GNO - Mùa Vu lan nữa lại về, những ngày đầu tháng Bảy, miền Bắc mưa như trút nước. Cơn mưa dầm nặng hạt làm những người con lại khắc khoải nhớ tới thâm ân sanh thành dưỡng dục của mẹ cha. Lặng yên nghe tiếng mưa rơi, con nhớ về bố, về hành trình hạnh phúc đã qua từ khi con còn nhỏ…
Đường an vui - Ảnh minh họa của langmai.org
Mùa hè của con gắn liền với những chuyến đi cùng bố. Cuộc sống của người làm xây dựng nay đây mai đó nên thời gian bố được ở nhà không nhiều. Nhưng năm nào cũng thế, dù làm gần hay xa bố cũng canh đúng thời gian con nghỉ hè để về đưa con đi chơi. Bố làm công trình ở đâu là con có cơ hội tới đó, con được sống như những người xây dựng thực thụ: ở nhà lán, nghe tiếng máy đóng cọc, ủi đất suốt ngày, nắng mưa bất chợt liền chui vào ngồi dưới gầm xe… Con dần cảm nhận được sự vất vả và niềm vui của người làm xây dựng!
Con được bố đưa tới rất nhiều nơi từ khi còn nhỏ, nhưng lần con ghi sâu vào ký ức nhất là đợt bố nhận công trình xây dựng nhà ga T1 ở sân bay Nội Bài. Đó là lần đầu tiên con được nhìn chiếc máy bay thật, con kéo tay bố giật giật với sự kinh ngạc: “Bố ơi, nhìn trên trời nó bé tẹo à… dưới đất nó to quá, chở được bao nhiêu người bố ạ”. Thế rồi ngày nào con cũng tình nguyện ngồi trong lán để ngắm nhìn thật kỹ những chiếc máy bay hạ cánh và cất cánh. Con nhìn tới khi nó khuất tầm mắt mới thôi.
Con nói: “Bố ơi, mai này con cũng muốn được đi máy bay suốt, con muốn đi tới thật nhiều nơi trên khắp thế giới này bố ạ”. Bố nhìn con và gật đầu: “Ừ, cố gắng học cho giỏi con nhé”. “Vâng ạ” con nhanh nhảu trả lời. Rồi hai bố con mình cười giòn tan trong bóng hoàng hôn đang dần mờ nhạt.
Khi về nhà, mỗi lần nghe tiếng máy bay trên trời là con lại nhìn theo và ước sau này con sẽ đi đến thật nhiều nơi, cầu cho những điều tốt đẹp sẽ theo các chuyến bay tới tất cả mọi người.
Rồi con lớn dần, những kỳ nghỉ hè con không còn được theo bố nữa. Một phần vì bố đi làm tận miền Nam, một phần con phải tham dự các lớp học với cái lịch kín mít cả tuần… Rồi con vào đại học, bố được về Hà Nội làm. Cuối tuần nào bố cũng qua đón con, hai bố con mình cùng về nhà, con kể cho bố nghe về những niềm vui, nỗi buồn và bố luôn lắng nghe, chia sẻ với con như một người cha, một người thầy, một người bạn. Vì thế, lúc nào con cũng cảm thấy con thật may mắn và hạnh phúc vì con được là con của bố mẹ.
Ngay từ khi còn nhỏ tới khi lớn, bất cứ điều gì con lựa chọn, bố luôn định hướng, phân tích cái đúng cái sai, cái lợi cái hại, cái được cái mất, khó khăn thuận lợi và quyết định cuối cùng thuộc về con, nên con đã sớm rèn được tính tự lập và trách nhiệm cho chính cuộc sống của bản thân mình.
Cuộc sống của con chuyển sang một trang hoàn toàn mới khi con quyết định xuất gia, một điều làm cho bố hơi bất ngờ. Mặc dù bố biết đó là một lựa chọn đúng đắn và con sẽ an lạc hạnh phúc thực sự. Nhưng chỉ vì sợ đi tu ít được về nhà, không có ai ruột thịt, những lúc ốm đau ai chăm sóc con… Rồi đi tu thức khuya dậy sớm vất vả, con có chịu được không… mà bố lo lắng và trăn trở hằng đêm.
Những điều suy tư ấy làm cho con khóc vì tình cha cao sâu quá! Con đã tâm sự với bố: “Bố an tâm bố nhé, đi tu con có thầy, có huynh đệ, có bạn đồng tu, mọi người sẽ giúp đỡ con, chăm lo lẫn nhau, cùng nhau tiến bước trên con đường tu học, còn hơn tình cảm anh em trong gia đình đó bố ạ”…
Và bố đã có thể an lòng và tràn đầy hy vọng cho chặng đường phía trước của đứa con gái nhỏ.
Dù không kề cận như xưa, nhưng từ khi con đi tu, bố vẫn luôn lặng lẽ đồng hành và ủng hộ cho con về mọi mặt. Giờ bố đã nghỉ hưu nên có thời gian dành cho bản thân mình nhiều hơn, bố chăm chỉ học Phật, đọc sách, nghe giảng, lạy Phật, bố thí cúng dường, trở thành một người Phật tử tại gia hộ trì Phật pháp. Bố con mình thường xuyên trao đổi, chia sẻ về giáo lý, về những kế hoạch cho việc tu học và phát triển Phật pháp như những người bạn đồng tu, con cảm thấy vô cùng hạnh phúc!
Những lúc sóng gió ập tới, con tưởng chừng như mình sẽ gục ngã… con trở về bên bố. Bố lặng lẽ ở bên nghe con khóc: “Không sao đâu, con gái… rồi sẽ qua, hãy nhớ vì sao con bắt đầu… con sẽ vượt qua được, còn có bố mẹ luôn ở bên con”. Và thế là con lại đứng lên và mạnh mẽ hơn rất nhiều.
Từng bước chân con đi luôn có bố bên cạnh, nhờ vậy mà con đã có thể bước những bước đi vững chãi, thảnh thơi trên con đường con đã chọn. Những chuyến bay đã trở thành hiện thực, con đã tới rất nhiều nơi và bắt đầu thực hiện được một phần ước mơ của mình: Chia sẻ lời Phật dạy, mang ấm áp, thương yêu tới tất cả mọi người. Con sẽ luôn sống hạnh phúc trong từng phút giây như điều bố mong khi con vào chùa. Bố cũng vậy, bố nhé. Bố con mình sẽ tiếp tục đồng hành trên con đường tu học, phụng sự. Con cảm ơn bố nhiều lắm - Người truyền sức mạnh cho con!
Thích nữ Từ Phương
(Yên Lạc, Vĩnh Phúc)
Hộp thư “Bến bờ nhân gian” Từ 23-7 đến 9-8, tòa soạn đã nhận được bài viết chủ đề “Bến bờ nhân gian” của các tác giả: Giác Minh Tường, Thích Nghiêm Thuận, Nguyễn Thành Công (4 bài), Quảng Trung, Thích Tâm Hiếu, Thích nữ Như Hiếu, Nguyễn Thị Bảo Châu, Thích nữ Diệu Lợi, Thích nữ Trung Tùng, Thích Chơn Pháp, Lê Đàn, Nguyễn Thị Bích Nhàn (2 bài), Hoàng Dũng Hùng, Nguyễn Hồng Mơ, Thích nữ Thanh Nghiêm, Nghi Lâm, Trung Thành, TKN Như Thành, Ngô Nghê, Hồ Thị Ngân, Thanh Hoàng, Thủy Khánh, Trần Huy Minh Phương, Nguyện Pháp, Kim Ngân, Lê Anh Quốc, Thích nữ Nhuận Nguyện, Nguyễn Đình Thu, Thích nữ Từ Phương, Hạnh Tâm, Lê Thị Xuyên, Nguyễn Hồng Mơ, Phát Từ, Nguyễn Hồng Mơ, Lê Thị Xuyên, Thích nữ Vạn Dung, Hoan Liên Mỹ, Thích nữ Nhuận Ân, Như Đạo, Nguyên Hương, Đỗ Duy Hoàng… Hiện tại, Ban Tổ chức đã chọn đăng một số bài trên Giác Ngộ online, và tiếp tục chọn đăng những bài khác trên hai ấn phẩm (tuần báo và Giác Ngộ online), nên bạn đọc đã gửi bài dự thi hoan hỷ chờ đợi. Nhân đây, Ban Tổ chức nhắc lại một vài thể lệ viết về chủ đề “Bến bờ nhân gian” lần thứ nhất. Đó có thể là câu chuyện của chính mình dưới dạng tự kể hoặc thể hiện dưới hình thức ký sự nhân vật mà bạn gặp, có hiểu, cảm được việc hiếu nghĩa của họ - gửi về cho chúng tôi, để cùng khơi gợi lên lòng hiếu, tâm hiếu trong mỗi người, chung tay sống thiện lành, bắt đầu bằng việc thực tập hạnh hiếu. * Bài viết bằng tiếng Việt, gửi qua email. Mỗi người có thể viết gửi nhiều bài. * Độ dài: 900 - 1.600 chữ, có hình ảnh của người trong câu chuyện (nếu là ký nhân vật) và khuyến khích có hình ảnh trong những câu chuyện thật của mình * Tiêu chí: Người thật, chuyện thật xúc động của chính người dự thi hoặc của nhân vật về lòng hiếu, tình cảm gia đình, thầy trò gây xúc động, đem đến cảm hứng sống thiện lành, hướng thượng. Lưu ý: bài chưa đăng báo nào và cả mạng xã hội. Giác Ngộ tiếp tục chào đón bài viết của bạn đọc qua email: onlinegiacngo@gmail.com. Trân trọng cảm ơn bạn đọc đã tham gia. Ban Tổ chức |