GN - Ban Hướng dẫn Phật tử T.Ư (HDPT T.Ư) nhiệm kỳ VII được xem là một ban có nhiều Phân ban, Tiểu ban mới. Tại Hội nghị kỳ 2 khóa VII của Trung ương GHPGVN có ý kiến của đại biểu tỉnh Kon Tum phản ánh về việc cơ cấu nhân sự thiếu thực tế của Phân ban Phật tử dân tộc thuộc Ban HDPT T.Ư.
Ảnh: Vũ Giang |
PV Giác Ngộ đã tìm gặp HT.Thích Thiện Duyên, Phó Chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng ban HDPT T.Ư để tìm hiểu về một số vấn đề về hoạt động của Ban. Hòa thượng đã từ chối trả lời và ủy quyền cho TT.Thích Chơn Không (ảnh), Phó Trưởng ban kiêm Chánh Thư ký Ban HDPT T.Ư. Về những điểm mới của Ban, Thượng tọa cho biết:
Trong nhiệm kỳ VII, Ban HDPT T.Ư có 92 thành viên, số thành viên mới chiếm 70%. Hiện nay có tất cả 4 Phân ban, trong đó hai Phân ban cũ là Phân ban Gia đình Phật tử (GĐPT) và Cư sĩ Phật tử (CSPT), hai Phân ban mới từ Tiểu ban được nâng cấp thành Phân ban là Phân ban Thanh thiếu nhi Phật tử (TTNPT) và Phân ban Phật tử dân tộc (PTDT).
Vì sao trong nhiệm kỳ VII lại hình thành các Phân ban mới, thưa Thượng tọa?
- TT.Thích Chơn Không: Vì đó là do nhu cầu Phật sự, do tình hình thực tế của xã hội. Chẳng hạn như đối với Phân ban TTNPT, chúng ta có thể thấy rằng hiện nay giới trẻ đến chùa sinh hoạt, tu học và bày tỏ niềm tin, sự tín ngưỡng lễ kính của mình đối với Tam bảo ngày càng tăng. Trong đó những yêu cầu đối với xã hội như giới trẻ phạm pháp rất nhiều, đặt ra yêu cầu ngành hướng dẫn Phật tử là làm sao góp phần hạn chế các tệ nạn, sự mâu thuẫn trong gia đình… Phân ban này được hình thành từ yêu cầu đó.
Phân ban GĐPT là Phân ban cũ và Phân ban TTNPT mới được hình thành liệu có sự chồng chéo trong chức năng cũng như hoạt động không, thưa Thượng tọa?
- Mỗi Phân ban có một hoạt động riêng, kỹ năng chuyên môn riêng nên sẽ không có sự chồng chéo nào hết.
Phân ban GĐPT có hệ thống tổ chức rất chặt chẽ, nề nếp, bài bản hơn 60 năm qua. Tuy nhiên không phải TTNPT nào cũng đủ điều kiện, tiêu chuẩn để tham gia. Bởi GĐPT sinh hoạt vào chiều Chủ nhật hàng tuần, yêu cầu gần như bắt buộc là các em phải sinh hoạt thường xuyên. Mà với tình hình hiện tại, các em phải đi học cả ngày, ngoài học chính quy các em còn học thêm, kể cả Chủ nhật cũng không được nghỉ. Nên để đeo đuổi hoạt động GĐPT là rất khó. Thêm nữa, quy trình huấn luyện của GĐPT bắt đầu từ trại huấn luyện Anôma - Ni Liên - Tuyết Sơn rồi lên cao hơn nữa là Lộc Uyển cho tới Vạn Hạnh, mỗi trại huấn luyện có một nội dung riêng và càng ngày càng khó. Còn về tu học, các huynh trưởng phải trải qua 4 bậc học là bậc Kiên, Trì, Định, Lực. Các em học bậc này phải thi vượt cấp, cộng với thâm niên hoạt động mới được thăng cấp. Nên nói chung cần rất nhiều điều kiện.
Phân ban GĐPT hoạt động mang tính chất chính quy, kiểu như trong quân đội thì có quân đội chính quy, còn hoạt động của thanh thiếu nhi giống như quân dân tự vệ tại địa phương.
Những em không đủ điều kiện sinh hoạt GĐPT thì sẽ tham gia với câu lạc bộ tại các tự viện. Nên trong nhiệm kỳ VI vừa qua Tiểu ban TTNPT đã đi vào hoạt động, tuy thành tựu rất khiêm tốn bởi khâu nhân sự hơi trì trệ nhưng nhiệm kỳ VII với nhân sự như hiện nay, tôi nghĩ sẽ có những bước tiến khởi sắc hơn.
Như Thượng tọa đã nói, GĐPT là một tổ chức có có lịch sử hình thành, được thử thách và hoàn thiện, có nề nếp với chiều dài hơn 60 năm qua, có đầy đủ chương trình tu học và huấn luyện vậy sao chúng ta không làm mới tổ chức này, bằng cách thay đổi một vài điểm phù hợp với bối cảnh, yêu cầu xã hội hiện tại… Như vậy có phải là cách để tiết kiệm nhân lực, thời gian, huy động toàn lực cho công tác này một cách tốt đẹp trong tinh thần kế thừa và phát triển, thưa Thượng tọa?
- Thứ nhất, các anh chị huynh trưởng lâu nay sinh hoạt GĐPT đã có tình cảm sâu đậm trong màu áo, trong sinh hoạt GĐPT, do đó họ không muốn thay đổi thói quen đó. Có thay đổi, nhưng nếu thay đổi quá lớn thì các anh chị cũng không đồng ý. Ngay cả đồng phục các anh chị mặc kiểu quần short, có chư tôn đức ý kiến nhưng các anh chị vẫn giữ nguyên.
Vấn đề thứ hai là đối với GĐPT ngoài Giáo hội, họ nhìn Phân ban GĐPT với cái nhìn không thiện cảm, nếu có cái gì đó thay đổi trái với truyền thống sẽ bị các anh chị phê bình, chỉ trích do đó GĐPT hiện nay không muốn thay đổi.
Còn về nội dung sinh hoạt GĐPT hiện giờ nhẹ hơn trước và cũng cập nhật những thành tựu khoa học hiện đại vào sinh hoạt của mình, cũng tiếp nhận những thông tin, những yêu cầu xã hội đặt ra để đưa vào chương trình sinh hoạt GĐPT, cũng có những cái rất mới nhưng nếu thay đổi nhiều quá thì các anh chị không chấp nhận.
Về các hình thức sinh hoạt hiện tại của Phân ban TTNPT, những điểm mới là như thế nào, thưa Thượng tọa?
- Sinh hoạt của thanh thiếu nhi Phật tử có hai hình thức: thứ nhất sinh hoạt thường xuyên là câu lạc bộ tổ chức tại các chùa. Chùa nào chưa tổ chức câu lạc bộ thì tối thiểu phải có khóa lễ cho giới trẻ hàng tuần.
Thứ hai là các sự kiện tổ chức theo mùa, như kỳ nghỉ hè của sinh viên, học sinh… thì tổ chức hội trại, các khóa tu dành cho giới trẻ. Các hoạt động này thu hút nhiều thành phần trong xã hội, có nhiều em chưa tham gia câu lạc bộ nhưng nghe tổ chức sự kiện phù hợp nên tham gia. Như vừa qua, tiếp nhận từ Báo Giác Ngộ, Ban HDPT T.Ư kết hợp Báo tổ chức Hội trại, Tiếp sức mùa thi... thu hút giới trẻ tham gia rất nhiều.
Tại Hội nghị kỳ 2 khóa VII của Trung ương Giáo hội, đại biểu là HT.Thích Quảng Xả, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Kon Tum đã phát biểu trước hội nghị phản ánh nhân sự điều hành được cơ cấu trong Phân ban PTDT thuộc Ban HDPT T.Ư đa số ở các tỉnh thành khác ngoài khu vực cao nguyên, do đó không sâu sát, một năm chỉ đến thăm, tặng quà một vài lần, không có sự am hiểu về phong tục tập quán của các dân tộc anh em nên công tác không có hiệu quả… Vậy Thượng tọa nghĩ gì về ý kiến đó? Trong nhiệm kỳ này, Phân ban PTDT đã đề ra rất nhiều chương trình hoạt động Phật sự, đến nay đã làm được những gì, thưa Thượng tọa?
- Chắc là phải chờ Hòa thượng Trưởng Phân ban trả lời, hiện tại Ban Thư ký chưa nghe được báo cáo gì từ bên Phân ban PTDT, chỉ nghe báo cáo về một số hoạt động thuyết giảng và từ thiện xã hội mà thôi.
Còn phản ánh nhân sự điều hành không phải các tỉnh đồng bào dân tộc thì tôi nghĩ chưa đúng. Các tỉnh Tây Nguyên, 12 tỉnh miền Trung, kể cả các tỉnh ở Đông Bắc đều có đại diện các tỉnh là Trưởng ban Trị sự hoặc Trưởng ban HDPT tỉnh làm ủy viên trong Phân ban PTDT.
Còn về vấn đề phản ánh Phân ban PTDT một năm đến một vài lần như vậy sẽ không có hiệu quả. Đúng là như vậy, theo tôi nghĩ muốn làm có hiệu quả thì mình nên lên hàng tháng hoặc hàng quý, có chuyến làm việc thực tế chứ lâu lâu đến thăm thì không có hiệu quả.
Trong các tiểu ban trực thuộc Phân ban CSPT T.Ư, Thượng tọa đánh giá hiệu quả hoạt động như thế nào?
- Mỗi một tiểu ban có một nội quy riêng, nhưng hoạt động chưa mạnh lắm. Chỉ có Tiểu ban Phật tử Nam tông Kinh, Phật tử người Hoa và Phật tử Khất sĩ là có hoạt động, còn Phật tử Nam tông Khmer tuy có hình thành khung nhân sự nhưng chưa có hoạt động gì.
Tiểu ban Phật tử hải ngoại, có cái khó là nếu mình cơ cấu chư Tăng chư Ni ở hải ngoại vào Tiểu ban thì sẽ bị cô lập, cho nên hoạt động của Ban trong nhiệm kỳ rất khiêm tốn. Hiện tại trong nhiệm kỳ VII, Tiểu ban chưa hình thành khung nhân sự.
Xin cảm ơn Thượng tọa!
Như Danh thực hiện
Câu chuyện về công tác Phật sự hướng dẫn cho người Phật tử trong việc tu học, sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo, làm sao để xây dựng được niềm tin vào Chánh pháp, theo đúng với truyền thống Phật giáo Việt Nam, phương châm của GHPGVN trong tinh thần phương châm mà Đại hội VII của GHPGVN đã đề ra là “Kế thừa - Ổn định - Phát triển” còn là một câu chuyện dài. Một vài cuộc trao đổi như thế này, chắc chắn sẽ không thể nói lên được tất cả. Giác Ngộ sẽ trở lại vấn đề này ở các góc tiếp cận khác nhau, từ thực tế sinh động hơn. |