Chư Ni Ban Chứng minh, Ban cố vấn, chủ tọa |
Chứng minh buổi tọa đàm có Ni trưởng Thích nữ Huệ Hương, Thường trực Ban Chứng minh Phân ban Ni giới T.Ư, chư Ni trưởng Ban Chứng minh, Ban Cố vấn Phân ban Ni giới T.Ư; Ni trưởng Thích nữ Nhật Khương, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng Phân ban Ni giới T.Ư, Trưởng Phân ban Ni giới tỉnh Bình Phước, Trưởng ban Tổ chức Đại lễ; Ni trưởng Thích nữ Đàm Lan, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Phó ban Thường trực Phân ban Ni giới T.Ư (đặc trách các tỉnh phía Bắc); Ni trưởng Thích nữ Như Như, Phó Thường trực Phân ban Ni giới T.Ư (đặc trách các tỉnh phía Nam); Ni trưởng Thích nữ Như Minh, Phó Trưởng Phân ban Ni giới T.Ư (đặc trách các tỉnh miền Trung); Ni trưởng Thích nữ Tịnh Nghiêm, Phó Trưởng Phân ban Ni giới T.Ư (đặc trách các tỉnh miền Tây), cùng chư tôn đức Ni Phó Trưởng Phân ban Ni giới T.Ư, Thường trực Phân ban Ni giới T.Ư, Ban Tổ chức Đại lễ, Phân ban Ni giới các tỉnh thành, các giáo sư, học giả, nhà nghiên cứu.
Ni trưởng Thích nữ Nhật Khương phát biểu khai mạc |
Phát biểu khai mạc, Ni trưởng Thích nữ Nhật Khương cho biết hôm nay những người con gái của Đức Thế Tôn, các nhân sĩ trí thức cùng nam nữ Phật tử gần xa về mái nhà chung là chùa Quang Minh, nơi đặt Văn phòng Phân ban Ni giới tỉnh Bình Phước để lắng nghe hành trạng của chư vị tiền bối Ni Phật giáo Việt Nam, những ý tưởng đóng góp của nhân sĩ trí thức đã một thời dấn thân phụng sự cho lý tưởng chân chính, cho hạnh nguyện vị tha.
“Sự dấn thân gian khổ của chư Ni Bình Phước nói riêng và chư Ni cả nước nói chung không thể trang trải bằng ngôn từ vì ngôn ngữ không chở chuyên được thực tại mà chính những tham luận trong buổi tọa đàm này sẽ cho chúng ta hiểu thấu và kính thương đến những hành trạng của chư vị tiền bối Ni hơn đồng thời đóng góp cho chư Ni trẻ tỉnh Bình Phước nói riêng chư Ni trẻ cả nước nói chung những ý tưởng mới, những phong cách mới trong công tác Phật sự và việc phục vụ chúng sinh trong thời đại mới được khởi sắc hơn”, Ni trưởng Trưởng ban Tổ chức nhấn mạnh.
Ni sư Thích nữ Như Nguyệt đọc lời dẫn |
Theo Ni sư Thích nữ Như Nguyệt, Trưởng Tiểu ban Nội dung tọa đàm, sau hơn 6 tháng khởi động, chuẩn bị và kêu gọi viết bài, Ban Tổ chức tọa đàm đã nhận được 60 bài tham luận đến từ chư Ni, các nhà nghiên cứu, học giả trên khắp mọi miền của đất nước với nhiều nội dung phong phú, đa dạng, gắn với quá trình hình thành và phát triển của Ni giới Bình Phước.
Ban Tổ chức tọa đàm, đặc biệt là Tiểu ban biên tập nội dung đã chọn 42 tham luận có chất lượng xuất bản trong quyển sách cùng tên “Ni giới Bình Phước: Sự dấn thân và truyền trì Chánh Pháp” do Ni trưởng Thích nữ Nhật Khương chủ biên, được xuất bản bởi Nhà xuất bản Khoa học xã hội (Hà Nội).
Tại tọa đàm, diễn giả trình bày tham luận tập trung vào 4 nội dung chính: Ni giới Việt Nam đồng hành và phát triển (11 tham luận); Chư Ni và tự viện tiêu biểu (4 tham luận); Dấn thân và truyền trì chánh Pháp (20 tham luận); Cơ hội và thách thức thời đại 4.0 (7 tham luận).
Chư Ni các tỉnh thành tham dự |
Theo đó, các tham luận của chư Ni trưởng, Ni sư, giáo sư, nhà nghiên cứu tập trung bàn về quá trình hình thành và phát triển của Phật giáo Bình Phước cũng như vị trí của Phật giáo Bình Phước trong lòng Phật giáo, dân tộc. Qua đó, nhấn mạnh vai trò của Ni giới Bình Phước trong sự phát triển của Phật giáo tỉnh nhà.
Bên cạnh đó, các bài tham luận khẳng định sự đóng góp của Ni giới Bình Phước với những vấn đề an sinh xã hội hiện nay; niềm tin vào tương lai tươi sáng của Phật giáo Bình Phước khi nơi này có những chư Ni đầy nghị lực, kiên cường, nhẫn nại, biết vận dụng trí tuệ và tâm từ bi của Phật giáo để hành trì trên vùng đất mới.
Chủ tọa |
Tại tọa đàm, tham luận “Những bước chân Ni giới Khất sĩ đầu tiên trên đất Bình Phước” cung cấp một bức tranh đầy đủ về sự xuất hiện của Ni giới Khất sĩ đầu tiên tại Bình Phước, từ những năm 1957-1960 cho đến khi đất nước hòa bình.
Cùng nhiều bài tham luận khẳng định tính nhập thế, dấn thân phụng sự của Ni giới Bình Phước cũng như khả năng vận dụng những triết lý của Phật giáo về từ bi, trí tuệ, nhẫn nại để vượt qua thử thách, đem ánh sáng Phật pháp đến vùng sâu.
Tọa đàm cũng khẳng định vai trò của Ni giới Bình Phước trong các hoạt động dấn thân ở mọi phương diện và truyền trì Chánh Pháp. Bên cạnh những thuận lợi, các bài tham luận cũng nêu những thực trạng, khó khăn, thách thức của Ni giới Bình Phước trong bối cảnh hội nhập thời kỳ 4.0.
Quang cảnh buổi tọa đàm |
Hội thảo khẳng định sáng rõ thêm hành trạng của chư Ni trưởng tiền bối hữu công Phật giáo Việt Nam, khẳng định sự dấn thân, những đóng góp thiết thực của Ni giới tỉnh Bình Phước cho công cuộc hoằng pháp lợi sinh, nhằm xiển dương chánh pháp, góp phần phát triển của Phật giáo tỉnh nhà nói riêng và GHPGVN nói chung.
Hình ảnh tọa đàm tại chùa Quang Minh: