GN - Giúp đỡ, sẻ chia và luôn động viên nhiều gia đình nghèo khó, những mảnh đời bất hạnh, tật nguyền “vượt lên chính mình”… là việc làm giàu lòng từ bi của ông Đặng Văn Nhẹ (SN 1931) - Trưởng ban điều hành Tổ từ thiện cấp cơm, cháo, nước miễn phí Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Đồng Tháp.
Từ tổ cưa gỗ…
Nhiều người dân quanh vùng thường gọi ông Đặng Văn Nhẹ bằng danh xưng thật thân thương, kính trọng và trìu mến là: Bác Út Nhẹ! Nhiều năm qua, bác Út Nhẹ không chỉ lấy tiền cá nhân mình mà còn hết lòng vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp, chung tay giúp đỡ những mảnh đời khó khăn, bất hạnh vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Ông Đặng Văn Nhẹ - người nghèo thân thương gọi là ông Út Nhẹ
Nhiều việc làm thiết thực ở địa phương như: tặng tiền, quà, xây cầu - đường giao thông nông thôn, hỗ trợ học bổng cho những học sinh nghèo vượt khó, đóng góp quỹ “Vì người nghèo” của các địa phương, trao xe lăn, xe lắc cho người tàn tật, hỗ trợ phẫu thuật tim, phẫu thuật ghép thủy tinh thể đem lại ánh sáng cho người mù nghèo, đóng góp tiền mua xe ô-tô làm phương tiện chuyển bệnh nhân (miễn phí) lên bệnh viện tuyến trên điều trị …
Không những vậy, bác Út Nhẹ còn thành lập tổ cưa xẻ gỗ cất nhà tình thương giúp cho người nghèo có được nơi ở ổn định để “an cư lạc nghiệp”. Trước đây, bác Út Nhẹ chỉ cất tặng có 7 căn nhà tình thương trong một năm nhưng từ khi thành lập tổ cưa xẻ gỗ bằng máy móc thì số nhà tình thương đã được cất tặng tăng lên đáng kể. Hơn 5 năm qua, tổ cưa xẻ gỗ xã Tân Huề do bác Út Nhẹ phụ trách đã cất tặng người nghèo hơn 420 căn nhà tình thương, với tổng trị giá trên 2,1 tỷ đồng.
Từ đó, một tổ cưa xẻ gỗ cất nhà tình thương đã được nhân rộng lên 24 tổ trên khắp tỉnh Đồng Tháp.
Đến… điều hành bếp cơm cho bệnh nhân
Điều vui hơn nữa là bác Út Nhẹ đã hai lần được UBMTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Tháp và một số ban ngành liên quan cấp tỉnh cử cán bộ đến tận xã Tân Huề mời về điều hành Tổ từ thiện cấp cơm, cháo, nước miễn phí tại BVĐK Đồng Tháp.
Bác Út Nhẹ từ tốn cho biết: “Hai lần được mời, nhưng tôi không dám nhận, vì lý do tuổi cao,sức yếu. Sau nhiều ngày băn khoăn, trăn trở… đến khi được xem qua cuộc đời, sự nghiệp và tấm gương đạo đức, sự hy sinh cao cả của Bác Hồ, tôi rất cảm động và mạnh dạn quyết định nhận lời điều hành Tổ từ thiện vào tháng 2-2007”.
Khi nhận nhiệm vụ, bác Út Nhẹ gặp rất nhiều khó khăn. Bởi bác phải gây dựng lại từ đầu, vừa củng cố nhân sự vừa xây cất nơi nấu nướng và vận động các tổ chức, cá nhân cùng làm việc thiện. Lúc đầu, bác Út Nhẹ chỉ vận động được 700kg gạo và sử dụng được 4 ngày thì hết sạch. Không nản chí, bác Út Nhẹ cần mẫn làm việc bằng cả tấm lòng và đầy tâm huyết cộng với sự động viên, tiếp sức của mọi người chung tay góp tiền, góp gạo, trang thiết bị nhà bếp, trong đó thầy Thích Thiện Xuân giúp cho tổ 10 chiếc giường sắt…
Tấm lòng từ bi của bác Út Nhẹ là chất men khơi dậy phong trào tương trợ, giúp đỡ nhau, thu hút nhiều nhà hảo tâm tham gia xây dựng Tổ từ thiện BVĐK Đồng Tháp. Tại tổ, bác Út Nhẹ cho mở sổ thu, chi công khai hàng ngày và có quyết toán, báo cáo cụ thể hàng tháng, quý, năm với Ban Giám đốc Bệnh viện và UBMTTQ, Hội Chữ thập đỏ tỉnh.
Hiện nay, toàn tổ có trên 500 tình nguyện viên phục vụ, chia thành 21 tiểu tổ. Quê mỗi người ở một nơi, hầu hết là người dân trong tỉnh. Song, họ cùng chung một mục đích là làm việc thiện. Mỗi tiểu tổ có trên 20 người trực một tuần, với nhiệm vụ chẻ củi, nấu cơm, cháo, nước… phục vụ cho bệnh nhân và thân nhân người bệnh tại BVĐK tỉnh… Một thành viên tình nguyện ở xã An Phong, huyện Thanh Bình cho biết: “Tôi tới lui bệnh viện, được bác Út Nhẹ thuyết phục và tôi thấy cô bác bệnh nhân nghèo nằm điều trị khổ quá. Do đó, tôi gác chuyện gia đình một bên để đến Tổ từ thiện nấu cơm, cháo, nước… giúp đỡ cho cô bác ấm lòng trong lúc hoạn nạn”.
Thiện nguyện vì bệnh nhân
Để có được một chén cơm, chén cháo, ly nước chín… ấm áp nghĩa tình, mỗi thành viên Tổ từ thiện phải thức dậy từ 2 giờ sáng mỗi ngày. Trong khi mọi người còn đang an giấc, thì bếp lò của Tổ từ thiện BVĐK Đồng Tháp đã nổi lửa, đến 4 giờ sáng là đã có cháo và nước nóng cho bệnh nhân.
Sau đó, các thành viên lại chuẩn bị nấu cơm, làm thức ăn cho bữa cơm trưa. Và, bữa cơm chiều cũng được phục vụ bệnh nhân đúng 16 giờ hàng ngày. Hàng ngày, Tổ từ thiện cung cấp trên 2.500 lít nước sôi, 500kg gạo để nấu cơm, cháo và hơn 2.000 phần thức ăn. Những bữa ăn đạm bạc với canh, rau, tương, chao, tàu hủ… nhưng rất chan chứa tình nghĩa đồng bào và thực sự đã giúp nhiều bệnh nhân nghèo khổ, khó khăn, đơn chiếc…
Ông Út Nhẹ có mặt tại bếp ăn để chăm lo cho bệnh nhân
Bà Trần Thị Hai, trên 60 tuổi, vừa nhận phần cơm và bình nước do những thành viên Tổ từ thiện phục vụ đã xúc động nói: “Tôi ở xã Bình Thành, huyện Lấp Vò đang nuôi đứa con gái bị bệnh điều trị ở đây. Nhờ sự giúp đỡ của Tổ từ thiện nấu cơm, cháo, nước chín… phục vụ nên cũng đỡ phần khó khăn lúc nằm viện”. Còn ông Trần Văn Khênh (65 tuổi) thì bày tỏ: “Quê tôi ở Tri Tôn, AnGiang, nuôi chị tôi đã 70 tuổi bị bệnh nằm điều trị tại BVĐK Đồng Tháp hơn một tuần nay. Nhờ tổ cấp cơm, cháo… giúp đỡ rất nhiều. Tôi rất cám ơn Tổ từ thiện đã giúp cơm, cháo cho chị tôi”.
Rất ít nói về bản thân nhưng bác Út Nhẹ và các thành viên trong Tổ từ thiện luôn nhắc đến những tấm lòng hảo tâm, thơm thảo của bà con xa gần đã ủng hộ, trợ giúp cho hoạt động của Tổ. Không thể kể hết những ân tình của những người đến đây góp sức, người thì tặng gạo, lúa; người giúp tiền, chất đốt, gia vị, nguyên liệu chế biến thức ăn… tất cả được ghi vào “Sổ vàng tri ân” cẩn thận.
Bác Út Nhẹ bày tỏ: “Những việc làm của tôi và các thành viên trong tổ là trách nhiệm và bổn phận của công dân đối với xã hội. Tôi xem niềm vui và hạnh phúc của người lành bệnh sau khi xuất viện cũng như niềm vui và hạnh phúc của mình”.
Nhiều người lúc xuất viện không quên đến Tổ từ thiện nói lời cám ơn chân thành. Có lẽ, những điều đó là niềm vui, là phần thưởng lớn nhất đối với những người làm công việc từ thiện ở đây. Hàng ngày, mỗi thành viên trong tổ vẫn lặng lẽ chuẩn bị chu đáo cho từng bữa ăn của bệnh nhân và thật lòng vui khi chứng kiến bệnh nhân khỏe mạnh rời bệnh viện trở về nhà.