Bắc Ninh: Di tích chùa Bách Môn động thổ trùng tu

GNO - UBND xã Việt Đoàn cùng BTS Phật giáo tỉnh Bắc Ninh và chùa Bách Môn hôm 3-11 qua đã long trọng tổ chức lễ động thổ trùng tu, phục hồi di tích lịch sử văn hóa chùa Bách Môn (có tên chữ Linh Cảm tự), tọa lạc tại núi Long Khám, xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.

dsc_5748.jpg


Niệm Phật cầu gia hộ tại buổi lễ

Đại lão HT.Thích Thanh Dũng, Phó Pháp chủ kiêm Chánh thư ký HĐCM; HT.Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS; TT.Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS, viện chủ chùa Bách Môn cùng chư tôn đức BTS Phật giáo tỉnh Bắc Ninh, huyện sở tại chứng minh, tham dự.

Đại biểu có ông Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội; ông Nguyễn Nhân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh; ông Vũ Tiến Lợi, Trưởng phòng Phật giáo - Cục An ninh Nội địa (Bộ Công an); ông Nguyễn Hữu Quất, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Bắc Ninh.

Chùa Bách Môn tên gọi ban đầu là Linh Cảm tự, được xây dựng từ thời nhà Lý. Theo sử sách, chùa được vua Lý Thần Tông sắc lập vào năm Thiên Chương Bảo Khánh thứ tư (1136), sau khi vua được Thiền sư Thích Minh Không chữa khỏi căn bệnh hiểm nghèo.

Tuy nhiên có giả thuyết cho rằng: tên Linh Cảm là lấy tên của người hưng công nhằm tri ân Phật đức xây dựng chùa theo di hiệu của Mẹ vua Lý Thánh Tông - Thái hậu Linh Cảm…

Chùa Linh Cảm có vai trò đặc biệt nên về sau ngôi chùa đã được trùng tu nhiều lần với sự đóng góp tịnh tài của những vương thân quý tộc, đặc biệt vào thời nhà Mạc, khi phong trào trấn hưng Phật giáo diễn ra mạnh mẽ.

Thời chúa Trịnh Sâm (1767 - 1782), chùa Linh Cảm được bà Chúa Chè - Tuyên phi Đặng Thị Huệ lựa chọn làm nơi ăn chay cầu nguyện, tìm sự yên tĩnh nơi cửa Thiền sau khi bị thất sủng. Thời gian này bà đã cho sửa sang, kiến thiết lại chùa thành một công trình đồ sộ với cả bốn phương tám hướng có tới 100 cửa gồm 4 mặt tiền giống nhau quay về 4 hướng, với trung tâm là vọng cung cao nhất thông 2 tầng, 4 góc là 4 gác cao 2 tầng treo chuông , trống, mõ, khánh. Tên gọi “Bách Môn” của chùa có lẽ được bắt đầu từ thời kỳ này và dần phổ biến trong dân gian.

dsc_5838.jpg
TT.Thích Đức Thiện đón nhận lẵng hoa chúc mừng của chính quyền tỉnh

Vào những năm 20 của thế kỷ XX, chùa tiếp tục được trùng tu xây dựng, lần này do quan huyện Nguyễn Đình Hòe đứng ra hưng công, đốc thúc.

Năm 1930, Viện Viễn Đông Bác Cổ đánh giá: chùa Bách Môn là ngôi chùa cổ độc nhất vô nhị ở Đông Dương bởi bố cục độc đáo lại tòa ngang dãy dọc vô số và đồng thời đo vẽ lại ngôi chùa.

Vào năm 1943 - 1945, chùa Bách Môn được dùng làm cơ sở đào tạo cán bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, các chiến sĩ ưu tú của Đảng về Long Khánh hoạt động, gây dựng thành khu an toàn cách mạng. Năm 1949 để thực hiện việc tiêu thổ kháng chiến, nhân dân Tiên Du - Bắc Ninh đã dỡ bở hoàn toàn ngôi chùa.

Năm 1992, nhân dân hưng công lại Tam bảo để làm nơi thờ Phật, cầu an cho dân thôn; năm 1998 chùa Bách Môn được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Năm 2005, được sự quan tâm của TT.Thích Đức Thiện, chùa xây nhà thờ Tổ và nhà thờ Mẫu trên nền đất cũ; năm 2013, ĐĐ.Thích Giác Đạt được bổ nhiệm làm trụ trì chùa Bách môn.

Từ khi nhận trụ trì, ngoài việc chăm lo đời sống tâm linh cho nhân dân địa phương, Đại đức luôn có tâm huyết cùng nhân dân từng bước tu sửa lại ngôi cổ tự và làm mới các hạng mục như Tam quan và các công trình khác để tiện lợi cho nhân dân, Phật tử địa phương có nơi sinh hoạt tâm linh Phật giáo…

Việc phục hồi chùa Bách Môn có ý nghĩa hết sức quan trọng - thể hiện sự tôn trọng đối với lịch sử, truyền thống và trên hết đó là lòng thành kính đối với Đạo Phật - tôn giáo đã đi cùng với lịch sử dân tộc từ thủa mở mang bờ cõi.

Dự án trùng tu, phục hồi Di tích lịch sử chùa Bách Môn còn có ý nghĩa: sau khi được phục hồi, tôn tạo sẽ có một đời sống mới - có sức sống thời đại, có vai trò thực tiễn trong đời sống văn hóa không ngừng biến đổi của xã hội.

dsc_5964.jpg
Nghi thức động thổ trùng tu chùa

Tiến độ dự án thực hiện trong thời gian 2018-2022 với nguồn kinh phí xã hội hóa, dự toán gần 70 tỷ đồng.

Trong lễ khởi công đã nhận được sự đóng góp tài vật cho công tác xây dựng gần 10 tỷ đồng của các tập đoàn - nhà tài trợ, cá nhân Phật tử…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.