GNO - Thầy là người dẫn đường bằng ánh sáng... Đó là cảm nhận của Bell Hooks về Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Bell Hooks là nhà tư duy và bình luận văn hóa người da màu hàng đầu thế giới về phân biệt chủng tộc và nữ giới; từng mô tả bản thân mình “là người hoạt động xã hội da màu có trí tuệ và văn minh”. Cô đã xuất bản hơn 20 quyển sách; trong đó có quyển Tất cả về Tình yêu thương: Những tầm nhìn mới (tạm dịch từ All About Love: New Visions).
Bell Hooks và Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Gần đây, trong bài chia sẻ cảm nhận của mình về vai trò người thầy của Thiền sư Thích Nhất Hạnh đối với cô và những người da màu khác trên tờ Lion’s Roar, cô cho biết:
Tôi không biết mong đợi gì khi lần đầu tiên gặp Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong một khóa tu dành cho người những người sống sót sau chiến tranh tại Việt Nam. Nhưng không giống hầu hết các khóa tu Phật giáo khác, khóa tu này là một “yến tiệc đa sắc tộc”.
Có mặt và giảng dạy về sự thực hành tinh thần và tâm linh, Thầy luôn là “sức mạnh can thiệp” vào các hệ thống xã hội như phân biệt chủng tộc, phụ quyền gia trưởng và phân chia giai cấp.
Khác với những vị thầy Phật giáo mang tư tưởng phụ quyền khác, Thiền sư đã cùng làm việc với Sư cô Chân Không hơn 50 năm qua. Sư cô vừa là người ngoại hộ vừa là một người bạn của Thiền sư, cũng là người chúng ta gặp qua trước khi được gặp Thầy. Dù vậy, không một ai phàn nàn về thứ cấp sắc tộc trong thế giới của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Sự đa dạng nằm trong biểu hiện nhưng quan trọng hơn là nền tảng đa nguyên. Diane Eck làm việc trong Dự án Đa nguyên tại Đại học Harvard đã nói rằng:
“Đa nguyên không thuần túy là sự đa dạng mà còn là sự dấn thân đầy năng lượng với sự đa dạng... Ngày nay, đa dạng tôn giáo là một điều hiển nhiên nhưng tính đa nguyên trong tôn giáo không phải điều hiển nhiên; đó là một thành tựu.
Ngoài ra, tính đa nguyên không chỉ thể hiện sự bao dung mà còn là chủ động tìm kiếm sự thấu hiểu thông qua những khác biệt. Bản chất của đa nguyên dựa trên đối thoại”.
Tôi luôn ngạc nhiên bởi tinh thần hòa hữu này nơi Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Hoạt động của Thiền sư biểu trưng cho bản chất của đa nguyên. Với người da màu trên thế giới này, Thầy là người dẫn đường bằng ánh sáng, hoạt động vì hòa bình và công bằng. Và với Thầy, công việc bắt đầu với sự thực hành tinh thần, tâm linh.
Năm 1999, tôi vinh dự được phỏng vấn Thầy cho tờ Lion’s Roar. Chúng tôi đã nói về ảnh hưởng của mục sư Martin Luther King đối với ngài; đặc biệt là những giáo lý về “cộng đồng của yêu thương”:
“Mục sư Martin Luther King trong chúng ta như một người anh, một người bạn và người dẫn dắt. Khi chạm vào ông, bạn như chạm vào một vị Bồ-tát, vì sự thấu hiểu và yêu thương của ông đủ để giữ tất cả về phía mình.
Ông đã cố gắng truyền chuyển sự hiểu biết sâu sắc và tình thương đến cộng đồng, nhưng có lẽ chúng ta không nhận nó một cách đầy đủ. Ông nỗ lực truyền chuyển những điều tốt đẹp nhất cho chúng ta - sự tốt đẹp của ông, tình thương của ông, cái bất nhị của ông. Nhưng vì bám vào ông như một cá thể, chúng ta không mang được tinh hoa lời dạy của ông vào cộng đồng của mình.
Hiện giờ, ông không còn hiện diện, chúng ta mất mát. Chúng ta phải nhận thức rằng sự truyền chuyển quan trọng mà ông thực hiện không phải là sức mạnh, quyền lực, vị thế mà là sự truyền chuyển của Pháp. Đó chính là tình yêu thương” - Thiền sư trả lời.
Hiện tại, khi nghĩ về Thầy, tôi luôn cảm thấy quý phục vì tinh thần hòa hữu này. Nhiều năm trôi qua, Thầy luôn là một bậc thầy lớn về sự chánh trực; luôn có sự đồng đẳng giữa điều Thầy nghĩ, nói và làm. Thầy đã giúp tôi hiểu ra tầm quan trọng của sự đóng góp, hy sinh cho chân lý. Thầy là một hình mẫu trong tôi, tôi luôn làm việc để trở thành một người giáo viên có giá trị, một người thực hành tâm linh đúng mực và để trở nên cởi mở, rộng lượng một cách thật sự.