Bìa sách Biện chính Phật học - Họa sĩ Nhuận Thường thiết kế
Mặc dù chủ đích của tác giả là biện chính những vấn đề trong “nội hàm” giáo pháp của Đức Phật, tuy nhiên trên thực tế, biên độ khảo chứng, biện nghi của tác giả còn mở rộng ra các lĩnh vực như: tư tưởng-triết luận, văn hóa, lịch sử, xã hội, thậm chí những vấn đề liên quan đến khảo cổ học. Tác giả đã viện chứng rất nhiều tài liệu, kinh điển để làm vững chắc thêm cho lý luận của mình, trong đó có nhiều nguồn bằng tiếng Hán, tiếng Anh và tiếng Pali…
Có thể nói, đây là công trình tâm huyết và “táo bạo” của tác giả, bởi nhiều bài viết đã chạm đến những vấn đề từng gây tranh cãi trong quá khứ cũng như những vấn đề được xem là khá nhạy cảm trong Phật giáo ngày nay. Công trình “biện chính” như thế này hiện khá hiếm trên các kệ sách Phật giáo trong cũng như ngoài nước.
Theo tác giả, “kể từ khi sự phân phái bắt đầu xuất hiện trong quá trình phát triển của Phật giáo, thì đó cũng là lúc định hình nên những quan điểm dị biệt trong cách hiểu và luận giải về lời dạy của Đức Phật…”. Và, “trên bước đường du nhập và phát triển ở một số quốc gia, Phật giáo đã chịu sự tác động của nhiều yếu tố (…). Tất cả những yếu tố đó đã góp thêm những điều kiện trực tiếp hoặc gián tiếp, làm thay đổi một số kiến giải về Phật pháp cũng như những nội dung kéo theo tương ứng. Từ đó, trong lịch sử nghiên cứu Phật học đôi khi hiện hữu những tồn nghi, cũng như xuất hiện những pháp hành, những sự kiện mang tính lễ hội văn hóa, mà cơ sở lý luận không được y cứ vào những bộ kinh, luật khả tín”.
Lật giở từng trang sách, độc giả có thể cùng chiêm nghiệm nhiều vấn đề mà tác giả ưu tư như: Nguồn gốc tín niệm cúng sao giải hạn; Khảo sát về bát cháo sữa của nàng Sujata và ngôi tháp gạch bên bờ sông Niranjana; Bàn về những luận điểm sai lầm của Schumann trong tác phẩm Đức Phật lịch sử; Khảo luận về bản kinh Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng; Người xuất gia và vấn đề lễ lạy cha mẹ; Kinh điển phi Phật thuyết trong Kinh tạng Nikaya; Trầm tư về vấn đề phóng sanh; Khương Tăng Hội cầu xá-lợi - huyền thoại và sự thật; Từ quan điểm Nhất-xiển-đề thành Phật đến việc sám hối tội Ba-la-di: khả tính cứu độ và khai phóng của Phật giáo v.v…
Lẽ dĩ nhiên, dẫu tác phẩm hướng đến việc “làm sáng tỏ thêm những cách hiểu chưa đúng về Phật pháp, cũng như đề xuất những giải pháp mang tính tháo gỡ”, người đọc vẫn có thể “biện chính” lại sự “biện chính” của tác giả. Đó cũng chính là mong muốn tha thiết của ĐĐ.Thích Chúc Phú: “chúng tôi rất mong nhận được sự quan tâm hỗ trợ từ chư tôn đức và bạn đọc gần xa, để tác phẩm được kiện toàn về phương diện lý luận, cũng như hoàn thiện những sơ suất về ngôn từ trong lần tái bản kế tiếp”.
Đăng Tâm