GN - Cuối tháng 3-2018, Trung ương Giáo hội đã ban hành thông tư về việc tổ chức Đại lễ tưởng niệm 55 năm Bồ-tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân. Theo đó, Đại lễ sẽ diễn ra tại thủ đô Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, tỉnh Thừa Thiên Huế và Khánh Hòa - quê hương huyết thống của Bồ-tát cũng như các tỉnh thành trên cả nước vào sáng ngày 3-6 (20-4 ÂL).
Bồ-tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân
Nhân sự kiện này, GN trích dẫn giới thiệu những nhận định của chư tôn đức giáo phẩm các thời kỳ, các học giả trong và ngoài nước, về ý nghĩa lịch sử vô tiền khoáng hậu và giá trị tâm linh của ngọn lửa Thích Quảng Đức, trái tim bất diệt của Ngài.
“Bồ-tát Thích Quảng Đức là một nhân vật lịch sử, đã cống hiến rất lớn vào sự nghiệp phụng sự đạo pháp và dân tộc, làm rạng danh Phật giáo Việt Nam và dân tộc Việt Nam.
Tôn dung Bồ-tát Thích Quảng Đức
Sự kiện Bồ-tát Thích Quảng Đức phát nguyện vị Pháp thiêu thân là một sự kiện lớn, gây chấn động thế giới, đánh thức lương tri toàn nhân loại. Ngài là một Phật tử Việt Nam, đứng trước cảnh đạo pháp lâm nguy, đất nước ly loạn, đã tỏ rõ một động thái hết sức xót xa nhưng đầy hào hùng sáng suốt của người con Phật: Vị Pháp thiêu thân nhằm phản đối chính sách đàn áp bạo tàn của thể chế độc tài Ngô Đình Diệm, kêu gọi sự hiểu biết, thái độ tôn trọng tự do tín ngưỡng, tinh thần hòa hợp đoàn kết dân tộc và lòng yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Ngài đã xả thân vì đạo pháp và dân tộc Việt Nam vốn mến chuộng công lý, tự do và hòa bình. Ngọn lửa tự thiêu của Bồ-tát Thích Quảng Đức đã thắp sáng hàng triệu con tim Việt Nam, đánh thức lương tri toàn nhân loại và đi vào lịch sử: “Ngàn năm mãi lưu tim Bồ-tát”.
HT.Thích Minh Châu
Tăng Ni Phật tử Sài Gòn - Gia Định diễu hành tưởng niệm các Phật tử tại Huế bị tàn sát
“Trước đây tôi không quen biết với Ngài, chỉ gặp một lần khi Ngài trụ trì chùa Phước Hòa, biết Ngài chuyên tâm trì tụng và lễ bái Pháp hoa. Giai đoạn trước khi Ngài tự thiêu tôi cũng chỉ biết mỗi một bức thư nói trên. Sau này mới biết, trước khi tự thiêu, Ngài chuẩn bị một cách chân thành, bình dị và kín đáo. Vẫn trì tụng lễ bái Pháp hoa hàng ngày. Vẫn sinh hoạt bình thường. Tế nhị lắm mới thấy Ngài có vẻ như người sắp đi xa. Quan trọng nhất là di chúc của Ngài. Một vị tân Tỳ-kheo gần Ngài mà đến hôm Ngài sắp tự thiêu mới biết được ý nguyện và bản di chúc ấy.
Ngài thiền định trong biển lửa
Bản di chúc ấy bình dị, chân thành, quan trọng nhất là ý thức chứa đựng bên trong. Chính ý thức này chứa đựng tâm nguyện Bồ-tát của Ngài. Không oán trách đến cả ông Diệm, Ngài chỉ nói tự đốt thân mình để cầu cho ông sáng suốt... Ngoài di chúc, Ngài còn một tấm ảnh và một quả tim. Về tấm ảnh, một ký giả chụp được lúc ngọn lửa bùng lên gần khắp người Ngài rồi, còn lại chỉ có một bên vai, gần một nửa trên đầu, trán cũng đã có lửa, chỉ mặt còn nguyên. Chính trong lúc như vậy mà nét mặt Ngài hoàn toàn bình thản, siêu thoát, không một nét nhăn hay một chút ráng sức. Bức ảnh này được giải thưởng quốc tế. Lại nghe nói lửa bùng lên hoàn toàn mà Ngài vẫn an tọa. Cho đến khi lửa tắt, một tấm hình khác cho thấy Ngài ngồi như pho tượng đồng đen. Sau đó một lúc Ngài mới gật đầu xuống như thể cúi chào Tăng Ni, Phật tử, rồi nhẹ nhàng bật ngửa người ra. Ngài tự thiêu mấy hôm rồi tôi mới vào Sài Gòn. Tình trạng khi Ngài tự thiêu, nghe nói cực kỳ bi tráng, cho đến nay vẫn là không tiền khoáng hậu”.
HT.Thích Trí Quang
Những bức ảnh của nhà báo Malcolm W. Browne ghi lại khoảnh khắc lịch sử
“Ngọn lửa tự thiêu của Bồ-tát Thích Quảng Đức đã góp phần to lớn vào việc mở đầu cho tự do tín ngưỡng và hòa hợp dân tộc trên lãnh thổ miền Nam Việt Nam, và mãi mãi là ngọn đuốc sáng soi đường cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam và toàn thể các hàng Phật tử ở trong nước cũng như trên thế giới”.
“Bùng cháy! Ngọn lửa ngất trời! Không thể nào tả xiết nỗi bàng hoàng của tất cả Tăng Ni và những người đứng xung quanh! Lệ rơi! Tiếng khóc vang lên!
Bức ảnh lịch sử đã đưa nhà báo Malcolm W. Browne đoạt giải ảnh báo chí thế giới Pulitzer năm 1963
Lập tức, tôi yêu cầu hai mươi vị Tăng Ni ra nằm chặn ở bốn đầu đường để xe cứu hỏa không thể vào nơi thiêu của Hòa thượng Quảng Đức. Biết rằng trong lúc diễn ra cuộc tự thiêu này, có cả Simon Michaud, đại diện Hãng thông tấn AFP của Pháp; Malcome Browne, đại diện AP của Mỹ và Neil Sheehan, đại diện UPI, đều chứng kiến tận mắt và xe của Đại tướng Mỹ Hawkins cũng tới chỗ hỏa thiêu này.
Sau 30 phút, thi hài của Hòa thượng Quảng Đức được rước về chùa Xá Lợi trên một lá cờ Phật giáo. Tới cổng chùa, ông Mai Thọ Truyền nằm lăn trên đất dưới thi hài của Hòa thượng từ cổng tới cửa nhà giảng. Rồi những làn sóng người bốn phương tràn tới chùa Xá Lợi để kính viếng một Bồ-tát đã thiêu thân. Đài phát thanh trong nước và khắp thế giới đều đưa tin vụ tự thiêu này.
Đức Hội chủ Tổng hội Phật giáo VN - HT.Thích Tịnh Khiết đến viếng ngài tại chùa Xá Lợi
Tin này đã làm rung chuyển lòng người trên khắp năm châu bốn biển, đã làm cho cả một chế độ gia đình trị và kỳ thị tôn giáo của ông Diệm phải lung lay. Vì thế, ông Diệm đã thúc giục hai bên, Ủy ban Liên bộ và Ủy ban Liên phái, sớm ngồi hội nghị và cùng ký bản thông cáo chung.
Cũng chính nhờ công đức hy sinh cao cả của Hòa thượng Quảng Đức mà ông Diệm ra lệnh phải giải tỏa tất cả các chùa. Sự thật chính phủ ông Ngô Đình Diệm ký thông cáo chung với Phật giáo chỉ là một kế hoãn binh để tạm thời xoa dịu khí thế của Phật giáo đương lên, được mọi người trong nước và ngoài nước tích cực ủng hộ về mặt ảnh hưởng và công luận”.
HT.Thích Đức Nghiệp
Thương phế binh do chính quyền Ngô Đình Diệm xúi giục đến chùa Xá Lợi gây rối
“Xin có một vài ý kiến tự đáy lòng để trình bày với chư Tăng và Phật tử. Thích Quảng Đức đã vị Pháp thiêu thân. Trong lòng tôi mấy mươi năm nay chỉ biết Thích Quảng Đức vị quốc thiêu thân. Và tôi thường nói Hòa thượng Thích Quảng Đức như là một người yêu nước. Không biết có đúng không nhưng mà Thích Quảng Đức cũng là một vị đại anh hùng của dân tộc”.
GS.Trần Văn Giàu
“Ngọn lửa tự thiêu ở Bồ-tát Thích Quảng Đức là một cảnh báo đối với nền văn minh quá thiên về vật chất, không chú trọng sức mạnh và quyền năng nội tâm”.
GS.Minh Chi
Chư tôn đức Trưởng lão xuống đường tại cố đô Huế
“Sự kiện vị Pháp thiêu thân của Bồ-tát Quảng Đức là một biểu trưng tâm linh bất diệt, cần phải được phân tích dưới nhiều góc độ khoa học, lịch sử, tôn giáo, để các thế hệ kế thừa ngày nay được học tập và nhận thức rõ ràng về ý nghĩa hành động vị Pháp thiêu thân ấy, vốn là động cơ, là sức mạnh của sự tập hợp đoàn kết, làm nên đại cuộc cho Đạo pháp và Dân tộc”.
GS.Lê Mạnh Thát
Với tinh thần từ bi, phương pháp đấu tranh của Phật giáo là bất bạo động
“Tại An dưỡng địa, trước sự chứng kiến của hơn 50 nhà báo quốc tế, nhục thân của Ngài thiêu từ sáng đến chiều, tới nghìn độ nhiệt, nhưng trái tim không cháy! Các ký giả giúp chạy mua thêm xăng dầu, nhưng đốt lại hai lần, trái tim vẫn vậy! Tin tức, hình ảnh về sự kỳ diệu đó nhanh chóng loan ra khắp thành phố Sài Gòn - Gia Định và truyền đi nhiều nơi trên thế giới…”.
“Chúng ta nhớ lại một câu chuyện về Hòa thượng Quảng Đức mà Hòa thượng Thiện Hào, nguyên Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, là nhân chứng trong cuộc, Hòa thượng Thiện Hào thường nhắc kỷ niệm về đêm nghỉ lại, đàm đạo suốt sáng và bữa cơm đưa tiễn thắm thiết tình Đạo nghĩa Nước sớm hôm sau với Hòa thượng Quảng Đức ở chùa Thiên Phước, Cai Lậy (nay thuộc tỉnh Tiền Giang), giữa năm 1960, ngày Hòa thượng Thiện Hào bắt đầu thoát ly ra chiến khu Đồng Tháp Mười rồi lên căn cứ Trung ương Cách mạng miền Nam. Năm 1963, từ chiến khu Dương Minh Châu (Tây Ninh), khi được tin Hòa thượng Quảng Đức dũng cảm tự thiêu vì đại nghĩa, Hòa thượng Thiện Hào đã kể với các vị ở Cơ quan thường trực Ủy ban T.Ư Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam: “Nhớ lời Hòa thượng (HT.Quảng Đức) dặn: “Thầy (HT.Thiện Hào) vô trong lo việc lớn, tôi ở ngoài này xin đóng góp sức nhỏ nhoi của mình. Hòa thượng nói mình chỉ “góp sức nhỏ nhoi” mà việc làm của Hòa thượng thật là vĩ đại…”.
Nguyễn Chính
Nguyên Q.Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ
“Đó là Hòa thượng Thích Quảng Đức, một điểm sáng chói ngời thể hiện tinh thần đại từ, đại bi, đại trí, đại dũng và đại thí. Hình ảnh Ngài ngồi kiết-già uy nghi thiền định trong ánh lửa hồng vô cùng từ bi, vô cùng tráng lệ và không tiền khoáng hậu, cho đến nay vẫn là điều bất khả tư nghì”.
Tâm Diệu (Hoa Kỳ)
Phật tử chống đàn áp sự đấu tranh bất bạo động của Tăng Ni
“Phật giáo năm 1963 đã đạt đến một trạng thái thống nhất mới, trong điều kiện mới và tỏ rõ đặc tính chủ động trong biểu hiện của sự thống nhất đó. Phải có tự tin tới mức nào về sự thống nhất đó mà Hòa thượng Quảng Đức đã đi đến một quyết định phản kháng quyết liệt là tự thiêu, và do đó lại càng thúc đẩy sự thống nhất ra đời năm 1964 là kết quả hữu cơ của sự thống nhất đó. Giáo hội này đã đóng vai trò lịch sử xứng tầm của nó. Nó chính là tiền đề thiết yếu để dẫn đến một cuộc đại thống nhất vào năm 1981 của Phật giáo Việt Nam theo nghĩa hoàn chỉnh nhất của danh xưng này”.
Nguyễn Quốc Tuấn
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội VN
“Ngọn lửa của Bồ-tát Thích Quảng Đức đã giúp con người trong phẩm cách của mình có thể khẳng định rằng trong thế giới của loài người, sức mạnh tinh thần và sức mạnh tâm linh tuy khó thấy nhưng nếu đủ bề dày tu dưỡng thì hơn hẳn sức mạnh vật chất, hơn hẳn cả sức mạnh bom đạn và bạo quyền”.
HT.Thích Giác Toàn
Người dân Việt Nam không thể quên hành động cao quý ấy của Bồ-tát Thích Quảng Đức. Ngày nay người ta cho dựng một bảo tháp tưởng niệm lớn ở ngã tư Nguyễn Đình Chiểu và Cách Mạng Tháng Tám, nơi Ngài tự thiêu, và trưng bày chiếc xe hơi ở chùa Thiên Mụ Huế. Hòa thượng Thích Quảng Liên, viện chủ tu viện Quảng Đức, đã thực hiện việc nghiên cứu vì hòa bình ở ngoại vi thành phố Hồ Chí Minh và cộng đồng Phật tử Việt Nam ở Melbourne, Úc đã thành lập ngôi chùa mang tên chính Ngài, Thích Quảng Đức, để mãi ghi nhớ công ơn của Ngài đối với Phật giáo Việt Nam. Bức ảnh của Ngài được treo ở nhiều chùa trong nước, đồng thời ký ức về Ngài đã ăn sâu vào lòng của người Phật tử, đó đây Ngài đã trở thành một vị Bồ-tát của Phật giáo Việt Nam.
TS.Robert J. Topmiller
Tiểu thương Huế tuần hành phản đối chính quyền
... Hôm ấy là ngày 11-6, dương lịch, 9 giờ rưỡi sáng, tất cả Phật tử trong chùa đã họp nhau trên chánh điện để tụng kinh hàng tuần cho các Thánh Tử Đạo. Chúng tôi cùng nhau đọc kinh và nghe giảng đến khoảng hơn 11 giờ trưa, Vừa dứt câu “nguyện đem công đức này, hướng về khắp tất cả, đệ tử và chúng sanh, đều trọn thành Phật đạo!” mọi người lạy từ lui ra, bỗng nghe chuông trống Bát-nhã vang lừng một cách lạ thường. Mọi người đều giật mình quay ra phía góc tả hữu hai bên chánh điện, thấy một bên anh Từ, bên kia thầy Chánh Trực đang dùng hết sức bình sinh nổi chuông và trống liên hồi. Chúng tôi ngạc nhiên nhìn nhau không biết chuyện gì trầm trọng đã, đang và sẽ xảy ra mà trống chuông đổ khẩn cấp đến thế! Vừa dứt tiếng trống, anh Từ nói lớn, sắc mặt và giọng nói đầy bi hùng pha lẫn chút nghẹn ngào của nước mắt đang quanh mi: “Mời tất cả ở trong chánh điện, Thầy có chuyện nói với quý vị!”.
Vài phút sau, tin truyền ra như một tia chớp của cơn giông: Hòa thượng Thích Quảng Đức đã tự thiêu vào khoảng 11 giờ sáng hôm nay với lời nguyện:
“Tôi sẵn sàng tự thiêu để cúng dường Tam bảo và để giác ngộ cho chính quyền mau mau thỏa mãn năm nguyện vọng của Phật giáo”.
Nghe tin, tất cả mọi người đều thảng thốt như bị điện giựt, rồi không ai bảo ai mọi người đều quỳ xuống, các Ni sư có người òa lên khóc, nhiều tiếng niệm Phật nho nhỏ thốt lên như những tiếng kêu tán thán, rồi tất cả mọi người đồng sụp lạy và quỳ tụng theo lời của anh Từ xướng lên “Nam-mô Tiếp dẫn Đạo sư A Di Đà Phật”, tiếng tụng kinh ban đầu còn lảo đảo ngập ngừng trong cơn xúc động, nhưng càng lúc càng vững vàng tự tin lấn át mọi nghẹn ngào của nước mắt đang chảy nơi người Phật tử, nghe ầm ì như tiếng của một cơn sóng thần từ trên trời giội xuống.
Tôi ngồi đó như bị câm, môi tê cứng không thể mấp máy tụng theo mọi người. Hình như tôi chưa có một ý niệm hay chưa vẽ ra được trước mắt hình ảnh về mấy chữ vừa được nghe: “Hòa thượng Thích Quảng Đức vị Pháp thiêu thân”, “Đốt cháy thân xác thịt da mình để cứu Đạo pháp và giác ngộ con người!”. Đã đành mỗi chữ trong dòng thông tin này như “đốt cháy” - “thân xác - thịt da” - “cứu” - “Đạo pháp” thì rõ nghĩa, nhưng sau từng chữ là tổng thể của một chí nguyện và sức mạnh tinh thần vô úy vô ngại dũng mãnh để biến thành ngọn lửa thiêu thân hiện thực, điều này đang vượt quá giới hạn kinh nghiệm của một đứa sinh viên Phật tử nhỏ bé yếu đuối là tôi đang cúi đầu sụp lạy. Tôi tự hỏi không biết mình sẽ phản ứng như thế nào khi được chứng kiến tận mắt cảnh tượng hy sinh chưa từng có này: khóc, la hét, ngất xỉu, niệm Phật, lạy, sững sờ, sợ hãi, chết cứng, sùng bái? Mọi liên tưởng hay so sánh của con người về hình ảnh đó bỗng trở nên hạn hẹp và tố cáo kinh nghiệm chủ quan cũng như trình độ hiểu biết của từng cá nhân. Tôi nhớ đến màu đỏ lửa của hoa phượng trong giấc mơ: Lửa! Lửa! Lửa! Một kẻ ngu ngơ như tôi chỉ có thể tưởng tượng được ngọn lửa vây quanh Ngài cũng đỏ như màu hoa phượng trong giấc mơ, nhưng trong giấc mơ, hoa phượng có thành lửa đỏ cũng chỉ là mơ… lửa không nóng mà lại mát rượi cả tâm hồn! Và cho dù tôi có học thuộc lòng lý thuyết của David Hume về kinh nghiệm bỏ tay vào lửa là bị phỏng, phỏng làm đau… mà bản tính của con người sợ đau nên học được thói quen thấy lửa là tránh, đã sợ đau tránh lửa thì làm sao có thể hiểu hết được sức mạnh siêu nhiên vô úy của người ngồi kiết-già trong lửa?”.
“Đối với thế hệ trẻ, ngọn lửa Thích Quảng Đức trở nên một vấn nạn, một tiền đề tu chứng khởi đầu hành trình tỉnh thức cho cả một đời người, một tấm gương khai phá sức mạnh tâm linh siêu nhiên của con người Việt Nam”.
Thái Kim Lan
Tiến sĩ Triết học (CHLB Đức)