GN - Khi số báo này đến tay quý độc giả, hầu hết các tịnh nghiệp đạo tràng an cư kiết hạ Phật giáo Bắc truyền trên cả nước đã tổ chức lễ mãn hạ.
Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, mùa an cư năm nay được xem là đặc biệt nhưng vẫn thành tựu viên mãn. Sự thành tựu ấy không đo đếm bằng những con số hay “thành tích” hoạt động, mà nằm ở quá trình hành trì không gián đoạn, trong sự thấm nhuần và thể nghiệm giáo lý Phật dạy.
Miên mật là một trong những yếu tố quan trọng của sự tu hành - Ảnh: plumvillage.org
Miên mật là một trong những yếu tố quan trọng của sự tu hành. Ví như việc đun nước, dù lớn lửa hay nhỏ lửa, thì sức nóng được giữ liên tục mới chính là điều kiện giúp nước sôi. Cho nên dẫu cuộc sống có xảy ra bất kỳ biến cố gì đi nữa, việc một hành giả cần làm vẫn là tập trung vào công phu để tăng trưởng nội lực. Mùa an cư kiết hạ vừa qua, chư Tăng Ni tại nhiều đạo tràng an cư đã tu tập trong “lặng lẽ” và miên mật như thế.
Như chúng ta đã biết, lễ Phật đản năm nay được tổ chức giới hạn và chủ yếu truyền phát trực tuyến; sau Phật đản một tháng, khóa an cư kiết hạ cũng được tiến hành một cách giản đơn, nhấn mạnh vào sự hành trì của các hành giả. Do đó, khi Covid-19 tái bùng phát với tâm dịch là Đà Nẵng, các đạo tràng an cư kiết hạ vẫn không bị xáo trộn, mặc dù trong đợt dịch này, lần đầu tiên nước ta ghi nhận có tu sĩ bị nhiễm bệnh do tiếp xúc với Phật tử đến chùa.
Riêng đối với các đạo tràng tu học dành cho Phật tử, dịch bệnh đã gây ít nhiều trở ngại; số Phật tử ngoại hộ chư Tăng Ni cấm túc trong mùa an cư cũng ít đi. Dù vậy, sau ba tháng, trên cả nước vẫn chưa ghi nhận đạo tràng an cư nào phải đối diện với những khó khăn về phương tiện, vật thực. Điều đó cho thấy, trong khó khăn, người Phật tử tại gia vẫn luôn hướng đến việc hộ trì Tam bảo, chăm lo cho đời sống tu tập của chư Tăng. Ân đức hộ trì đó là rất lớn, nên xưa Đức Phật đã sánh ân đàn-na tín thí với ân cha mẹ, ân sư trưởng, ân quốc gia xã hội.
Luận về ân đức, không ân đức nào lớn hơn ân Phật. Đức Phật không những là bậc Thầy chỉ đường cho chúng sanh, mà tất cả những gì người xuất gia thọ nhận hôm nay, gồm cả tinh thần lẫn vật chất, cũng chính từ ân đức của Ngài.
Một sự kiện xảy ra trong mùa an cư kiết hạ lúc Phật còn tại thế đã thể hiện sự quan tâm rất lớn của Phật đối với đời sống chư Tăng, đó là sự kiện Tỳ Lan Nhã. Bấy giờ, Bà-la-môn Tỳ Lan Nhã thỉnh Phật và 500 Tỳ-kheo an cư ba tháng mùa mưa. Nhưng vị này quên khuấy lời thỉnh, suốt ba tháng không cung cấp bất kỳ vật phẩm gì cho Phật và Tăng chúng. Gặp lúc mất mùa, lúa gạo khan hiếm, nhân dân đói khát, xương trắng chất đầy, Đức Phật và chư Tăng chỉ thọ dụng ít lúa mạch (dành cho ngựa) của người lái ngựa dâng cúng. Tôn giả Mục Kiền Liên xin Phật cho phép các vị Tỳ-kheo có thần túc đến nước Uất-đơn-việt mang loại lúa mọc tự nhiên về thọ dụng. Đối với các vị chưa có thần túc, đích thân Tôn giả sẽ giúp các vị ấy. Nhưng Đức Phật đã từ chối. Ngài nói: Các ông là những người đã chứng đắc thần túc thì có thể làm được việc đó, còn các vị Tỳ-kheo ở đời vị lai thì sẽ làm sao?
Câu nói của Phật trong mùa an cư ấy khiến chúng ta không khỏi xúc động. Còn có sự quan tâm nào gần gũi mà thiết thực hơn thế nữa?