Nhân dịp này, Hòa thượng Thích Nhựt Tấn, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh, Trưởng ban Tổ chức, là vị lãnh đạo Ban Trị sự từ khóa I đến nay đã có cuộc trò chuyện với báo Giác Ngộ. Chia sẻ về tinh thần kế thừa của Phật giáo tỉnh nhà, Hòa thượng cho biết:
- Sự phát triển của Phật giáo tỉnh Bến Tre được xây dựng trên nền móng vững chắc do chư vị tiền bối dày công tạo dựng qua nhiều thế hệ, cũng như nối tiếp truyền thống ngàn đời của Phật giáo Việt Nam. Những thành tựu đáng kể của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bến Tre có được như ngày hôm nay là nhờ biết kế thừa, phát huy từ di sản của Tổ, Thầy, các vị danh tăng tiền bối quá cố cũng như các vị còn hiện tiền như: Tổ Khánh Hòa, Tổ Khánh Thông, Hòa thượng Thích Niệm Châu, Hòa thượng Thích Từ Phong, Hòa thượng Thích Chí An, Hòa thượng Thích Niệm Nghĩa, Hòa thượng Thích Hồng Liên, Hòa thượng Thích Giác Thanh, Hòa thượng Thích Hiển Pháp, Hòa thượng Thích Hiển Tu…
Chúng tôi phát huy tinh thần trách nhiệm của mình, dùng tâm lực, trí lực vận dụng linh hoạt, chủ động, sáng tạo trong từng giai đoạn lịch sử để thích ứng với tình hình thực tế địa phương, từng bước phát triển Phật giáo tỉnh nhà.
* Có thể nói, Hòa thượng là một trong những vị kế thừa nền tảng trên và là vị lãnh đạo Giáo hội tỉnh khá đặc biệt, xuyên suốt nhiều nhiệm kỳ từ năm 1992 đến nay. Với vai trò này, xin Hòa thượng chia sẻ về những ưu tiên trong điều hành Phật sự của Hòa thượng để thúc đẩy Phật giáo Bến Tre phát triển vững mạnh?
Hòa thượng Thích Nhựt Tấn, Ủy viên Thường trực HĐTS, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bến Tre |
- Trên cương vị Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bến Tre kể từ khóa I (1992-1997) đến nay là khóa VI (2017-2022), qua 30 năm lãnh đạo, tôi đã điều hành thông suốt công tác Phật sự của tỉnh, hoàn thành công việc của Trung ương Giáo hội giao phó, vận động Tăng Ni, Phật tử trong tỉnh giữ vững tinh thần đoàn kết, hòa hợp, thống nhất ý chí, hành động.
Trong điều hành Phật sự, tôi làm việc luôn có kế hoạch cụ thể, họp định kỳ Ban Trị sự tỉnh và các Ban Trị sự huyện, thị, thành để báo cáo sơ kết công tác Phật sự hàng tháng. Từ đó điểm lại những thành tựu đã đạt được và cần phát huy, khắc phục những khó khăn còn tồn đọng, góp phần ổn định và phát triển GHPGVN tỉnh.
Đặc biệt, suốt 30 năm điều hành Phật sự, tôi luôn quan niệm yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất. Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bến Tre ưu tiên các lĩnh vực giáo dục, đào tạo Tăng Ni, đặc biệt công tác “tuyển người làm Phật” từ các Đại giới đàn được ưu tiên. Từ năm 1989 đến nay, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh đã tổ chức thành công 13 Đại giới đàn mang tôn hiệu các vị tiền bối hữu công, tu bồi sơ tâm cho Tăng Ni trẻ theo đó nương tựa tu học.
* Hòa thượng nhận định như thế nào về kết quả thực hiện Nghị quyết, Chương trình hoạt động Phật sự của khóa VI? Song song với những thành tựu về hoạt động Phật sự còn có những những tồn đọng nào không, bạch Hòa thượng?
- Trong khóa VI (2017-2022), Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bến Tre ngay từ những năm đầu đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu mà nhiệm kỳ đề ra, đáp ứng được những nhu cầu sinh hoạt tu học chính đáng của Tăng Ni. Các khóa An cư kiết hạ được tổ chức trang nghiêm đều đặn hàng năm, tổ chức thành công 2 Đại giới đàn, hoàn tất việc tổ chức đại hội Phật giáo cấp huyện, thị, thành; thực hiện các chương trình từ thiện, an sinh xã hội, xây dựng cầu, đường cho người dân. Ban Thường trực Ban Trị sự đã phối hợp tổ chức thành công Hội thảo khoa học “Hòa thượng Khánh Hòa với phong trào Chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam và truyền thống Bến Tre”.
Tỉnh Bến Tre có 9 huyện, thị, thành với 267 tự viện, trong đó có 249 tự viện Bắc tông, 15 tịnh xá, 3 tịnh thất. Trong khóa VI (2017-2022), Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bến Tre đã tổ chức 3 đại giới đàn mang tôn hiệu Từ Phong, Hiển Pháp và Niệm Nghĩa với tổng 1.375 vị giới tử. Trong nhiệm kỳ qua, Phật giáo tỉnh đã thực hiện công tác từ thiện, an sinh xã hội với tổng trị giá trên 321 tỷ đồng.
Trong vòng 2 năm trở lại đây, Phật giáo cả nước nói chung, Bến Tre nói riêng chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến hầu hết mọi công tác Phật sự. Tuy nhiên, với tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, hòa hợp của Tăng Ni và đồng bào Phật tử tỉnh nhà, BTS cùng các ban chuyên môn kịp thời đưa ra những giải pháp, chương trình phù hợp với tình hình thực tế địa phương, đem lại kết quả hoạt động Phật sự thiết thực.
Điều làm chúng tôi trăn trở nhất là vẫn còn một số tự viện do kế thừa không được tiếp nối rõ ràng, từ đó phát sinh tình trạng khó khăn trong việc công nhận đúng với quy định pháp lý, khiến các chùa đó còn đứng bên ngoài Giáo hội, một số chùa khác thì chưa được cấp quyền sử dụng đất…
* Nhân sự Ban Trị sự là yếu tố rất quan trọng trong một nhiệm kỳ, với vai trò lãnh đạo Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bến Tre, Hòa thượng có chia sẻ, nhận định gì về nguồn nhân lực tại địa phương hiện nay?
- Nhân sự Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bến Tre hiện nay đa phần là Tăng Ni trẻ từ nguồn nhân lực “dồi dào” của cả tỉnh. Năng lực của Tăng Ni trẻ rất tốt nhưng cũng cần có thời gian để bồi dưỡng, học hỏi thêm kinh nghiệm trong hoạt động Phật sự.
Xuyên suốt 6 nhiệm kỳ, bản thân tôi luôn ý thức rằng chỉ có tinh thần đoàn kết, hòa hợp của Tăng đoàn, giữa các cộng sự với nhau mới hoàn thành tốt các công tác Phật sự. Trong điều hành Phật sự, tôi luôn lấy ý kiến tập thể, không áp đặt. Vì vậy, Tăng Ni trong Ban Trị sự tin tưởng, trên dưới một lòng vì Phật sự chung. Khi được giới thiệu, mỗi vị thành viên nhận nhiệm vụ đều làm việc tích cực, không so đo. Chính vì thế, suốt nhiều nhiệm kỳ, Ban Trị sự đã hoạt động ổn định và đạt nhiều thành tựu đáng kể.
Vì lẽ đó, dù trong hoàn cảnh nào, thời điểm nào, Tăng Ni, Phật tử tỉnh nhà luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, hòa hợp, một lòng sắt son đồng hành cùng dân tộc và phụng sự đạo pháp.
* Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Bến Tre lần thứ VII sẽ suy cử thành phần nhân sự cho nhiệm kỳ mới. Với vai trò Trưởng ban Tổ chức Đại hội, Trưởng Tiểu ban Nhân sự, Hòa thượng nhận định như thế nào về thành phần nhân sự dự kiến sẽ giới thiệu vào nhiệm kỳ 2022-2027, Tiểu ban Nhân sự phân bổ nhân sự như thế nào, có điều đặc biệt, ưu tiên nào không, bạch Hòa thượng?
- Nhân sự dự kiến giới thiệu vào nhiệm kỳ VII (2022-2027) của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bến Tre đều phù hợp với độ tuổi cho phép do Giáo hội quy định, phải có đức hạnh, năng lực, các vị đảm nhận vị trí nòng cốt đều có trình độ Phật học lẫn thế học nên hầu hết đều quen với công việc. Ngoài ra, các ban chuyên môn trực thuộc đều ưu tiên cơ cấu nhân sự mới là những vị Tăng Ni trẻ có năng lực, chuẩn bị cho sự kế thừa, tiếp nối. Những Tăng Ni trẻ được ưu tiên giới thiệu ngoài năng lực còn phải đạo hạnh, nhiệt huyết cống hiến.
Tiểu ban Nhân sự Đại hội đã hiệp thương, cân nhắc phân bổ nhân sự phù hợp với yếu tố hệ phái, độ tuổi, cân đối với kế hoạch quy hoạch nhân sự thực tế tại địa phương.
* Hòa thượng có kỳ vọng gì gởi gắm đến Tăng Ni, Phật tử nhân dịp Đại hội lần này?
- Tôi kỳ vọng tân Ban Trị sự sẽ có đủ năng lực, uy tín, phẩm hạnh và nhiệt tâm, phát huy hơn nữa những thành quả đã đạt được, khắc phục những tồn đọng của nhiệm kỳ trước. Nhân sự nhiệm kỳ mới sẽ tiếp nối, kế thừa, đồng thời tiếp cận công nghệ theo xu thế hiện đại, mở ra một chặng đường mới cho Phật giáo tỉnh nhà, góp phần trang nghiêm Giáo hội, xứng đáng là những người con của quê hương xứ dừa Đồng khởi.
Chân thành cảm ơn Hòa thượng!