Bhutan không cho phép tu sĩ tham gia ứng cử

(Bhutan):  Giới chức trách tại quốc gia Phật giáo Bhutan đã không cho phép tu sĩ Phật giáo và Ấn giáo tham gia ứng cử trong kỳ bầu cử sắp tới nhằm giữ cho tôn giáo và chính trị của nước này được phân biệt rạch ròi.

Quốc gia Hy Mã Lạp Sơn này xem Phật giáo Đại thừa là quốc giáo và tài trợ cho một cộng đồng tu viện với quy mô lớn, nhưng cũng yêu cầu tôn giáo tách khỏi chính trị. Giới chức đặc trách quản lý các tổ chức tôn giáo của Bhutan hiện đang bận rộn xác định thành phần nào của Phật giáo và Ấn giáo bị cấm tham gia ứng cử.

bhutan_elections_ye_20081226.jpg

 

Phurpa Dorji, quan chức cao cấp trong ủy ban tôn giáo gồm 8 thành viên cho biết, danh sách các chức sắc tôn giáo nên đứng ngoài lĩnh vực chính trị vẫn chưa hoàn tất. Các thành viên đã họp 4 lần kể từ tháng 4-2009, và dự kiến sẽ còn phải họp bàn thêm nữa.

 

Việc cấm chức sắc tôn giáo tham gia ứng cử đã có trong các cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên ở Bhutan cách đây 2 năm, nhưng vào thời điểm đó không có quy định cụ thể ai có thể tham gia ứng cử, ai không, ông Dorji nói thêm.

Quỹ tài trợ Phát triển Thanh niên Bhutan, tổ chức phi lợi nhuận bảo trợ những tu sĩ không nhận được sự hỗ trợ của chính phủ, ước tính có khoảng 10% dân số Bhutan sinh hoạt trong hệ thống tu viện. Gần 700 ngàn người Bhutan là tín đồ Phật giáo, chiếm 75% dân số. 22% còn lại là tín đồ Ấn giáo, tôn giáo duy nhất được công nhận chính thức ở Bhutan .

 

Từ thế kỷ 17, Bhutan đã theo hệ thống quản trị kép, gọi là Chhoe-sid-nyi. Hệ thống quản trị này chia quyền quản trị thành 2 nhánh: một nhánh thuộc tôn giáo do các viện chủ tu viện lãnh đạo và một nhánh thuộc hành chính dân sự do nhà vua (nay là thủ tướng) lãnh đạo.

Theo Hiến pháp Bhutan 2008, đến nay, các tu sĩ có quyền bỏ phiếu bầu cử. Hệ thống quản trị kép Chhoe-sid-nyi đã được quy về một người và được duy trì bởi một vị quốc vương bất khả xâm phạm nhưng có thể bị buộc tội, và vị vua này phải là một Phật tử.

 

Hiến pháp cũng quy định tất cả các kỳ họp của quốc hội phải kết thúc bằng khóa lễ cầu nguyện của Phật giáo, và yêu cầu các tổ chức tôn giáo cũng như các cá nhân có trách nhiệm thúc đẩy phát triển di sản Phật giáo “trong khi vẫn bảo đảm tôn giáo tách khỏi chính trị ở Bhutan”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.