Bánh cộ xứ Huế

GNO - Chúng tôi gọi các cô làm bánh cộ (bánh in) ở chùa Hồng Ân (thôn Thượng I, xã Thủy Xuân, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên-Huế) là những người “xây tháp’. Bởi họ không chỉ đơn thuần tạo ra chiếc bánh cộ rực rỡ sắc màu, mà còn thể hiện tài trang trí, liên kết các bánh thành từng tầng, tháp có hình tròn hoặc hình lục giác, bát giác…trông thật đẹp mắt.

Bên cạnh việc kinh kệ sớm khuya hay công tác Phật sự, học hành…quý Sư cô còn tổ chức làm các nghề như bánh cộ, làm nước tương, làm hương, trầm…Để có thu nhập đảm bảo cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của nhà chùa.

  
Banh 3.JPG

Bánh cộ xứ Huế đã được xây thành tháp - Ảnh: Văn Dần

Có thể nói, nghề bánh cộ ở Huế ra đời hàng chục thập kỷ qua và đang ngày càng phát triển theo chiều hướng tích cực, đáp ứng phần nào nhu cầu lễ nghi cúng tế của người dân xứ Huế và các vùng lân cận. Trong các ngày lễ, ngày rằm, mồng một hàng tháng và nhất là dịp Tết Nguyên đán; trên bàn thờ tổ tiên, ngoài hoa quả còn có bánh cộ rực rỡ sắc màu được thờ cúng trang nghiêm và ấm cúng. Đó là thành quả lao động miệt mài và bàn tay khéo léo của quý Sư cô ở các chùa Huế.

   Bánh cộ có nhiều loại như bánh đậu xanh, bánh nếp, bánh bột bình tinh. Hình dạng cũng rất phong phú như hình tròn, hình vuông, hình chữ nhật, lục giác, bát giác…Kích cỡ to nhỏ, dày mỏng cũng khác nhau để khách hàng tùy sở thích mà chọn lựa. Nguyên vật liệu để làm bánh, quý Sư cô mua ở các chợ, siêu thị hoặc đặt hàng cho các Phật tử đem đến tận chùa. Bánh cộ được nhà chùa làm quanh năm, đặc biệt là 3 tháng cuối năm phải tăng công suất mới đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán. Loại bánh thông dụng nhất mà quý Sư cô hay làm là bánh đậu xanh.

SCTN.Tịnh Thảo (chùa Hồng Ân-Huế) cho biết: Bánh đậu xanh muốn để được lâu khi cúng (khoảng 6 tháng đối với bánh đã được xây tháp) thì khâu quan trọng nhất là phải sấy bột cho thật kỹ, thật khô, đều nếu không bánh sẽ bị nhanh mốc. Bánh bột nếp thì các công đoạn làm, đơn giản hơn so với làm bánh đậu xanh, nhưng khâu quan trọng vẫn là sấy bánh cho thật khô, đều và tỷ lệ pha trộn giữa đường và bột cho phù hợp. Điều này đòi hỏi kinh nghiệm của người làm, chứ rất khó diễn giải chính xác.

Banh 2.JPG

Phật tử ở chùa cũng góp sức làm đẹp thêm cho mâm cỗ ngày Tết - Ảnh: Văn Dần

  Bánh bột nếp có 2 loại: bánh không nhân (nhụy) và bánh có nhân, nhân bánh làm bằng chuối sấy khô, mè, đậu phụng, gừng, đường. Bánh bột nếp có thể chưng ở bàn thờ một năm ở dạng bọc kính giấy nilon (đã xây tháp). SC.Huệ Từ (chùa Liên Trì-Huế) chia sẻ: Bánh bình tinh thì khi nào có khách đặt hàng mới làm, bởi bột bình tinh có giá cao hơn các loại bột khác và nhu cầu của thị trường cũng ít hơn.

Bánh cộ ở các chùa Huế được bán với giá rất “mềm”: khoảng 42.000đ/cặp đối với tháp bánh cao 6 tầng, còn bánh “xây tháp” cao 20 tầng thì giá từ 450.000-480.000đ/cặp. Bánh đã được xây thành từng tầng, tháp thì giá thành cao hơn bánh thường vì tốn nhiều công gói, giấy nilon, keo dán…

Điều đáng nói, thị trường của bánh cộ do các sư làm rất rộng lớn: không những tiêu thụ mạnh trong tỉnh Thừa Thiên Huế mà còn vươn ra một số thị trường lân cận như: Quảng Trị, Quảng Bình, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội.

Bánh cộ được các sư cô ở các chùa Huế làm quanh năm, chủ yếu cung cấp cho thị trường nội địa, để cúng trong các nghi lễ của Phật giáo như Rằm tháng 4, Rằm tháng 7, các ngày vía Quan Âm ( 19/2, 19/6,19/9). Đặc biệt, dịp tiêu thụ mạnh nhất, bán với số lượng lớn nhất vẫn là dịp Tết Nguyên đán. Vì thế, ngay từ tháng 10 ÂL, các sư cô phải cho máy chạy hết công suất mới đáp ứng được yêu cầu của khách hàng đặt mua.

Sư cô TN.Huệ Phước (chùa Liên Trì-Huế) cho biết thêm: Bánh cộ do nhà chùa sản xuất còn có mặt ở một số nước bạn như Campuchia, Lào, Myanma… Khi có đại lễ cầu siêu, chẩn tế cô hồn, Phật tử ở nước ngoài thường gọi điện về các chùa Huế đặt “xây tháp” với số lượng lớn, có tháp bánh cao từ 1-1,5m, đường kính đáy rộng từ 0,6-1m và đóng thùng vận chuyển sang rất công phu.

Huế là một trong những trung tâm Phật giáo lớn của cả nước, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có hàng trăm ngôi chùa lớn nhỏ, số đạo hữu và giới Phật tử cũng rất đông. Chỉ ngần ấy thôi cũng hình dung được “sức sống”, mức tiêu thụ bánh cộ ở đây lớn đến mức nào.

Hiện nay, ở các chùa Huế làm bánh cộ nhiều nhất phải kể đến chùa Hồng Ân, Diệu Nghiêm, Liên Trì, Hoàng Liên, Tịnh Đức…Những ngày giáp Tết Quý Tỵ 2013, du khách có dịp ghé thăm các chùa sư nữ ở TP.Huế đều cảm nhận được không khí rộn ràng của tiếng máy quay, giã bánh, sự tất bật làm việc của Su cô nơi đây. Không chỉ đơn thuần là chiếc bánh, những tầng tháp ấy còn mang “thông điệp”của quý sư cô về một năm mới 2013 hòa bình, an lạc cho tất cả mọi người.

Banh 1.JPG

Quý sư chùa Liên Trì-Huế đang thực hiện công đoạn gói bánh và “xây tháp” - Ảnh: Văn Dần

Bánh cộ do các chùa Huế sản xuất mặc dù không đăng ký thương hiệu, không dán nhãn mác, không quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng trên thực tế, nó đã, đang chiếm lĩnh thị trường gần xa, làm hài lòng biết bao du khách trong nước, quốc tế khi họ có dịp đến tham quan, viếng cảnh ở các chùa Huế.

Không ai lí giải được điều đó nhưng người ta thầm công nhận với nhau rằng: Bánh do chính tay các sư cô làm ra thì chắc chắn sẽ sạch sẽ hơn, tinh khiết, chất lượng và thơm ngon hơn, giá thành lại hợp lí, phù hợp với túi tiền của nhiều tầng lớp trong xã hội.

Cuộc sống vẫn cứ tiếp tục trôi qua, quý sư cô vẫn ngày đêm âm thầm, cần mẫn “xây tháp” để dệt thêm hương vị cho đạo, cho đời, góp phần tô điểm cho mâm lễ vật trong mỗi gia đình càng thêm phong phú, cho bàn thờ gia tiên càng thêm ấm cúng và trang nghiêm trong những ngày Tết.

Với ý nghĩa giàu tính tâm linh đó, hình ảnh những chiếc bánh cộ rực rỡ sắc màu sẽ mãi mãi là hình ảnh quen thuộc trong tâm khảm mỗi người dân xứ Huế, của Phật tử ở phương xa, nhất là đối với những người mặc áo lam trong các chùa Huế hôm nay.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.