GN - Mặc dù xứ Đồng Tháp không thiếu những đạo tràng tu tập, Phật tử ở thành phố Sa Đéc vẫn khát khao cầu pháp với mong ước được trợ lực và trợ duyên một cách bài bản. Như đất khô cằn gặp mưa, cơn khát gặp nước mát, tháng 2-2012, lớp giáo lý dành cho Phật tử tại gia ở chùa Phước Huệ mở cửa đã thu hút nhiều Phật tử tham gia.
Hạnh nguyện chia sẻ
Sĩ số lớp có lúc hơn 50 học viên, đa số là giới trí thức về hưu. Sự nỗ lực đưa người “qua sông” của SC.Thích nữ Như Thanh, Ủy viên Ban Hoằng pháp GHPGVN tỉnh và sự nhiệt tình tu học của học viên làm cho lớp học nhanh chóng trở thành chiếc bè Chánh pháp ấm tình đạo vị mà nhiều người đã khấp khởi nhận ra giữa chốn trầm luân, niềm an vui dần hé mở…
Lớp giáo lý chùa Phước Huệ đa số tập trung giới trí thức đến học - Ảnh: Thanh Tuyền
Trên tinh thần “Hoằng pháp vi gia vụ / Lợi sanh vi bổn hoài”, sau khi tốt nghiệp tiến sĩ Phật học ở Ấn độ, SC.Thích nữ Như Thanh về chia sẻ kiến thức Phật pháp cùng Phật tử. Sư cô nói: “Phải chia sẻ sở học để làm sao cho người tu tại gia ứng dụng được Phật pháp vào đời sống.
Tôi mong tất cả mọi người được học, hiểu và hành đúng giáo pháp để chuyển hóa tâm linh, an lạc không chỉ hiện đời mà cả khi xả bỏ báo thân này. Trong truyền đạt, tôi chú trọng phần thực hành nhiều hơn giáo lý, dẫn dụ và nhắc đi nhắc lại nhiều lần trọng tâm bài học nhằm giúp Phật tử hiểu và tự giác thực hành để từng bước tự độ. Chánh báo là mình, mình tự sửa được bản thân, y báo - hoàn cảnh sẽ chuyển đổi theo”.
Chương trình học bao gồm sử Phật giáo và kinh Trường bộ. Phật tử dự học sẽ lần lượt tiếp thu toàn bộ nội dung kinh điển Pali, bộ Nikaya, kinh A-hàm. Thương một vài Phật tử nông dân ở cách Sa Đéc con sông cái lớn bên vùng cồn Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh nằm dọc Quốc lộ 30, Phật tử tại gia tinh tấn, người bán vé số dạo, mua bán nhỏ hàng tuần đến lớp, những hôm mưa gió mù trời, Sư cô cũng tận tình trên bục giảng.
Không khí lớp học luôn sinh động, ấm tình đạo vị, học viên cởi mở trao đổi những điều đã học nhờ phương pháp truyền đạt gợi mở chân tình. Qua hơn 2 năm truyền pháp, SC.Thích nữ Như Thanh cho biết, hầu hết học viên tiếp thu rất tốt so với các đạo tràng, một số người bước đầu đã có ít nhiều niềm vui.
Niềm vui tự độ …
Cô Lâm Thị Huê, sinh năm 1949 (ở khóm 2, phường 1, TP.Sa Đéc), là cựu giáo viên rồi cán bộ Phòng Giáo dục thị xã Sa Đéc theo lớp từ ngày đầu khai giảng. Cô tâm sự, trong một dịp tham quan du lịch trước đây, cô tình cờ đọc được hai câu ghi bên tượng Phật Di Lặc ở một ngôi chùa: “Bụng lớn năng dung, dung những điều khó dung trong thiên hạ/ Miệng cười hỷ xả, xả những việc khó xả ở thế gian”. Hạt giống Bồ-đề đã âm thầm nhen nhóm trong tâm cô từ đó.
Vậy mà mãi đến năm 2011, theo bạn bè quy y nhận được pháp danh Diệu Ngộ, cô mới chợt nhận ra mình phải “quay về”. Nhất là khi nghe Sư cô giảng cảm thấy bản thân thiếu vô cùng cái hiểu biết đúng Chánh pháp, như sự ngộ nhận giữa phước đức và công đức.
Vẫn tính cách khôi hài vô tư để đối mặt với những cú sốc trong đời, cô nói: “Dù lớn tuổi còn bận sinh kế gia đình, tôi vẫn muốn học để hiểu và hành đúng Chánh pháp, vì tu mù dễ lạc vào mê tín. Tôi đau bệnh, thân phải mổ xẻ nhiều lần nhưng tôi chấp nhận và thấy lòng thanh thản khi nhận ra thân này giả tạm, muốn sống an lạc thì những phiền muộn phải bỏ hết sau lưng. Ai cũng còn sân si, nhưng bỏ được chút nào hay chút ấy”.
Ông Nguyễn Ngọc Đáng, sinh năm 1936 (ngụ khóm Sa Nhiên, phường Tân Quy Đông), là y sĩ quân y chế độ cũ, chia sẻ: “Chủng tử phàm phu huân tập nhiều đời nên mình phải nhận rõ và quyết tâm tự độ mới thật sự được an lạc. Trước đây, tôi còn móng tâm hơn thua, chấp nhặt khi đụng chuyện phải trái thế gian, nhưng sau khi học pháp và thực nghiệm, tôi biết nguyên nhân của khổ qua pháp Tứ đế. Phải nhã nhặn, ôn hòa với lối xóm bằng thực hành Tứ nhiếp pháp. Qua cách hành xử ấy, bà con lối xóm đã bỏ đi cái nghĩ sai về mình là người tham lam, tật đố. Giờ sức khỏe còn cho phép, tôi cố gắng thu thập giáo lý để áp dụng khi già yếu vô thường. Giáo lý của Đức Phật là những bài học thiết thực về con đường thoát khổ”.
Dược sĩ trung cấp Huỳnh Thị Đẹp, sinh năm 1968 (ở xã Tân Dương, huyện Lai Vung - địa bàn giáp ranh Sa Đéc tham gia học được ba tháng. Chị cởi mở cho biết: “Em đi chùa, ăn chay 15 năm rồi mà tâm vẫn còn cố chấp, tự bó buộc mình vì những điều thật vô lý. Giờ nghe Sư cô giảng, tâm được hé mở chút an lạc, thì ra lâu nay mình chỉ hiểu mà hành giải đãi, lơ mơ, chẳng khác nào khát có sẵn nước mà không tự uống”.