Ấm lòng cơm chay từ thiện

(GN):  Bữa trưa trốn nắng của những bác xe ôm, xích lô, em sinh viên, chị bán vé số, em công nhân, anh phụ hồ... bên bữa cơm chay nóng hổi trong những quán đơn sơ đã trở nên là niềm hạnh phúc. Nhiều chủ quán của những bữa cơm dinh dưỡng và tiết kiệm này cho rằng dù hướng đến người nghèo khó nhưng họ phục vụ với mục đích "giúp" chứ không "cho".

…Bởi đã từng là người chịu ơn

Không khó khăn lắm để nhận ra một quán cơm chay xã hội trong rất nhiều dãy phố ăn uống sầm uất, quán cơm chay xã hội nằm khiêm nhường và không ồn ả như những quán ăn bình thường. Cơm chay xã hội là góc tĩnh lặng, ở đó chí ít cũng có vài người là Phật tử dùng bữa cơm trong chánh niệm. Và đặc biệt, cơm chay xã hội, rất bình dân và có giá rất "ưu đãi". Đó là những đặc tính nổi bật để thu hút nhiều đối tượng đến với quán.

comchay-1.jpg

Chùa Vĩnh Xương (Q.3) tặng suất cơm miễn phí cho bệnh nhân Bệnh viện 115

Có mặt lâu năm nhất có thể kể đến cơm chay xã hội trên đường Bến Chương Dương, phường Cầu Kho (Q.1) quán phục vụ cho các bạn trẻ là sinh viên, học sinh, nhiều đối tượng lao động nghèo khổ tại địa phương khoảng 10 năm qua. Với nhiều món ăn đầy đủ chất dinh dưỡng trong một phần cơm chay có canh, món kho, đậu hủ, món xào…giá lại rất mềm, hợp với túi tiền của sinh viên, học sinh và người nghèo cần tiết kiệm để dành cho nhiều phí khác. Thời gian gần đây nhiều quán cơm xã hội tại TP.HCM như: quán Tùy Hỷ hẻm 128 trên đường Hùng Vương (Q.5) với đồng giá chỉ 5.000 đồng/phần, quán cơm chay trên đường Lê Thánh Tôn (Q.5) giá dưới 10.000 đồng/phần, quán cơm xã hội trên đường số 3, cư xá Lữ Gia, Q.11 giá chỉ có 2.000 đồng/phần. Có dịp đi công tác tại tỉnh Bến Tre, chúng tôi được dùng cơm chay tại một quán cơm có cái tên rất dễ thương: Nhường Trà thuộc P.8, thị xã Bến Tre của ông tiến sĩ y khoa Lương Văn Tô My. Quán cũng phục vụ chủ yếu cho các đối tượng thích ăn chay và những người khó khăn. Từ những món bún nước điểm tâm cho đến cơm trưa, cơm chiều thịnh soạn đều có giá rất mềm chỉ khoảng từ 6.000 đến 7.000 đồng/phần, người đến thưởng thức bữa cơm chay sẽ được ông tiến sĩ đích thân đi dọn bàn, bưng bê từng phần cơm phục vụ cho khách.

Quán cơm xã hội phục vụ cho nhiều đối tượng khó khăn, gánh vác cho họ một khoản chi phí hai bữa cơm đắt đỏ trong ngày. Hình thức kinh doanh kiểu phi lợi nhuận này được các chủ quán có tấm lòng từ thiện cho đó là cách để trực tiếp giúp đỡ nhiều đối tượng nghèo khổ bớt gánh nặng hơn trong cuộc mưu sinh hàng ngày. Chị A (yêu cầu không nêu tên), chủ một quán cơm chay xã hội cho biết: "Công việc này xuất phát từ tấm lòng của nhóm bạn, mong muốn những người khó khăn có một bữa cơm đủ chất dinh dưỡng mà không tốn nhiều tiền. Chúng tôi cũng đã từng là người nghèo khó, đã từng là người chịu ơn nên rất thông cảm. Chúng tôi "giúp" chứ không "cho", khi phục vụ tốt cho khách đến dùng cơm là chúng tôi cũng đã "nhận" lại rất nhiều rồi".

Chia sẻ với những người nghèo khó, nhiều ngôi chùa tại TP.HCM cũng đã thành lập quán cơm từ thiện hoàn toàn miễn phí, chia sẻ hàng trăm suất cơm/ngày. Hiện nay vào các ngày 30, 1, 14, 15 (ÂL) hàng tháng, chùa Vạn Thiện (P.4, Q.5) là địa chỉ được người nghèo địa phương và người dân nhập cư từ các tỉnh miền Trung, miền Bắc, những người mưu sinh từ việc bán vé số, lượm ve chai, các bác xe ôm, xích lô… đến dùng cơm chay miễn phí. Ngoài ra, học sinh, sinh viên đang học tại các trường Đại học Sư phạm, Cao đẳng Phát thanh Truyền hình 2, ĐH Khoa học Tự nhiên… cũng là khách của nhà chùa.

Quán cơm chay miễn phí Thiện Tâm trên đường Hoàng Sa, gần cầu Lê Văn Sỹ (Q.3) mở cửa từ 10-12 giờ các ngày thứ Ba, Năm, Bảy là địa điểm quen thuộc của người nghèo và sinh viên, học sinh. Hàng ngày quán chia sẻ 400 suất cơm chay miễn phí, giúp người nghèo, người cơ nhỡ có những bữa cơm ấm lòng. Bác Tám Chung, người thỉnh thoảng đến dùng cơm cho biết: "Tôi không bất ngờ, bởi vì giữa chốn Sài Gòn này vốn có những tấm lòng hảo hán và rất tốt bụng. Ở quán cơm chay miễn phí này, nhiều hoàn cảnh đáng thương đỡ đói lòng trên con đường lang bạt mưu sinh. Nhiều người cơ nhỡ có nơi để nương vào lúc hoạn nạn, có khi không có tiền mua một phần cơm, cũng có những hoàn cảnh nghèo tiết kiệm được khoảng 20.000 đồng/ngày để mua thuốc cho con".

Suất cơm đỡ lòng lúc hoạn nạn

Những suất cơm cho bệnh nhân và thân nhân được các nhà hảo tâm phân phát tại các bệnh viện đã giúp cho gia đình bệnh nhân đỡ đi một gánh nặng chi phí. Tại các bệnh viện TP.HCM như: Ung Bướu, 115, Gia Định, Nhi Đồng II, Chợ Rẫy, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Trãi... hàng ngày mỗi nơi tặng hàng ngàn suất cơm và cháo miễn phí cho bệnh nhân đang nằm bệnh và thân nhân. Suất cơm miễn phí tại các bệnh viện thật sự chia sẻ với nhiều hoàn cảnh khó khăn, bệnh nhân thường ở các tỉnh xa đến điều trị dài hạn tại các bệnh viện, ngoài chi phí thuốc men, người nuôi bệnh cũng tốn khá nhiều khoản chi phí ăn ở để nuôi bệnh. Cơm chay miễn phí tại các bệnh viện là một giải pháp tốt nhất cho người nghèo nương nhờ trong lúc gia đình gặp hoạn nạn.

comchay-2.jpg

Dùng cơm chay từ thiện tại Công viên Cách Mạng Tháng Tám

Hiện nay, tại TP.HCM nhiều nhóm tự đứng ra quyên góp tiền, lương thực để duy trì bếp ăn từ thiện, trong đó có nhiều nhóm Phật tử từ các ngôi chùa tại TP.HCM như: nhóm Bảo Hòa (Cầu Bông), Minh Thiện (Bà Chiểu), nhóm cô Tư Huệ (Q.10), chùa Bảo Vân (Bình Thạnh), chùa Vạn Thiện (Q.5), Vĩnh Xương (Q.3)… Bếp ăn được duy trì thường xuyên với tần suất suất ăn lớn nên cần sự hỗ trợ từ nhiều người. Cũng có nhóm được các mạnh thường quân hỗ trợ ổn định, có nhóm phải tự vận động góp tiền để hàng tháng mua thực phẩm, thuê xe đến một số bệnh viện trong thành phố nấu những bữa cơm từ thiện.

Sư cô TN Giác Trí, Trưởng bếp ăn từ thiện chùa Bảo Vân cho biết, hiện nay mỗi ngày bếp cơm tình thương chùa Bảo Vân phục vụ từ 2.500 đến 3.000 suất cơm (hai bữa cơm trưa và chiều) cho bệnh nhân nghèo từ các tỉnh thành đến điều trị tại Bệnh viện Ung Bướu, Phạm Ngọc Thạch, Y học Cổ truyền. Ngoài ra, những hôm bệnh nhân từ các tỉnh thành được phẫu thuật ghép thủy tinh thể tại các bệnh viện TP, bếp cơm vẫn phục vụ thêm cho những người này. Điều đáng trân trọng là dù chùa phục vụ hai bữa cơm chay chính cho bệnh nhân nhưng vẫn duy trì nồi cháo sáng và sữa đậu nành cho bệnh nhân.

Tấm lòng của những người tận tụy với bệnh nhân không chỉ giúp họ những bữa cơm lúc đói lòng mà còn là sự đồng cảm sâu xa qua những thân phận. "Cuộc sống còn không ít những mảnh đời bất hạnh làm tôi xót xa, những ánh mắt trẻ thơ bệnh tật cứ thôi thúc tôi phải làm điều gì đó chia sẻ cho họ", Phật tử Từ Mãn chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.