Bản chất của khổ đau

Giác Ngộ -  Đức Phật đưa ra bốn chân lý là Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Mở đầu Phật dạy Khổ đế, cho nên nhiều người lầm tưởng đạo Phật là yếm thế vì cho rằng cuộc đời này là biển khổ.

Nhưng thực chất của đạo Phật ở Diệt đế, tức Niết bàn. Tập đế là nguyên nhân đưa đến khổ đau và Đạo đế là phương pháp tu tập để thoát khỏi khổ đau, chứng Niết bàn an lạc. Vì vậy, đạo Phật là đạo dẫn đến sự an lạc, không phải khổ đau.

khodau.jpg

Đức Phật nói rằng thế giới không khổ đau, mà hoàn toàn an lạc thanh tịnh; 
khi tâm chúng ta thanh tịnh thì thế giới an lạc - Ảnh minh họa

Đức Phật dạy rằng do vô minh, vọng kiến ngăn che, nên sanh các tánh ham muốn khác nhau mà tạo ra các tội sai biệt, mới bị khổ đau. Như vậy, khổ không có thực, nhưng do con người tạo ra. Khổ đau này ở đâu? Khổ đau có trong sinh tử, hay trên hiện tượng giới là thế giới sanh diệt, tức thế giới ảo mới có sanh diệt thì mới có khổ đau. Vì khổ đau là ảo, không thực, nên tùy theo tham vọng của từng người mà có khổ đau khác nhau.

Đức Phật tu đắc đạo, được an lạc hoàn toàn, tức Ngài trở về sống với thể tánh sáng suốt. Và từ thể tánh khởi lên mới có tư tưởng chơn như duyên khởi, tức từ bản thể sáng suốt khởi, cho nên tạo thành thế giới quan an lạc hoàn toàn là Niết bàn và Tịnh độ. Thế giới an lạc là Tịnh độ, tâm Phật là Niết bàn.

Đức Phật nói rằng thế giới không khổ đau, mà hoàn toàn an lạc thanh tịnh; khi tâm chúng ta thanh tịnh thì thế giới an lạc. Vì tâm thanh tịnh, trí tuệ sáng suốt, sẽ không khởi vọng kiến vô minh. Vọng kiến vô minh là thấy sai, chấp sai và hành động sai dẫn đến vô số tội lỗi, cho nên kết cuộc là khổ đau.

Vì vô minh vọng kiến sanh ra khổ đau, nên Đức Phật đưa ra phương pháp thấp nhất cho loài người tu là 37 trợ đạo phẩm, gọi là Đạo đế, tức pháp tu diệt khổ từ thấp đến cao. Bước thứ nhất, Phật dạy muốn phá bỏ ảo giác này, chúng ta mượn đối tác với ảo giác để dứt trừ nó. Nghĩa là từ thế giới hiện tượng vật chất là Hữu, Phật đưa ra pháp Không để làm đối tác tu hành. Vì vậy, bước đầu Phật dạy chúng ta quán Không để thấy tất cả mọi hiện tượng trên cuộc đời này là Không, thì sẽ chấm dứt được khổ đau trong sinh tử. 

Vì nghĩ mọi thứ là có, là sung sướng, mới chạy theo ảo giác này, khiến cho ta phải bị hết khổ này đến khổ khác. Đức Phật ví như người khát nước trong sa mạc thấy nước, nhưng cái thấy đó chỉ là ảo giác, không phải nước thật, cho nên càng tiến sâu vào để lấy nước thì càng khát thêm mà thôi. Vì vậy, khổ đau phát xuất từ cái thấy có, mới khởi tâm ham muốn, để rồi phạm phải những tội lỗi khác nhau.

Từ thế giới sanh diệt quán Không để đối trị với Hữu, tức nhìn thế giới này là Không, nên vọng tâm không sanh, chúng ta có được cái ảo giác thứ hai là Niết bàn. Mặc dù Niết bàn này tuy không thực, chỉ là ảo giác, nhưng không làm chúng ta đau khổ như ảo giác sanh diệt. Vì vậy, người phát tâm tu hành đầu tiên phải thực tập pháp này. Thực chất cửa chùa gọi là Không môn. 

Thiền sư Thanh Từ nói Phật tử đứng trước cửa chùa, không chịu bước vô. Đừng hiểu lầm rằng tới chùa mà không chịu vô, lại đi trở ra. Ý Ngài muốn nói rằng đã đi thẳng vô chùa rồi, nhưng không vào được cửa Không, giải thoát của Phật. Họ vẫn đi chùa, lạy Phật, tụng kinh, nhưng không hiểu Phật pháp, mà cứ chấp vào văn tự kinh, chấp vào tượng, là họ làm nô lệ vật chất của đạo Phật, trong khi không nô lệ vật chất thế gian.

Phật tử từ nhà đến chùa, trên đường đi, đầu óc nghĩ đủ thứ, bước vô chùa tâm trí lại tiếp tục lăng xăng, nói năng lăng xăng và hành động lăng xăng, là họ đã vào chùa, nhưng sống ngoài cửa Không. Với tâm đầy ắp những dữ kiện như vậy, nên quỳ trước tượng Phật mà khóc sướt mướt, kể lể đủ chuyện, là chưa vào chùa. Bước vào chùa, ta phải được giải thoát. Điển hình như Mã Thắng nhập cửa Không, tâm Ngài hoàn toàn trống không, không khởi bất cứ vọng niệm tham đắm. Thân tâm và hoàn cảnh hoàn toàn giải thoát như vậy, dù Ngài không sở hữu tài sản gì,  nhưng Trưởng lão Xá Lợi Phất trông thấy liền được giải thoát theo. Quý vị làm thí nghiệm trên bước đường tu, sẽ nhận ra lý này.

296211_286243078072435_279109042119172_1074242_1276940539_n.jpg

Ảnh: Internet

Riêng tôi, trong khoảng thời gian dài suốt 20 năm cầu đạo, đi từ vị trưởng lão này đến trưởng lão khác, nhìn thấy các Ngài, phiền não tự rơi rụng, không cần nói gì cả. Thầy và ta mỉm cười, im lặng vào cửa Không; đó là thực chất của đạo. Còn thầy nói hết lời, ta cũng không hết phiền não là những người trong sinh tử nói chuyện với người sinh tử.

Có vị dạy chúng ta đủ thứ, nhưng càng dạy thấy mình bị gò bó ràng buộc, không an lạc; còn không dạy mà mình an lạc. Câu chuyện giữa Ca Diếp với Đức Phật đưa hoa sen lên, Ca Diếp mỉm cười là bài pháp vô ngôn. Thực tế Phật có đưa hoa sen hay không và Ca Diếp có mỉm cười thật hay không, điều này không quan trọng. Quan trọng là chúng ta thấy Đức Phật hiện hữu trên cuộc đời như hoa sen. 

Vì vậy, Phật được tiêu biểu bằng hoa sen, mà về sau, người ta lại chạm tượng Phật ngồi trên hoa sen và Đức Phật Di Đà ngồi trên hoa sen lớn như bánh xe; nhưng chúng ta hiểu như vậy không được, vì Phật được biểu tượng bằng hoa sen không dính nước, nở trong bùn mà bùn không làm ô nhiễm hoa sen được.

Hoa sen tỏa hương là gì? Nghĩa là sanh tử và Niết bàn là một; bùn cũng là hương, hương này do bùn mà tạo thành, còn không biết thì biến hương thành bùn. Ngày nay chúng ta dễ chứng minh điều này. Các loại hương mà chúng ta tổng hợp được là trích từ hoa mới có nước hoa, nhưng hoa hút phân và nước mà cho hương.

Vì vậy, trên bước đường tu, chúng ta bắt đầu nhận thức được thực chất của sự vật. Kinh Hoa Nghiêm nói quả Bồ đề thuộc về chúng sinh, vì không có chúng sinh, Bồ tát không thành Vô thượng Đẳng giác. Chúng ta nghĩ Bồ tát tìm đạo ở đâu? Phật dạy tìm ngay trong chúng sinh, hay kinh Duy Ma, Phật dạy tìm Phật đạo trong 64 dị kiến ngoại đạo, tức tìm trong vô minh, chấp trước, khổ đau của chúng sinh thấy có dị kiến ngoại đạo. Thật vậy, vì có vô minh, vọng kiến, nên tạo vô số tội lỗi, mới có khổ đau và đáp ứng khổ đau của quần chúng mới có dị kiến ngoại đạo sinh ra.

Đức Phật cho biết nếu Ngài nói ngay rằng chân lý không có khổ đau, thì người ta sẽ theo ngoại đạo. Vì vậy, Phật phải dùng phương tiện nói cuộc đời là khổ, tức nói như vậy cho người trong sinh tử. Ngoại đạo thì cứ khai thác cái khổ và tham vọng của chúng sinh. Họ nghe và theo mới đi sâu vào tội lỗi, như có người tham nghĩ cách kiếm tiền nhiều, mua đất, coi ngày mở cửa hàng, mới tìm đến thầy bói và thầy bói khai thác cái mảng tham lam này của chúng sinh. Nếu người có phước đời trước, may mắn được một chút, lại tiếp tục đến thầy bói nhờ lần thứ hai, thứ ba, chắc chắn sẽ thất bại. Thầy bói không bao giờ nói đúng quá ba lần, vì lúc cái phước của người tham lam chấp trước này cạn kiệt, nên họ phải khổ đau.

Có thể nói mọi suy tính do vô minh khởi, thì vô minh này là ảo, nên tạo thành tội lỗi cũng là ảo. Vì vậy, Đức Phật dạy trong kinh Nguyên thủy rằng tất cả chúng ta tu đều có thể đạt được an lạc giải thoát. Đầu tiên Phật dạy thực tập pháp quán Tứ niệm xứ để dứt tham vọng, hết khổ đau, vì càng tham vọng thì càng khổ, hạn chế tham vọng thì ít khổ và không có tham vọng thì không khổ. 

Biết vạn vật vô thường, sinh diệt biến dị, nếu theo con đường này phải khổ, vì kết thúc của tất cả sự vật đều là Không. Cho nên, Phật dạy quán thân bất tịnh, quán thọ là khổ, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã.

(Còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.