GN - Phật giáo truyền bá theo hai con đường. Một là Phật giáo truyền xuống phía Nam Ấn Độ gọi là Phật giáo Nam truyền, hay Phật giáo Nguyên thủy. Hai là Phật giáo truyền theo đường phía Bắc Ấn Độ, gọi là Phật giáo Đại thừa, hay Phật giáo Phát triển.
Phật giáo Nam truyền chú trọng mặt lịch sử. Phật giáo Đại thừa chú trọng mặt tâm linh. Cách nhìn Phật giáo theo lịch sử khác với cách nhìn theo tâm linh.
Thánh tích Bồ Đề Đạo Tràng (Ấn Độ)
Về hình thức, các Tỳ-kheo mặc áo và sinh hoạt giống nhau, nhưng theo quan niệm Đại thừa, hình thức các Tỳ-kheo tuy giống nhau, nhưng quá trình tu hành và phát triển, thì không thầy nào giống thầy nào, vì thầy mới tu cũng là thầy, nhưng chưa có công đức, nên có khác nhau. Người tu chứng Sơ quả, không còn lệ thuộc ăn uống, tình cảm và đi vào con đường giải thoát theo Phật, tất nhiên khác với Tỳ-kheo sống bình thường. Và các vị tu quả cao hơn là Tư-đà-hàm, A-na-hàm và A-la-hán, thì quá trình phát triển tâm linh còn khác hơn nữa.
Vì vậy, Phật giáo Đại thừa nhìn về quá trình phát triển tâm linh mà có lịch sử tâm linh hơi khác một chút. Theo lịch sử loài người thì đạo Phật có từ khi Phật ra đời, thành đạo, thuyết pháp. Nhưng về lịch sử tâm linh, thì Phật giáo Nguyên thủy, hay Phật giáo Đại thừa đều công nhận trước Phật Thích Ca, có Phật Ca Diếp, Phật Câu Na Hàm Mâu Ni, Phật Câu Lưu Tôn, là ba Đức Phật quá khứ và Phật Thích Ca là Phật hiện tại và Ngài thọ ký cho Di Lặc là Phật tương lai.
Và kinh điển Đại thừa ghi thêm Tỳ Bà Thi Phật, Thi Khí Phật, Tỳ Xá Phù Phật, cộng thêm ba Phật quá khứ của Nguyên thủy, cùng Phật Thích Ca là có bảy vị Phật quá khứ đầu tiên theo Đại thừa. Vì vậy, Phật tử Đại thừa tụng thần chú thất Phật diệt tội chân ngôn, là bảy Đức Phật có chung thần chú, ai tụng thì tội tiêu lần.
Nếu nhìn xa nữa, quá khứ có vô số kiếp và hiện tại Hiền kiếp có một ngàn Phật, Phật Thích Ca là một trong số một ngàn vị Phật này. Như vậy, nói hiện tại chỉ thấy Phật Thích Ca, nhưng theo lịch sử tâm linh của Đại thừa, có một ngàn Phật thuyết pháp hiện tại và nhìn xa nữa, Đại thừa còn ghi nhận có hằng hà sa số Phật không tính được, các phương Đông, Tây, Nam, Bắc, trên, dưới, hay ở đâu cũng có Phật.
Thời Phật tại thế, Phật Thích Ca đã nói có vô số Phật là phân thân giáo hóa của Phật Thích Ca trong mười phương, căn cứ vào phẩm Hiện Bảo tháp thứ 11, kinh Pháp hoa. Theo đó, Phật Đa Bảo xuất hiện, đại chúng muốn thấy Phật Đa Bảo. Phật Thích Ca mới nói rằng Ngài phải tập trung phân thân Thích Ca trong mười phương về, mới thấy Phật Đa Bảo, đó là nghĩa bóng.
Với cái nhìn của Đại thừa, có vô số Phật và vị lai kiếp cũng có vô số Phật ra đời. Kinh Pháp hoa còn nâng lên một tầng cao mới nữa. Trong khi kinh Nguyên thủy ghi nhận chỉ thọ ký Di Lặc làm Phật tương lai, nhưng kinh Pháp hoa thọ ký cho Xá Lợi Phất, Ca Diếp, Tu Bồ Đề, Ca Chiên Diên, Mục Kiền Liên được thọ ký thành Phật. Và kế tiếp, Phú Lâu Na, A Nan, La Hầu La, Kiều Đàm Di mẫu cũng được thọ ký thành Phật. Cuối cùng, Đề Bà Đạt Đa luôn hại Phật cũng được thọ ký thành Phật Thiên Vương. Nghĩa là kinh Pháp hoa thu nhiếp tất cả.
Tất cả các kinh đều ghi nhận Đức Phật Thích Ca, nhưng về sau, các thầy tu khác nhau, chia thành tông phái, ở Ấn Độ có hai bộ phái đầu tiên cho đến 20 bộ phái. Và Phật giáo truyền sang Trung Hoa, có 10 tông phái, ở Nhật Bản có 20 tông phái. Nói chung, càng xa thì càng có nhiều tông phái. Nhưng tới kinh Pháp hoa, gom tất cả thành một, đi về thống nhất. Vì vậy, ngài Trí Giả nói rằng muốn biết thực Phật Thích Ca thế nào, phải tập trung phân thân của Ngài trong mười phương, mới mở cánh cửa tâm linh. Còn mỗi tông, mỗi người, thì không ai đúng hoàn toàn, ví như người mù rờ voi, Phật giáo không thể tồn tại được.
Vì vậy, chúng ta hiểu Phật giáo là một thể thống nhất. Ngài Trí Giả xếp kinh Pháp hoa vô Viên giáo, quy tất cả pháp môn tu theo Phật về một, gọi là Nhất thừa Phật giáo, tức Phật giáo Nguyên thủy, Phật giáo Đại thừa là một, hay chân lý là một.
Thật vậy, nếu chúng ta nhận thức đúng, phải học chung, hiểu chung, tu chung, mới nhận được Phật thực. Vì tìm hiểu Phật, mà chúng ta mỗi người đi một đường khác nhau, sẽ dẫn đến thành quả khác nhau. Cho nên, kinh Pháp hoa gom lại, là Viên giáo, lóng nghe tất cả kiến giải khác nhau và đưa đến nhận thức thống nhất, mà ai cũng chấp nhận, gọi là chung.
Vì vậy, chúng ta tu pháp môn khác biệt, nhưng kết quả là chung, vì tất cả chúng ta đều là con của Phật, học giáo lý Phật, không có lý do gì khác. Thể hiện tinh thần này, chúng ta thường nói Đức Thích Ca ví như sư tử thì phải sanh ra sư tử con, không thể sanh ra heo, dê, chồn, chó…
Chúng ta tu theo Phật, đắc đạo, thì đều là Phật, gọi là Nhất Phật thừa. Chỉ có một con đường duy nhất dẫn đến thành Phật, nhưng do quá trình tu tập khác, nên thấy khác. Kinh Hoa nghiêm khẳng định như vậy.
Kinh Nguyên thủy đánh dấu mốc từ Lộc Uyển, Phật thuyết pháp độ năm anh em Kiều Trần Như.
Kinh Hoa nghiêm đánh dấu mốc từ Bồ Đề Đạo Tràng, vì Phật thành đạo ở Bồ Đề Đạo Tràng. Thấy Đức Phật ngồi Bồ-đề đạo tràng thuyết pháp là Ngài thành gì và Ngài nói cho ai nghe. Đó là dấu mốc từ Bồ Đề Đạo Tràng theo kinh Hoa nghiêm Vì vậy, Đại thừa tìm nguyên nhân thành đạo là chính, không phải chỉ thấy thời thuyết pháp đầu tiên. Trí Giả nói đây là con đường tâm linh. Nếu ta đi theo lịch sử, nói Phật thuyết pháp hơn 300 hội và kinh điển được kiết tập, truyền từ Ấn Độ, Trung Hoa sang Việt Nam.
Nhật Liên thánh nhân nói rằng ngài không theo lịch sử, nhưng theo con đường tâm linh, là khởi đầu từ Bồ Đề Đạo Tràng, ngài tìm đạo từ Bồ Đề Đạo Tràng theo kinh Hoa nghiêm. Ngài không qua Bồ Đề Đạo Tràng ở Ấn Độ, nhưng ở Nhật mà ngài tìm Phật ở Bồ Đề Đạo Tràng là tìm chân thân Phật, Pháp thân Phật, không tìm giả thân, sanh thân Phật là thân Phật này Niết-bàn rồi. Ngài tìm Pháp thân vĩnh hằng bất tử của Phật. Phật này thành Phật là thành gì. Ngài ở Nhật, nhưng thấy Bồ Đề Đạo Tràng là thấy con đường tâm linh.
Các Phật tử hành hương đến Bồ Đề Đạo Tràng theo tổ chức, khác với hành hương theo Nhật Liên. Đăng ký hành hương, đóng tiền, ở một tuần hay mười ngày về là xong, nói tới Bồ Đề Đạo Tràng rồi. Như vậy là tới Bồ Đề Đạo Tràng lịch sử, chỗ Đức Phật Thích Ca tọa thiền xưa kia, không phải Bồ Đề Đạo Tràng tâm linh.
Bồ Đề Đạo Tràng tâm linh là hiểu theo Nhật Liên thánh nhân, hiểu theo kinh Hoa nghiêm. Bồ-đề nghĩa là giác ngộ, tới Bồ-đề là thành Phật. Kinh Nguyên thủy chấp nhận tu đến quả vị A-la-hán cao nhất. Nhưng Phật giáo Đại thừa nói chúng ta sẽ thành Phật. Còn kinh Hoa nghiêm nói chúng ta đã thành Phật.
Chưa thành Phật là chưa tới Bồ Đề Đạo Tràng. Tôi đã tới Bồ Đề Đạo Tràng ở Ấn Độ bốn lần, đó là nơi Phật Thích Ca tu thành Phật. Nhưng kinh Hoa nghiêm nói ý nghĩa Bồ Đề Đạo Tràng khác. Tất cả Phật quá khứ, Phật Ca Diếp, Phật Câu Na Hàm Mâu Ni, Phật Câu Lưu Tôn… cũng ngồi ở Bồ Đề Đạo Tràng thành Phật. Không có Phật nào không tới Bồ đề đạo tràng mà thành Phật. Nhưng Bồ Đề Đạo Tràng này được định nghĩa khác.
Kinh Hoa nghiêm nói Bồ Đề Đạo Tràng là đỉnh cao giác ngộ, tức Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đó là đỉnh tâm linh. Đến chỗ này mới chứng chân thân, Pháp thân hiện thành. Kinh Hoa nghiêm diễn tả Bồ Đề Đạo Tràng là đỉnh cao nhất như sau:
Tọa Bồ Đề thọ hạ phá ma binh
Mười phương thế giới phóng quang
Đại sĩ vi trần vân lai tập
Phạm vương thỉnh Phật thuyết Hoa nghiêm.
Hàng ngày, lễ Phật, tôi đọc bài kệ này, để có độ cảm về Phật.
Ngài Nhật Liên đi về con đường tâm linh, nên nhìn Bồ Đề Đạo Tràng khác hơn chúng ta đi về lịch sử. Bồ Đề Đạo Tràng là quá trình tu, từ phát tâm Bồ-đề cho đến thành Phật và chỗ thành Phật gọi là Bồ Đề Đạo Tràng. Thành Phật không phải là thành ông Phật chết; thành Phật chết thì thành làm chi.
Thuở nhỏ, tôi không chịu đi học, vì học rồi cũng chết, uổng công, chơi cho sướng. Lúc đi tu, tôi nghĩ Phật Thích Ca tu cực khổ, cũng chết. Chúng ta theo Phật này, cũng chết. Nhưng có sự thôi thúc tâm linh không cho tôi bỏ cuộc. Nếu tu để rồi chết thì không nên, nhưng tại sao Phật chọn con đường tu. Tôi cố tìm bên trong xem còn cái gì khác không.
Và tụng kinh Hoa nghiêm, tôi an tâm là có con đường tâm linh, an tâm đi tới. Con đường tâm linh trải qua 52 chặng đường, từng bước tiến lên. Ta đi phát xuất từ niềm tin, chưa biết gì, nhưng ta tin có Phật, dù không thấy. Tôi nghĩ mọi người giống nhau, nhưng tại sao Phật Thích Ca khác mọi người. Tất cả mọi người đều mơ ước giàu sang, sung sướng, quyền thế, nhưng Thái tử Sĩ Đạt Ta có đủ những thứ này, mà Ngài không hưởng thụ, lại bỏ nó để đi tìm đạo. Như vậy, Phật không giống chúng ta.
Ngoài ra, cái chúng ta không được, mới mơ ước. Tôi ước có thân thể khỏe mạnh, vì lúc nhỏ, tôi bị nhiều bệnh. Bệnh thấp khớp, đầu gối sưng lên, phải bỏ học. Bị bệnh suyễn, mới 6, 7 tuổi mà ngồi thở không nổi. Tôi cũng mơ ước có đầu óc thông minh như Thái tử Sĩ Đạt Ta, không mơ ước giàu sang, địa vị, vì đó là mối tranh chấp và khó giữ. Từ nhỏ tôi đã nghĩ như vậy. Mơ mình thông minh, nhớ tất cả những gì thầy dạy và không dạy, mình cũng biết. Phật Thích Ca có những ưu việt này, mà Ngài còn bỏ. Điều này thôi thúc tôi xuất gia tìm đạo và bắt gặp được tinh ba pháp Phật dạy, tôi vô cùng thích thú.
Tu hành phát xuất từ niềm tin. Kinh Hoa nghiêm nói niềm tin là mẹ sanh ra các công đức. Làm gì cũng phải có niềm tin. Và tu hành còn khó hơn nữa, phải đánh đổi cả sinh mạng, hay phải đến chỗ tuyệt thể tuyệt mạng mới thấy đạo. Thiền sư ngộ đạo ví rằng không có giá lạnh buốt xương, hoa mai chưa nở. Tu mà không vượt qua cùng tận cuộc sống, khó thấy đạo.
Điển hình như Phật Thích Ca có lúc Ngài hướng tâm về đạo một cách mãnh liệt, đến quên ăn, quên ngủ, da bụng dính với xương sườn. Ngài ngã gục, tưởng chết. Nhờ cô gái chăn bò cho uống sữa, Ngài mới tỉnh lại. Không có gian khổ cùng cực như thế, Đức Thích Ca không đắc đạo.
Trên bước đường cầu đạo, qua hầm hố, gai chông mà chúng ta không vững niềm tin, chắc chắn không tu được. Riêng tôi, ngày nay trên 60 năm, còn tu được, trong khi bạn bè bỏ cuộc. Mình đi con đường đạo quá xa, quá gian nan. Tại sao làm được như vậy. Vì có niềm tin vững. Thái tử Sĩ Đạt Ta đã làm được, chúng ta cũng phải được. Bây giờ chưa được, kiếp sau cũng được, là kinh Hoa nghiêm nói phải vượt qua mười giai đoạn gọi là Thập tín, không phải được liền.
Chúng ta phần lớn tin tà ma nhiều hơn. Tụng kinh được phước, cúng dường được phước, nghe vậy cúng hết tiền, nhưng cũng không có phước, liền mất niềm tin Tam bảo, rồi nói bị gạt, như vậy là mê tín.
Niềm tin Phật nói là chánh tín. Niềm tin của chúng ta có trí tuệ hướng dẫn vững vàng, không phải nghe là tin. Điều này phải qua trắc nghiệm. Chúng ta tu, suy nghĩ và áp dụng thấy đúng. Từ khi mới tu đến nay, tôi thấy người khác nghe, liền tin, rồi sau đó bỏ cuộc. Tôi nghe, rồi phải suy nghĩ kỹ mới theo. Tôi chọn kinh Pháp hoa và Bồ-tát đạo dấn thân, niềm tin của tôi tuyệt đối không thay đổi. Trên bước đường tu, tôi gặp được thiện tri thức, giúp cho niềm tin của tôi mỗi lúc tăng lên. Và niềm tin càng kiên cố, cái thấy sáng lần.
Chúng ta không thể giậm chân tại chỗ, phải đi tới, đó là khởi xuất niềm tin theo kinh Hoa nghiêm. Tôi luôn quan sát, coi bạn mình, thầy mình làm như thế nào và tự kiểm chứng lại. May mắn, tôi gặp Hòa thượng Trí Hữu. Ngài tụng một bộ kinh Pháp hoa thì đốt một liều hương để cúng dường. Ngài đốt hương trên đầu đến không còn chỗ đốt, ngài đốt hương trên hai cánh tay, cho đến đốt rụng một ngón tay. Tôi hỏi ngài có nóng không. Hòa thượng nói nóng thì làm sao dám đốt. Các vị thầy như vậy giúp tôi vững tin hơn.
Vị thứ hai làm tăng thêm đạo lực cho tôi là thấy Hòa thượng Quảng Đức tự thiêu, ngồi an nhiên tự tại trong lửa đỏ toàn thân. Ngoài ra, khi tôi sang Nhật tu học, có các thiền sư tu ở ngoài tuyết. Tôi thử, nhưng không được, vì mở áo là hắt hơi, nước mắt, nước mũi chảy đầm đìa. Hòa thượng nói con chưa tới chỗ này, là chưa tới Bồ Đề Đạo Tràng, chưa thành Phật.
Tới Bồ Đề Đạo Tràng là tới chỗ Phật Thích Ca, Phật Ca Diếp, Phật Oai Âm Vương… thành đạo. Bồ Đề Đạo Tràng tâm linh khác với Bồ Đề Đạo Tràng lịch sử.
Qua giai đoạn thể nghiệm pháp Phật dài lâu, niềm tin chúng ta không thay đổi, từng bước chúng ta đi tới, niềm tin càng vững hơn, thấy chúng ta gần Phật hơn, nghĩa là từ đây, chúng ta lên đến Bồ Đề Đạo Tràng.
Chúng ta thấy rõ Phật Thích Ca từ khi tu, đến gặp các vị chân tu để thực tập, tạo thành hành trang cho Ngài đi tiếp. Đầu tiên, Phật Thích Ca gặp đạo sĩ Kamala, ông truyền cho thái tử pháp tu mà ông tâm đắc là Sơ thiền, tức quả Dự lưu.
Chúng ta tu, làm sao vượt qua đời sống vật chất, để hé mở cánh cửa tâm linh, mắt chúng ta được sáng ra. Có con mắt tâm linh mới quan trọng. Không bị vật chất, tình cảm chi phối, là bắt đầu đi vào đường Thiền, mắt tâm linh mở ra, là chứng Sơ thiền.
Phật nhờ tu chứng pháp này, Ngài nhịn đói đến bụng lép xẹp mà không chết. Còn chúng ta ngày ăn ba bữa mà đòi đến Bồ Đề Đạo Tràng. Dù là đến Bồ Đề Đạo Tràng lịch sử, đường xa, đi một khúc là ăn. Thiệt là hết nói!
Tóm lại, nói về Bồ Đề Đạo Tràng lịch sử, chúng ta căn cứ trên tạng kinh Nguyên thủy. Bồ Đề Đạo Tràng tâm linh thì căn cứ trên tạng kinh Đại thừa. Các Phật tử tu học, có căn tánh Đại thừa là đã qua giai đoạn lịch sử.
Đức Phật từ Bồ Đề Đạo Tràng đi ra khác với Sa-môn Cù Đàm từ ngoài đi vô Bồ Đề Đạo Tràng. Từ ngoài đi vô Bồ Đề Đạo Tràng là Sa-môn Cù Đàm chưa thành Phật, nên năm anh em Kiều Trần Như còn không nhìn mặt Ngài. Nhưng đến Bồ Đề Đạo Tràng, tức Ngài thành Phật rồi, năm ông này định không chào Phật, không nói chuyện với Ngài, vì họ cho rằng Ngài bỏ cuộc, không tu nổi pháp khổ hạnh. Nhưng kỳ diệu thay, Phật vừa bước đến, cả năm ông vội vàng quỳ xuống đảnh lễ Ngài. Từ Bồ Đề Đạo Tràng đi ra là như vậy. Vì thành tựu quả vị Vô thượng Chánh đẳng giác rồi, đối với Phật, tất cả mọi việc diễn ra, thuận hay nghịch đều hoàn hảo, đều nằm trong vô tác diệu lực, bởi tâm Ngài hoàn toàn thanh thản, như như bất động, mà việc giáo hóa độ sanh tự động thành tựu viên mãn. Đó là điều bất khả tư nghì, vượt ngoài hiểu biết của hàng phàm phu.