GNO - Một mùa xuân nữa lại về, phố cổ Hội An lại thêm một tuổi mới. Già nua. Cổ kính. Rêu phong. Nhưng vẫn thu hút rất nhiều khách du lịch mỗi khi Tết đến xuân về.
Bên cạnh sự hối hả, không khí khẩn trương chuẩn bị đón Tết, đâu đó trên mảnh đất Hội An vẫn có những dáng người thầm lặng. Đó là những phụ nữ vất vả quanh năm, Tết đến là cơ hội để “tranh thủ” kiếm từng đồng trang trải trong gia đình.
Lam lũ ngày cuối năm ở Hội An
Bóng dáng nhọc nhằn của những người phụ nữ đã điểm tô bức tranh mùa xuân về trên phố cổ thật đẹp, nhưng lại thoáng chút ngậm ngùi cho mỗi ai có dịp qua đây. Đâu đó là những cụ già vẫn miệt mài bên gánh chuối, nong tò he, hay chị quét rác đêm trong cơn mưa phùn lất phất. Vòng quanh con phố cổ, ở mọi ngóc ngách ta vẫn bắt gặp từng phận người, phận đời đang bươn chải mưu sinh.
Những gánh quà quê kĩu kịt trên đôi vai gầy nhỏ bé, cùng với ánh mắt xa xăm, đợi chờ. Hay đó là những chị ve chai trong nụ cười rạng rỡ, vì cuối năm là dịp để các chị “bội thu”, để thêm gói bánh, chiếc áo cho con cái ngày Tết. Và đặc biệt hơn, Tết là thời điểm dành cho những gánh cát trắng được xếp thành hàng trên các con phố, để người người mua về thay bát hương, kèm theo là người chồng đang miệt mài đánh bóng bên những chiếc lư đồng to có, nhỏ có - cái nghề mà chỉ Tết mới thấy.
Chị Nguyễn Thị Hà (35 tuổi, trú tại Cẩm Thanh, Hội An) cho biết: “Vào mỗi buổi chiều tôi thường cùng mấy đứa nhỏ ra biển xúc cát, về sấy khô, rồi sàn lọc để sáng sớm ra phố bán. Cả năm làm ruộng, chỉ chờ mỗi khi Tết đến là cả nhà chúng tôi kiếm thêm tiền để sắm Tết. Mỗi ngày, chúng tôi kiếm cũng được vài trăm từ tiền bán cát thay hương. Ngó vậy cũng vui lắm”.
Bên cạnh chị Hà còn có nhiều hộ khác nữa đang hì hục đẩy từng xe bò cát trắng để mời khách qua đường. Cái mệt nhọc, vất vả thường ngày dường như đã được xua tan khi những xe cát cứ vơi dần. Thỉnh thoảng, các chị lại vô tư ngồi đếm lại từng đồng tiền lẻ để lẩm nhẩm tính chuyện mua sắm.
Dọc theo con sông Hoài đang hiền hòa chảy, còn có những cụ già tóc trắng phau, nhai trầu bỏm bẻm đang ngồi tụm năm tụm bảy đan lưới để chờ con cái ra khơi về. Xa xa từng chiếc thuyền đầy tôm cá, hối hả nối đuôi nhau cập bến để về chuẩn bị đón Tết cùng gia đình.
Dọc theo bờ sông Hoài khoảng 3km về hướng Tây, làng gốm Thanh Hà đang tấp nập người ra kẻ vào. Mỗi người đến rồi đi với những mục đích khác nhau. Có người đến để mua dăm ba con tò he để làm quà, có người đến để chiêm ngưỡng nét đẹp của các sản phẩm được tạo ra bởi bàn tay của những người thợ làm gốm.
Xuân về, làng gốm Thanh Hà như một chàng trai trẻ vươn vai thức dậy sau giấc ngủ một năm. Từng chồi xanh mơn mởn thi nhau nảy lộc, bước chân các bà, các chị lướt trên thảm cỏ còn ướt đẫm sương đêm, để làm vội hàng trăm con tò he bán Tết. Những con rồng bằng đất nung dưới bàn tay khéo léo của người thợ nặn cứ uốn éo, bay lượn trông xinh động hẳn lên. Mấy cụ già đang lom khom trong chiếc lò đất nung để nhặt ra từng sản phẩm, bỏ vào chiếc rổ con con. Và ven con đường đất, với lối rẽ ngoằn nghoèo bên bụi tre xanh rì rào, có những cô bé, cậu bé đang nhảy dây, phất phơ tà áo mới, chợt nhớ đến mình mới như ngày nào.
Những người thợ làm gốm ở đây cứ quần quật nhào nặn từng sản phẩm cho đời, mà quên rằng niềm vui ngày Tết đã cận kề.
Tiếp xúc với tôi là một cụ già tuổi đã ngoài 70, người đã gắn chặt với làng gốm Thanh Hà gần suốt một đời người. Cụ chia sẻ: “Giá cả leo thang nên ai cũng muốn kiếm thêm tiền để trang trải trong gia đình. Năm nào cũng nghỉ độ 3 ngày Tết là phải đi làm lại rồi. Vì vậy, ai có tình yêu nghề lắm mới gắn bó với nghề này lâu dài được.
Ngày cuối năm - Ảnh: Minh họa
Đa số những người phụ nữ làm gốm đều sống trong làng Thanh Hà. Và đã có rất nhiều người suốt đời gắn bó với nghề gốm này. Nhịp đời trôi qua, tuổi tác chồng lên theo từng nhịp máy quay mỗi ngày, của những người thợ làm gốm. Để rồi tóc họ bạc đi, nhưng tình yêu nghề vẫn sống mãi với thời gian. Và truyền lại cho thế hệ sau.
Nhìn ra xa xăm cánh đồng, nơi vùng ven của Hội An, vẫn có rất nhiều người phụ nữ “tay lấm chân bùn” đang cấy từng gốc mạ non, và lúi cúi nhặt từng con ốc bưu vàng đang gặm nát thân mạ. Mặc cho mùa xuân đang rắc đều lên màu mạ xanh xanh.
Lướt qua dòng sông Hoài, đâu đó vẫn còn bóng dáng cặm cụi của những chị cào Hến, cào Nghêu để đổi lấy bát gạo ngày Tết. Dường như mùa xuân đã vô tình là lằn ranh của hai nửa phố cổ. Một bên dành cho những người giàu có, sang trọng trong những nhà hàng, những khu mua sắm cuối năm, với những tờ tiền đô bóng loáng. Một bên là những cảnh đời còn nghèo khổ, lam lũ chật vật cả năm, phải tranh thủ kiếm tiền vào những ngày giáp tết, để rồi có chút gì đó ngậm ngùi...