Bánh trung thu không có lỗi

Bánh trung thu không có lỗi - Ảnh minh họa
Bánh trung thu không có lỗi - Ảnh minh họa

GNO - Mỗi mùa Trung thu về, ngoài những ấm áp thường thấy trong công tác chăm lo cho trẻ em vùng sâu, vùng xa của nhiều tổ chức, cá nhân chung tay thì câu chuyện về chiếc bánh trung cũng là đề tài khiến nhiều người trăn trở.

Bánh trung thu đầu mùa thường giá cao ngất, nhưng đến đầu tháng Tám, nhất là những ngày sát rằm thì mua một tặng ba, bốn. Nhiều người nghèo đến giờ mới dám mua ăn, tất nhiên, đối với trẻ em - con của người lao động nghèo thì không quan tâm đến việc bánh đại hạ giá hay gì cả, nhưng những ai nghĩ về chiếc bánh cuối mùa đều cảm thấy xót thực sự.

Tặng bánh trung thu cho nhau là một hình thức thể hiện sự quý trọng nhau. Nhưng, ở mặt nào đó cũng là một cách lấy lòng nhau, khi bánh trung thu không phải dành cho trẻ con mà thành món quà thể hiện sự “phải không” giữa nhân viên và sếp. 

Việc mua bánh đem tặng qua tặng lại nhau và cuối cùng, số phận của một hộp bánh trung thu cứ lòng vòng từ tay người này sang người khác, có khi trở về đúng “chủ nhân” ban đầu cũng là một vấn đề không mới. Thời của “phú quý sinh lễ nghĩa”, dịp gì người ta cũng “phải không” nhưng lại không thực lòng mấy, chủ yếu là để lấy lòng đã lên ngôi trong ứng xử thường ngày. Điều đó ít nhiều giảm đi giá trị của những ngày lễ hội, nhất là những lễ hội truyền thống với ý nghĩa ban đầu rất nhân văn: là dịp sum họp, ngồi lại cùng nhau, sẻ chia, tâm tình, gắn kết tình thân...

Nhiều người kêu trời vì những chiếc bánh trung thu giá cao, những chiếc bánh sát ngày đại hạ giá, những chiếc bánh không dành cho trẻ con mà cho những mục đích riêng của người lớn. Nhưng, thực sự, bánh trung thu không có lỗi. Lỗi là ở nhà sản xuất, đã vì lợi nhuận mà “nâng tầm” chiếc bánh, lỗi là ở người sử dụng đã bày vẽ việc tặng bánh trong ý nghĩa lấy lòng nhau khiến chiếc bánh (vật phẩm tặng/biếu) phải-cần-được nâng giá lên để cho có giá trị (ảo). Từ đó, những chiếc bánh trung thu vô tình trở thành món hàng xa xỉ, nhất là với người nghèo, cho tới khi “cuối buổi chợ” trao qua đổi về thì chiếc bánh mới có cơ hội tới tay người dùng thực sự với giá cả thuộc dạng “đại hạ”. Ăn bánh trong tâm thế “mua một tặng bốn” sao còn ngon lành nữa?

Chiếc bánh bản thân nó mang ý nghĩa khác, nhưng người sử dụng đã làm biến tướng đi. Cũng như nhiều thứ khác trong cuộc sống, như mạng xã hội, internet... vốn có giá trị riêng, vô tội, chỉ có con người lạm dụng nó khiến người ta ngộ nhận rằng, chính nó làm hại con người.

>> Xem thêm: Nghĩ từ những chiếc bánh trung thu ||

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.