Bàn thêm về vấn đề phóng sinh

GNO - Phóng sinh như thế nào cho đúng? Ý nghĩa thực sự của phóng sinh là gì? Chúng ta phải trả lời được những câu hỏi đó trước khi thực hiện nghi lễ phóng sinh, nếu không chúng ta có thể tạo thêm tội - đó là góp ý mà chúng tôi ghi nhận được từ ý kiến của chư tôn đức, Phật tử.

Phóng sinh phải hiểu

Hiện nay, ta thường thấy một số Phật tử mua chim, cá để phóng sinh nhưng họ không thả liền mà đem vô chùa chờ quý thầy làm lễ chú nguyện rồi mới thả. Hay trong những dịp lễ lớn hoặc ngày rằm, một số Phật tử gọi điện thoại đến chỗ bán chim, bán cá, bán lươn phóng sinh để đặt số lượng mua để phóng sinh. Phóng sinh như vậy có đúng không?

phongsinh.jpg

Theo TT.Thích Chân Pháp Lộ - chùa Pháp Vân (quận Tân Phú): “Phóng sinh tức là nhìn thấy các loại chúng sinh có mạng sống đang bị bắt nhốt, giam cầm, sắp sửa bị giết hại, kinh hoàng lúng túng, mạng sống trong phút giây nguy ngập, liền phát lòng từ bi, tìm cách cứu chuộc mạng sống cho chúng. Việc phóng sinh là phải xuất phát từ lòng từ bi, lòng thương xót khi thấy con vật bị nạn, sắp bị giết, mình bỏ tiền ra mua để cứu sống chúng.  Đây là một việc làm tốt nhưng nếu thực hiện không đúng cách thì không đem lại hiệu quả, dẫn đến mê tín, thậm chí còn bị tội báo”.

Thượng tọa lưu ý, để việc phóng sinh có ý nghĩa và đúng pháp cần lưu ý những điều sau:

- Phóng sinh phải phát xuất từ lòng từ bi, không vì ý nghĩa tư lợi (như cầu sống thọ, cầu may mắn, giải trừ tật bệnh, cầu siêu…). Vì nếu không như vậy, việc phóng sinh tuy có tốt, nhưng công đức và phước báu chỉ là hữu lậu nhân thiên.

- Phóng sinh bằng cái tâm, chẳng cần được ai biết đến, chứ đừng theo phong trào, chạy theo chữ danh, muốn cho mọi người thấy để khen ngợi, để được tiếng tăm.

- Phóng sinh là tự do, không phân biệt số lượng ít nhiều, lớn nhỏ, mắc rẻ, không chọn mua con này hay con kia để phóng sinh, vì chúng sanh đều bình đẳng.

- Sau khi mua con vật để phóng sinh thì thả ngay, càng nhanh càng tốt - để chúng trở về môi trường sống tự nhiên, tự do thoải mái, tránh cho chúng phải chịu kéo dài nỗi khổ sợ hãi, ngột ngạt, tù túng vì bị giam cầm; có khi chúng phải mất mạng trước khi được ta phóng thích.

- Khi phóng sinh tránh trường hợp đặt hàng trước vì khi chúng ta đặt hàng thì người bán sẽ truy bắt các con vật và nhốt chúng vào lồng hay chậu để chờ tới ngày giao.

- Khi phóng sinh cần thực hiện âm thầm, chọn nơi vắng vẻ càng tốt để tránh kích thích lòng tham của những người săn bắt, tạo thêm nghiệp chướng cho họ mà chính chúng ta cũng bị giảm phần công đức”.

Trong một bài thuyết giảng về ý nghĩa phóng sinh tại chùa Hưng Thiền, xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, SC.Thích nữ Như Lan cho rằng người phóng sinh phải hiểu những đạo lý sau đây:

Thứ nhất, phóng sinh để gieo nhân lành. Trong kinh Ưu Bà Tắc, Đức Phật dạy rằng: Nhân quả báo ứng như bóng theo hình. Sát sinh thì oan oan tương báo đời đời kiếp kiếp không dứt. Khi phóng sinh là ta đã cứu mạng chúng sinh tức là đã gieo trồng thiện nhân. Một khi đã gieo trồng thiện nhân thì nhất định sẽ được thiện quả. Ngược lại, nếu ai phê bình, cản trở người phóng sinh là trồng ác nhân ắt sẽ bị quả ác báo. Đạo lý của việc phóng sinh là nhắc nhở chúng ta cố gắng gieo trồng thiện nhân để gặt hái thiện quả.

Thứ hai, phóng sinh là tôn trọng quyền sống của muôn loài. Vạn vật, chúng sinh đều có tánh linh, ai cũng đều muốn hướng tới cái lành và tránh xa điều hung ác. Người nào cũng muốn được sống, cũng sợ chết và người nào cũng biết buồn vui thương giận. Cho nên chúng ta phóng sinh là tôn trọng quyền sống của muôn loài, chúng sẽ biết ơn chúng ta, phước báu này thật vô lượng vô biên.

Thứ ba, giải cứu chúng sinh là giải cứu một vị Phật tương lai. Chúng sinh đều vốn đủ Phật tánh, tức là có tánh giác ngộ, thanh tịnh, trong sáng. Chúng sinh vì túc nghiệp nên phải mang thân hình dị loại, bị đọa làm thân súc sanh. Một ngày nào đó túc nghiệp của chúng sinh đó hết, nó phát tâm tu hành thì cũng chứng thành đạo quả y như Phật.

Thứ tư, chúng sinh là người thân chúng ta từ bao kiếp. Chúng sinh trong vòng luân hồi đều là quyến thuộc của chúng ta từ bao kiếp. Giải cứu chúng sinh là giải cứu cha mẹ, anh em chúng ta từ kiếp trước.

Thứ năm, phóng sinh là giải oán thù. Chúng sinh là oan gia trái chủ, là kẻ thù nghịch đối với chúng ta trong kiếp quá khứ. Kiếp này chúng sinh rơi vào tay chúng ta là để trả món nợ cho ta, nhưng ta không sát hại chúng mà đem chúng đi phóng sinh, giải thoát cho chúng là đã giải oán thù với chúng để không còn oan oan tương báo với chúng nữa.

Linh hoạt chọn thời gian và môi trường  phóng sinh

Nắm được tâm lý hay làm việc lành trong những ngày lễ vía hoặc những ngày rằm của các Phật tử, nhiều đối tượng đã cố tình săn bắt các loài chim, cá rồi đem nhốt chúng lại chờ chờ bán. Điều này gây ra biết bao đau thương cho các con vật này.

Chúng bị nhốt trong các lồng chim, trong các chụm vại ngột ngạt, chúng bị chèn ép, nhiều con chịu không nổi đã chết trước ngày được giải cứu. Như vậy để tránh điều đáng tiếc này, Phật tử nếu có phát tâm phóng sinh thì nên chọn thời gian phóng sinh linh hoạt hơn, tránh phóng sinh tập trung vào các ngày lễ, ngày rằm làm kẻ xấu lợi dụng gây hại chúng sinh.

Vấn đề này được TT.Thích Chân Pháp Lộ chia sẻ: “Tôi cho rằng việc chọn ngày phóng sinh một cách ngẫu nhiên, không tập trung vào các ngày lễ, ngày rằm để tránh những kẻ xấu lợi dụng bắt các loài vật bán cho người phóng sinh là một việc nên làm và cần được phổ biến rộng rãi.

Trong các kinh Phật cũng không có bộ kinh nào quy định là phải phóng sinh vào những ngày lễ, ngày rằm. Do thói quen mà nhiều Phật tử tổ chức phóng sinh thường lệ vào ngày rằm, ngày lễ lớn vô tình tạo điều kiện cho những người cố tình săn bắt thật nhiều loài vật để đem bán trước cổng chùa hoặc nơi tập trung nhiều Phật tử qua lại, điều này làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp của việc phóng sinh”.

Thầy chia sẻ thêm: “Ngoài việc chọn thời gian phóng sinh, Phật tử cần cân nhắc kỹ địa điểm phóng sinh. Địa điểm phóng sinh rất quan trọng, mỗi loài vật có một nơi sống khác nhau, nếu chúng ta thả chúng vào nơi không phù hợp thì chúng sẽ không sống được hoặc bị các loài khác ăn thịt.

Người phóng sinh cá nếu thiếu kiến thức về môi trường nước và địa lý mà nghĩ đơn giản là tìm đại nơi nào - có chỗ để thả cá xuống là coi như “xong” - thì dễ trở thành sát sinh chứ không phải phóng sinh. Ngoài ra, mình tạo thêm ác nghiệp cho cả những kẻ vô công rỗi nghề chỉ hàng ngày làm mỗi việc bắt lại cá phóng sinh để đồng tiền phát sinh lần nữa khi sang tay người khác cũng chỉ để phóng sinh giống như thế được nhân lên”.

Theo anh Trương Văn Rôn (Tân Bình, TP.HCM) - người hay tổ chức phóng sinh: việc phóng sinh thì phải nên xuất phát từ tâm yêu thương và quan tâm đến loài vật thật sự. Phóng sinh với tâm từ bi như vậy thì ngày nào, giờ nào phóng sinh cũng là tốt.

Nhưng thực tế tồn tại nhiều người phóng sinh theo phong trào, cứ đến những ngày mùng 1, rằm hay ngày lễ mới đến trước cổng chùa mua những con chim bị nhốt trong lồng rồi thả ngay tại chỗ, hoặc mua các loài thủy sinh như rùa, cá rồi đem thả một các tùy tiện tại các ao, sông gần chùa. Cách phóng sinh chim như thế chỉ làm khổ thêm cho thân phận những chú chim, những con cá vì không bao lâu sau chúng bị bắt trở lại.

Tựu trung, việc phóng sinh là tốt, nhưng là người đệ tử của Phật thì không nên vì việc phóng sinh của mình mà thành ra “phóng tử” các loài và cũng không nên vì việc phóng sinh để được phước mà tạo điều kiện cho nhiều người vụ lợi trên việc thiện của mình.

>> Xem thêm: Không nên mua cá nuôi để phóng sinh || Đài Loan: Kêu gọi phóng sinh hợp lý hơn ||

Minh Tiến - Hồng Nho

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.