Bao dung như có Bụt trong nhà

GN Xuân - Khi sống ở mảnh đất này, con người trở nên bao dung và hào sảng hơn. Đặc tính ấy có thể gọi là “gien di truyền” của người Sài Gòn từ hàng trăm năm qua trao truyền lại kể từ thời nơi đây còn là chốn rừng thiêng nước độc…

bao dung3.jpg
Nét lạc quan của những người mưu sinh trên đất Sài Gòn - TP.HCM - Ảnh: Trần Thế Phong

Trước khi có cuộc kinh lý mở cõi phía Nam của Nguyễn Hữu Cảnh vào năm 1698, vùng đất Sài Gòn là rừng thiêng nước độc, rừng rậm hoang sơ với nhiều tộc người khác nhau sinh sống, trong đó có người Việt Đàng Ngoài tự phát vượt biển vượt rừng vào đây. Điều này có thể lý giải một vài điều. Thứ nhất, đó là xu hướng Nam tiến của người Việt đã có từ rất xa xưa chứ không phải đến hôm nay (để chúng ta có cơ hội ca thán Sài Gòn chật chội, ồn ào, kẹt xe, ô nhiễm). Từ triều Đại Việt, một số người dân không chịu nổi cuộc sống cơ cực tù túng hà khắc ở phương Bắc nên rủ nhau lên đường đi xa tìm chân trời mới. Hai là, người Việt trên con đường Nam tiến sẽ chịu thương chịu khó làm lụng và đùm bọc lẫn nhau trên vùng đất lạ này. Ngày xưa, không đùm bọc làm sao được giữa rừng thiêng nước độc chỉ con người và thiên nhiên thú dữ, không siêng năng lao động làm sao có thể khai hoang mở đất mà sinh tồn. Một điểm nữa là những con người dám sống ở vùng đất không chịu bất kỳ sự kiểm soát nào từ chính quyền, không khuôn phép, cứ sống hồn nhiên theo bản năng giữa trời và đất và nhờ thế mà trở nên hào sảng, phóng khoáng.

Ngày nay cũng không khác xưa, cho dù có khoác lên những hình thức mới, nhân dạng mới của cuộc sống hiện đại. Biết bao người từ các vùng miền khác cứ đổ vào Sài Gòn kiếm sống, bất kể mọi tầng lớp, mọi hoàn cảnh. Mỗi người một mục đích nhưng có một điểm chung là hầu như ai cũng mong muốn sống một đời sống nắng gió phóng khoáng phương Nam. Các vùng đất khác càng nghèo thì Sài Gòn càng đông.

Đi Sài Gòn học. Đi Sài gòn làm việc. Đi Sài Gòn đổi đời.

Và thế là, trung tâm kinh tế, văn hóa và là giấc mơ của cả nước ấy giờ chật chội lắm. Môi trường sống ô nhiễm khói bụi, nguồn nước, nguồn thực phẩm, âm thanh và còn nhiều thứ khác. Ấy vậy mà dòng người hội tụ về đây vẫn cứ dài mãi không dứt. Và rồi Sài Gòn ôm trọn hết.

Mọi người cứ siêng năng tử tế, còn lại để Sài Gòn lo

Sài Gòn lo được hết. Rồi ai cũng có chỗ chui ra chui vào, rồi ai cũng có việc để làm, rồi ai cũng vui chơi giải trí, theo cách riêng của mỗi người. Rất nhiều người cho biết, nếu không đến thành phố này, thì cuộc đời của họ chắc đã đi theo một hướng rất vô định. Chí ít thì mảnh đất này mở ra cho họ một đời sống mới. Với một số người nghèo mà tôi có dịp tiếp xúc, Sài Gòn như một vị Bồ-tát nghe thấu tiếng lòng của họ, cứu vớt họ trong cơn bĩ cực.

Anh Tín, 45 tuổi, quê ở Quảng Ngãi, bán xe đẩy trái cây khu vực Bảy Hiền, kể: “Sài Gòn như sinh ra tui lần thứ hai vậy. Hồi ở quê tui khổ lắm, không nói hết được. Thời gian đầu ngày thì đi kiếm việc khắp nơi, đêm đêm thì ngồi ngước nhìn mấy cái nhà lầu cao cao mà cầu nguyện. Đất Sài Gòn linh lắm, cầu gì là được nấy, chỉ cần chăm chỉ siêng năng và sống đàng hoàng. Tui vô đây hơn 15 năm, làm cả chục việc rồi, cuối cùng hai vợ chồng cũng trụ lại cái xe trái cây này, cứ bán quanh mấy khu trường học, văn phòng vậy mà cả chục năm. Nhờ nó mà cả nhà cũng có được cái nhà nhỏ chui ra chui vào chứ không còn ở thuê ở mướn nữa”.

bao dung6.jpg
bao dung4.jpg

Nét lạc quan của những người mưu sinh trên đất Sài Gòn - TP.HCM - Ảnh: Trần Thế Phong

Trong một ngày mưa ngồi ăn bánh cuốn trong một con hẻm nhỏ ở Bình Tân, tôi được nghe Bà Bảy chủ quán, 60 tuổi, quê ở Thái Bình, sống ở Sài Gòn hơn 35 năm, chia sẻ: “Người ta nói những vùng đất khác thiêng sao cô không biết, nhưng cô thấy đất này là thiêng lắm. Hồi xưa, lúc làm ăn không được, cô cũng theo người ta đi hành hương cầu khấn nhiều nơi, mà đâu có được gì. Lúc túng quẫn nhất, cô đi lang thang ra cái miếu nhỏ gần đây này, hồi đó khu này còn hoang vu lắm chứ không sầm uất như bây giờ, cô thắp nhang cầu nguyện, thế mà được chỉ đường làm ăn nhá. Còn nữa, lạ lắm nha cháu, hễ khi nào mà cô ăn ở không tử tế, là y như rằng làm ăn không ra. Chỉ cần mình đàng hoàng cái tự nhiên được. Mới mấy hôm trước đây chứ đâu, tức bà kia quá, chửi bả, thế là bán ế chỏng gọng liền tù tì mấy hôm. Sau cô phải thắp hương cúng trời đất sám hối mới đắt khách lại đấy! Cô già rồi, không nói điêu mày đâu. Sài Gòn thiêng lắm cháu ạ!”.

À, thì ra có một mạch ngầm tâm linh chảy mạnh mẽ trong lòng thành phố sôi động này. Cứ có cảm giác Sài Gòn là một ông Bụt luôn sẵn sàng hiện lên giúp đỡ người hiền lương chăm chỉ. Cứ như là, việc của bạn là cứ sống đàng hoàng tử tế và làm việc chăm chỉ, những việc khác cứ để Sài Gòn lo.

Dẫu có đánh mất chút ít thì Sài Gòn vẫn cứ bao dung, hào sảng

Mảnh đất này có khả năng chuyển hóa con người ghê gớm. Trong cái nhìn hạn hẹp của tôi thì đó là sự chuyển hóa tốt đẹp. Tôi có cơ sở lớn lao để nói điều đó, rằng Sài Gòn ngày một giàu đẹp hơn mấy chục năm trước, và con người ai đã vô Sài Gòn rồi thì kiểu gì cũng sống được.

Sống ở Sài Gòn riết rồi ai cũng phải chăm chỉ làm ăn và trở nên hào sảng phóng khoáng thì mới tồn tại được vùng đất này. Có cảm tưởng như đây là vùng đất để tu. Tu giữa chợ đời. Tu tâm dưỡng tánh. Một người phục vụ bàn ở vùng đất khác, mới ngày nào còn không biết nở nụ cười với khách đến quán, thì khi làm việc ở Sài Gòn, một tiếng dạ thưa hai tiếng anh chị cần gì, lúc nào cũng cười tươi nhẫn nhịn. Chứ xụ mặt nhăn nhó ra đó thử coi, ai dám đến quán. Một người buôn bán vùng khác coi khách hàng không ra gì, thì khi đến Sài Gòn, anh ta sẽ biết cách xem khách hàng là thượng đế. Chứ không à, hàng trăm hàng hóa và dịch vụ như anh, anh không tốt, không hay tui tẩy chay anh ngay à. Một người lười biếng khi ở nơi khác nhưng khi lên tới Sài Gòn sẽ cần cù làm việc, thậm chí một lúc làm nhiều việc. Nếu không ư? Tất cả sẽ bị Sài Gòn đào thải. Thật may, đại đa số, trước khi bị đào thải thì đã kịp thay đổi bản thân để thích nghi với thành phố năng động này.

Trên hết, khi sống ở mảnh đất này, con người trở nên bao dung và hào sảng hơn. Đặc tính ấy có thể gọi là DNA - gien di truyền của người Sài Gòn từ hàng trăm năm qua trao truyền lại kể từ thời nơi đây còn là chốn rừng thiêng nước độc. Bao dung, hiểu đơn giản là biết chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt của người khác. Ở một thành phố mà đa phần là dân tứ xứ đến, Bắc Kỳ, Nam Kỳ, Trung Kỳ, trên núi xuống dưới biển lên… tất cả hội tụ về đây, thì sự khác biệt là rất lớn. Nếu không có lòng bao dung, biết chấp nhận sự khác biệt về văn hóa, phong tục, tập quán, thói quen, tính cách, lối sống… của người khác thì sẽ không thể nào cùng sống chung an hòa trên một mảnh đất.

Thử hình dung, cái khu nhà trọ có bấy nhiêu cái phòng san sát nhau, phòng thì người Trung, người Nam, người Bắc, kẻ có học, người thất học, việc giải trí xem tivi không thôi là đã đủ nan giải. Người nghe quan họ, kẻ nghe bolero, người này chỉ thích phim lãng mạn hàn lâm, người khác thì cứ tấu hài chí chóe là mãn nguyện. Hàng loạt âm thanh bùm chéo lẫn nhau kiểu như vậy, không bao dung mà sống yên à?

Nói vui cho thấy sự khác biệt, còn bao dung thì sâu hơn thế rất nhiều, bởi không chỉ là chấp nhận khác biệt mà còn tôn trọng. Có nghĩa là, mình biết mình khác người rồi, nhưng mình cũng phải hạn chế bản thân đừng làm những việc thái quá khiến người khác khó chịu. Sự dung hòa này chính là cách mà người tứ xứ sống được với nhau trên mảnh đất này và dần dần trở thành người Sài Gòn lúc nào không hay.

Nói theo tinh thần đạo Phật, lòng bao dung là một phần quan trọng trong cấu trúc của từ bi tính. Để thực tập từ bi, trước hết con người ta phải biết chấp sự khác biệt của người khác bằng con mắt cảm thông, tôn trọng. Cảm thông rồi, tôn trọng rồi sẽ đi đến hiểu, từ hiểu rồi sẽ đi đến thương. Có hiểu có thương là có từ bi. Hóa ra người Sài Gòn sướng quá, có lòng bao dung như có sẵn như ông Bụt trong nhà. Cứ có chuyện thì chắp tay với Bụt, rồi tâm sẽ bình an.

bao dung5.jpg
bao dung1.jpg


Có lòng bao dung là có Bụt. Có lòng bao dung là có an lạc - Ảnh: Trần Thế Phong

Nhưng người Sài Gòn cũng lắm lúc khi do mải mê với công cuộc mưu sinh, đánh mất chính mình, chỉ loay hoay đi tìm kiếm những thứ bên ngoài. Họ quên đi lòng bao dung. Họ giành giựt nhau để sống. Họ chán ghét và nói những lời cay đắng với nhau trên đường phố, trong công sở, trong gia đình... Bởi cuộc mưu sinh trên mảnh đất này cũng nhọc nhằn lắm, gian truân lắm. Tệ nạn xã hội cướp bóc diễn ra đầy dẫy. Bạo hành gia đình nhan nhản. Lừa lọc tình tiền khắp nơi. Quyền lực lên ngôi bất chấp mọi thứ để rồi tù tội… Tất cả chỉ vì ta lỡ đánh mất sự bao dung, hào sảng, lòng từ bi trong chính mỗi người Sài Gòn. Ta để lạc mất Phật tánh và để rồi một ngày thảng thốt quầy quả đi tìm hạnh phúc, đi tìm bình yên ở tận đẩu tận đâu.

Ông Bụt là ở đây, ngay trên mảnh đất này. Ông Bụt là ở đây, ngay bên trong của mỗi người. Có lòng bao dung là có Bụt. Có lòng bao dung là có an lạc. Sài Gòn muôn đời bao dung cho tất cả mọi người, và do đó, con người cũng có lòng bao dung hấp thụ từ đất trời nguồn nước của mảnh đất linh thiêng này. Bởi thế, nhìn xem, người Sài Gòn không buồn lâu. Họ khóc đó rồi họ sẽ cười ngay. Tối hôm trước còn buồn sáng sớm mai ra đã tươi tỉnh làm ly cà-phê rôm rả với bạn bè. Bởi khi khóc thì Bụt sẽ hiện lên. Lòng bao dung sẽ giúp người Sài Gòn mỉm cười với chính mình, với người khác. Tự lợi lợi tha, giác hạnh viên mãn.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.