GNO - Bố tôi làm nghề bán hàng rong - một công việc lặng thầm như đầy vất vả.
Hằng năm, vào độ mầm non "dệt" tấm áo nhung xanh, mởn mởn lên khắp những đường làng, ngõ xóm - báo hiệu một mùa xuân mới đang về, bố tôi lại tất bật cho việc chuẩn bị những món hàng rong bé nhỏ, xinh xinh như bao tay, kẹp tóc, hoa giấy, băng đĩa nhạc… để đi bán chợ Tết.
Bố & hàng rong - Ảnh chỉ mang tính minh họa
Thương vạt lưng còng của bố trên chiếc xe đạp cà tàng, lọm khọm từ lúc tảng sáng vượt qua những đoạn đường dốc đá lô nhô hơn mười mấy cây số để đến kịp phiên chợ xa. Thuở bé, tôi vẫn thường nũng nịu xin bố ngồi nép trong chiếc hộp nhỏ đựng hàng gắn bên hông xe, để được bố chở đi chợ Tết. Cảm giác được vi vu trong gió và đưa mắt dõi theo đàn chim én tung tăng chao lượn trên bầu trời ngập tràn nắng ấm thật thú vị biết bao.
Hồi ấy, tôi còn quá dại khờ và vô tư để kịp hiểu những nỗi cơ cực đè nặng lên đôi vai ướt sũng mồ hôi của bố. Thế nên, đến chợ Tết thấy những món đồ chơi đẹp tôi đều khóc lóc vòi bố mua cho bằng được mà nào có hay những đồng tiền ít ỏi bố dành dụm từ việc bán hàng rong còn phải trang trải cho biết bao khoản chi tiêu chật vật khác. Bố tôi vẫn thế, hiền từ, bao dung và chẳng bao giờ mắng tôi nửa lời.
Bố đã nuôi anh em tôi lớn khôn nhờ những mùa nắng sương bươn chải, bận rộn bán hàng rong ngoài chợ. Bây giờ thì tôi đã thấm thía những nếp nhăn in hình rõ nét trên vầng trán bố và vì sao tóc bố bạc màu.
Cuộc sống vùn vụt xoay vần cuốn theo nhiều sự thay đổi. Nhịp sống hiện đại với nhiều thứ mới hấp dẫn hơn khiến cho hàng rong của bố giờ đây đã thưa thớt khách mua. Nhưng bố vẫn kiên trì bám nghề. Bố bảo, “nó đã gắn bó với bố suốt hơn chục năm qua, bỏ nó, bố không chịu được”. Nghe bố nói mà nghẹn ngào nơi lồng ngực...
Tết năm nay, vẫn chiếc xe đạp cà tàng cũ kỹ, bố tôi đi bán hàng rong, trao mùa xuân nhỏ bé đến với mọi người…
Phan Đức Lộc (Yên Thành, Nghệ An)
Bài vở, hình ảnh cộng tác với Giác Ngộ online Mừng Xuân Giáp Ngọ 2014 xin gửi về địa chỉ Email giacngoxuan@gmail.com.