An cư - Nếp sống duy trì nguồn sinh lực của Phật giáo

Giác Ngộ - Thời Đức Phật tại thế, lúc Tăng đoàn mới hình thành, giới luật chưa áp dụng rộng rãi, Lục quần Tỳ kheo tự do đi lại trong mùa mưa, giẫm đạp côn trùng và cây cỏ, thậm chí có vị bất cẩn bị nước cuốn trôi giạt y bát, làm mất oai nghi tế hạnh của bậc xuất trần, gây nhiều dư luận không tốt trong tín đồ, dân chúng; vì thế, Đức Phật đã chế định pháp “an cư” vào mùa mưa.

Mùa An cư thường diễn ra trong ba tháng, chư Tăng an trú một số điểm tập trung, tránh việc di chuyển làm tổn hại sinh vật, đồng thời có thời gian chuyên tâm tu tập, tăng trưởng nội lực, sách tấn chuyên cần trên con đường hướng đến giải thoát, giác ngộ.

An cư - Nếp sống duy trì nguồn sinh lực của Phật giáo ảnh 1

Cúng quá đường mùa an cư - Ảnh: Bảo Toàn

Truyền thống được duy trì hơn hai ngàn năm trăm năm qua, được áp dụng hầu hết trong các cộng đồng Phật giáo có sự hiện diện của Tăng đoàn ở các quốc gia và vùng lãnh thổ.

An cư là nếp sống hết sức quan trọng đối với người xuất gia. Do đó, tuổi của một Tăng, Ni thường được tính bằng “tuổi hạ” (hạ lạp). Sự trưởng thành của một Tỳ kheo thường được lấy số lượng tuổi hạ làm điểm mốc. Một Tỳ kheo trẻ dưới 5 tuổi hạ không được rời bổn sư hoặc y chỉ sư. Một Tỳ kheo trên 10 tuổi hạ mới có thể nhận đệ tử hoặc được làm truyền giới sư.

“An cư” cũng được định nghĩa là an kỳ tâm, cư kỳ thân. Một người có khả năng tự an định tâm, có nơi ở an tịnh cũng được hiểu là “an cư”. Nhưng theo luật học dành cho Tăng Ni, “an cư” có nghĩa là ở  một nơi trong ba tháng hạ để thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức, tăng trưởng Giới - Định - Tuệ.

Thời Đức Phật tại thế, có một số vị hiểu theo tinh thần cực đoan, cùng ở một nơi theo quy định an cư trong ba tháng mùa mưa, tất cả giữ im lặng, không ai nói với ai lời nào, lúc cần, chỉ ra dấu.  Đức Phật biết được và đã có nhắc nhở tránh xa những cực đoan như vậy. Mục đích an cư không phải biệt chúng mà phải cùng nhau chia sẻ sự hiểu biết về Phật pháp và kinh nghiệm tu tập. Cứ theo tinh thần đó, ngoài các thời khóa hành trì, các trường hạ thường mở thêm các khóa học về Kinh, Luật, Luận. Vào thời Phật hiện tiền, sau ba tháng chuyên tâm nỗ lực tu tập thiền định, một số Tỳ kheo đã chứng đắc từ quả vị Thánh, từ Sơ quả đến A la hán. Có một số cư sĩ nương theo đó tu tập, ngoại hộ tứ sự cúng dường đúng pháp cũng chứng đắc một phần Thánh quả.

Trong thời gian an cư, tránh tối đa việc việc rời chúng, ra khỏi hạ trường đã được quy định (kiết giới). Nếu có duyên sự chính đáng và quan trọng, có thể tác pháp yết ma trước đại chúng hoặc trình bạch với Ban chức sự trường hạ để xuất hạ với thời gian được ấn định. Thời gian vắng mặt tại trường hạ dưới 1/3 của thời gian ba tháng “an cư”. Nếu vi phạm coi như không được tính tròn tuổi hạ. Sau ba tháng an cư, chư Tăng họp lại để tự kiểm điểm hành vi, ý nghĩ của mình, nếu phạm giới sẽ được đại chúng luận tội mà xét xử theo luật dành cho người xuất gia, nhằm giúp đương sự tăng tiến trên đường tu tập.

Phật giáo Bắc tông thường khởi đầu mùa “an cư” từ 16-4 ÂL đến hết 16-7 ÂL hàng năm. Theo Phật giáo Nam tông thì bắt đầu từ 16-6 đến 16-9 ÂL.

Ngoài luật “an cư” kiết hạ, còn có một vài chủ trương kiết đông, kiết thu hoặc kiết xuân để tinh chuyên pháp môn riêng. Theo tinh thần an cư, tập thể Tăng già duy trì luật “an cư” là duy trì được sinh lực Phật giáo. Ngoại trừ những vùng có chướng duyên chiến sự, tu sĩ không thể quy tập “an cư”, tất cả các quốc độ trên thế giới, dù theo truyền thống nào, luật “an cư” vẫn cần được duy trì nghiêm túc.

Truyền thống “an cư” được xem như là chiếc vành giữ cho miệng thúng được an toàn, Phật giáo từ đó vẫn giữ được nề nếp cộng trụ sách tấn lẫn nhau.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.