Ấn tượng về trường hạ chùa Phước Lâm ven Sài Gòn

GN - 1. Chúng tôi đến thăm trường hạ chùa Phước Lâm (ấp Trung, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi), điểm an cư tập trung của gần 60 chư Tăng do BTS GHPGVN huyện tổ chức vào đầu những ngày tháng Sáu. Đó là một buổi sáng nắng chói chang, từ xa trên con đường ngoằn ngoèo xanh ngắt dưới những tàng cây cổ thụ cao vút xanh tươi, tiếng tụng kinh vang vọng thấp thoáng trong gió, làm cho không gian ở đây trở nên thanh tịnh và yên bình.>>Chùm ảnh: Mùa an cư tại tịnh xá Trung Tâm
THCC (1).jpg
Đường vào trường hạ Phước Lâm, huyện Củ Chi

* Củ Chi là huyện ngoại thành về phía Tây bắc của TP.HCM, một vùng đất được mệnh danh là “Đất thép thành đồng”, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh. Phật giáo huyện có khoảng 150 cơ sở tự viện, tịnh thất, tịnh xá, với 345 Tăng Ni thường trú, tạm trú.

Đây là khóa hạ lần thứ 27 của BTS mở, trường hạ chùa Phước Lâm (ấp Trung, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi), là năm thứ 2 mở khóa An cư do HT.Thích Tắc Lễ làm Hóa chủ.

Trò chuyện với ĐĐ.Thích Nhuận Nghĩa, Thư ký hạ trường, thầy cho biết:  Đây là khóa An cư kiết hạ thứ lần 27 của huyện Củ Chi, theo nghi thức thiền môn, vẫn giữ được truyền thống theo nghi lễ cổ truyền đặc trưng của Nam Bộ do chư Tổ sư để lại và có kết hợp một số điểm mới để phù hợp với điều kiện hiện tại.

TT.Thích Quảng Tài, Phó Thiền chủ trường hạ Phước Lâm cho biết ở đây rất nghiêm túc các thời khóa, các vị Ban chức sự lớn tuổi luôn làm gương. Ý thức trách nhiệm Tăng sĩ, Thượng tọa tạm gác Phật sự nơi chùa mình đang trụ trì để ở thường xuyên tại hạ trường.

“Thời gian đầu chư hành giả mới nhập chúng, quý vị trong Ban chức sự hơi cực, do chúng mới chưa quen với nếp thiền môn cổ truyền, mỗi vị lại ở các trụ xứ khác nhau tập trung đến đây an cư nên nếp sinh hoạt thiền môn cũng không có sự đồng điệu. Ban chức sự cũng tùy duyên theo nội quy mà có sự uyển chuyển, chư vị có hạ lạp cao sử dụng thân giáo nhiều hơn khẩu giáo. Vì thế, chúng đã đi vào nề nếp, rất ổn định và nghiêm mật trong các thời khóa, dù các vị ở đây đa số là trụ trì lớn tuổi”, Thượng tọa chia sẻ.

Ngoài giờ giấc chấp tác, trường hạ còn mở các lớp học Phật pháp, học nghi lễ cổ truyền Nam Bộ với sự hướng dẫn của chư vị giảng sư Ban Hoằng pháp T.Ư, chư vị Thượng tọa đạo hạnh và có kinh nghiệm hành trì.

Nói về trường hạ Phước Lâm, HT.Thích Như Tín, Phó Trưởng BTS GHPGVN TP, giảng sư của trường hạ cho biết: “Phước Lâm là một trường hạ nề nếp theo lối cổ truyền, các hành giả chấp hành nghiêm túc tất cả các thời khóa theo thiền môn, dù các vị ở đây đa số là trụ trì lớn tuổi. Củ Chi lại là huyện vùng ven nhưng đã mở liên tục đến nay là khóa hạ thứ 27, rất quy củ, quý thầy rất trang nghiêm thanh tịnh, đúng như  luật Phật chế, ham tu ham học. Tôi rất tán thán tinh thần của các vị nơi đây.”

THCC (5).jpg

THCC (6).jpg
Cúng ngọ theo nghi thức cổ truyền

2. Để cho quý hành gia an tâm tu học trong ba tháng an cư, quý Phật tử ngoại hộ Phật pháp nơi đây cũng rất nghiêm mật và hoan hỷ công quả suốt mùa an cư.

Trong lần đến thăm trường hạ Phước Lâm, chúng tôi được gặp chị Diệu Than đang quét lá trên sân chùa. Ngày nào cũng vậy, sáng chị có mặt lúc 6g và ra về sau thời tụng kinh chiều với quý thầy, chị bảo mình đi vì “thích đi” rồi chị cười và nói, “phụ lo công quả để quý thầy có thời gian tu tập”, đó là điều hạnh phúc của người Phật tử.

Cô Liên Chi, trưởng nhóm rửa chén bát hạ trường, trước khi vào hạ cô bị tai nạn xe, chân đau nhưng vẫn đến chùa cùng với các Phật tử khác phụ việc với quý thầy trong ba tháng an cư. Cô bảo mình không đi thì cũng có người khác làm, “ở nhà là nhớ chùa lắm”.

Mùa an cư, Phật tử về chùa công quả và được nghe pháp. “Đi công quả còn được nghe pháp, lợi quá trời, mình được khai mở tâm trí rất nhiều”. Đó là chia sẻ của Phật tử An Hiền, năm nay đã 84 tuổi, Phật tử nơi đây gọi bà một cách thân thương là “Mẹ”, người dành hầu hết thời gian trong ngày ở chùa, tụng kinh, nghe pháp…

Đó là chị An Thi, công việc chính của chị là đẩy xe quần áo đi bán, dù bận với công việc mưu sinh, nhưng trong ba tháng hạ, chị đã dành toàn bộ các buổi sáng để ghé chùa công quả, chiều đi bán và tối lại ghé chùa tụng kinh.

Rồi hình ảnh những cô bé, cậu bé học sinh tranh thủ lúc rảnh ghé chùa phụ quý thầy cắm hoa, lau dọn chánh điện… cũng để lại cho chúng tôi nhiều ấn tượng về lớp trẻ Phật tử vùng ven chất đạo dường như đã thấm sâu vào tâm thức nhiều đời…

THCC (8).jpg


Giờ quá đường của chư Tăng

THCC (10).jpg
Kinh hành niệm Phật sau thời quá đường

THCC (11).jpg
Giờ học nghi lễ thiền môn do TT.Thích Quảng Tài, Phó Thiền chủ hướng dẫn

Trong cái nắng chiều nhạt dần, chúng tôi mới gặp được HT.Thích Tắc Lễ, Hóa chủ trường hạ và cũng là trụ trì chùa Phước Lâm. Hòa thượng tất bật hết việc này qua việc khác, cố gắng sắp xếp chu toàn mọi thứ cho đại chúng an cư chuyên tâm tu học. Hòa thượng bộc bạch, mình làm tốt mọi việc với tâm niệm chỉ mong chư hành giả an tâm tu tập thật tốt. Đó cũng là cách đáp đền đươc công ơn thầy tổ, tròn bổn phận của người đệ tử, người xuất gia.

Bài và ảnh: Như Danh

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.