GN - Một bà mẹ trẻ, 33 tuổi, và đứa con gái đầu lòng của bà, Leslie Mancillas, 13 tuổi, cùng tham gia vào một hành trình tâm linh; người mẹ phấn chấn vào cuộc, đứa con thì miễn cưỡng theo mẹ, hững hờ. Mẹ rủ con đặt cược: Mẹ có đi đến cùng hay không?
Đứa con gái nói trên, bây giờ là giáo sư tiếng Anh tại Đại học Santa Rosa, California, Hoa Kỳ, cũng là người viết văn, ra sách, người giới thiệu chương trình, đã viết hồi ký về giai đoạn trẻ thơ vô cùng khó khăn trong gia đình.
Leslie Mancillas, Giáo sư Anh ngữ tại Santa Rosa Junior College in Santa Rosa, California - người đã có 44 năm thực hành Phật pháp
... Sau khi sinh con gái Leslie, thân hình bà mẹ trẻ trở nên đẫy đà. Nghĩ rằng ông chồng thích mình thon thả nên bà đến bác sĩ để được tư vấn giảm cân nhanh. Bác sĩ đã kê đơn thuốc giảm cân, trong đó có loại thuốc gây phấn khích, từ đó bà không ngủ được, phải dùng thuốc ngủ. Chứng rối loạn tâm thần kết hợp với sự tê liệt do thuốc ngủ, cứ như thế ảo giác và địa ngục chờ đón bà.
Ông chồng đi làm ăn ở phương xa, bà sống trong một căn hộ với ba đứa con. Những cơn nghiện ma túy đã kềm hãm bà trong vòng xoay của sự ghét bỏ, tức giận và tuyệt vọng - một vòng xoay luôn dẫn bà đến bạo hành con cái. Bên trong căn hộ hào nhoáng đó là cả một địa ngục. Bây giờ, sau một thập niên nỗ lực chữa lành không có kết quả, bà đã bị tổn thương về thể xác lẫn tinh thần và tự căm thù mình. Bà viết trong nhật ký: “Tôi đánh đập con thật nhẫn tâm, gần như hàng ngày. Tôi cô đơn. Tôi sử dụng mescaline (thuốc gây ảo giác), speed (thuốc amphetamin gây phấn khích), thuốc tâm thần và thuốc ngủ, làm cho người dật dờ và bị cuộc sống đánh bại”.
Một người tình của bà đã cung cấp những thứ thuốc đó cho bà. Ông là một nhân viên tịch thu ma túy hàng đầu của thành phố New York, và bất cứ khi nào tóm lấy được những người buôn ma túy, ông sẽ tịch thu ma túy của họ và dành phần tốt nhất để chia cho bà: uppers (thuốc gây phấn khích), downers (thuốc giảm đau), mescaline (thuốc gây ảo giác), quaaludes (loại an thần thôi miên), psychedelics (thuốc gây lâng lâng).
Nhớ lại quãng thời gian này của cuộc đời, sau đó bà viết trong nhật ký: “Căn hộ của chúng tôi là một nơi bẩn thỉu của tình dục và ma túy. Leslie tội nghiệp, tôi nhớ nó rất chán đời và sao tôi lại đánh chúng khi chúng cố gắng lấy bất cứ thứ gì chúng cần từ tôi... Tại sao tôi ghét chăm sóc chúng, tại sao tôi mong chúng biến đi?”.
Có thời gian bà đã cố gắng ngừng đánh đập con. Bà cố gắng tự chữa lành vết thương bằng liệu pháp la hét nguyên thủy, liệu pháp cảm xúc hợp lý, liệu pháp Gestalt, liệu pháp phân tâm học, liệu pháp Freud, liệu pháp trò chơi Synanon, liệu pháp truyền thống và vô số loại thuốc. Không có gì hiệu quả, và với mỗi lần thất bại, cơn thịnh nộ của bà đối với ba đứa con lại tăng lên.
Trong hồi ký, Leslie ghi lại những đêm khủng khiếp: “Tệ nhất trong tất cả là các trận đòn ban đêm. Thuốc speed hành hạ mẹ vào khoảng nửa đêm, thấm vào xương cho đến khoảng ba giờ sáng, khi mẹ nạp thuốc ngủ và rượu vodka. Chúng tôi cứ đợi nó hàng đêm. Giống như tắc kè hoa, chúng tôi điều chỉnh cho người mẹ điên cuồng của mình. Theo thời gian, cảnh tượng bà chụp mái tóc dài gợn sóng của chúng tôi kéo lê chúng tôi quanh sàn nhà gỗ, đã không còn làm chúng tôi kinh ngạc nữa. Bà thét mắng trong nhiều giờ và sau đó bắt chúng tôi rửa ráy, quét, lau bụi, gấp màn, rửa chén đĩa, thay tấm trải giường, bày biện đồ chơi và lau sàn nhà. Chúng tôi muốn sống, vì vậy chúng tôi đã quét nhà và không thốt ra lời nào trong lúc mẹ điên cuồng. Trong cơn mê ngủ, mang theo những cú tát và đá của bà, chúng tôi dọn dẹp và lau chùi mọi thứ sạch sẽ cho đến khi bà chìm hẳn vào giấc ngủ”.
Cơn khủng hoảng thần kinh đó đã khiến bà dự định tự vẫn. Nhưng dầu thế nào, bà mẹ trẻ người Mỹ gốc Do Thái này vẫn không để cho mái tóc mình xấu xí. Bà bèn đến thẩm mỹ viện. Mới 33 tuổi, bà không cần nhuộm tóc, nhưng bà lại rất ghét những lọn tóc quăn tự nhiên của mình. Nhà tạo mẫu Marilyn xử lý mái tóc theo ý bà, và bà cố gắng thư giãn trên chiếc ghế da mềm mại. Tóc bà rơi vào bát dầu gội, trong đầu bà ngập đầy lo nghĩ. Bọn trẻ rồi sẽ ra sao? Bố và mẹ bà sẽ nghĩ gì - họ thậm chí có quan tâm nếu bà rời khỏi thế giới này? Ồ, thế nhưng bà vẫn cảm thấy êm ái và đê mê khi Marilyn xoa bóp da đầu. Bà quyết định tận hưởng khoảnh khắc này.
Trong tiếng o o của máy sấy, Marilyn thốt lên: “Chị trông đẹp thế kia!”. Mặc dù cảm thấy mình xấu xí, bà vẫn dán mắt vào gương. Nhìn chằm chằm vào đôi mắt màu xanh lục, làn da trắng sữa và chiếc mũi sửa tinh xảo, bà lờ đi lời nhận xét của Marilyn, và cảm thấy đau nhói trong dạ dày.
Trong khi Marilyn đang duỗi thẳng phần tóc cuối cùng, bà bắt đầu lên ý tưởng cho bức thư tuyệt mệnh. Đột nhiên một người quen của Marilyn xuất hiện. “Tôi đem đến cho chị một bản sao cuốn sách mà tôi kể cho chị, “Buddhism: The First Millennium” (Phật giáo: Thiên niên kỷ đầu tiên)”, người phụ nữ tóc đen tên Melanie rạng rỡ nói. Cô kể cho Marilyn nghe về một bài kinh cổ có thể làm cho phấn chấn tinh thần. Mẹ Leslie chưa bao giờ thấy ai trông có vẻ hạnh phúc như vậy, từ trong ra ngoài. “Xin vui lòng cho tôi biết chị đang dùng thuốc gì vậy?”, bà hỏi, băn khoăn không biết có thể có loại thuốc nào bán trên thị trường mà bà chưa thử.
Melanie liếc nhìn bà: “Không, không. Tôi không dùng bất kỳ loại thuốc nào cả. Chị có bao giờ nghe nói về Phật giáo Nichiren chưa? Đó là phương pháp tu tập của tôi - một con đường cầu nguyện liên quan đến việc trì tụng và suy niệm một số phẩm của bộ kinh có tên là Pháp hoa”. Melanie tiếp tục kể cho bà nghe cách tụng tiêu đề tiếng Nhật của kinh này: “Nam-myoho-renge-kyo” (Nam-mô Diệu pháp Liên hoa kinh) - một cách tu tập được gọi là daimoku, có thể thay đổi cuộc sống của mình bằng cách bộc lộ Phật tính bên trong. “Như giọng nói của chị tạo ra rung động, chị sẽ thay đổi điều kiện cuộc sống của chính mình”, Melanie chia sẻ lời diễn dịch của daimoku. “Đó là niềm kính tín đối với luật nhân quả huyền bí thông qua âm thanh (hoặc “thông qua kinh Pháp hoa”), và myo cũng có thể có nghĩa là ‘mở ra’ hay ‘hồi sinh’”.
Bà cười to. Bà tự hỏi liệu Melanie có nên bị ném đá không, nhưng Melanie tiếp tục nói về truyền thống tu tập tin vào tiềm năng vô biên mà ai ai cũng có. “Pháp hành này có thể thay đổi vận mệnh mà không cần thuốc”, Melanie nói. Tóc bà cuối cùng cũng không còn xoăn, và bà đứng dậy khỏi ghế. “Chị muốn dạy tôi câu này ngay hôm nay?”, bà hỏi Melanie. “Mấy đứa con tôi hiện không có nhà, và tôi cần chị ngay bây giờ!”. Melanie hẳn đã cảm nhận được sự cấp bách trong giọng nói của bà. “Chắc chắn rồi, chị thân yêu”, cô nói. “Xin đến nhà chị, và tôi sẽ giải thích thêm”.
Họ rời cửa hiệu làm đẹp và lên tàu điện ngầm. Trên tàu, bà tuôn ra câu chuyện đời mình: Nỗi đau buồn khi bị bỏ rơi, sử dụng ma túy, hành vi ngược đãi đối với con cái và ý định tự vẫn. Melanie dẫn lời Chủ tịch của Tổ chức Phật giáo Soka Gakkai International, Tiến sĩ Daisaku Ikeda: “Tụng câu kinh Nam-myoho-renge-kyo là một diễn biến xúc động về sự kết hợp sâu xa hoặc tương tác giữa chúng ta và vũ trụ... Đó là cuộc cách mạng viết lại kịch bản vận mệnh của chúng ta”. Toàn thân mẹ Leslie run rẩy trong chuyến tàu điện ngầm. Có phải bà đang ở trong một giấc mơ? Tất cả dường như quá siêu thực. Có phải bà có thể trở thành một Phật tử người Mỹ gốc Do Thái?
Khi Melanie bước vào căn hộ, cô đi qua thùng cần sa lớn ở lối vào và hỏi mẹ Leslie nơi để thiết lập một “góc tâm linh”. Họ quyết định biến quầy rượu ẩm ướt thành bàn thờ. Melanie và mẹ Leslie đặt tay lên trái tim và bắt đầu thì thầm. Giữa những khoảnh khắc đó, tiếng hòa âm giọng nói xúc động của họ bắt đầu tạo cảm giác nhẹ nhõm cho bà. Trái tim bà như rung nhẹ và tâm hồn được xoa dịu. Mẹ Leslie nếm hy vọng, một cái gì đó ngọt ngào. Một sự gợi lên của tình yêu vô điều kiện. Một người lạ đã cứu bà tỉnh táo ngày hôm đó.
Khi mặt trời ngày thứ bảy nhuốm màu vàng và đỏ trên sông Hudson, bà quyết định trì hoãn cái chết. Bà sẽ thử một điều nữa trước khi tự vẫn. Trong nhật ký của bà vào tối hôm đó, bà viết: “Đó là khi tôi bắt đầu tụng kinh và bắt đầu cảm thấy cuộc sống của mình... Cái chết có thể chờ đó”.
Dưới đây là trích dịch nguyên văn lời tự sự của Leslie:
- Khi ba đứa trẻ từ nhà bà ngoại trở về vào ngày hôm sau, mẹ tôi xông vào phòng tôi và tuyên bố: “Ngay bây giờ, chúng ta trở thành Phật tử!”. “Cái quái gì thế?”, tôi nói. “Không đời nào! Mẹ đã phát điên hoàn toàn chưa?”. “Không”, mẹ nói với giọng bình tĩnh hơn. “Mẹ nghĩ điều này có thể giúp chúng ta sống tốt, giúp chúng ta hạnh phúc. Giải pháp có vẻ tích cực và tất cả chúng ta sẽ thử điều này”. Khi mẹ nói, tôi liếc nhìn quầy rượu bằng đá cẩm thạch trắng đã chuyển chức năng, bây giờ không còn những chai bourbon, gin, vodka, rượu whisky và kính sáng loáng.
Đối với tôi, rõ ràng cuối cùng mẹ đã sang trang đời mình. Quán bar đã trở thành một bàn thờ Phật. Bàn của bà trước đây bày đầy thuốc và đồ ưa thích thì giờ đây có ảnh thờ, nến trắng, lá xanh mọc lên từ một chiếc bình trong suốt, một đĩa táo và chuối, nhang xanh nằm phẳng trên một hộp gỗ, một chiếc gối vàng nhỏ lấp lánh trên đó đặt chiếc chuông đen, và một đĩa nước hình hoa sen trắng. Với tuổi mười ba, tôi đã thách thức: “Không, không, không, không, không”. Tôi nói với mẹ: “Nếu mẹ muốn tạo ra những âm thanh lạ, mẹ cứ làm, nhưng con ra ngoài”. Là đứa lớn tuổi nhất trong ba đứa, nhiệm vụ của tôi luôn là quản lý sự cuồng loạn của mẹ và chống chọi lại những trận đòn thường xuyên của mẹ.
Tôi cảm thấy an toàn khi nghĩ rằng tôi có thể kiểm soát cơn thịnh nộ tiếp theo của mẹ. Nhưng tụng kiểu mumbo-jumbo? Tôi không có chiến lược cho điều đó. Và bên cạnh đó, tôi đã bị tê liệt về khái niệm có hòa bình trong ngôi nhà bạo lực của chúng tôi. Trong tâm trí tôi, tôi thông minh hơn mẹ tôi rất nhiều. Tôi đã bị tơi tả với cơn điên loạn của bà, và tôi không muốn làm gì với một nỗ lực vô ích khác của bà để tự cải thiện. “Mẹ chắc chắn điên rồi”, tôi nói với bà. Nhưng bà chỉ nhìn tôi và nói: “Con có thử thực hành điều này với mẹ nếu mẹ đặt cược với con?”.
“Loại cược nào?”, tôi thận trọng hỏi.
“Đây là thỏa thuận”, mẹ nói. “Tụng kinh với mẹ 2 lần một ngày ít nhất 10 phút trong một trăm ngày, đi đến sinh hoạt đạo tràng Phật giáo mỗi tuần và học giáo pháp 5 phút mỗi ngày. Nếu sau thử nghiệm, con không thấy hiệu ứng tích cực, mẹ hứa mẹ sẽ bỏ”.
Ngay lúc đó, mẹ tôi đã trải qua một cảm giác nhẹ nhàng rất rõ ràng từ tụng kinh, một sự thay đổi trong năng lượng của mẹ - nhưng ban đầu tôi không tin. “Leslie, mẹ tin chắc con trở nên hạnh phúc”, bà nói với tôi.
Mẹ tôi thông minh hơn tôi nghĩ. Bà biết làm thế nào để đến với tôi. Đầu óc tuổi teen của tôi nghĩ rằng, đây là chuyện lớn - tôi có thể khiến mẹ bỏ trò chơi ngớ ngẩn này. Tôi đã khiến mẹ phải hứa với tôi bằng văn bản rằng trừ khi mọi điều xảy ra mà tôi vẫn tụng kinh, còn không thì mẹ sẽ dừng lại. “Mẹ ơi, mẹ có thể tiếp tục, nhưng con sẽ thắng”, tôi đã nói với mẹ.
"Vâng, đứa con gái ngày đó đã thua cuộc, lớn lên vẫn thua cuộc và ngày nay người đàn bà gốc Do Thái này là vị giáo sư đại học đã hành trì đạo Phật theo tinh thần kinh Pháp hoa suốt 44 năm qua"...
Vào ngày đầu tiên của một trăm ngày, tôi ngồi trên một cái bồ đoàn đối diện với quầy rượu. Tôi tụng “Nam-myoho-renge-kyo” với sự hăng hái thắng cược; tâm trí tôi cười vô tư không ngừng. Nhưng theo thời gian, khi tôi tụng daimoku với mẹ hai lần một ngày, tận sâu thẳm tôi bắt đầu tự hỏi: Liệu mình có thể làm chuyện này không? Mặc dù bản thân tôi, hành động đơn giản là sự rung động đã giúp tinh thần bị khuất phục thêm một chút. Những âm thanh lóe lên gợi ý về hạnh phúc có thể cảm nhận là gì. Nhưng tất nhiên tôi không thể nói với mẹ những gì tôi cảm nhận.
Đến ngày thứ hai mươi lăm của vụ cá cược, tôi cảm thấy rung lên một niềm vui. Tôi mới chỉ trải qua một phần tư chặng đường của trải nghiệm, nhưng tôi đã bắt đầu đặt câu hỏi, phải chăng mình cứ mãi đinh ninh cuộc sống sẽ luôn khủng khiếp, như đã có trong 10 năm tàn khốc vừa qua? Mẹ có Phật tính hay không? Tôi có Phật tính hay không? Liệu nghiệp lực gia đình khủng khiếp của chúng tôi có thể chuyển đổi hay không?
Đến ngày thứ 55, vẫn tiếp tục bác bỏ điều này với mẹ, tôi nhận ra mình có một vấn đề: Mẹ đã thắng cược. Tất cả mọi thứ trong danh sách cầu nguyện của tôi đều được biểu lộ khi tôi tiếp tục lặp lại daimoku, nhưng điều quan trọng là tôi cảm thấy hạnh phúc hơn và mẹ dường như cũng hạnh phúc hơn. Một cái gì đó đang thay đổi, nhưng tôi không muốn thừa nhận nó.
Tôi đã làm theo các điều khoản của mẹ mỗi ngày của vụ cá cược. Tôi đã tụng kinh hai lần một ngày, đi đến sinh hoạt đạo tràng Phật giáo hàng tuần và bắt đầu học cách xoay chuyển bánh xe nhân quả trong cuộc sống của mình bằng cách biến những chướng ngại thành lời mời gọi cho sự phát triển nội tâm. Trong một bài giảng, Tiến sĩ Ikeda đã viết: “Khi chúng ta trải qua những đau khổ dữ dội nhất, đau đớn không thể chịu đựng nổi và sự bế tắc dường như không thể vượt qua, thực sự đó lại là những cơ hội tuyệt vời để thực hiện cuộc cách mạng của con người chúng ta”. Khi tôi học về triết lý này, sự chuyển đổi bên trong của tôi thực sự bắt đầu. Tôi cảm thấy một loại dịch chuyển rung động tận tế bào, như thể các phân tử đang di chuyển về hướng thuận lợi. Trước vụ cá cược này, tôi thường tự hỏi liệu hạnh phúc có thực sự tồn tại hay chỉ là trò hư ảo trên tivi. Nhưng mỗi ngày tụng kinh, nỗi buồn tan đi và hy vọng bắt đầu thay thế nó.
Khi một trăm ngày kết thúc, tôi nhận ra rằng tôi đã thua cược. Tôi đã trắc nghiệm sức mạnh của niệm Phật ban đầu một cách hời hợt bên ngoài. Nhưng điều tôi nhớ nhất là - mặc dù tôi không tin vào Phật giáo - nỗi thất vọng của tôi đã tan biến. Nhấn hai lòng bàn tay vào nhau khi tôi tụng đi tụng lại daimoku, tôi cảm nhận một nụ cười từ bên trong mà tôi chưa bao giờ có trước đây. Mẹ biết mẹ đã thắng vì tôi cứ tụng kinh và tôi không bao giờ nói bỏ cuộc. Tôi đã miễn cưỡng tham gia cùng mẹ trong hành trình tâm linh kỳ lạ này, và bây giờ, ở tuổi 13, tôi cảm thấy bên trong mình đã trở thành một Phật tử Do Thái chính thức. Mặc dù nó có thể là vô hình đối với người khác, tôi cảm thấy như một đứa trẻ mồ côi đã từng rách rưới, giờ đang đội một chiếc vương miện rạng rỡ.
Cuộc sống cho chúng tôi những điều cải thiện từng ngày. Mẹ ít sử dụng ma túy và cơn thịnh nộ giảm đi. Dần dần, khi tôi học được mọi trở ngại trong cuộc sống đều chứa nguồn năng lượng biến đổi của riêng nó, tu tập của riêng tôi đã mở rộng vượt qua những ham muốn hữu hình và tập trung vào sự hiểu biết tâm linh sâu sắc hơn. Đây là chìa khóa cho sức sống nổi bật mà mẹ tôi đã thấy nơi Melanie - và trong sâu thẳm của tuyệt vọng, mẹ biết mẹ cần cho chính mình.
Mẹ, hai đứa em tôi và tôi đã trải qua nhiều thử thách trên con đường chữa bệnh của mẹ. Nhưng như những gì người thầy thông thái, TS.Ikeda viết: “Khi bạn nhìn lại, bạn sẽ thấy rằng khó khăn đã gây cho bạn hết sức đau lòng, lại trở thành cơ hội để tự động giải tỏa tình trạng cuộc sống của bạn”. Chắc chắn điều đó đã trở thành sự thật, cả cho mẹ tôi và cho tôi. Và bây giờ, hồi tưởng lại, nó gần như là một trò trêu ngươi. Mẹ tôi đã đi đến một cửa hiệu làm đẹp vào sáng thứ Bảy đó vì bà đã không muốn rời cuộc sống này với mái tóc xấu. Thế rồi, thay vào đó, bà tìm một kiểu làm đẹp rất khác, một vẻ đẹp vẫn tỏa sáng từ khuôn mặt của bà, cho đến trước khi chết ở tuổi già, bà lại mong muốn mỗi đứa con gái của mình tha thứ cho bà. Đó là một vẻ đẹp mà bà thách thức tôi tìm cho chính tôi, trong phần còn lại của cuộc đời, và tôi biết ơn vì đã thua cuộc.
*
Vâng, đứa con gái ngày đó đã thua cuộc, lớn lên vẫn thua cuộc, và ngày nay người đàn bà gốc Do Thái này là vị giáo sư đại học đã hành trì đạo Phật theo tinh thần kinh Pháp hoa suốt 44 năm qua.
Tháng 7-2020
Cao Huy Hóa / Báo Giác Ngộ số 1064
Tài liệu sử dụng: Leslie Mancillas, “The Buddhist Bet”, Tricycle Magazine, Summer 2020.