GN - Xã hội chúng ta đang sống là tổng hòa các mối tương giao, tác động và hỗ trợ lẫn nhau. Ta đã từng nhận được sự phục vụ hay phục vụ người khác nhưng phần lớn những việc đó là do phân công xã hội hay trách nhiệm về đạo đức mà không phải là một sự hiến tặng với tâm trong sáng.
Do vậy, biết và hiểu rõ về phục vụ để mang lại niềm an vui cho mình và mọi người, vun bồi công hạnh Ba-la-mật là điều mà mỗi người nên hướng tới.
Thoạt tiên, ta cứ nghĩ phục vụ là một nghề nghiệp hay chức phận của ai đó mà không nghĩ rằng chúng ta có thể làm điều đó một cách dễ dàng trong mọi lúc, mọi nơi. Phục vụ là đem tâm trí và công sức để làm những việc mang lại lợi ích thiết thực cho tha nhân. Nó có thể chỉ rất đơn giản như dẫn một em bé qua đường, nhặt rác trên lối đi hay có thể lớn hơn như chăm sóc những người bệnh. Khi làm những việc như thế ta chỉ tâm niệm mong cho người được giúp nhận được những điều lợi ích mà không so đo tính toán thiệt hơn. Có những người trong xã hội được phân công phục vụ nhưng đó là nghề nghiệp của họ, thường thì chỉ làm tròn trách nhiệm và nhận lãnh thù lao, tuy vậy cũng có những người nhiệt tình làm hết sức mình và cảm thấy mãn nguyện khi thấy những điều mình làm có lợi ích.
Ở đây, chúng ta chỉ nói tới những hành động phục vụ thuần mang tính chất của sự hiến tặng, phụng sự. Phục vụ cũng là một cách bố thí, nhưng khó làm hơn so với khi ta bố thí tài vật. Vì khi phục vụ ta phải hạ cái tôi xuống kham nhẫn thực hiện sự chăm sóc với cả những người xa lạ hoặc với người mà ta không có thiện cảm. Đây là một cách rất hữu hiệu để ta rèn luyện lòng kham nhẫn và bi mẫn. Quả của sự phục vụ chính là sự an vui và được những sự giúp đỡ của tất cả mọi người.
Mỗi việc làm đều quan trọng nhất ở tâm ý, vì lời nói hay hành động đều chỉ là sự thể hiện mức độ lớn hơn, cụ thể hơn của tâm ý mà thôi. Chẳng hạn như khi ta quan tâm ai đó, ta nghĩ tốt về họ rồi khi mạnh hơn ta thốt ra những lời từ ái, khi mạnh hơn nữa là những hành động chăm sóc hay thể hiện sự thân thiết. Khi ta không vừa lòng với điều gì thì ta cảm thấy khó chịu trong ý nghĩ, khi nó mạnh hơn ta nói những lời để thể hiện sự khó chịu nhằm giải tỏa nó, khi cần thì sẽ thể hiện ở hành động của bản thân. Chính vì thế trước khi làm điều gì cho mọi người ta hãy bắt đầu ở một ý muốn trong sạch muốn phục vụ họ. Điều đó giúp ta sẽ có một thái độ đúng đắn trong mỗi lời nói và việc làm.
Tâm ý tốt lành như hạt giống tiềm ẩn bên trong, ban đầu nó còn rất yếu ớt mong manh trước mọi thứ của cuộc đời. Hạt giống ấy cần chăm sóc, tưới tắm thì mới đâm chồi nảy lộc. Có lòng muốn giúp người nhưng nếu không bền chí và kham nhẫn thì rất dễ bị ngoại cảnh tác động. Mọi vật trong cuộc sống đều vô thường luôn thay đổi theo thời gian, nó khác hẳn với những dự tính ban đầu của ta, thường hay xuất hiện những khó khăn nghịch cảnh. Khi đó hãy tác ý tới những lợi ích của việc mình sắp làm để có thêm quyết tâm phát triển những việc thiện ấy. Thực sự để làm một việc tốt mà không lồng vào sự vị kỷ rất khó, con người ta luôn suy nghĩ và ưu tiên cho bản thân và những người thân quen hay có thiện cảm. Với những người xa lạ hay nhất là những người mà ta không ưa thì việc thông cảm và sẵn sàng giúp đỡ sẽ không thể xảy ra nếu lòng từ bi trong ta không đủ mạnh. Do vậy hãy để tâm ta luôn mang sự bi mẫn và từ ái khi thực hiện những công việc này.
Mỗi người chúng ta trong cuộc sống đều có những lúc khó khăn và cần sự giúp đỡ. Chắc hẳn ta đã rất vui và trân trọng khi nhận sự giúp đỡ của người khác, những khi trời mưa gió ta được ai đó cho đi nhờ hay khi đi xa bị lạc đường mà có ai đó quan tâm chỉ dẫn đường thì thấy ấm lòng biết bao. Những người ta không ưa cũng vậy, họ cũng có các khó khăn như ta, những khi họ khiến ta khó chịu chính là những khi họ đang đau khổ, vì khi ai đang an vui thì không bao giờ có ác ý với người khác. Chính vì thông hiểu như vậy mà ta dọn sạch những tình cảm thiên lệch hay những hận thù để tâm trong sáng. Một việc khi mới làm thì nên thực hiện từng bước tuần tự thứ lớp. Chúng ta bắt đầu với những việc đơn giản cho người thân sau đó nâng dần mức độ và phạm vi những người thọ nhận. Khi có một sự thành thục thì ta có thể làm những điều thiện chí tới cả những người xa lạ và người ta không ưa một cách tự nhiên. Càng ngày việc đó sẽ dễ dàng hơn và cho ta một cách nhìn đúng đắn hơn về cuộc sống.
Khi mới bắt đầu thực hiện những thiện pháp ta thường không hiểu hết giá trị cũng như cách làm đúng đắn để mang lại lợi ích cho mình và tha nhân. Việc gần gũi và học hỏi các bậc thiện tri thức rất quan trọng trong thời điểm này. Nếu ta đã có một cái nhìn đúng đắn và một thời gian thực tập thì dần dần nó sẽ thành một thói quen, mỗi khi thấy điều gì cần làm thì hết lòng hết sức mà không hề nghĩ ngợi. Một dòng nước đục khi qua những bể lọc thì dần dần trong lành và tinh khiết. Tâm ta cũng như dòng nước ấy chứa đầy những điều phiền não, nếu không cố gắng thanh lọc tâm thì khó mà có sự bình tâm và từ bi khi phục vụ người khác. Điều đó cũng giúp ta giảm những trói buộc với những người ta thân thiết, mà phát triển tình thương đó đến mọi người.
Thời Đức Phật có một Tỳ-kheo, trước thường hay chỉ trích những vị đồng tu nên không được mọi người quý mến. Một thời gian sau vị ấy bị bệnh phát ra mùi hôi thối khó chịu. Các bạn đồng tu không ai muốn giúp đỡ nên bệnh ngày càng nặng. Khi nghe điều này Đức Phật đã đích thân tắm rửa, xức thuốc đồng thời giảng pháp cho vị Tỳ-kheo này nghe, cuối cùng vị ấy đã chứng ngộ đạo quả và nhập Niết-bàn. Đức Phật đã dạy một bài học về sự phục vụ người khác tận tình và trong sáng.
Trong và sau khi phụng sự thì nên giữ tâm hoan hỷ với những hạnh phúc và lợi ích của mọi người, điều này cho ta thêm những hứng thú cũng như truyền cảm hứng đó với những người xung quanh ta. Những điều phước thiện nếu được duy trì và phát triển sẽ rất lợi ích cho mọi người. Mọi người quanh ta sẽ nhìn vào những hành động của ta, những điều ấy sẽ khơi dậy lòng thương yêu và từ ái trong mọi người. Như ánh sáng khi được thắp lên thì bóng tối sẽ tự động lùi xa, những thiện chí và lòng yêu thương khi được nhân lên sẽ thay thế những ác ý và lòng vị kỷ. Trong xã hội hiện tại khi mà sự vô cảm và thờ ơ trước đau khổ của mọi người đang có chiều hướng tăng lên thì những tấm lòng thiện nguyện sẽ như những ánh đuốc sáng trong đêm trường.
Chính bản thân người viết cũng từng có những khó chịu trong khi phục vụ vì thái độ hay sự đối xử của mọi người, nhưng nếu ta kiên trì quan sát và buông bỏ thì những khó chịu ấy ngày càng giảm đi. Ta cũng nên cẩn thận vì nếu không như lý tác ý thì rất dễ cho ta cảm giác tự mãn và nâng cao bản ngã của bản thân. Khi đó ta sẽ cho rằng mình hơn mọi người và dần dần sinh ra những sân hận và oán ghét khi mọi người không hiểu cũng như làm theo ý của mình. Điều đó diễn ra tự nhiên trong tâm một cách vi tế mà nếu ta không giữ được sự tỉnh thức thì khó mà nhận ra.
Như lời Thiền sư Ottamasara thì nên “làm mọi việc với tâm buông xả, mọi thứ chỉ để sử dụng mà thôi”. Khi đã hiểu như vậy sẽ không dính mắc với những khen chê của thế gian mà hướng tâm tới những điều cao thượng. Cuộc đời chính là nơi mà ta học hỏi được những bài học lớn, thời gian của mỗi người thì hữu hạn, nên việc sử dụng thời gian đó cho những việc cần làm. Mỗi giây phút trôi qua đều quý giá nên hãy tận dụng nó. Tu hành là để trở thành một con người bình thường chứ không bất thường, con người ấy là người sống an vui và hạnh phúc với cuộc đời, cho những người xung quanh cảm giác bình an. Phục vụ người khác thật sự sẽ là cầu nối giúp ta sống hạnh phúc và gắn kết với mọi người.
Sống là cho đi chứ đâu chỉ nhận về. Người giàu nhất không phải là có nhiều mà biết cho đi những gì mình có. Thời gian và thiện ý là món quà quý giá dành tặng mọi người, hãy luôn tâm niệm rằng “mỗi sớm mai thức dậy ta có thêm ngày nữa để yêu thương”. Mong hạnh phúc và an vui đến với mọi người trong từng khoảnh khắc.
Viên Thành - Nguyễn Ngọc Hưng