Theo đó, trong năm qua, với tinh thần giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời góp phần tiếp tục xây dựng nền văn hóa Việt Nam mang đậm bản sắc dân tộc, Ban Văn hóa Trung ương đã thực hiện nhiều công tác nổi bật.
Trong đó phải kể đến việc kết hợp với Viện Nghiên cứu Tôn giáo và Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tổ chức hội thảo “Phát huy tinh thần và biểu tượng văn hoá Phật giáo qua sản phẩm làng nghề Việt Nam” tại Trung tâm giao lưu văn hóa Phố Cổ, Hà Nội. Qua đó, khẳng định được giá trị di sản văn hóa dân tộc nói chung và di sản Phật giáo Việt Nam nói riêng trong tiến trình lịch sử và hiện tại.
Thượng tọa Thích Thọ Lạc, Trưởng ban Văn hóa Trung ương GHPGVN |
Bên cạnh đó, thực hiện sự chỉ đạo của Ban Văn hóa Trung ương, Phân ban đặc trách Văn hóa Phật giáo khu vực Tây Nguyên đã tổ chức cuộc vận động sáng tác ca khúc Phật giáo. Kết quả sau gần một năm phát động, có 33 tác giả tham gia với 65 ca khúc mang chủ đề đa dạng, được tổ chức công diễn thành công tại chùa Sắc tứ Khải Đoan, thành phố Buôn Mê Thuật (tỉnh Đắk Lắk).
Đối với công tác hỗ trợ người dân trong đại dịch Covid-19 và thiên tai miền Trung, được biết, Ban Văn hóa Trung ương cũng như các Ban Văn hóa 63 tỉnh thành trên cả nước cùng đồng bào Phật tử, các mạnh thường quân, nhà hảo tâm đã tích cực đóng góp tài chính, nhu yếu phẩm, thiết bị y tế… ước tính lên đến gần 20 tỷ đồng.
Tặng hoa chúc mừng hội nghị |
Với những kế hoạch đặt ra về 4 đề án: ngôn ngữ, pháp phục, kiến trúc và di sản, trong năm qua Ban Văn hóa Trung ương đã và đang thực hiện lan tỏa tới 63 tỉnh thành trên cả nước.
Đặc biệt đối với đề án pháp phục, được biết Ban đã may trên 1.000 bộ y, dâng cúng chư tôn đức tham dự Hội thảo Ban Tăng sự Trung ương và khóa Bồi dưỡng nghiệp vụ Thư ký, Quản trị văn phòng tại chùa Tam Chúc (Hà Nam), trường hạ tại Hà Nội, Ninh Bình, Nghệ An và Học viện Phật giáo Nam tông Khmer.
Về đề án ngôn ngữ, Ban đã in một triệu cuốn kinh Chuyển Pháp luân, hàng vạn cuốn khoá tụng chung của GHPGVN cúng dường đến các Ban Trị sự Phật giáo tỉnh thành. Đồng thời, vừa qua, Ban cũng đã hoàn thiện và đệ trình Ban Thường trực Hội đồng Trị sự phê chuẩn tập Khoá tụng hằng ngày của GHPGVN để phổ biến đến toàn thể Tăng Ni và Phật tử toàn quốc.
Trao bằng tuyên dương công đức đến chư tôn giáo phẩm Ban Văn hóa Trung ương và các tỉnh thành |
“Năm vừa qua, dù còn nhiều khó khăn và hạn chế, song, Ban Văn hóa Trung ương cùng các tỉnh thành đã không nhừng nỗ lực, góp phần lan tỏa tinh thần từ bi - trí tuệ của Phật giáo. Trong năm mới, với nhiều kế hoạch được Ban đề ra, hy vọng sẽ tiếp tục cùng Phật giáo cả nước đồng hành cùng dân tộc, lan tỏa văn hóa Phật giáo đến gần hơn nữa với người dân cả nước”, Thượng tọa Thích Thọ Lạc, Trưởng ban Văn hóa Trung ương GHPGVN khẳng định tại hội nghị tổng kết.
Thượng tọa cũng cho biết, trong năm 2021, Ban Văn hoá sẽ kết hợp Ban Trị sự và Ban Văn hoá Phật giáo TP.HCM cũng như các tỉnh thành, tổ chức triển lãm, biểu diễn trong tuần lễ Phật đản Phật lịch 2565 và kỷ niệm ngày giải phóng miền nam thống nhất đất nước 30-4.
Hội nghị tổ chức tại chùa Pháp Hoa, quận 3 |
Đối với công tác di sản văn hóa, Ban sẽ tổ chức mời các kiến trúc sư, các nhà nghiên cứu di sản Phật giáo đi điền dã khảo sát, toạ đàm tại các vùng miền và các hệ phái Phật giáo. Đồng thời Ban sẽ phối hợp với Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Bảo tàng Quốc gia đồng tổ chức hội thảo khoa học về đề án “Định hướng đặc trưng kiến trúc và di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam”, dự kiến diễn ra vào tháng 10-2021 tại Viện Bảo tàng Quốc gia Hà Nội.
Cùng với đó, Ban cũng sẽ tổ chức phổ biến kết quả đã được phê chuẩn của đề án pháp phục và ngôn ngữ; xây dựng đề án quy chuẩn hoá các lễ hội văn hoá Phật giáo; thành lập Trung tâm Bảo tồn Di sản và Phát triển Văn hoá Phật giáo Việt Nam; thực địa khảo sát và khảo cứu các di tích, di sản văn hóa Phật giáo; kết hợp với Ban Trị sự và Ban Văn hóa Giáo hội Phật giáo các tỉnh thành biên soạn tác phẩm “Văn hóa Phật giáo các tỉnh thành” và “Danh tăng Việt Nam”; tiếp tục thực hiện số hóa 3D các danh lam cổ tự tiêu biểu của cả nước…