“Bất khả phân Đạo và Đời, ấy mới chính là Đạo…”

“Bất khả phân Đạo và Đời, ấy mới chính là Đạo…”

Nhân dịp đầu hạ năm nay, chị lại chuẩn bị cho ra mắt bản trường ca về một vị hoàng đế Phật - Phật hoàng Trần Nhân Tông. Phóng viên Giác Ngộ đã có cuộc trao đổi với chị.

- Chị có thể cho biết vì sao chị lại chọn tác phẩm "Hai quãng đời của Sơ tổ Trúc Lâm" của Hòa thượng Thích Thanh Từ để chuyển thể? Chị muốn gởi gắm đến mọi người điều gì thông qua trường ca này?

- NS Bạch Tuyết: Cuộc đời và sự nghiệp của Sơ tổ Trúc Lâm Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông là biểu tượng cho một chủ nghĩa anh hùng và tinh hoa tư tưởng - văn hóa của dân tộc Việt Nam. Ngài là một phần của bản sắc văn hóa Việt Nam, tạo nên diện mạo của văn hóa Việt, trong đó có Phật giáo Việt Nam. Khi đã đạt đến đỉnh vinh quang, Ngài không màng danh lợi, tiếp tục lên đường để nhập cuộc, tìm sự lý giải rốt ráo nhất cho cuộc đời, cho con người. Ngài xuất gia nhưng không xuất thế; vẫn trở lại triều cùng vua tôi nhà Trần bàn kế đuổi giặc giữ nước.

Là một nghệ sĩ cũng là Phật tử, tôi tự hào và biết ơn khi được tắm mình trong dòng chảy văn hóa Việt Nam, trong đó có triết học Phật giáo VN mà Ngài là biểu tượng cao đẹp của văn hóa - Phật giáo Việt.

Nghệ thuật bao giờ cũng là chiếc gạch nối với hôm qua và ngày mai. Hôm nay, chúng ta tự hào, hãnh diện làm người kết nối những giá trị lịch sử đến những giá trị nghệ thuật, không gì ý nghĩa hơn. Cùng với những công trình văn hóa trọng đại tưởng niệm, vinh danh Phật hoàng Trần Nhân Tông, tôi chỉ xin được góp một phần rất nhỏ bé của mình. Đọc sách của Ngài, về Ngài, học những điều Ngài đã sống và hành, chúng ta như những học trò nhỏ, ghi ghi chép chép suốt cả hành trình, có khi chỉ để nhận ra một chút gì đó để đổi thay mình, đánh thức mình, tốt hơn lên, sống có ý nghĩa hơn lên…

- Trần Nhân Tông vốn là một vị vua nhưng Ngài đã "xem ngai vàng như đôi dép rách", lên non cao để quyết chí tu hành… Là một đệ tử của Thiền phái Trúc Lâm, lại là một người nổi tiếng, chị quan niệm như thế nào về danh vọng, địa vị mà mình đã đạt được? Bài học lớn nhất mà chị đã học được từ "Hai quãng đời của Sơ tổ Trúc Lâm" là gì?

- "Ở đời vui đạo hãy tùy duyên. Đói đến thì ăn nhọc ngủ liền. Trong nhà có báu thôi tìm kiếm. Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền". Tôi đang hành theo cái "công án" đơn giản mà hết sức kỳ diệu nói trên.

Trên một đoạn đường của cuộc đời, đã có lúc tôi chở theo nào danh vọng, địa vị…và giờ đây, tôi lại tiếp tục đi trên hành trình đời người với những hành trang mới, với những nguồn năng lượng mới.

- Bổn sư của chị, Hòa thượng Thích Thanh Từ là người đã khuyên chị nên "hoằng pháp" bằng cách dùng "văn dĩ tải đạo" và chị đã thực hành rất nghiêm túc, rất thành công. Qua những công trình chị đã làm được, Ngài đã nhận xét như thế nào ?

- Sau mỗi công trình, tôi đều về Trúc Lâm Đà Lạt để trình lên Sư ông. Thầy xem, nghe và cười, lạ thật, cả kinh Phật mà cũng có thể ca hát được, bà con nghe ca, nhiều khi thấm được lời Phật, lại ý nghĩa và hữu dụng vô cùng.

@ Lần này, Trường ca Phật hoàng Trần Nhân Tông được chị thực hiện có gì mới và khác hơn so với những trường ca trước đây?

- Đến nay, tôi vẫn tiếp tục thể nghiệm về mặt âm nhạc cho Trường ca Sơ tổ Trúc Lâm bởi trên nền âm nhạc chủ đạo là cải lương, tôi chú trọng khai thác thêm âm nhạc của miền Bắc khi đi vào những bài hội - kệ (có chất ngâm). Âm nhạc là một trong nhiều phương tiện nghệ thuật để giúp chúng ta đạt đến mục đích cuối cùng, đó là cảm thụ, cảm thụ từ người sáng tạo - nghệ sĩ đến người tiếp nhận - thụ cảm - khán giả.

Hơn nữa, trong phần hình ảnh, tôi chú trọng tính Mộc - trả về một đời sống nguyên sơ, bản lai. Chất điểm trang sẽ phải nhường chỗ cho sự mộc mạc. Có những cảnh quay tôi đi chân trần. Giữa cái giá rét của miền Bắc, trên đỉnh Yên Tử, tôi leo bằng chân trần. Sự cảm nhận đến tận cùng cái giá buốt để thấu hiểu, để nghiệm sinh những bài học triết lý nhân sinh cao cả mà Phật hoàng đã để lại.

-  Được biết, vào tối 31-5-2010, chị sẽ tổ chức một đêm văn nghệ để ra mắt tác phẩm này, đồng thời, cũng để gây quỹ từ thiện cho bệnh nhân ung thư và trẻ em mồ côi chùa Pháp Võ. Chị có thể giới thiệu một chút về chương trình? Và chị đã nhận được những sự "đồng hành" nào với chương trình mang ý nghĩa thiện nguyện cao đẹp này ?

- Tận cùng thì mọi thứ đều là phương tiện để đưa bạn đến mục tiêu của cuộc sống: san sẻ tình yêu thương với mọi người. Ra mắt tác phẩm Sơ tổ Trúc Lâm, tôi không ngoài việc muốn gửi lời tri ân đến tất cả những người thân, người bạn, cộng sự và khán giả, đồng thời qua công trình này, chúng tôi cùng tiếp tục lên đường, vừa nghêu ngao hát ca vừa xắn tay gom góp những gì mình có được để đến với những hoàn cảnh bất hạnh. Hạnh phúc là rất nhiều người cùng tham gia vào chương trình, người góp công, người góp của, ai ai cũng có tâm nguyện là đóng góp một phần nhỏ bé vào việc xoa dịu nỗi đau cho những bệnh nhân ung thư và trẻ em mồ côi.

- Bao nhiêu năm dài miệt mài, lặng lẽ với những công việc từ thiện, chị đã cho đi rất nhiều và chị đã nhận lại được những gì?

- Tôi cũng chẳng biết nữa. Chỉ hay một điều: tôi hiện 65 tuổi, vẫn còn minh mẫn, khỏe khoắn để ca hát, để đi sớm về hôm cùng với những người bạn ngược xuôi làm từ thiện, vậy là quý lắm rồi.

-  Với chị, dường như Cải lương - Đạo và Đời "bất khả phân" ?

- Nói đúng hơn, bất khả phân Đạo và Đời, ấy mới chính là Đạo. Không phân biệt, không tách rời, không giới hạn. Khi học môn Toán mặt phẳng, bạn còn phải đi tìm giới hạn của các điểm, nhưng khi đi vào hình học không gian, thì bạn sẽ đi tìm cả sự vô hạn. Điều quan trọng nhất là tôi đang sống, liệu chừng tôi có thể phân tách cho ra cái hơi thở nào là hơi thở Đời và hơi thở nào là hơi thở Đạo không đây!

- Cám ơn chị và chúc cho đêm diễn của chị sẽ thành công tốt đẹp. l

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.