Ẩm thực, văn hóa & sự thực hành tâm linh

GN - “Các bậc thầy thực sự hiện đang ở trong những ngọn núi, những người nấu và ăn thức ăn nhà chùa, như một cách để thực hành Phật giáo” - Ni sư Seon Jae, một trong những bậc thầy về ẩm thực nhà chùa người Hàn Quốc, đã chia sẻ như vậy trong cuộc họp báo ra mắt quyển sách thứ hai của mình mang tên “Bạn ăn gì để sống?” hồi đầu tháng, lồng ghép vào đó là cách Ni sư thực hành trên đường đạo của cá nhân thông qua ẩm thực.               

a giaohao.jpg
Ni sư Seon Jae (thứ 3 từ phải sang) đang chỉ dẫn
cách thực hiện ẩm thực nhà chùa tại lớp học ở Hàn Quốc

Là một trong những chuyên gia về ẩm thực, dành gần 3 thập kỷ để phát triển các công thức nấu ăn, giúp nâng cao nhận thức và cải thiện chế độ ăn uống của cộng đồng, Ni sư Seon Jae tin rằng trọng tâm của “ẩm thực nhà chùa” mà Ni sư đã và đang hướng đến, không chỉ để nấu được những bữa ăn ngon, mà phải làm sao thay đổi được suy nghĩ cũng như cách tiếp cận thực phẩm của con người hiện đại, trước một xã hội phát triển nhanh chóng như bây giờ.

Ni sư Seon Jae quan niệm, ẩm thực nhà chùa cũng như các loại ẩm thực khác ở phương diện dùng thức ăn để nuôi sống con người. Song, điểm khác biệt nằm ở chỗ, ẩm thực nhà chùa là sự vận dụng “từ bi” và “trí tuệ” theo đúng tinh thần nhà Phật, trong suốt quá trình sơ-chế biến bất kỳ loại thực phẩm nào.

Theo đó, “phương thuốc trí tuệ” trong thực phẩm nhà chùa được Ni sư nhắc đến, lấy minh chứng từ ngay bản thân Ni sư, đó là việc Ni sư tự vượt qua được căn bệnh ung thư phổi do di truyền của mình bằng chính phương pháp ăn. Ni sư Seon Jae chia sẻ: “Cha và hai người anh của tôi đã qua đời vì bệnh ung thư phổi. Bác sĩ nói tôi chỉ còn một năm để sống và họ không thể làm gì khác cho tôi. Kể từ đó, tôi quay lại với thiên nhiên và chủ yếu sống dựa vào thực phẩm để tự chữa lành căn bệnh của mình. Tôi thận trọng hơn với thực phẩm mà mình dùng; chỉ nấu các nguyên liệu sản xuất trong nước, ngừng ăn bên ngoài và nghiên cứu về đặc tính, công dụng của thực phẩm… để chế biến thành loại thức ăn bổ dưỡng có thể chữa bệnh. Điều đó giúp tôi duy trì sự sống đến bây giờ”.

Không chỉ chữa trị cho bản thân mình, hiện nay, ngôi chùa nơi Ni sư Seon Jae ở cũng đã tiếp nhận các “bệnh nhi” mắc chứng thèm ăn vặt khiến các em vướng phải nhiều rắc rối về vấn đề sức khỏe; Ni sư đã giúp chúng hồi phục và bình tĩnh hơn trước hàng tá các loại đồ ăn bên ngoài bằng đồ ăn thuần chay, kết hợp cùng những “tâm sự giáo pháp” của Ni sư.

“Tôi nhận ra rằng tôi nên dạy cho trẻ em từ khi chúng còn nhỏ, từ đó sẽ không có nhiều bệnh nhân như tôi. Và quả thực, nhiều trẻ em đã có tư duy ăn uống tốt hơn. Cần hiểu rõ rằng, tôi đã không chữa bệnh cho họ, điều tôi làm chỉ là nấu cho họ những bữa ăn vật chất và tinh thần”, Ni sư cho biết.

Không chỉ thực hành “trí tuệ” trong ẩm thực, còn nhớ, ở một buổi giao lưu trao đổi văn hóa ẩm thực tại Học viện Le Cordon Bleu, thủ đô Paris (Pháp), nhóm sinh viên tham gia đã thật sự bị thuyết phục bởi những chỉ bày của Ni sư về “từ bi” trong ẩm thực chay, khi Ni sư hướng dẫn cho họ cách làm món kim chi cải thảo: “Mọi người dán nhãn bắp cải theo giá, nhưng trong thế giới Phật giáo, không bao giờ chúng ta phân biệt thực phẩm bằng giá cả. Bắp cải này cần ánh mặt trời, đất, gió, nước cũng như sự chăm sóc tận tình của người nông dân để phát triển lớn mạnh như hình dáng của nó bây giờ. Vậy, nghĩa là nó được tạo ra thông qua sức mạnh của toàn thể vũ trụ, đó là lý do tại sao chúng ta cần có sự tôn trọng đối với thực phẩm”.

Một sinh viên người Đức, sau đó đã nhìn nhận rằng: “Tôi như có một cơ hội để nhìn lại phải cần có bao nhiêu thời gian và nỗ lực cho một loại rau phát triển”.

Ni sư kết thúc buổi giao lưu hôm ấy bằng lời nhắn nhủ đến những học viên nước ngoài: “Kinh Phật nói, ong không làm tổn thương hoa khi lấy mật từ hoa. Ẩm thực Phật giáo cũng theo quan điểm này. Chúng ta nấu ăn, sử dụng sản phẩm của tự nhiên, và phải làm sao để đừng bao giờ làm tổn thương đến thiên nhiên”.

Cũng bằng những lời sẻ chia: “Ăn thức ăn đối với một người xuất gia không chỉ là để thỏa mãn cơn đói và sự khỏe mạnh mà còn nhằm đạt được sự tỉnh thức thông qua thực phẩm”, Ni sư Seon Jae đã nhận định với các học viên trong một lớp học nấu ăn khác, ở phường Suseo-dong, phía Nam thủ đô Seoul (Hàn Quốc), nơi Ni sư dành tâm huyết để truyền trao những giá trị mang đậm tinh thần Phật giáo, qua “ẩm thực nhà chùa” của mình.

Tại đó, không khó để thấy cả hàng dài người đứng đợi đến lượt vào học nấu ăn cùng Ni sư Seon Jae, trong lớp đã có vài học viên tỏ ra thất vọng trước những món ăn khá đơn giản mà Ni sư hướng dẫn và trình bày, so với kỳ vọng của họ về một “bậc thầy ẩm thực nhà chùa”.

Tuy nhiên, ít giây sau, họ trở nên vô cùng hào hứng với sự tâm đắc về “bài giới thiệu” mà Ni sư mang lại: “Chúng ta ăn thức ăn chay và thực phẩm tự nhiên cho một cuộc sống lành mạnh. Và khi nói đến thực phẩm nhà chùa, bạn nên vận dụng tâm và trí hơn là bằng thị giác và vị giác. Hãy nghĩ xem, nếu bạn thích thực phẩm hữu cơ, một ai đó sẽ bắt đầu canh tác các sản phẩm hữu cơ; và nếu bạn thích bánh mì kẹp thịt, một ai đó sẽ bắt đầu mở những cửa hàng hamburger. Một miệng ăn có ảnh hưởng lớn đến xã hội như vậy đó. Đây cũng là cách tôi thực hành theo chân lý của chư Phật thông qua ẩm thực”.

Trong hầu hết các lớp dạy nấu ăn của mình, Ni sư đặc biệt nhấn mạnh về nguyên liệu được sử dụng khi chế biến món ăn. Không lãng phí và sử dụng hầu hết các phần của thực phẩm là yếu tố đầu tiên mà Ni sư Seon Jae thực hiện, và Ni sư tin rằng đó là cách thể hiện lòng biết ơn đối với thiên nhiên.

Ni sư nhấn mạnh về sự thống nhất giữa các nguyên vật liệu và con người, rằng: “Bản chất của tự nhiên và con người là một. Nếu bạn ăn và uống những thứ sạch từ thiên nhiên, cơ thể bạn cũng sẽ được sạch sẽ và khỏe mạnh. Nếu bạn ăn một cái gì đó bị giết hoặc không lành mạnh, hẳn nhiên bệnh tật là điều khó tránh khỏi. Vì vậy, khi bản thân được hạnh phúc, toàn bộ thiên nhiên phải được hạnh phúc. Và ngược lại”.

Vậy, để làm được điều đó, hơn hết, con người cần thay đổi được tư duy của mình về ẩm thực. Nhiều người cho rằng, ẩm thực là một trong những con đường nhanh nhất để tiếp cận một nền văn hóa hay thậm chí là một triết lý nào đó, và đối với Phật giáo, đây cũng không phải là ngoại lệ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.