Bảo tháp tượng đài Thánh Gióng ngàn năm tuổi

1. NGUỒN GỐC Ý TƯỞNG VỀ TƯỢNG ĐÀI

Bảo tháp Bình Sơn ở huyện Lập Thạch, Vĩnh Yên được dựng từ thời Trần (TK XIII) cho đến nay vẫn đứng vững như một đài kỷ niệm dấu ấn văn hoá Việt Nam gần nghìn năm tuổi. Phương Đông coi Bảo tháp là Linh vật nơi Thiên - Địa giao hoà. Bảo tháp còn tượng trưng cho sự trường tồn vĩnh cửu. Thánh Gióng là một trong Tứ Bất Tử của Việt Nam tại sao ta lại không nghĩ tới xây dựng tượng của Ngài như một Bảo tháp ngàn năm tuổi.

Nếu vậy, đến kỷ niệm hai nghìn năm Thăng Long ta có Bảo tháp Bình Sơn gần hai nghìn năm tuổi và Bảo tháp tượng đài Thánh Gióng nghìn năm tuổi.

Bảo tháp tượng đài Thánh Gióng ngàn năm tuổi ảnh 1


2. Ý TƯỞNG SO SÁNH VĂN HOÁ - NGHỆ THUẬT

Nước Pháp có Tháp Eiffel xây bằng các thanh sắt ghép lại giống cột điện khổng lồ. Tháp này xây vào năm 1889 nhân kỷ niệm 100 năm ngày Cách mạng Pháp ở công viên Champ-de-Mars bên sông Seine (Pari). Đầu tiên nó có tên: Tháp 300m (Tour de 300 mèrte), do kỹ sư Gustave Eiffel thiết kế và xây dựng; bị phản đối dữ dội (Ông cũng là người xây cầu Long Biên, Hà Nội). Sau người Pháp rất nhạy bén đồng tình tôn vinh và đặt tên là Tháp Eiffel; nay trở thành một trong những công trình nổi tiếng thế giới được coi là biểu tượng của “Kinh đô ánh sáng”. Từ 1889 đến 2007 đã có 236 triệu lượt du khách đến thăm; riêng 2007 đã có 7 triệu lượt người. Tháp giữ vị trí công trình thu phí cao nhất thế giới.

3. HÌNH TƯỢNG NGHỆ THUẬT: BẢO THÁP TƯỢNG ĐÀI THÁNH GIÓNG NGÀN NĂM TUỔI

3.1. Hình tượng Thánh đang cùng Ngựa sắt về Trời, dáng vút thẳng kiểu Bảo tháp Bình Sơn - Eiffel (đây không phải là nơi dựng tượng Ngài đang cầm tre đánh giặc ở dưới đất).
Riêng hình tượng Thánh Gióng được thể hiện là một vị Tướng quân oai phong lẫm liệt, mặt vuông chữ điền, phảng phất nhà Phật. Ngài có bộ ngực vạm vỡ. Ngài còn là một người rất tình nghĩa, tuy được Trời cử xuống giúp dân giết giặc, nay thắng trận phải về, nhưng vẫn nhớ thương Mẹ già, làng quê, bà con xóm giềng cơm cà nuôi Ngài vụt lớn. Khi đã quá ba tầng mây, Ngài vẫn cúi xuống giơ tay giã biệt Mẹ và mọi người mãi khôn nguôi. Hình ảnh này sẽ làm cảm động du khách, vì Thánh Việt Nam rất tình nghĩa; con người Việt Nam cũng tình nghĩa.

3.2. Ngựa sắt biểu hiện đầy chất thép và còn được khối hoá, thể hiện tinh thần thời đại công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; dáng Ngựa vút bay như một tên lửa vũ trụ.
Miệng Ngựa thần ngậm lửa thiêng mang về Trời. Đây là hình tượng điêu khắc, nhưng khi thể hiện, ngọn lửa này được chiếu sáng bởi đèn cao áp bên trong.
Với cách thể hiện đó, Hà Nội trở nên rất sang trọng vì có hai sự tích:
- Hoàn Kiếm của Lê Lợi ở Hồ Gươm.
- Hoàn Lửa của Thánh Gióng ở Sóc Sơn toả sáng cả bầu trời Thủ đô.

3.3. Khối tre đằng ngà
Huyền thoại Thánh Gióng gắn liền với hình tượng Tre đằng ngà. Khi xung trận đánh giặc mạnh quá, gậy sắt bị gẫy, Ngài cúi xuống nhổ từng khóm tre lớn quất liên tiếp vào giặc. Giặc tan, Ngài trở thành Thánh!
Ở đây, Bệ tượng được thể hiện thành khối tre đằng ngà cả gốc như từ dưới đất dâng lên đưa Ngài và ngựa vượt qua ba tầng mây (kiểu hoa văn thời Lý) lên Trời xanh. Khối tre chụm lại giống hình tượng quả núi ba ngọn. Sự thể hiện này có mục đích phân cách giữa Thánh và trần gian nhưng không đứt đoạn mà nối tiếp mạch truyện, song lại cho phép chúng ta làm du lịch. Từ đây, Lữ khách có thể lên đến ba tầng mây đi ra ngoài ngắm Hà Nội (có lan can bảo hiểm).

4. NGHỆ THUẬT TẠO ĐIÊU KHẮC - ĐIỆN ẢNH SỐNG ĐỘNG

Toàn bộ tượng Thánh cao 37m (cả hai khối tre đằng ngà và Thánh cưỡi ngựa sắt).
- Núi đá Chồng (nơi đặt tượng Thánh) đã có chiều cao 297m so với mặt biển.
- Tổng cộng chiều cao cả núi và tượng: 37 + 297 = 334m
- Chiều ngang chỗ rộng nhất = 12m đường kính
- Bảo tháp tượng đài Thánh Gióng ở độ cao hơn tháp Eiffel Pháp 34m
Nếu Tháp Eiffel là biểu tượng của “Kinh đô ánh sáng” (7 triệu du khách năm 2007). Bảo tháp tượng đài Thánh Gióng sẽ là biểu tượng của “Kinh đô Hoà bình” (dự kiến 7 triệu du khách năm 2010).

Tượng đổ bằng đồng1(1). Khối núi tre bên dưới tượng Thánh Gióng làm bằng bê tông cốt thép siêu bền, tiết kiệm được khoảng 40-50 tấn đồng (theo dự kiến của Hà Nội, tượng của ông Kim Xuân tốn khoảng 80-100tấn đồng. Như vậy, tượng mới tiết kiệm cho Hà Nội đươc hàng tỷ đồng). Phia ngoài khối tre được ghép bằng gạch men sứ màu xanh Bát Tràng, tạo hình cây tre; khi ghép lại có hình núi tre đang ôm ấp tựa câu: “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.. Du khách được đưa lên bằng cầu thang cuốn (kiểu cầu thang của xe điện ngầm Mátxcơva và Bắc Kinh) ở bên trong khối tre đằng ngà đến sát chân ngựa. Du khách có thể ra cửa dẫn tới ba tầng mây (có lan can bảo hiểm) để ngắm toàn cảnh Hà Nội.

- Chiều cao của tầng mây 15m + chiều cao của núi 297m, như vậy du khách được đưa lên cao: 312m sẽ hình dung được lên cao ngang Eiffel (Pari) và còn tạo cảm giác được theo chân Thánh đến sát mây trời. Không có cuộc dạo trên mây này, không thành du lịch Bảo Tháp; tạo nên một sự hấp dẫn độc đáo, ấn tượng mạnh trong lòng du khách. (Tâm lý của con người là thích “Lên cao thấy xa” Quách Mạt Nhược).

Nếu du khách đứng ở dưới chân núi sẽ diễn ra một cảm giác huyền ảo kỳ lạ, đó là do tầm mắt bị che bởi những lùm cây, du khách không nhìn thấy khối tre Đằng Ngà, chỉ nhìn thấy giữa bầu trời bao la có hình tượng Thánh một Người một ngựa vút thẳng lên không trung.

Khi có điều kiện kỹ thuật, mỗi lần tập hợp được lượng du khách lớn, có thể làm mây ảo bao quanh tượng Thánh (kiểu điện ảnh giữa không trung) tạo cảm giác như mây đang đưa Ngài và Ngựa lên trời cao; từ đó kéo du khách nhập vào thế giới tâm linh Việt.

Hội Thánh gióng mở tại làng Gióng sẽ rước về đây để làm lễ Ngài về Trời sẽ có lượng du khách đông như Hội Chùa Hương.

(Chi phí xây dựng bằng 32 tỷ như Hà Nội đã dự kiến).

Dự kiến hiệu quả kinh tế: Bảo Tháp tượng đài Thánh Gióng là nơi hút khách du lịch trong và ngoài nước sẽ kéo đến rất đông, có thể sánh với thu nhập phí du lịch của Eiffel, vì Eiffel xây bằng những thanh sắt, còn Bảo Tháp tượng đài Thánh Gióng xây bằng đồng và gốm Bát Tràng men sứ màu xanh hình tre Đằng Ngà (có chiều cao toàn bộ ngang Eiffel). Có thể tiến hành liên kết du lịch giữa chương trình lữ  khách của Eiffel (Pari) đi xem “Eiffel phương Đông” (Bảo Tháp tượng đài Thánh Gióng) Sóc Sơn, Hà Nội và ngược lại.

Nếu xây theo phương án cũ thì mẫu tượng của Thánh Gióng giống con Rùa vì nó chỉ cao 9,9m; rộng 13,5m; tỉ lệ gần 10/14.

Khu Viện Phật giáo xây Bảo Tháp Thánh Gióng là rất hợp với người và cảnh.

Du khách, nhất là Thế giới có tâm lý đến nơi có hình tượng cầm vũ khí đánh nhau là họ bị ức chế, không thích đến. Hình tượng Thánh của Việt Nam vừa huyền bí, cao siêu; vừa dân dã, gần gũi; giống cuốn Biên niên sử đang mở những trang Đẹp trên bầu Trời Việt!

Bảo Tháp Tượng đài Thánh Gióng không chỉ là công trình thế kỷ mà còn là công trình Thiên niên kỷ.

Làm nghệ thuật kết hợp làm kinh tế là tư duy mới. Ước tính mỗi năm thu cho Hà Nội khoảng từ 5 triệu đến 7 triệu đô, mà càng về sau càng nhiều; nó còn kích thích các ngành kinh tế khác phát triển.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.