Trời sáng, chúng tôi dạo quanh khu vườn bên ngoài Bồ Đề Đạo Tràng. Tại đây, có những công trình kiến trúc Phật giáo do một số nước đầu tư để mong giới thiệu với thế giới văn hóa Phật giáo nước mình. Bất ngờ đoàn gặp được một góc Việt Nam: Non bộ Ngũ Hành Sơn!
Mới 3h30 sáng, giờ Ấn Độ, đoàn đã nghiêm chỉnh y áo để chuẩn bị qua khuôn viên Bồ Đề Đạo Tràng tụng Lăng Nghiêm. Khách sạn nơi đoàn nghỉ cách tháp Bồ Đề Đạo Tràng khoảng 200 mét. Thế mà hay, đoàn có đủ thời gian đi bộ tĩnh tâm trước khi chiêm bái.
Gió chớm đông se lạnh. Hương trầm thơm trong gió. Đâu đây có mùi hoa gì thơm giống hoa sữa bên nhà. Từ các ngõ ngách dẫn đến Bồ Đề Đạo Tràng lác đác xuất hiện những vị Tăng sĩ đa sắc áo đến từ nhiều quốc gia trên khắp thế giới. Những vị này bước đi chậm rãi, phong thái khoan thai, miệng lâm râm tụng kinh. Tôi lén quan sát rồi bắt chước bước cùng nhịp với quý Tăng ấy. Riêng cái khoản lâm râm tụng kinh thì tôi thua, muốn bắt chước cũng không được, vì tôi chưa kịp thuộc một bài kinh nào!
Các em nhỏ chạy theo đoàn mời mua hoa đơm sẵn trong dĩa để dâng lên Phật (tinh thần kinh doanh của các em nhỏ Gaya làm tôi nghiêng mình kính nể, chưa 4 giờ sáng mà đã thức dậy bán hàng). Thầy Pháp Tịnh mua cho mỗi thành viên một dĩa hoa. Lúc này số người của đoàn đã tăng lên chín. Một bé gái tay cầm bó bông súng màu tim tím mời tôi mua, tôi trả lời "không có tiền" (thật sự tôi không bao giờ có tiền trong túi), bé liền rút một cành biếu không. Văn hóa kinh doanh này quá đẹp. Tôi thay em dâng đóa hoa cúng Ngài Quán Thế Âm trong khuôn viên Bồ Đề Đạo Tràng.
Liền sau đó, tôi lại được một chú tiểu mặc áo cà sa màu nâu đỏ, rón rén lại gần, dúi vào tay tôi một lá bồ đề, cười, rồi biến mất trong sương sớm. Chưa kịp nhìn mặt chú, nhưng tôi vẫn nhớ như in, chú có ánh mắt rất bén và tinh anh.
Càng tới gần tháp Bồ Đề Đạo Tràng, đôi bàn chân tôi càng luýnh quýnh. Vừa muốn bước nhanh để sớm được chiêm bái Đức Phật, vừa muốn bước chậm để chiêm ngưỡng một tuyệt tác kiến trúc. Những tưởng chỉ có mình xúc động, ngờ đâu cả đoàn cũng bổi hổi bồi hồi.
Bồ Đề Đạo Tràng đấy ư? Nơi Đức Phật thành đạo đấy ư? Đấng giải thoát đấy ư? Cây bồ đề đi vào lịch sử đấy ư? Không tìm được ngôn từ nào tả cho đúng ngữ cảnh và tâm trạng lúc này. Chợt tôi nhớ lõm bõm vài câu trong bài "Sám Nguyện" của Ôn Thiện Siêu, khi còn sống Ôn trụ trì chùa Từ Đàm - Huế: "Đàn con dại từ lâu vất vưởng / Hôm nay trông thấy đạo huy hoàng / Xin hướng về núp bóng từ quang / Lạy Phật Tổ soi đường dẫn bước...". Mắt tôi tự nhiên ướt, có giọt sương sớm nào sa vào chăng?
Khi chiêm bái tượng Phật trong Tháp, tôi mới ngỡ ra, tượng Phật Ngọc nổi tiếng (tạc từ ngọc thạch Nephrite nguyên khối nặng 18 tấn mang tên "Polar Pride" (Niềm kiêu hãnh Bắc Cực) được tìm thấy vào năm 2000 ở miền Bắc Canada, đã được hơn 30 nghệ nhân, chuyên gia điêu khắc và nhà Phật học đến từ Thái Lan, Nepal, Australia... làm việc miệt mài trong 8 năm) tạc theo mẫu tượng tại đây. Trong mắt tôi, tượng Phật Ngọc đó đã tạc được cái "sắc", riêng cái "thần" thì chưa. Liệu ai có thể tạc được sự linh thiêng cộng hưởng nơi chốn Bồ Đề Đạo Tràng này?
Chúng tôi loay hoay tìm chỗ an tọa để tụng kinh Lăng Nghiêm. May quá, phía bên trái tháp lớn, nơi có bức tượng nhỏ Quán Thế Ấm Bồ Tát, chỗ còn trống. Đây là một trong những vị trí đẹp nhất trong khuôn viên Bồ Đề Đạo Tràng.
Cô Minh Thái rất cẩn thận, đã chuẩn bị 4 cái chiếu cho đoàn ngồi. Khi tụng kinh, trật tự trong đoàn được xác lập: hai Thầy ngồi một chiếu trước, bốn Ni ngồi hai chiếu giữa, ba Phật tử ngồi một chiếu sau. Ba Phật tử ngồi một chiếu thì chật, tôi phải ngồi nửa trong nửa ngoài. Sáng sớm, ngồi như thế vừa ướt, vừa lạnh. Quý Ni thấy vậy mời tôi lên chiếu giữa. Tôi không dám nhận, quý Ni ép, tôi từ chối; nhưng rồi cuối cùng phải nghe lời. Tôi biết quý Ni lo tôi ngồi ngoài đá dễ bị cảm.
Thầy Pháp Tịnh rất chu đáo, in sẵn kinh Lăng Nghiêm cho ba Phật tử cầm tụng theo. Đây là lần đầu tiên ba Phật tử chúng tôi tụng trọn bài Lăng Nghiêm, lại được tụng tại Bồ Đề Đạo Tràng, nơi Đức Phật thành đạo. Đối với chúng tôi, buổi tụng kinh đầu tiên ấy quá linh thiêng và xúc động. Từng chữ, từng câu, thấm sâu vào tâm khảm của chúng tôi.
Riêng tôi, tôi biết, giây phút này sẽ nuôi dưỡng tâm hồn mình tươi đẹp suốt quãng đời còn lại.
Tụng kinh xong là mươi phút tĩnh tâm, mọi người chiêm bái trong im lặng. Sau đó cả đoàn xếp hàng dọc đi thiền hành trong khuôn viên Bồ Đề Đạo Tràng. Thứ tự như sau: thầy trước, ni giữa, Phật tử sau cùng. Từng bước, từng bước chân thiền khoan thai, nhẹ nhàng, thanh thoát. Chúng tôi vừa đi vừa khẩn niệm danh hiệu "Nam Mô Thích Ca Mâu Ni Phật".
Với tôi, lúc này, mọi sự "có" trên đời nhẹ như "không". Lòng tự nhủ "Phước đức mình đang được hưởng thật tráng lệ".
Xong phần nghi lễ, thầy Pháp Tịnh cho mỗi người 30 phút sinh hoạt tự do. Quý cô "sinh hoạt tự do" bằng cách lạy quanh tháp. Sư cô lớn tuổi lạy nhất bộ nhất bái, các ni trẻ tam bộ nhất bái. Nhìn quý ni đắp y vàng thư thái lạy, tôi dõi theo, thấy sắc diện ai cũng tỏa sáng, uy nghi quá. Tự tâm can tôi muốn đến quỳ xuống lạy từng vị Ni để tỏ lòng tôn kính, nhưng ngại kinh động giây phút linh thiêng, đành thôi.
Hai Phật tử trẻ đứng nhìn theo quý Ni lạy một hồi cũng tam bộ nhất bái theo. Giỏi thiệt!
Riêng hai thầy trong đoàn thì "sinh hoạt tự do" bằng cách tìm đến bắt chuyện với những vị Tăng đủ màu da trong khuôn viên Bồ Đề Đạo Tràng. Các vị ấy nói chuyện với nhau như con một nhà, mà đúng vậy, nhà Phật.
Còn tôi, từ hôm theo đoàn đến giờ, lần đầu tiên được đoàn cho phép độc lập, tự do cho nên hạnh phúc. Tôi liền lẻn vào một góc khuất quan sát quý thầy Tây Tạng lạy. Thao tác lạy của sư Tây Tạng vừa giống thế "chào mặt trời", vừa giống thế "rắn hổ mang" của Yoga. Ngó quanh quất thấy không ai để ý mình, tôi bắt chước trườn người lạy theo. Lạy được hơn mười cái mới biết có vài chục vị Tăng Tây Tạng đang ngó mình từ sau ngó tới, cười. Đỏ mặt, tôi biến liền!
Phía trước tháp Bồ Đề Đạo Tràng, tôi đặc biệt chú ý tấm bảng có ghi dòng chữ "RAJAYATANA (A kind of forest tree). After enlightenment, Lord Buddhha spent the seventh week here in meditation. At the end of meditation, two merchants - Tapussa and Bhallika offered rice cake and honey to the Lord and took refuge-Buddham saranam gacchami, Dhammam saranam gacchami (Sangha was not founded then)". Tạm dịch: "Rajayatana" (một loại cây rừng). Sau khi giác ngộ, Đức Phật ngồi nhập định tại đây, trong tuần thứ bảy, khi Ngài nhập định xong, hai thương nhân - Tapussa và Bhallika - dâng bánh gạo và mật lên Ngài và xin quy y: quy y Phật và quy y Pháp (vì lúc đó chưa có Tăng đoàn).
Như vậy rõ rồi, có cư sĩ trước khi có Tăng đoàn. Đã thế, hai cư sĩ này lại thuộc giới kinh doanh. Với tôi, một doanh nhân, chi tiết này thật đắt giá.
Tôi còn biết thêm, sau khi nhận cúng dường, Đức Phật có đọc một bài kệ: "Sở vị bố thí giả / Tất hoạch kỳ lợi duyên / Nhược vi lạc bố thí / Hậu tất đắc an lạc". Khả năng của tôi chỉ hiểu bài kệ ở mức này: "Những việc làm bố thí / Tất nhiên sẽ đem đến lợi ích / Nếu (ta) vui với việc bố thí (của người khác) / Sau này (ta) cũng được an lạc". Bài kệ này có tên "Phúc chúc", là bản thuyết pháp đầu tiên của Đức Phật và cũng là bước đệm cho việc chuyển Pháp luân sau đó.
Tại sao Đức Phật chúc phúc công đức bố thí (cúng dường) của hai thương nhân? Như tôi hiểu, bố thí giúp con người ta xả được lòng tham. Lòng tham tại sao phải xả bỏ? Các Mác nói về lòng tham như sau: "... nếu lợi nhuận đạt 100% thì nhà tư bản không từ thủ đoạn nào". Với thương nhân, đồng tiền liền khúc ruột, một khi đã bố thí là họ đang đi trên con đường ngắn nhất tìm đến sự giải thoát. Giải thoát gì? Giải thoát khỏi tham, khỏi sân, khỏi si, khỏi "cái ta" và "cái của ta". Mà, nơi nào vắng bóng tham, sân, si, "cái ta" và "cái của ta", nơi đó là Niết bàn. Đức Phật chúc phúc hai vị thương nhân là vì vậy.
Nhưng Đức Phật không chỉ chúc phúc người bố thí, mà chúc cả những ai vui với việc bố thí của người khác. Tôi phục Đức Phật lắm. Ngay thời khắc của thời xa xưa đó Ngài đã biết, không ít kẻ có cuộc sống khá giả nhưng vẫn quay lưng lại với người nghèo khổ, đã đành; lại còn dè bỉu, can ngăn sự làm phúc của người khác. Những kẻ này, theo thuyết Nhân - Quả, sự giàu có sẽ không bền vững.
May sao, hiện nay có rất nhiều người, không có của bố thí thì góp công, góp trí, góp lời, với thành tâm mong việc bố thí được hanh thông viên mãn. Những người như thế xứng đáng nhận lời chúc phúc của Đức Phật.
Phía sau tháp Bồ Đề Đạo Tràng có "Tháp gieo duyên". Ai có tâm nguyện kiếp sau xuất gia thì bứt một sợi tóc bỏ vào trong tháp. Tôi nhìn vào nền tháp thấy đầy tóc gieo duyên. Anh chàng trẻ nhất đoàn nhổ một sợi tóc của mình xong bất ngờ quay qua nhổ một sợi tóc của một chị trẻ nhì trong đoàn rồi thò tay thật sâu vào tháp thả hai sợi tóc xuống, nguyện, "Kiếp sau em với chị tu chung cho vui". Cô nàng vội vàng bứt một sợi tóc của mình thả vào tháp nguyện lại, "Con xin tu tại gia thôi ạ". Anh chàng trẻ nói vớt vát, "Thì kiếp sau chị tu tại gia, kiếp tới nữa xuất gia tu với em...". Cả đoàn nghe hai chị em đối đáp, không cười không được.
Trời sáng, chúng tôi dạo quanh khu vườn bên ngoài Bồ Đề Đạo Tràng. Tại đây, có những công trình kiến trúc Phật giáo do một số nước đầu tư để mong giới thiệu với thế giới văn hóa Phật giáo nước mình. Bất ngờ đoàn gặp được một góc Việt Nam: Non bộ Ngũ Hành Sơn!
Được biết công trình này hoàn thành năm 2003, do thầy Thích Hải Ấn, trú trì chùa Từ Đàm - Huế và thầy Thích Pháp Chơn, trú trì Trung tâm Văn hóa Liễu Quán - Hoa Kỳ, làm cố vấn dự án. Về khâu kế hoạch - thực hiện do Phật tử Vũ Lan Hương đảm trách với sự cộng tác của hai nghệ nhân Lê Văn Hòa và Lê Thiện Nhân - Huế.
Trong công trình Non bộ Ngũ Hành Sơn có một đại hồng chung và một tượng Phật Quán Thế Ấm, góp phần tôn thêm sự chặt chẽ về kiến trúc và mỹ thuật.
Đoàn chúng tôi ngưỡng mộ, thành kính tán thán công đức những vị làm nên Non bộ Ngũ Hành Sơn.
Đoàn được biết thêm, năm 2004, thầy Thích Hải Ấn (trú trì chùa Từ Đàm - Huế) và thầy Thích Quang Nhuận (trú trì chùa Hiếu Quang - Huế), đã nhờ quý Tăng Ni sinh đang du học tại Ấn Độ thỉnh tảng đá nặng khoảng 100 ký tại Đại học Nalanda về cúng cho Học viện Phật giáo Việt Nam (tại Hà Nội) để khắc bia lễ đặt đá.
Việc làm này có giá trị tâm linh đối với Tăng ni sinh du học tại Ấn Độ và với đoàn của chúng tôi.
........
Đoàn chúng tôi ở khách sạn gần Bồ Đề ĐạoTràng ba đêm, sáng đi chiêm bái Phật tích và viếng chùa trong vòng bán kính 100km, tối về nghỉ, mai đi tiếp. Ba ngày đó, lúc nào tranh thủ được thời gian là chúng tôi qua viếng lại tháp Bồ Đề Đạo Tràng như con về thăm nhà ba má vậy.