GNO - Theo thông tin đăng tải mới nhất về diễn biến dịch bệnh do vi-rút Ebola của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì tính đến ngày 18-8 đã có tổng cộng 106 ca tử vong và 221 ca nhiễm mới (gồm các ca đã kết luận và nghi ngờ) tại Guinea, Liberia, Nigeria và Sierra Leone.
Loài dơi ăn quả được cho là vật chủ tự nhiên của loại vi-rút này
Dưới đây là các thông tin bạn cần biết về loại bệnh lây truyền từ người sang người có nguy cơ tử vong lên đến 90% này. Các thông tin này được lược dịch từ Hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới về Bệnh do vi-rút Ebola.
1 - Bệnh do vi-rút Ebola là gì?
Bệnh do vi-rút Ebola (Ebola Virus Disease) viết tắt là EVD, trước đây được biết đến là bệnh sốt xuất huyết do vi-rút Ebola (Ebola Haemorrhagic Fever), là bệnh nguy hiểm dễ gây tử vong ở người với tỷ lệ tử vong lên đến 90%.
Bệnh này được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1976 ở Châu Phi với hai ổ dịch là tại Sudan và Cộng hòa Dân chủ Congo. Sở dĩ, gọi bệnh này là bệnh do vi-rút Ebola là vì vi-rút này được phát hiện đầu tiên tại một ngôi làng ven sông Ebola (thuộc Congo). Và loài dơi ăn quả được cho là vật chủ tự nhiên của loại vi-rút này.
2 - Vi-rút Ebola truyền sang người như thế nào?
Đầu tiên, vi-rút Ebola truyền từ động vật sang người khi người tiếp xúc gần với máu, chất tiết của động vật bị nhiễm. Vi-rút lây truyền khi tiếp xúc với các động vật nhiễm Ebola như tinh tinh, gorila, dơi ăn quả, khỉ, linh dương hoặc các động vật rừng nhiệt đới khác.
Vi-rút Ebola truyền từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với máu, các chất tiết của cơ thể như: phân, nước tiểu, nước bọt hoặc tinh dịch của người mắc bệnh. Ngoài ra, bệnh còn có thể được phát tán qua các vết xước trên da hay niêm mạc của người khỏe mạnh khi tiếp xúc với môi trường có mầm bệnh bởi các chất tiết của người nhiễm vi-rút như quần áo, ga trải giường hoặc kim tiêm đã qua sử dụng.
Ngoài ra, nam giới đã hồi phục vẫn có thể truyền vi-rút trong vòng 7 tuần sau khi hồi phục. Vì vậy, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo nên hạn chế quan hệ tình dục trong vòng ít nhất 7 tuần sau khi hồi phục hoặc nếu có quan hệ thì phải sử dụng biện pháp an toàn (bao cao su).
3 - Đối tượng nào có nguy cơ cao với vi-rút này?
Các đối tượng có nguy cơ nhiễm vi-rút cao khi phát dịch là: thành viên trong gia đình hay người có tiếp xúc gần với người mắc bệnh do vi-rút Ebola, người đến dự tang lễ tiếp xúc trực tiếp với thi thể người chết do Ebola, người đi săn tiếp xúc với động vật chết do Ebola và các cán bộ y tế.
4 - Các dấu hiệu nhận biết và triệu chứng của bệnh?
Người mắc bệnh do vi-rút Ebola thường xuất hiện các triệu chứng sau: sốt đột ngột, mệt mỏi kéo dài, đau cơ, đau đầu, đau họng. Tiếp theo sau đó là các triệu chứng: nôn, tiêu chảy, phát ban, suy thận và suy gan. Một số trường hợp bị xuất huyết nội tạng và xuất huyết ngoài.
Thời gian ủ bệnh là từ 2 đến 21 ngày. Bệnh nhân dễ lây truyền bệnh cho người xung quanh ngay khi các triệu chứng bắt đầu xuất hiện.
5 - Khi nào nên đi khám để được điều trị?
Hãy đến ngay cơ sở y tế nếu bạn sống trong khu vực có dịch bệnh do vi-rút Ebola hoặc có tiếp xúc với người nhiễm hay nghi ngờ nhiễm vi-rút Ebola và khi bắt đầu thấy xuất hiện các triệu chứng kể trên của bệnh.
Bất kỳ trường hợp nghi ngờ mắc bệnh nào cũng cần được thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất để được chăm sóc y tế và giảm nguy cơ tử vong.
6 - Điều trị như thế nào?
Bệnh nhân mắc bệnh do vi-rút Ebola cần được điều trị tích cực, được bù nước với các dung dịch điện giải qua đường uống hay truyền tĩnh mạch. Hiện chưa có phương pháp đặc trị cho bệnh này. Nhiều bệnh nhân đã khỏi bệnh sau khi được chăm sóc y tế thích hợp.
Để kiểm soát sự lây truyền của bệnh, người mắc bệnh hay nghi ngờ mắc bệnh cần được cách ly với các bệnh nhân khác trong các cơ sở y tế và được nhân viên y tế điều trị trong sự tuân thủ các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn nghiêm ngặt đã khuyến cáo.
7 - Làm gì để phòng nhiễm vi rút Ebola?
Hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh do vi-rút Ebola. Nâng cao nhận thức về các yếu tố nguy cơ của bệnh và các biện pháp phòng tránh cho cộng đồng hiện đang là biện pháp duy nhất để giảm số ca mắc và tử vong do bệnh này.
Trần Trọng Hiếu
(Theo Hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới về Bệnh do vi-rút Ebola)
Các biện pháp do Bộ Y tế khuyến nghị nhằm phòng chống lây nhiễm và hạn chế hay cắt đường lây truyền bệnh: · Hiểu rõ đặc điểm của bệnh, đường lây truyền, biện pháp phòng chống dịch bệnh. · Nếu nghi ngờ một ai đó nhiễm vi rút Ebola, cần động viên và giúp đỡ họ đến khám và điều trị tại cơ sở y tế. · Nếu có ý định chăm sóc bệnh nhân mắc vi rút Ebola tại nhà, cần thông báo cho cán bộ y tế để được cung cấp găng tay, phương tiện phòng hộ cá nhân (PPE) và được hướng dẫn cách chăm sóc bệnh nhân, cách bảo vệ bản thân và gia đình khỏi bị lây nhiễm và cách tiêu hủy PPE sau khi sử dụng. · Khi thăm bệnh nhân trong bệnh viện hay chăm sóc bệnh nhân tại nhà, cần rửa tay với xà phòng hoặc chất sát khuẩn sau khi tiếp xúc với người bệnh, hay tiếp xúc với dịch tiết cơ thể hoặc sờ vào các vật dụng của người bệnh. Ngoài ra, cần tránh tiếp xúc với các động vật có nguy cơ cao nhiễm vi rút Ebola như: dơi ăn quả, khỉ, hay vượn… tại các khu vực có rừng nhiệt đới. Không giết mổ động vật nghi ngờ bị nhiễm bệnh. Huệ Trần (tổng hợp) |