Bồ-tát có thật không?

GN - Nếu như A-la-hán là hình tượng tiêu biểu trong Phật giáo Nguyên thủy thì Bồ-tát là hình tượng điển hình trong Phật giáo Đại thừa.

Tuy nhiên, trong khi mọi người đều thừa nhận rằng các vị A-la-hán là những con người thật thì các vị Bồ-tát không phải lúc nào cũng được nhìn nhận như vậy. Các ngài bị cho là những hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng hơn là con người thật. Thực hư vấn đề này như thế nào là điều mà chúng ta sẽ tìm hiểu trong bài viết này.

botat.jpg


Bồ-tát là hình tượng điển hình trong Phật giáo Đại thừa

Đúng là trong Phật giáo Nguyên thủy không có các vị Bồ-tát. Tuy nhiên khái niệm Bồ-tát thì có, được xuất hiện trong các kinh điển Nguyên thủy, nhiều nhất là ở Tiểu bộ Tạp A-hàm, để chỉ những tiền thân của Đức Phật, những kiếp tái sinh trên con đường tu hành trước khi đạt đến quả vị Phật. Có lẽ Phật giáo Đại thừa sau này đã kế thừa và phát triển khái niệm này, làm cho Bồ-tát trở thành một hình tượng hoành tráng vừa gần gũi, vừa phi thường trên hành trình cứu độ chúng sinh và hy cầu Phật quả.

Tuy nhiên, vì chư vị Bồ-tát chỉ xuất hiện trong kinh điển Đại thừa, mà kinh Đại thừa thì được nhiều người cho là sự sáng tạo sau này, chứ không phải do kim khẩu Đức Phật nói, cho nên Bồ-tát cũng được cho là không có thật, mà chỉ mang ý nghĩa triết lý nào đó mà thôi. Như Bồ-tát Quán Thế Âm tiêu biểu cho lòng từ bi, Bồ-tát Địa Tạng tiêu biểu cho đại nguyện, Bồ-tát Văn Thù tiêu biểu cho trí huệ, Bồ-tát Phổ Hiền tiêu biểu cho hạnh dấn thân, v.v… Việc thờ phụng và lễ lạy các ngài là để nhắc nhở mình cũng có những đức tính đó, và phát huy những đức tính đó ở nơi mình chứ không hề có Bồ-tát thật bên ngoài.

Nếu căn cứ trên lịch sử, tư tưởng hay triết học thì điều này có vẻ đúng. Nhưng trên phương diện tâm linh thì vấn đề không đơn giản như vậy. Thực tế cho thấy rằng, các vị Bồ-tát không phải chỉ mang tính biểu tượng cho một đặc tính tâm lý hay một phương diện tư tưởng nào đó, mà còn là những nhân vật có thật. Chư vị là những người đang tu và hành đạo cũng như đã chứng đắc những mức độ tâm linh khác nhau. Lịch sử tôn giáo không thiếu những câu chuyện về sự xuất hiện của những vị Bồ-tát với nhiều hình thức khác nhau, trong những trường hợp khác nhau.

Được biết đến nhiều nhất có lẽ là Bồ-tát Quán Thế Âm. Không biết bao nhiêu là câu chuyện linh ứng của Bồ-tát Quán Thế Âm được những người trong cuộc kể lại. Chuyện cũng được kể rằng khi ngài Huyền Trang gần như sắp chết khát giữa sa mạc trên đường đến Ấn Độ do thiếu nước, trong lúc mơ màng, ngài thấy một vị bạch y đến rưới nước lên người làm cho cơn khát bỗng nhiên tiêu tan một cách thần kỳ nên ngài Huyền Trang mới có thể tiếp tục vượt qua sa mạc tám trăm dặm mà đến Ấn Độ thỉnh kinh. 

Bồ-tát Di-lặc hiện thân làm Hòa thượng Bố Đại để truyền đi thông điệp từ bi hỷ xả. Trước khi viên tịch, ngài đã để lại bài kệ mà có lẽ người Phật tử nào cũng biết là, ‘Di-lặc thiệt Di-lặc/ Hóa thân trăm nghìn ức/ Thường hiện cho người đời/ Người đời không ai biết’. Do đó mà người ta mới biết Hòa thượng Bố Đại là hóa thân của Bồ-tát Di-lặc. Điều này rất phù hợp với lời dạy trong kinh Lăng nghiêm, rằng các vị Bồ-tát thị hiện vào đời nhưng không bao giờ tuyên bố cho mọi người biết họ là Bồ-tát. Nhiều lắm cũng chỉ là để lại bài kệ trước khi viên tịch, lúc đó thì mọi người mới biết vậy.

Còn nếu như bị phát hiện tung tích thì các ngài liền ẩn thân hay thị tịch để tránh việc rối loạn lòng người, như chuyện của các ngài Phong Can, Hàn Sơn và Thập Đắc đời Đường bên Trung Hoa. Chuyện kể rằng, khi Thái thú Dận sắp đổi đến Hàng Châu, mới hỏi Hòa thượng Phong Can rằng: “Bạch Hòa thượng, ở nơi tỉnh con đổi tới, có vị cao tăng nào không?”. Hòa thượng Phong Can trả lời: “Có hai vị đại sĩ Hàn Sơn và Thập Đắc là hóa thân của Văn Thù và Phổ Hiền, ở chùa Quốc Thanh”. Sau khi nhậm chức xong, quan thái thú liền lên chùa Quốc Thanh để thăm. Chư Tăng đón rước trọng hậu. Khi lên đến chùa, quan thái thú hỏi về Hàn Sơn và Thập Đắc thì chư Tăng chỉ xuống nhà bếp. Ông đi xuống nhà bếp, thấy Hàn Sơn và Thập Đắc đang nói chuyện, cười rất vui. Quan thái thú liền đảnh lễ ra mắt. Hai vị liền nói với nhau rằng: “Di Đà nhiều chuyện rồi”. Rồi hai vị chạy vào núi mất dạng. Người ta vào hang động của Hàn Sơn thì thấy trên vách đá nhiều bài thơ rất hay và có giá trị về Phật pháp. Quan thái thú liền trở về để ra mắt Hòa thượng Phong Can, nhưng khi đến nơi thì ngài đã thị tịch.

Thế mới biết, ở cõi phàm thánh đồng cư này, chư Phật và Bồ-tát thường hóa thân xuống cứu độ, nhưng đều giấu tung tích. Đến khi bị lộ thì liền nhập diệt. Đúng như câu: “Thấy thì không biết, biết thì không thấy”. Điều này cũng nhắc nhở chúng ta rằng, những ai tuyên bố mình là hiện thân của vị này, vị kia hay đã chứng quả vị này nọ… thì coi chừng chỉ là giả mạo mà thôi. Những người thị hiện hay chứng đắc thì không bao giờ tuyên bố mà chỉ âm thầm giáo hóa, làm lợi ích cho chúng sanh.

Các vị Bồ-tát cũng có thể đến trong những cơn thiền định hay giấc chiêm bao của hành giả. Như ngài Phó Đại sĩ đời Lương (Trung Quốc), một hôm đang nhập định, thấy Phật Thích Ca, Phật Di Lặc, Phật Định Quang phóng hào quang đến trên thân ngài, và ngài tự cho đã chứng được đại định Thủ Lăng Nghiêm. Từ đó, ngài xưng là “Song lâm thọ hạ đương lai giải thoát thiện huệ Đại sĩ”, vì chúng nhân giảng nói Phật pháp. Ngài Vĩnh Minh-Diên Thọ đời Tống (Trung Quốc), trong lúc thiền quán thấy Đức Bồ-tát Quán Thế Âm rưới nước cam lồ vào miệng, từ đó được biện tài vô ngại. Thiền sư Viên Chiếu thời nhà Lý (Việt Nam), một đêm trong thiền định, thấy Bồ-tát Văn Thù cầm dao mổ bụng, rửa ruột và trao cho ngài diệu dược. Từ đây, những sở tập trong tâm rõ ràng khế hợp, sâu được ngôn ngữ tam-muội, giảng kinh thuyết pháp thao thao. Chúng ta thường hay nói, “Linh tại ngã, bất linh tại ngã,” tin thì có, không tin thì không có, nhưng phải biết rằng, nếu không có những hiện tượng bên ngoài thì dù có tin cũng không thể có. Nếu như Bồ-tát chỉ là một khái niệm, một biểu tượng triết học thì làm sao mà có những ứng hiện như trên được!

Ngay cả kinh điển Đại thừa, trên phương diện lịch sử dù không phải Phật nói, nhưng không vì thế mà không có giá trị siêu việt, không chứa đựng tuệ giác và chất liệu giải thoát. Không biết bao nhiêu người đã chứng ngộ khi đọc kinh điển Đại thừa. Ngài Trí Khải và Huyền Giác ngộ kinh Pháp hoa. Lục tổ Huệ Năng, Sơ tổ Trần Nhân Tông, thi hào Nguyễn Du ngộ kinh Kim cang. Thiền sư Tông Mật và ngài Viên Chiếu ngộ kinh Viên giác, v.v…

Mật tông và Tịnh Độ tông cũng vậy, đều là những pháp môn tu hành có thể đưa đến giác ngộ và giải thoát. Ngài Liên Hoa Sinh là một hành giả Mật tông đạt được giác ngộ với nhiều khả năng siêu phàm. Ngài đã truyền bá Phật giáo Mật tông sang Tây Tạng, trở thành vị “Phật Thích Ca thứ hai” đối với người Tây Tạng. Ngài Từ Đạo Hạnh chuyên trì chú Đại bi, cảm ứng thiên thần đến xin sai khiến. Còn Tịnh Độ tông, ngài Vĩnh Minh-Diên Thọ khi chưa quyết định là nên tu Thiền hay Tịnh, đến thiền viện của Trí Giả đại sư, làm hai lá thăm, một lá đề Nhất tâm Thiền định, còn lá kia đề Trang nghiêm Tịnh độ. Kế lại chí tâm đảnh lễ Tam bảo sám hối, cầu xin gia bị. Đến khi rút thăm, luôn bảy lần đều nhằm lá Trang nghiêm Tịnh độ. Từ đây ngài nhất ý tu về Tịnh nghiệp. Một ngày ngài niệm mười ngàn câu Phật hiệu, những người ở gần nghe tiếng loa pháp cùng thiên nhạc trầm bổng du dương. Nếu Mật tông và Tịnh Độ tông chỉ là thứ ‘tào lao’ (như một số người nói) thì làm sao khi hành trì được kết quả thù thắng như vậy.

Một điều mà tôi rất lấy làm ngạc nhiên và nể phục là dù quá trình hình thành các kinh Đại thừa được cho là kéo dài mấy trăm năm, nhưng tư tưởng trong các kinh ấy không hề chống trái hay mâu thuẫn nhau, mà ngược lại, hoàn toàn thống nhất với nhau. Có khi kinh này lại chứa đựng nội dung hay tư tưởng của kinh kia nữa. Đây là một điều mà tôi cho là hết sức kỳ diệu. Chúng ta hãy nhớ rằng, Phật giáo Bộ phái (A-tỳ-đạt-ma) hình thành trước Phật giáo Đại thừa, tức là gần thời kỳ Đức Phật hơn. Ấy vậy mà tư tưởng của các bộ phái rất khác nhau, có khi còn đối nghịch nhau. Cho nên tôi tin rằng, kinh điển Đại thừa, nếu không phải do chính kim khẩu của Đức Phật Thích Ca nói thì cũng là những bậc đã giác ngộ hay chư Đại Bồ-tát thị hiện để tiếp tục chương trình giáo hóa của Đức Phật Thích Ca vậy.

Người xưa có nói rằng: “Không nên lấy tâm phàm mà đo việc Thánh”. Nhiều người trong chúng ta rất mơ hồ về Đại thừa, nhưng cái rõ ràng nhất là nếu tu tập theo đó thì sẽ đạt được giác ngộ và giải thoát. Phàm kết quả đúng thì chứng tỏ con đường đó đúng. Cuối cùng xin được nhắc lại lời Đức Phật dạy trong kinh Kalama như sau: “Này các người Kalama, đừng tin vì nghe nói lại, đừng tin vì theo phong tục, đừng tin vì nghe tin đồn, đừng tin vì kinh điển truyền tụng, đừng tin vì lý luận, đừng tin vì công thức, đừng tin vì có suy tư đầy đủ về những dữ kiện, đừng tin vì có thẩm sát và chấp nhận lý thuyết, đừng tin vì thấy thích hợp, đừng tin vì Sa-môn là thầy mình. Nhưng này các người Kalama, khi nào các người tự biết rõ: Các pháp này là thiện, các pháp này là không đáng chê, các pháp này được người trí khen ngợi, các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận thì dẫn đến hạnh phúc an vui, thời này các người Kalama, các người hãy đạt đến và an trú”. Và tôi cho rằng, đây cũng là thái độ đúng khi ta tu học theo kinh điển Đại thừa nói chung và nhận thức về vấn đề Bồ-tát nói riêng vậy.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.