Trên thế giới, không chỉ di sản Phật giáo, mà còn bao gồm các di sản về hội họa mỹ thuật, kiến trúc… của những nhà danh họa, những kiến trúc sư và các nhà điêu khắc nổi tiếng hiện đang được lưu giữ rất cẩn mật ở các bảo tàng viện bằng các kỹ thuật bảo quản tiên tiến nhất.
>> Đà Nẵng: Trưng bày hơn 80 tinh hoa cổ vật Phật giáo
Người nước ngoài chiêm ngưỡng tinh hoa cổ vật Phật giáo trong một triển lãm cùng tên tại Đà Nẵng
Di sản VHPG Việt Nam rất đa dạng và giá trị niên đại cao bao gồm hệ thống chùa cổ, tượng Phật cổ, pháp khí cổ, những tàng kinh cổ và những dấu tích cổ xưa của những ngôi chùa, của những bậc danh tăng…
Tìm lại trong Việt Nam danh lam cổ tự của nhà nhiếp ảnh Võ Văn Tường, sẽ dễ dàng tìm thấy các di sản chùa chiền, tượng cổ, pháp khí… Song, nếu xem lại hệ thống chùa chiền trong cả nước, sẽ tìm ra một số ngôi chùa di tích còn lưu lại những cổ vật Phật giáo mà trong đó, đôi lúc cũng có những vị trụ trì chưa nhận thức và am hiểu giá trị về di sản và sự quản lý chưa chặt chẽ của các ngành chức năng, do đó đi đến tình trạng thất thoát cổ vật của nhà chùa.
Muốn hiểu về dân tộc đó, ta chỉ cần nhìn qua nền văn hóa dân tộc và tín ngưỡng, tôn giáo của họ. Chính vì sự tôn trọng, hiểu biết sâu xa nền văn hóa dân tộc các quốc gia, Ủy ban Bảo vệ Di sản văn hóa Thế giới Unesco đã thiết lập và trao tặng các danh hiệu di sản văn hóa được công nhận tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Về di sản thiên nhiên thì có Hiệp hội Hang động Vương quốc Anh, tổ chức này đã tiến hành khảo sát và quyết định công nhận hang động Thiên đường trong hệ thống động Phong Nha - Kẻ Bàng là hang động đẹp nhất thế giới (phát hiện 2005, công nhận 2010). Tổ chức Di sản văn hóa Unesco đã từng cử các đoàn chuyên viên đến Thành Nội Huế để ứng dụng kỹ thuật, hóa chất phục hồi những hư hỏng của các khu vực lăng tẩm, đền đài.
Cho đến nay, Việt Nam chỉ có công nhận di tích - danh thắng quốc gia của Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) và những địa điểm được công nhận đều có những quy định bảo vệ và nghiêm cấm xâm hại đến di tích danh thắng. Hệ thống các thắng tích Phật giáo nằm trong danh sách công nhận di tích danh thắng cấp quốc gia là khá nhiều, đặt dưới sự quản lý của Nhà nước và GHPGVN các cấp. Đó là chuyện thượng tầng, còn hạ tầng thì vẫn còn tồn tại mỗi nơi có mỗi cách quản lý riêng, mà việc thất thoát di sản, cổ vật trong các chùa đã xảy ra là một điều thật đau lòng.
Trong lĩnh vực mỹ thuật Việt Nam, đã có Bảo tàng Mỹ thuật VN (bảo tồn các tác phẩm hội họa, kiến trúc, điêu khắc…), vậy thì trong hệ thống di sản VHPG, chúng ta cũng cần có Bảo tàng Di sản VHPG Việt Nam. Đây là nơi tập hợp những tinh túy Phật giáo qua nhiều niên đại với những tranh ảnh xưa, cổ vật, pháp khí, điêu khắc và kiến trúc Phật giáo.
Có thể tốn công, tốn sức và tiền của, nhưng tin rằng việc thành lập Bảo tàng Di sản VHPG Việt Nam sẽ được các tổ chức di sản văn hóa thiên nhiên quốc tế, các nhà nghiên cứu và sưu khảo trong và ngoài nước hết lòng ủng hộ, góp sức để Phật giáo Việt Nam có nơi lưu giữ những giá trị tinh hoa bậc nhất của Phật giáo Việt Nam và khu vực.