Ba, mẹ và dì tôi

GNO - Mẹ tôi bỏ ba tôi năm tôi lên tám, em út tôi chưa đầy hai tuổi. Ba tôi thinh lặng, cặm cụi nuôi con. Nhà tôi luôn thiếu hụt gạo củi. Ba tôi chạy đôn, chạy đáo kiếm ăn phờ cả người! Ai dại gì lấy ba tôi để gánh sự cùng cực, nheo nhóc tròng lên cổ? Biết thế, ba tôi không nghĩ chuyện lấy vợ. Chín năm bão tố đã qua. Nhà tôi ai cũng xơ xác. Thấy ba tôi người khô khốc, đen nhám, thui thủi đi và về một mình, nhiều khi tôi ứa nước mắt.

Một hôm, ba tôi đạp xe đạp dẫn về một phụ nữ dong dỏng cao, ngồi chễm chệ trên chiếc Honda. Cô ấy cho tôi một gói bánh ngon, lướt đôi mắt lồi quan sát nhà tôi rất kỹ; sau đó hỏi tôi, chuyện cơm ăn, áo măc, học hành và tôi còn nhớ mẹ tôi không?

Tôi tình thật, trả lời cô: “Cả ba chị em cháu rất nhớ mẹ cháu, em út cháu không có mẹ sớm quá nên bây giờ nó cứ ngơ ngơ, ngẩn ngẩn hoài, cô ạ - Tôi bỗng khóc rưng rức - Cô à, cháu là con gái, cháu rất cần mẹ!...'”. Cô ấy cũng rớm nước mắt, âu yếm xoa đầu tôi: “Tội nghiệp con tôi!”. Cô thành dì tôi như thế.

***

Dì lấy ba tôi khi ba mươi chín tuổi. Với tuổi này, thời gian đã gọt giũa đến nguội lạnh những háo hức, khát khao chuyện chồng con của người phụ nữ. Dì đang sống ổn định và bình lặng với nghề gõ đầu trẻ. Gặp ba tôi, dì cám cảm cảnh gà trống nuôi con, thương chúng tôi đầu xanh không có sự chăm chút bàn tay nguời mẹ và ngán cảnh quạnh quẽ, lẻ loi quá lâu của dì. Dì nhảy bừa vào làm vợ ba tôi, mặc anh chị dì hết lời can gián. Ba tôi đem tới cho dì chùm hạnh phúc muộn màng nhưng lúc lỉu trái đắng con đông!

Dì vui vẻ chấp nhận, cùng ba tôi đi dưới bóng nợ nần, cùng với gia đình tôi chung chia gian nan nghèo khó. Tôi thương dì lắm! Cả ba chị em tôi đều xưng con, gọi dì bằng tiếng “mẹ” thiêng liêng mà chúng tôi đã mất tự dạo nào

Còn ba tôi, tôi biết ba yêu dì không xốc nổi, tha thiết như thời trẻ trung đối với mẹ tôi, nhưng thắm thiết, đậm đà, thuỷ chung tình chồng vợ. Ba tôi đến với dì, ban đầu với ý nghĩ tìm mẹ cho chúng tôi, sau đó thương dì vì dì quá yêu ba và lòng dũng cảm của dì đã dám lấy ba.

kimhanh.jpg


Gia đình tôi - Ảnh: Nguyễn Nguyên An cung cấp

Từ khi có dì, nhà tôi có thêm bữa ăn sáng. Chị em tôi được đi học lại. Trước đây, tôi nhìn lũ bạn đồng trang lứa, tung tăng đến trường. Tôi cứ tủi thân, bật khóc. Dì đã trả lại tuổi thơ cho chị em tôi! Người ta thường nói: “Mấy đời bánh đúc có xương. Mấy đời dì ghẻ đã thương con chồng”. Đây, dì tôi không như vậy.

Dì tôi tên Hạnh, chị em tôi gọi: “mẹ Hạnh” để phân biệt với “mẹ Yên”, mẹ ruột tôi. Mẹ Hạnh khổ người cao to, đi đứng hậm hụi, trông vất vả. Bởi vậy, mẹ thích ăn mặc chải chuốt, làm tốt bằng kính trắng, lắc, nhẫn, dây chuyền, đồng hồ. Những phụ tùng ấy không giúp mẹ bớt thô tháp, mà giảm phần trí thức của cô giáo. Đó là lời ba tôi “góp ý” về sự ăn diện thái quá của mẹ. Mẹ Hạnh lý sự:

- Phụ nữ không trang điểm không phải là phụ nữ!

- Đồng ý - Ba tôi cười rộng lượng - Nhưng tô điểm nhẹ nhàng thôi và không nên khoe của. Người sống giản dị là người khiêm tốn, đức hạnh. Họ trang điểm không vì cứu cánh mà phương tiện trong giao tiếp, đối đãi.

Ba tôi nói vậy, mẹ Hạnh cãi qua loa rồi vâng lời. Đó là cơ hội duy nhất ba tôi phàn nàn mẹ, sau này cả nhà tôi quá chật vật, mẹ bán dần những đồ trang sức ấy, tôi nhìn cổ tay, ngón tay mẹ còn lưu lại trên hai vòng trắng mà thương mẹ quá; và tôi mơ hồ thấy ba tôi vừa khó tính vừa ích kỷ. Mẹ hết sạch của nả, tôi tưởng gia đình tôi sẽ xào xáo chuyện tiền nong, nhưng ba mẹ tôi vẫn đầm ấm và thuận thảo hơn nhiều. Tôi mừng lắm!

Tôi mười bảy tuổi. Tuổi bắt đầu tạ từ thơ ngây để bước vào cuộc đời rộng lớn, muôn màu, muôn vẻ và cũng đầy phiền toái. Mẹ Hạnh là người đầu tiên chăm chút, dạy bảo tôi những việc rắc rối, thầm kín của một con người con gái bắt buộc phải trải qua, nếu không, chắc tôi luộm thuộm lắm. Mẹ Hạnh tặng tôi một gói quà:

-  Con gái phải quan trọng đồ dùng này, phải săn sóc nó như mặt, như làn da mình và luôn giữ thơm tho, tinh khiết. Không có loại nước hoa nào sánh bằng sự tinh khiết, sạch sẽ của người phụ nữ cả.

- Dạ, con hiểu, xin cám ơn mẹ chỉ bảo.

Tôi ôm gói quà, tưởng ôm một niềm vui oà vỡ. Tôi chạy vào phòng nằm khóc vì mừng, vì may mắn có bà mẹ tốt. Bà nội tôi cũng khen mẹ Hạnh với tôi: “Tụi bây có phước mới gặp con Hạnh, mệ sống lâu mà chưa thấy bà dì ghẻ nào thương con chồng như nó”.

Thỉnh thoảng mẹ Hạnh cũng rủ rỉ tâm sự với tôi chuyện tình yêu:

- Con gái mẹ vừa đẹp vừa tài hoa, ra đường chắc nhiều chàng trồng cây si lắm. Xấu như mẹ thật buồn tủi con ạ. Từ con gái đến gần đây mẹ chỉ đi và về lủi thủi một mình, không anh chàng nào ngó ngàng tới chứ đừng nói chịu bẩn tay chữa giúp mẹ sợi xích xe tuột dĩa. Năm mười tám tuổi mẹ học lớp 12 trường Đồng Khánh, còn ốm lòng khòng, không tròn trịa như con hiện giờ. Bạn mẹ gọi mẹ là “Bà già xưa” vì ăn mặc cũ kỹ, xuềnh xoàng đó. Khi mẹ ra trường, được điều về dạy trường Thuỷ Dương, mẹ làm có tiền, mẹ ăn mặc cho đỡ buồn đó con. Phụ nữ xấu đâu phải là tội lỗi, nhưng sao người đời vẫn chuộng hình thức?. Con có nhan sắc, phải biết giữ gìn dung nhan mình bằng trí tuệ và sự giản dị, thói đua đòi đôi khi làm mình bớt đẹp đi. Ba con lù khù vậy mà nói rất đúng.

- Mẹ nói mẹ xấu là mẹ đang đẹp đó. Mẹ đẹp ở đức hạnh. Vẻ đẹp này không tàn úa mà bền bỉ với thời gian.

- Con khen mẹ quá - Mẹ Hạnh cười rạng rỡ...

***

Nhà tôi sau nhà nội, đi chung ngõ. Một bữa cơm trưa, tôi nghe ồn ào bên nhà nội. Thím Dung sang báo:

- Phiên, mẹ Yến về nơi tề.

Hai thằng em tôi bỏ cơm, vừa chạy sang vừa la:

- A... a... mẹ về!

Trong bụng tôi mừng lắm, nhưng không dám nhảy cỡn lên như hai em. Mẹ Hạnh lặng lẽ bỏ chén cơm xuống mâm, giọng buồn buồn giục tôi:

- Để mẹ dọn, con qua mừng mẹ đi.

- Dạ.

Gần mười năm mẹ Yến tôi về, chỉ với một túi xách áo quần. Không hiểu sao mẹ sống một thân một mình mà nghèo thế. Khi đi mẹ Yến thanh cảnh, nhu hoà, giờ béo trắng, phục sức màu mè và ăn nói lấc cấc như trẻ gái. Mẹ Yến ôm tôi, ve vuốt tôi, sao tôi thấy bàn tạy mẹ không còn ấm áp như xưa. Mẹ khóc. Tôi cũng khóc! Một lát mẹ Yến dẫn chúng tôi sang nhà thăm ba và mẹ Hạnh tôi. Mẹ Yến cố tạo dáng nghênh ngang và sang trọng khi gặp ba và mẹ Hạnh tôi đón ở cửa:

- Chà, anh mập ghê.

- Không bằng cô - Ba tôi chào mẹ Yến.

Mẹ Yến ngồi đối diện với ba và mẹ Hạnh, nói giọng Sài Gòn:

- Chị cám ơn Hạnh đã nuôi các con chị.

- Trách nhiệm mà - Mẹ Hạnh cố giữ bình tĩnh - Cái đạo người đàn bà với nghĩa vụ làm vợ mà thôi.

Ban đầu sơ ngộ, hai bà mẹ tôi ai cũng xưng “chị”. Sau đó hỏi tuổi nhau. Cuối cùng giả vờ xem nhau như bạn, gọi nhau bằng tên và xưng tên. Cuộc hội ngộ diễn ra khá tẻ nhạt và đầy nước mắt hối hận muộn màng của mẹ Yến.

Mẹ Yến ở lại nhà nội chơi hơn một tuần. Ngày nào mẹ cũng hút thuốc, uống rượu và khóc. Mẹ Yến nhắn ba tôi cho mẹ gặp riêng. Mẹ Hạnh không cho, đi đâu mẹ cũng bám riết lấy ba. Cực chẳng đã, ba tôi bảo mời mẹ Yến sang nhà nói chuyện. Mẹ Yên uống rượu ngà ngà rồi sang:

 Ba tôi và mẹ Yến ngồi trách nhau chuyện cũ, mẹ Hạnh ngồi nghe, thỉnh thoảng xen lời bảo vệ cho ba, dù mẹ Hạnh chỉ nghe lời họ hàng bên ba tôi nói lại. Tôi đứng một góc thương mẹ Yến, tội nghiệp mẹ Yến. Mười năm trước, mẹ Yến cương quyết lôi ba tôi ra toà ly hôn, ba tôi đã năn nỉ hết lời, xin mẹ đừng bỏ ba kẻo tội con, vậy mà mẹ Yến khăng khăng: “Tôi không sống với anh được, tôi không thể vì anh mà cực cả đời tôi. Anh hãy buông tha cho tôi làm phước...”. Quyết định ly hôn toà ký cho ba và mẹ Yến hai bản. Bản nào cũng có nói mẹ Yến phải phụ cấp hàng tháng cho ba tôi nuôi con. Và mẹ Yến phải nuôi thằng út lên hai. Mẹ Yến đã gửi lại thằng út cho ba tôi và hứa gửi tiền về phụ giúp ba tôi. Nhưng mẹ Yến không gửi cho ba tôi đồng nào, hay một nhúm gạo cho chị em tôi ăn trong những năm tháng đói khổ. Bây giờ ba tôi lấy vợ, mẹ Yến tôi lại tiếc. Hạnh phúc trong tay mẹ, mẹ không biết chịu cực, chịu khổ giữ lấy, khi vuột rồi mới quay cuồng đau khổ! Ai đúng ai sai thì đã rõ. Tôi thương xót cho mẹ Yến nhưng chỉ biết khóc và khóc...

Sáng hôm sau tôi đưa mẹ Yến lên tàu. Tôi lột sợi dây chuyền mẹ Hạnh mua tặng sinh nhật thứ mười bảy của tôi cho mẹ Yến làm lộ phí vào Nam. Mẹ Yến mừng, cầm sợi dây chuyền, dặn:

- Con đừng gọi bà Hạnh là mẹ nghe chưa, bảo với hai em cũng vậy, gọi dì là được rồi.

Tôi ‘dạ’ cho mẹ Yến vui lòng trước lúc chia xa.

Tàu chạy, tôi thấy tôi chơ vơ giữa đám đông đưa tiễn nguời thân lên tàu! Tôi khóc ngất:

- Mẹ... mẹ ơi... mẹ sẽ về nơi đâu?...

Mẹ Yến ngồi như hoá đá nhìn tôi! Mẹ không khóc ra tiếng, nhưng từ đáy mắt mẹ tuôn ra hai dòng nước loang hai vệt phấn. Hình ảnh mẹ nhoà dần, nhoà dần và mất hút. Tôi úp mặt vào hai tay, bất lực gào lên:

- Mẹ ơi!...

Nguyễn Nguyên An

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.