Báo Giác Ngộ cần tăng tương tác, là nơi gieo mầm Bồ-đề

0:00 / 0:00
0:00

GNO - Tôi có hai cháu nhỏ là con của em trai. Bạn lớn 8 tuổi, bạn nhỏ 7 tuổi. Mỗi lần nhận được báo biếu Giác Ngộ, hai bạn cũng thích thú khi được lật giở tờ báo để ngắm ảnh Phật, Bồ-tát.

Từ đó, các con đặt ra nhiều câu hỏi về Phật, Bồ-tát, tôi lại lựa cho xem phim hoạt hình liên quan. Vào những dịp lễ Phật đản, tôi nói sắp đến ngày sinh nhật "ông Phật", thì hai bạn nhỏ rất hào hứng lật tìm bức ảnh chụp Đức Phật mình yêu thích trong tờ Giác Ngộ ra để làm mẫu, và vẽ tranh để tặng quà sinh nhật.

3.JPG


Bé Lương Bảo Anh (7 tuổi) với nụ cười rạng rỡ sau khi hoàn thiện bức tranh vẽ Đức Phật - vẽ lại từ hình ảnh trong tuần báo Giác Ngộ


Tôi nghĩ rằng: Trong xã hội ngày nay, các ông bố, bà mẹ trẻ hầu như ai cũng quan tâm đến ươm mầm tài năng, đặt kỳ vọng ở các con về: tài năng âm nhạc, tài năng toán học, tài năng thể thao… Hình như ít ai chú ý đến việc ươm mầm tâm linh cho mỗi đứa trẻ.

Trẻ con cũng như những ánh nắng đầu ngày tinh khôi, như mảnh vườn xinh chờ những bàn tay ươm mầm gieo hạt. Vậy nên việc đưa giáo lý của đạo Phật vào việc giáo dục con trẻ là vô cùng cần thiết.

Tôi thấy Giác Ngộ hiện tại đang tập trung dành cho đối tượng bạn đọc là các chư Tăng Ni, cùng các Phật tử trẻ và lớn tuổi. Nên chăng, tòa soạn cũng có thêm các ấn phẩm, phụ bản với nội dung riêng dành cho các em học sinh từ bậc Tiểu học cho đến THPT.

Đó có thể là câu chuyện về cuộc đời Đức Phật, các bài học, lời dạy được cụ thể hóa, dễ hiểu qua tranh vẽ, những vần thơ, câu đố…, hay những tấm gương thiếu nhi hiếu đạo, làm việc tốt… Nếu chưa thể xuất bản riêng ấn phẩm này, tòa soạn cũng có thể cân nhắc để tích hợp thêm chuyên trang dành cho thiếu nhi trên tờ Tuần báo, hoặc Giác Ngộ online.

Tôi cho rằng đây là một cơ hội tốt để những hạt mầm thiện lành của tâm linh được tưới tẩm ngay những ngày đầu tiên - khi các em còn như tờ giấy trắng. Và như thế, thay vì con trẻ thần tượng các ca sĩ, diễn viên thì nay có cơ hội tiếp xúc, lấy "ông Phật, bà Bồ-tát" (cách các bạn nhỏ gọi - NV) là tấm gương để yêu kính và học tập theo, luôn có ý nghĩ về những lời nói, hành động đẹp và giúp đỡ mọi người. Theo đó, năm tháng qua đi, ta sẽ có một rừng Bồ-đề trên khắp mọi miền.

Bên cạnh đó, trang Giác Ngộ online nên có một góc/chuyên mục để người đọc có thể comment, tương tác. Đó có thể là “Góc pháp đàm”, mỗi ngày chọn đăng một vấn đề, câu hỏi của Phật tử và để chính bạn đọc comment (bình luận), chia sẻ ý kiến tư vấn trong phần bình luận bên dưới bài.

Kênh Giác Ngộ TV nên cập nhật với tần suất nhiều hơn, đồng thời có các bản tin Phật sự hàng ngày. Cũng nên có các phóng sự theo dạng đối thoại, trao đổi, bình luận, hoặc về chân dung nhân vật và vẻ đẹp các ngôi chùa Việt trên cả nước.
 
Tương lai, báo cũng nên mở rộng và có văn phòng đại diện hoạt động tại khu vực miền Bắc, xây dựng mạng lưới CTV khu vực phía Bắc nhiều hơn.

1 (2).JPG
CTV Lương Đình Khoa cùng số báo ra ngày 27-12-2019, kỷ niệm 44 năm ra số đầu tiên của Giác Ngộ


Hy vọng đón tuổi mới, Giác Ngộ sẽ tiếp tục phát huy là trang thông tin thời sự - uy tín - chất lượng và tiếp tục nhận được nhiều sự cộng tác của Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước để tất cả cùng nắm tay nhau đi - đi như một dòng sông mang năng lượng, tình thương, đức độ của Như Lai.

>> Mời bạn đọc chia sẻ kỷ niệm, hiến kế với báo Giác Ngộ

Lương Đình Khoa

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.