GN - Hiện cả nước có hàng ngàn di sản văn hóa được công nhận là di tích cấp quốc gia, tỉnh thành, trong đó có nhiều chùa chiền đang duy trì sinh hoạt tu học của chư Tăng, Ni và tín đồ Phật tử. Việc quản lý, bảo tồn các di sản là chùa chiền lâu nay là một đề tài gây nhiều tranh luận gay gắt. Tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII vừa qua, HT.Thích Hải Ấn đã trình bày tham luận về hướng quản lý mới, theo đó, có 3 kiến nghị:
Chùa Thắng Nghiêm (Thanh Oai, Hà Nội), ngôi chùa di tích cấp quốc gia có từ thời Lý Công Uẩn,
bị xây dựng vô tội vạ
1. Đối với các di sản được công nhận các cấp là chùa chiền vẫn là cơ sở tôn giáo, nơi diễn ra các sinh hoạt đặc thù về tu hành của Tăng, Ni, hoạt động tín ngưỡng của bá tánh thập phương hàng ngày. Do đó, nhu cầu phục vụ sinh hoạt là căn bản và quan trọng, rất cần có sự tu bổ để đáp ứng được yêu cầu sinh hoạt thực tế. Do vậy, nếu không điều chỉnh được về khung pháp lý hiện hành thì các cơ quan chức năng cùng với Giáo hội nên có sự rà soát, đánh giá lại, cân nhắc việc xếp hạng các di tích liên hệ trực tiếp đến Phật giáo. “Quý hồ tinh bất quý hồ đa”, thà rằng số lượng di sản được công nhận ít đi, nhưng cần có sự đầu tư, chăm sóc, quản lý, bảo tồn một cách chu đáo, hiệu quả. Việc làm này chắc chắn rằng sẽ không những giữ gìn được di sản của tiền nhân mà còn phát huy được giá trị di sản trong đời sống xã hội hiện đại và cho cả sau này.
2. Việc bổ nhiệm nhân sự trụ trì các cơ sở chùa chiền là di tích cần có sự lựa chọn phù hợp. Hoặc phải có các điều kiện, chẳng hạn sau khi được bổ nhiệm phải tham gia các khóa tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn về các nguyên tắc ứng xử đối với di sản văn hóa. Và tất nhiên, Giáo hội cùng các cơ quan chức năng phải có chương trình tập huấn - giao các ban, viện chuyên trách tổ chức thực hiện và giám sát, có ý kiến - đối với các vị trụ trì này. Giáo hội cũng cần có chế độ đặc biệt đối với trụ trì, hoặc thay thế bằng chế độ quản lý “Ban Quản trị”, “Ban Trụ trì”, có chính sách điều chuyển khi không đáp ứng yêu cầu, có những sai phạm nghiêm trọng, tránh việc biến cơ sở tự viện là di sản trở thành ngôi chùa riêng, thầy truyền trò như đã và đang diễn ra. Việc đó cũng hạn chế tình trạng tùy tiện và có những ứng xử không phù hợp, vô tình làm mất giá trị của di sản, bảo tồn nhưng lại “tam sao thất bản”, thậm chí làm mất mát - “chảy máu di sản”.
3. Bên cạnh sự bảo vệ, bảo tồn định kỳ, cần có một cơ chế “cấp cứu” đối với các di sản được xếp hạng quốc gia, đánh giá là “đặc biệt”, “quan trọng”, đó là giảm thiểu tình trạng quản lý nhập nhằng giữa các cấp, nhất là các cấp địa phương (phòng văn hóa quận / huyện) không có chuyên môn, mỗi khi có sự cố khẩn cấp do thiên tai vẫn phải theo trình tự về pháp lý qua nhiều cấp, đến mỗi cấp phải chờ đợi, xin ý kiến, chuyển đề nghị… có khi phải chờ cả mấy năm trời, mức độ hư hại trở nên quá nặng nề, đã tốn kém lại càng tốn kém hơn trong khi ngân sách dành cho việc bảo tồn di sản thì khiêm tốn. Do đó, cần phân trách nhiệm giám sát và có thêm quy định cho các trường hợp khẩn cấp.
Đối với các di sản là tự viện lâu nay phải chịu những ràng buộc hết sức nhập nhằng giữa các cơ quan chức năng Nhà nước và Giáo hội. Gần đây, GHPGVN cùng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã bước đầu có những hoạt động nhằm tìm ra hướng quản lý mới, tránh tình trạng “việc ai nấy làm” tạo nên nhiều bất cập và các sai phạm đáng tiếc. Hy vọng đó không chỉ là tín hiệu ở trong các hội nghị mà sẽ đi vào thực tế, nhằm bảo tồn các di sản văn hóa dân tộc, trong đó có di sản văn hóa Phật giáo, trước khi quá muộn
HT.Thích Hải Ấn