Bắc Ninh: Khai quang Đại Phật tượng chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội

(GNO-Bắc Ninh): ĐĐ. Thích Đức Thiện - Ủy viên Thường trực HĐTS, trụ trì chùa Phật Tích cho biết: “Nhân dịp đón mừng Đại lễ, 2 công trình lớn là Lễ khai quang Đại Phật tượng và công trình chùa Phật Tích gắn biển chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đã cơ bản hoàn thành các hạng mục và sẵn sàng cho sự kiện gắn biển, khai quang vào 2 ngày 25 và 26-9 tới đây”.

Chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh phối hợp với chùa Phật Tích tổ chức lễ khánh thành các hạng mục công trình chào mừng Đại lễ quốc gia: khai quang Đại Phật tượng trên núi Phật Tích, gắn biển khánh thành di tích  lịch sử-văn hóa quốc gia chùa Phật Tích.

IMG_0156.JPG

Chùa Phật Tích là di tích lịch sử văn hóa quốc gia tiêu biểu nhất chứa đựng các giá trị văn hóa, mỹ thuật điêu khắc thời Lý. Chùa hiện còn lưu giữ được nhiều những hiện vật có giá trị mang tính đặc trưng phong cách của nền mỹ thuật tiêu biểu như tượng A Di Đà bằng đá có niên đại thế kỷ X-XI là bảo vật quốc gia.

Chùa tháp Phật Tích trong lịch sử là một ngôi quốc tự (chùa quốc gia) quan trọng, nơi mà các vua Lý thường về lễ Phật và cầu nguyện cho quốc thái dân an. Thời nhà Trần, Phật Tích không những là trung tâm văn hóa Phật giáo mà còn là nơi đào tạo các nhân tài cho đất nước, vua mở khoa thi tiến sĩ tại Phật Tích. Thời Hậu Lê, Phật Tích là trung tâm Phật giáo quan trọng của Đàng Ngoài. Ngày nay, Phật Tích vẫn xứng là ngôi chùa của quốc gia - nơi gìn giữ bảo vật của đất nước.

Dự án tu bổ, tôn tạo khu di tích lịch sử văn hóa chùa Phật Tích là một dự án của tỉnh Bắc Ninh chào đón 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, được Thủ tướng Chính phủ quyết định chọn làm công trình trọng điểm mừng Đại lễ.

IMG_2509.JPG

Công trình được nhà nước đầu tư 75 tỷ đồng, cùng với sự tham gia công đức của Quỹ Thiện Tâm thuộc Công ty Vincom và Tập đoàn An Viên (AGV) cùng với nhiều cá nhân, Phật tử hảo tâm trong cả nước.

Với công trình Đại Phật tượng trên núi Phật Tích cao 27m, nặng hơn 3.000 tấn được xem là một kỳ quan mới trên quê hương của các vua Lý. Đây là một trong những pho tượng bằng đá “khổng lồ” lần đầu tiên tại Việt Nam . Pho Đại Phật này được dựng dựa theo nguyên mẫu pho tượng A Di Đà, có từ thời nhà Lý.

IMG_2645.JPG

Ý tưởng về Đại Phật tượng đã được Đại đức Thích Đức Thiện - trụ trì chùa Phật Tích và ông Đặng Thành Tâm - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Phát triển đô thị Kinh Bắc tâm ý từ năm 2006. Công trình được khởi công từ tháng 2-2007. Hàng trăm người thợ của làng đá Ninh Vân, Ninh Bình do anh Trần Công Kiên và Dương Văn Do của Doanh nghiệp Hùng Lâm chỉ đạo đã miệt mài nắng mưa trong suốt bốn năm vượt bao gian nan trong điều kiện thi công khó khăn trên núi.

Điều kiện đặc biệt của công trình là phải đảm bảo giữ nguyên trạng núi và môi trường, không được phá cây, bởi vậy, phải sử dụng đường ray để vận chuyển những khối đá hàng chục tấn lên đỉnh núi. Đây cũng là một kỳ công của những người thợ.

Việc thi công lắp ghép Đại Phật tượng được tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia. Toàn cảnh Đại Phật tượng được KTS cao cấp Hoàng Minh Phái - Công ty An Bình, TP.Hà Nội thiết kế tổng thể. Nhà điêu khắc Tạ Duy Đoán và Phạm Bá Đua tiến hành làm mẫu 1:1. Hội đồng Nghệ thuật do UBND tỉnh Bắc Ninh chủ trì. Vụ Mỹ thuật Bộ VH-TT&DL đã ba lần xét duyệt. Công ty Xây dựng dân dụng và công nghiệp Delta là đơn vị thi công và công đức phần móng tượng.

Núi Phật Tích, nơi tọa lạc pho Đại Phật tượng được khởi dựng với tâm nguyện là công trình đánh dấu nơi đầu tiên phát tích đạo Phật ở Việt Nam .

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.