Tại buổi làm việc, đại diện Ban Tôn giáo tỉnh đã báo cáo sơ kết 3 năm triển khai thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP.
Theo báo cáo, hiện nay toàn tỉnh có hơn 2.600 di tích thờ cúng tổ tiên, anh hùng dân tộc, gia thần, thành hoàng, thờ mẫu. Toàn tỉnh hiện có hai tổ chức tôn giáo chính là công giáo và Phật giáo. Hoạt động của các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tổ chức tôn giáo cơ bản là hoạt động thuần túy tôn giáo, chấp hành pháp luật.
Trên cơ sở triển khai Luật tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định 162/2017 của Chính phủ, tỉnh Nghệ An đã tạo được cơ chế thống nhất từ tỉnh đến cơ sở trong lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các vấn đề về tôn giáo và có liên quan đến tôn giáo. Tuy nhiên , quá trình triển khai vẫn còn những tồn tại, hạn chế như chất lượng, hiệu quả tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về tôn giáo, chức sắc, chức việc, tín đồ có lúc, có nơi chưa hiệu quả. Một số địa phương còn thiếu chặt chẽ trong quản lý Nhà nước về hoạt động tôn giáo, dẫn đến một số đối tượng lợi dụng tôn giáo hoạt động sai phạm và kích động tín đồ chống đối chính quyền.
Ông Nguyễn Tiến Trọng, Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ đánh giá công tác tôn giáo trên địa bàn Nghệ An |
Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ban, ngành, địa phương đã có ý kiến trao đổi về công tác quản lý, xử phạt hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; đấu tranh ngăn chặn các hoạt động lợi dụng tôn giáo để chống đối chính quyền; xử lý vướng mắc trong vấn đề đất đai xây dựng cơ sở tôn giáo; công tác vận động xây dựng mô hình an ninh trật tự, xây dựng nông thôn mới; cần đổi mới công tác vận động, tuyên truyền các chủ trương, chính sách về tôn giáo…
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh nhấn mạnh: Nhận thức được vai trò của Luật tín ngưỡng, tôn giáo đối với đời sống và quản lý nhà nước, tỉnh Nghệ An đã triển khai tích cực, có hiệu quả. Tuy nhiên, qua thực tiễn, đã xuất hiện nhiều vướng mắc, chồng chéo đòi hỏi cần có sự hướng dẫn cụ thể từ các bộ, ngành Trung ương. Đặc biệt, khó khăn nhất là trong quản lý hoạt động của tín ngưỡng, tôn giáo đối với cấp huyện, cấp xã…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu Ban Tôn giáo tỉnh tiếp tục rà soát, bổ sung số liệu; đánh giá, tiếp thu các nội dung được đoàn công tác đề cập, từng bước hoàn chỉnh báo cáo gửi Ban Tôn giáo Chính phủ.
Ông Nguyễn Tiến Trọng, Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ đánh giá: Tình hình tôn giáo ở Nghệ An trong những năm gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực. Với việc xử lý các vấn đề tôn giáo và liên quan đến tôn giáo, nhất là vấn đề đất đai cần vận dụng linh hoạt Luật Đất đai để xử lý hiệu quả. Trong thời gian tới, công tác quản lý nhà nước về tôn giáo sẽ được Chính phủ tiếp tục quan tâm, đặc biệt là hoàn thiện cơ cấu tổ chức quản lý Nhà nước về tôn giáo và cơ chế, chính sách cho cán bộ làm công tác tôn giáo.