Thời gian nối tiếp thời gian. Dù có bao nhiêu tuổi nhưng ngày Tết trong mỗi người đều mang về cảm giác bồi hồi, có gì đó mơi mới trong lòng như niềm hạnh phúc được mặc chiếc áo mẹ mới may cho đón Tết.
Nếu là con là cháu thì ai cũng chung niềm ước mong là những ngày này thu xếp công việc như thế nào để có thể về sum vầy bên cha mẹ, ông bà, thắp lại bếp hồng đượm nồng cho ngày cuối năm đoàn tụ.
Dù bước chân xa vạn tầm nhưng trong tôi vẫn còn đó ngôi nhà bé xinh, ấm áp nơi miền quê hiền hậu cây xanh, nước ngọt, trái lành, nơi cả gia đình tôi cùng chung sống. Ngôi nhà nhỏ ấy luôn ấm áp tiếng cười đùa trẻ thơ sáng sớm. Vẫn nhớ độ tháng Mười âm lịch là má đã bắt đầu ươm hạt vạn thọ, khi cây nảy mầm được những lá non mướt thì má đã giâm cây vào khoảnh đất trước hiên, cạnh con đường đi vào nhà. Má chỉ xới, tưới cho đất tơi xốp là đã có thể trồng hoa vạn thọ.
Giữa tháng Chạp má nhắc chúng tôi: “Sắp nhỏ, gần Tết rồi nghe con, lo dọn dẹp nhà cửa cho sạch sẽ, gọn gàng hơn nghe!”.
Thường ngày Chủ nhật, mấy anh chị em tôi được nghỉ học, các chị gái và tôi rủ nhau đem mùng mền ra giặt giũ, sắp xếp lại kệ chén bát. Mền hoa, chiếu hoa được giặt tay bằng nước sông, phơi dưới cái nắng giòn rụm thoảng mùi quê ngan ngát.
Cũng những ngày này vườn xoài sau nhà đã đơm bông. Hương bông xoài vươn trên tóc má, phủ vai ba và đầy ắp giỏ xe của chị gái chở tôi đi học. Mỗi sáng thức dậy, hương bông xoài thoang thoảng, đọng lại trong ký ức tuổi thơ mãi còn xanh.
Ba má để dành một ngày, chở cả nhà đi chợ bằng chiếc xuồng tam bản. Ba ngồi đầu lái có máy đuôi tôm, má ngồi đầu mũi, mấy anh chị em tôi ngồi giữa xuồng. Từ nhà xuống chợ huyện là khoảng một tiếng đồng hồ đi xuồng máy. Đây là dịp để ba má dẫn các con đi sắm sửa đồ Tết. Xem bộ quần áo nào con thích, đôi dép nào con ưng, rồi mua cải cay về làm dưa, mua đường về làm mứt, mua thêm nhang cho bàn thờ ông bà,... Tất tần tật những thứ cần cho ngày Tết đủ đầy, sung túc. Các chị ra vườn lựa trái bí đao nào già, chắc, hái đem vô để dành làm mứt.
Giữa tháng Chạp, ong bướm bay về mới hay luống vạn thọ lớn phổng, trổ bông ngấp nghé vàng. Mấy bụi bông trang bên chái hiên cũng “để dành” ra bông cho ngày Tết.
Tết nhà quê chuộng bông vạn thọ vì màu vàng bền sáng, vì chưng được lâu và vì cái tên chúc phúc “vạn thọ”- mong ông bà có mặt lâu dài cho đàn con cháu được tựa nương, được phụng dưỡng.
Bếp nhà tôi bập bùng chảo mứt dừa đang sên thì mới hay nhà bác Tư hàng xóm kế bên cũng lục đục làm bánh mứt.
Người người chuẩn bị Tết, nhà nhà lo Tết. Má dạy các chị cách gọt dừa, cách cắt khoai lang, cắt bí đao, cách thắng nước đường sên mứt. Má nói: “Con gái phải biết làm mấy cái này! Tập làm cho gọn, cho khéo để người ta không chê ba má không biết dạy con”.
Ba và hai anh trai lau dọn bàn thờ, ra hàng hiên đánh bóng bộ lư đồng. Những lu nước, khạp gạo, hũ muối trong nhà luôn đầy ắp, không để vơi như tâm niệm cho cả năm no ấm.
“Mỗi độ xuân về mang áo mới. Hoa hồng liễu lục thật xinh tươi”. Tết mỗi năm, lũ trẻ chúng tôi đều được mang áo mới. Thoáng chốc mà đã bao nhiêu cái Tết qua đi. Bây giờ đây, áo mới của tôi không bằng lụa là gấm vóc bên ngoài mà là áo mới trong tâm. Mỗi ngày cúi xuống nhìn mình thật kỹ, thật lâu, thật sâu, xem mình đã gieo trồng được những gì tốt tươi hay đã vụng dại làm rơi vãi muộn phiền cho mình cho người.
Chuông đồng hồ điểm sáu tiếng cũng là thời khắc giao thừa nơi quê nhà. Thay cho tiếng pháo Tết xưa rộn ràng là những phút giây tĩnh tự, thắp lên đỉnh trầm như nén tâm hương hồi vọng về quê cha đất tổ.
Giờ này ngồi ngắm quê hương trong tâm thức và nghĩ lại mình, vẫn thấy Tết kia đậm đà, tươi nguyên trong lòng như cái thuở bé thơ tung tăng áo mới đi chúc thọ ông bà. Khí vị xa xưa như không hề phai nhạt bao giờ trong dòng tương tục tâm linh và huyết thống. Lắng yên nghe nhịp bước thời gian nhẹ nhàng. Mỗi giây mỗi phút đều mới tinh là vậy đó!