GN - Trong bất cứ giai đoạn nào của Phật giáo tại đất nước ta, dù có các danh xưng khác nhau, nhưng trách nhiệm lớn nhất của Phật giáo vẫn là hoằng dương Chánh pháp, làm lợi lạc quần sanh.
Tiếp nối truyền thống đó, 35 năm qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tạo dựng nên những hình ảnh đẹp được tổng hợp từ hoạt động của các ban, ngành trực thuộc. Có thể nói, các ban, viện chuyên ngành của Giáo hội là xương sống, là nhân tố quan trọng tạo nên các bước tiến trong việc định hình, phát triển các Phật sự chung. Không những thế, tùy theo chức năng và nhiệm vụ được phân công, mỗi ban, viện có một phạm vi hoạt động, điều hành Phật sự đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu tu học, hành đạo của hàng triệu Tăng Ni, Phật tử cả nước.
Hệ thống hành chính hoàn thiện
Nếu như sau Hội nghị Thống nhất Phật giáo, thành lập tổ chức GHPGVN vào cuối năm 1981 với 6 ban, ngành hoạt động thì 6 năm sau, khi kết thúc Đại hội kỳ II (1987-1992), Giáo hội đã có 8 ban, ngành hoạt động. Từ các ban chuyên trách mang tính chủ đạo ban đầu gồm: Tăng sự, Giáo dục Tăng Ni, Hướng dẫn Cư sĩ Phật tử, Hoằng pháp, Văn hóa và Nghi lễ, Trung ương Giáo hội thành lập thêm 2 ban, viện mới gồm: Ban Kinh tế nhà chùa và Từ thiện xã hội do Sư cô Thích nữ Huệ Từ làm Trưởng ban, Viện Nghiên cứu Phật học VN do HT.Thích Minh Châu làm Viện trưởng.
"Hiện nay Giáo hội đã có 4 học viện, 9 lớp cao đẳng và 30 trường trung cấp Phật học. Phẩm chất giảng dạy có thể có phần nào chênh lệch giữa các trường nhưng không phải là quá lớn. Tăng Ni sinh trung cấp được tuyển vào các học viện vẫn học tốt, du học cũng đạt kết quả như ý. Nay đã có khoảng 100 tiến sĩ Phật học và 100 vị đang học cấp thạc sĩ hoặc chuẩn bị trình luận án tiến sĩ. Như vậy, người ta cũng có thể đánh giá tốt ngành giáo dục Tăng Ni mặc dù có vài phần hạn chế vì lý do hoàn cảnh khách quan". |
Nhờ vậy mà trong giai đoạn này, Viện Nghiên cứu Phật học VN đã thành lập được Hội đồng Chỉ đạo phiên dịch và ấn tống Đại tạng kinh VN. Đánh giá về hoạt động của Hội đồng, HT.Thích Minh Châu với vai trò là Chủ tịch, trong phần báo cáo trước Đại hội kỳ III của Giáo hội cho biết Hội đồng đã tích cực hoạt động và đã nhận được nhiều bản dịch quý báu của các vị cao tăng lãnh đạo các hệ phái Phật giáo khác nhau, các học giả tên tuổi và sự ủng hộ, cộng tác nhiệt tình của đông đảo Tăng Ni, Phật tử thuộc các tông môn, hệ phái trong và ngoài nước.
“Chính thái độ tích cực ủng hộ lời kêu gọi của Giáo hội trong việc tiếp nhận, phát hành, phổ biến đọc và nghiên cứu rộng rãi Đại tạng kinh trong và ngoài nước đã khẳng định rõ ràng rằng, chỉ có GHPGVN, một tổ chức Phật giáo duy nhất bao gồm tất cả các tổ chức hệ phái Phật giáo mới có khả năng tập hợp rộng rãi, để cho ra đời một Đại tạng kinh bằng tiếng VN”, HT.Thích Minh Châu nhấn mạnh.
Đầu nhiệm kỳ III (1992-1997), hệ thống các ban, viện của Giáo hội được bổ sung tạo nên sự phát triển và hoàn chỉnh toàn diện các mặt hoạt động của Giáo hội. Theo đó, Ban Kinh tế nhà chùa và Từ thiện xã hội được chia tách và đổi danh xưng thành 2 ban: Ban Kinh tế-Tài chính do HT.Thích Thanh Kiểm làm Trưởng ban, Ban Từ thiện xã hội do HT.Thích Thanh Viên làm Trưởng ban. Ngoài ra, trước những thay đổi của đất nước và yêu cầu từ thực tế giao lưu với các tổ chức Phật giáo trên thế giới, Giáo hội đã lập thêm Ban Phật giáo Quốc tế do HT.Thích Minh Châu kiêm nhiệm.
Cũng trong giai đoạn này, Giáo hội đã đưa ra nhận định về sinh hoạt của tổ chức Gia đình Phật tử để tiến tới việc phục hoạt, hình thành nên nhân sự phụ trách khi cho biết nguyện vọng giáo dục giáo lý của đạo Phật và đạo đức Phật giáo cho nam nữ Phật tử, kể cả thanh thiếu niên Phật tử là nguyện vọng chính đáng, cần phải tạo nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện nguyện vọng đó.
Đến Đại hội kỳ VII (2012-2017), Giáo hội tiến thêm một bước nữa trong việc hoàn thiện hệ thống tổ chức hành chính cấp Trung ương khi thành lập 3 ban mới gồm: Ban Kiểm soát do HT.Thích Thiện Tánh làm Trưởng ban, Ban Pháp chế do HT.Thích Huệ Trí đảm trách Trưởng ban và HT.Thích Gia Quang làm Trưởng ban Thông tin-Truyền thông. Điều đặc biệt trong kỳ này là 12 ban, 1 viện của Giáo hội đều được cấp dấu tròn và tất cả đều phải xây dựng nội quy, quy chế làm việc cụ thể ngay sau khi Đại hội kết thúc. Điều đó thể hiện tính tự chủ, độc lập về mặt tổ chức và điều hành công tác Phật sự trên các lĩnh vực khác nhau đồng thời cũng cho thấy sự lớn mạnh trong tổ chức của Giáo hội.
Những điểm sáng
Đối với hoạt động của Giáo hội, tất cả các ban ngành đều có tầm quan trọng ở những phương diện khác nhau. Có ban được hình thành ngay từ buổi đầu của Giáo hội và có ban mới hiện hữu gần một nhiệm kỳ nhưng nhìn chung tất cả đều đạt những thành tựu to lớn, góp phần xương minh Phật pháp. Và trong đó, Ban Tăng sự vẫn luôn được xem ngành hoạt động có tính chất tiên quyết và quan tâm đặc biệt vì liên quan đến công tác quản lý Tăng Ni, tự viện.
Từ Nội quy của ngành thì Ban Tăng sự có chức năng y cứ Giới luật, Hiến chương Giáo hội và pháp luật Nhà nước để giám sát, hộ trì việc tu học, hành đạo của Tăng Ni và hoạt động Phật sự của tự viện.
Theo HT.Thích Thiện Pháp, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS kiêm Trưởng ban Tăng sự T.Ư, nhiệm vụ của ban được phân định gồm 4 công việc cụ thể: Giúp Ban Thường trực HĐTS tổng hợp tình hình Tăng Ni, tự viện trong cả nước; lập các dự án, chương trình hoạt động, kế hoạch thực hiện những chủ trương, công tác Phật sự thuộc phạm vi ngành Tăng sự; đôn đốc Ban Tăng sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo triển khai thực hiện các nghị quyết, chủ trương, đường lối của Giáo hội; chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước có hiệu quả; lập danh bạ Tăng Ni, tự viện và chịu trách nhiệm quản lý, điều hành các hoạt động, sinh hoạt của Tăng, Ni, tự viện theo Luật Phật, Hiến chương Giáo hội, pháp luật Nhà nước; lập danh sách Tăng Ni tấn phong giáo phẩm, tuyên dương công đức trình Ban Thường trực HĐTS xét duyệt và thông qua tại các hội nghị, đại hội.
Cũng theo HT.Thích Thiện Pháp, đến nay cả nước có 49.493 Tăng Ni tu học tại 17.376 cơ sở tự viện; duyệt cấp gần 25 ngàn Giấy chứng nhận Tăng Ni và 10 ngàn Giấy chứng nhận tu sĩ Phật giáo Nam tông Khmer; tổ chức gần 400 Đại giới đàn với khoảng 60 ngàn lượt giới tử thọ giới.
Đặc biệt, hoạt động ngành bắt đầu có những bước đi mang tính chuyên sâu vào hoạch định chính sách khi liên tiếp tổ chức các hội thảo để tìm giải pháp trong việc quản lý Tăng Ni, tự viện; thống kê tín đồ; xây dựng các bộ quy chuẩn về bổ nhiệm trụ trì, tấn phong giới phẩm; thiết lập phần mềm về cấp đổi giấy chứng nhận Tăng Ni, chứng điệp thọ giới, an cư kiết hạ. - HT.Thích Thiện Pháp chia sẻ.
Liên quan đến yếu tố con người của Giáo hội, thực hiện đề nghị của Đức Đệ nhất Pháp chủ GHPGVN, Đức Trưởng lão HT.Thích Đức Nhuận và lời hứa của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng thay mặt Đảng, Chính phủ nhân Hội nghị Thống nhất Phật giáo vào năm1981, ngành giáo dục sau 35 năm cống hiến và thừa hành Phật sự đã hình thành nên một hệ thống đào tạo khép kín từ sơ cấp đến đại học và sau đại học.
Theo đó, đã có trên 6.000 Tăng Ni sinh tốt nghiệp cử nhân Phật học từ 4 học viện Phật giáo thuộc Giáo hội, 121 vị Tăng Ni theo học chương trình cao học thí điểm tại TP.HCM; hàng trăm Tăng Ni du học các cấp học tại nhiều nước trên thế giới, hệ thống trường trung cấp Phật học, lớp sơ cấp Phật học và các trường chuyên về Pali cho chư Tăng Nam tông Khmer được hình thành rộng khắp, đáp ứng nhu cầu nâng cao tri thức và nghiên cứu về Phật học hàng Tăng Ni, cư sĩ.
Lễ tốt nghiệp tại Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM
Phát biểu về hoạt động ngành tại Hội thảo Giáo dục Phật giáo VN được tổ chức tại Hà Nội, HT.Thích Chơn Thiện, Phó Pháp chủ HĐCM, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS, Trưởng ban Giáo dục Tăng Ni T.Ư cho biết, một trong những nhiệm vụ quan trọng mà ngành thực hiện được là đề ra chương trình giảng dạy cho từng năm học của trung cấp Phật học, bao gồm số môn học, số tiết học cho mỗi môn, đồng thời cũng có đề cương cho việc thống nhất chương trình giảng dạy tại các học viện Phật giáo.
Một điểm sáng khác mang tính nhập thế của Giáo hội đó chính là hoạt động từ thiện và an sinh xã hội suốt 35 năm qua. Đây là công tác thể hiện rõ ràng nhất giáo lý từ bi, ban vui cứu khổ của đạo Phật và có tính hiệu triệu đối với đông đảo Tăng Ni, Phật tử.
Chính vì lẽ đó, trong các báo cáo thường niên, Giáo hội luôn nhận định “Hoạt động từ thiện xã hội là một trong những công tác nổi bật nhất của Trung ương Giáo hội; Phật giáo các tỉnh, thành; Ban Trị sự Phật giáo cấp quận, huyện thuộc tỉnh và các cơ sở tự viện trong toàn Giáo hội”.
Hiện tại Giáo hội có gần 70 Tuệ Tĩnh đường, 650 phòng chẩn trị y học dân tộc, 1 phòng khám đa khoa khám, chữa bệnh và phát thuốc miễn phí cho hàng chục ngàn lượt bệnh nhân; các trường mầm non, trung tâm bảo trợ xã hội trẻ em, viện dưỡng lão được nhân rộng; công tác cứu tế của Giáo hội đi đến các vùng khó khăn không chỉ trong nước mà còn hỗ trợ cho nhân dân nhiều nước khác bị thiên tai, dịch bệnh. Song song đó là các chương trình phúc lợi xã hội như xây nhà tình thương, tình nghĩa, đường nông thôn, hỗ trợ giếng nước, xe đạp, học bổng, bữa ăn từ thiện, lò hỏa táng… với kinh phí hàng năm lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
“Với nhiệm vụ được giao và trên cơ sở những nỗ lực tự thân, Ban Từ thiện xã hội Trung ương đã vận động, tập hợp được ý chí, tấm lòng của Tăng Ni, Phật tử, những mạnh thường quân cả nước thực hiện nhiều chương trình an sinh xã hội, chia sẻ một phần đau thương mất mát, những khó khăn của đồng bào, Phật tử trong cả nước, thể hiện sự đồng hành của Phật giáo cùng dân tộc”, HT.Thích Quảng Tùng, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Từ thiện xã hội T.Ư đánh giá về hoạt động của ngành.
>> Xem kỳ sau: Giáo hội Phật giáo VN hội nhập quốc tế