GN - Năm 2000, ông Trần Kim Lân nghỉ hưu, trở về đời thường. Mái đầu đốm bạc, làn da sạm nắng và một cơ thể thương tật 2/4, nhưng trái tim người lính trong ông vẫn nồng nàn tâm nguyện thuở ban đầu: “Lúc nhỏ, gia đình tôi nghèo lắm, đi học phải lội ngang sông đi bộ gần 10 cây số từ Hòa Tân, Châu Thành lên Sa Đéc mỗi ngày nên mới lớp 6 phải bỏ học đi vào bưng tham gia kháng chiến. Giờ thấy dân mình nghèo, trẻ em nghèo bỏ học, tôi không chịu được” - ông Hai Lân chia sẻ...
Thương học trò nghèo
Gặp ông không dễ, tìm hiểu về những hoạt động xã hội của ông lại càng khó hơn. Đơn giản chỉ vì ông ít khi ở nhà mà cứ lặn lội làm “hành khất” cho học sinh nghèo. Lòng nhân ái của ông thật đơn giản và cụ thể. Thấy học trò nghèo nhà xa, ăn cơm tiệm, có hôm không tiền nhịn đói nên ông bàn bạc cùng Ban Giám hiệu nhà trường và sư trụ trì chùa Bửu Nghiêm tìm cách mở bếp ăn khuyến học.
Ông Hai Lân (bìa phải) tặng quà cho học sinh nghèo
Hơn một năm hoạt động, từ 10 em ban đầu đến nay bếp ăn đã tiếp sức cho học sinh nghèo tại chùa đã có hơn 300 học sinh cấp II, cấp III đến ăn trưa, chi phí phục vụ mỗi năm cho bếp ăn vài trăm triệu đồng. Bằng tình đồng đội năm xưa, ông đi gõ cửa các nơi, xin gạo và vận động các mạnh thường quân tài trợ xây dựng cơ sở bếp ăn khuyến học tại chùa, kịp thời tiếp sức cho học sinh nghèo không bỏ học.
Sư cô trụ trì chùa Bửu Nghiêm Thích nữ Phước Liên cho biết: “Sự sống còn của bếp ăn tất cả đều trông nhờ ông Hai Lân. Ông ấy bình dân và thương học trò nghèo như con cháu trong nhà, có lần vào giờ tan học, vừa ngồi vào bàn ăn, gặp ông đến các em vội buông đũa thưa chào”.
Cũng như bao Phật tử mộ đạo, ông gọi sư cô trụ trì là sư phụ một cách trân trọng. Mỗi khi Sư cô tỏ vẻ lo lắng vì nguồn gạo dự trữ đã cạn, ông ôn tồn trấn an: “Sư phụ đừng lo, mới có một nhà máy gạo hứa cho mình thêm mỗi tháng 100 ký nữa, góp gió thành bão, nhất định đủ gạo, không sao đâu”. Bếp ăn khuyến học chùa Bửu Nghiêm với sự động viên của chính quyền địa phương và sự góp sức của cô bác thiện nguyện đã ít nhiều lay động được những tấm lòng vàng.
Ông Hai Lân phấn khởi cho biết: “Một vài Việt kiều biết về bếp ăn khuyến học, họ rất cảm động và giúp chúng tôi mua máy lọc nước, nồi hấp cơm và còn tặng xe đạp cho các em đi học”. Nhà chùa nuôi hơn chục trẻ mồ côi, ông nhờ cán bộ tư pháp xã mang sổ sách sang chùa làm khai sinh cho các cháu.
Hàng tháng, ông đi gom sổ nhận tiền trợ cấp của Nhà nước cho các đối tượng nghèo, tàn tật, thương bệnh binh và người già neo đơn tại địa phương để đi lãnh giùm về trao tận tay từng người vì lẽ “số tiền chẳng bao nhiêu, đi xe ôm mất thêm một mớ, vả lại có người bệnh tật neo đơn, run rẩy đi không nổi thật tội nghiệp”.
Làm tròn tâm nguyện của một thương binh
Mỗi lần chứng nhận quá trình công tác cho đồng đội, ông ân cần thăm hỏi hoàn cảnh và giúp tiền cho anh em chi phí tàu xe. Phụ huynh học sinh đến nhà ông xin tập bút cho con, bà con nghèo thiếu gạo đến nhà ông cũng giúp …
Cứ thế, tên “ông Hai Lân”, “bác Hai Lân” ở xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành (Đồng Tháp) đã trở nên thân thương và gắn bó mật thiết với dân nghèo, với các hoạt động đoàn thể xã hội tại địa phương như một mệnh lệnh từ trái tim người lính: “Đi dân nhớ, ở dân thương”.
Với đồng đội sống chết có nhau, ông thương anh em hơn cả bản thân mình. Nhớ lại lúc gặp nhau sau vài tháng ròng rã hành quân gian khổ ở vùng rừng Campuchia, đồng đội lưng áo rách nát, vẫn cười tươi mộc mạc: “Không sao, ưu tiên phía trước được rồi”, ông ngậm ngùi thương mến, cởi ngay chiếc áo mình đang mặc ra tặng.
Ở gần tuổi “xưa nay hiếm”, thương binh Trần Kim Lân vẫn ngày ngày thầm lặng làm thiện nguyện như thế. Ông lặng lẽ trang trải tình thương của người cựu binh cho dân nghèo như tiếp tục hoàn tất một phần tâm nguyện thiêng liêng khi sức khỏe còn cho phép…