Bão dữ qua đi, chào năm mới đến!

GN - Năm 2017 đã khép lại. Biết bao sự kiện đã xảy ra. Nhưng, với số đông, sự kiện nào ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, khiến chúng ta lo lắng nhất? Có lẽ, đó chính là những cơn bão!

Theo thống kê, với 16 cơn bão đi vào Biển Đông, trong đó 7 cơn bão tấn công đất liền và 4 áp thấp nhiệt đới, năm 2017 trở thành một trong những năm có số cơn bão, áp thấp nhiều nhất lịch sử.

Việt Nam, đất nước cong cong hình chữ S ấy, như ôm trọn Biển Đông vào lòng. Biển Đông là một cơ hội, nhưng cũng là một thử thách. Thử thách lớn nhất không hẳn đến từ thiên nhiên, mà đến từ tâm thế của con người. Chỉ cần một chút mất cảnh giác, chúng ta phải gánh chịu hậu quả khốc liệt.

baosontt.jpg

Tang thương của một cơ sở tự viện ở Khánh Hòa sau cơn bão số 12

Con số tang thương ở các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên những ngày đầu tháng 11 đã nói lên điều ấy. Cơn bão số 12 (Damray) đã khiến 106 người thiệt mạng và 25 người mất tích, gây thiệt hại khoảng 15.000 tỷ đồng, nặng nhất là vùng tâm bão Khánh Hòa. Người dân xứ Trầm hương, dù đã được cảnh báo, vẫn không chuẩn bị đủ tâm thế để phòng chống bão.

Những ngày cuối tháng 12, khi thế giới chuẩn bị chào đón năm mới 2018, cơn bão số 16 (Tembin) bất ngờ xuất hiện và hoạt động với cường độ rất mạnh trên Biển Đông - điều mà lịch sử khí tượng chưa từng ghi nhận. Các dự báo đến từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hồng Kông đều cho rằng bão số 16 sẽ đổ bộ vào đất liền nước ta với sức gió mạnh nhất cấp 10-11, hướng vào Nam Bộ, đặc biệt là khu vực Cà Mau và Côn Đảo.

Theo thống kê, chưa từng có cơn bão nào mạnh đến thế ở Nam Biển Đông vào thời điểm này trong năm, và Nam Bộ cũng chưa bao giờ phải ra mức cảnh báo thiên tai ở cấp 4 - cấp nguy hiểm. Tuy vậy, bài học từ Khánh Hòa đã giúp chính quyền và nhân dân Nam Bộ không hề tỏ ra chủ quan. Người dân ở những vùng nguy hiểm lập tức được sơ tán; sinh viên học sinh được nghỉ học 2 ngày; nhiều cơ quan, trường học, chùa chiền trở thành nơi trú ẩn.

Trong thời điểm này, cả nước cùng hướng về Nam Bộ. Cùng với chính quyền địa phương, thường trực Ban Trị sự Phật giáo một số tỉnh thành nhanh chóng họp bàn triển khai phương án phòng chống bão, đặc biệt là việc cung cấp thực phẩm, thuốc men và chỗ ở cho người dân. Nhiều chùa và cá nhân Phật tử đã tổ chức lễ cầu nguyện; cùng với hàng triệu lời cầu nguyện của người dân, tâm thức cộng đồng nhất tâm hướng về cơn bão.

Kỳ diệu thay, cơn bão số 16 - Tembin bất ngờ suy yếu và tan trên vùng biển phía Nam Cà Mau, khiến người dân Nam Bộ thở phào nhẹ nhõm!

Bão dữ qua đi, tất nhiên không thể cho đó là hiệu lực của sự nguyện cầu. Song, trong cơn nguy khốn, tâm thức cá nhân hòa vào và trở thành tâm thức cộng đồng với thương yêu, chia sẻ đã cộng hưởng, làm lay động sâu sắc đến trái tim của mỗi người. Tình người vẫn còn đó, truyền thống “lá lành đùm lá rách” của người Việt vẫn vẹn nguyên, dù có lúc tưởng như đời sống hiện đại đã làm cho mai một. Hiệu lực ấy cũng là điểm tựa, giúp cho người dân có thêm sự bình tâm để đối mặt với gian nguy, thử thách.

Chào năm mới đến, chúng ta mong cầu sự bình an, hạnh phúc, thịnh vượng sẽ đến với mỗi người. Nhưng chúng ta không quên gian nguy, thử thách cũng sẽ đến theo, như mặt trái của cuộc sống. Ngoài việc làm tất cả những gì có thể để phòng hộ, thì điều còn lại chính là sự bình tâm, định tĩnh, sáng suốt sẽ giúp chúng ta vượt qua mọi khổ nạn.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.