Dumas, căn nhà cổ này từ lâu đã trở thành điểm đến của rất nhiều du khách người nước ngoài, đặc biệt người Pháp. Kiến trúc của nhà là sự hòa hợp tinh tế giữa phong cách Pháp bên ngoài và Trung Hoa bên trong.
Việc đầu tư khai thác du lịch ở đây khá tốt với hướng dẫn viên nói được lưu loát cả ba thứ tiếng Việt, Anh, Pháp và có cả dịch vụ cho khách du lịch nghỉ lại qua đêm, thậm chí hưởng tuần trăng mật…
Chúng tôi kết thúc chuyến hành trình bằng một bữa ăn vặt bốn món chỉ vỏn vẹn 23.000 đồng cho 4 người ở khu chợ trời (chỉ mở sau 4 giờ chiều). Đường về nhà, đi ngang qua mênh mông ruộng lúa vùng đồng bằng châu thổ, những chiếc xe chở đầy hoa hối hả về Sài Gòn bán tết, chưa bao giờ lòng lại hân hoan, lại thấy yêu lạ yêu lùng cái tết của Việt Nam mình đến thế!