GN - Theo thông tin từ Hội nghị tổng kết phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” 2015 với sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đến nay cả nước có gần 19 triệu gia đình trong tổng số hơn 22 triệu gia đình đạt chuẩn danh hiệu gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 85,03%, tăng 2% so với năm 2014.
Số lượng “gia đình văn hóa” tăng lên nhưng thực trạng bạo lực gia đình và các tệ nạn xã hội khác cũng gia tăng, nền tảng đạo đức lối sống, trong đó có lối sống gia đình xuống cấp, các giá trị văn hóa gia đình truyền thống được báo động là có nguy cơ mai một. Các giá trị đạo đức phổ quát trong xã hội cũng có biểu hiện xuống cấp trầm trọng… Đó là vấn đề, nghịch lý đã được người đại diện cho Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận.
Còn nhớ lần đầu tiên Thiền sư Thích Nhất Hạnh trở lại quê nhà sau 40 năm xa cách, Thiền sư đã rất ngạc nhiên và tỏ ra thắc mắc với các bảng hiệu “khu phố văn hóa”, “làng văn hóa”, “thôn văn hóa”… mà Thiền sư gặp nhiều nơi ở cả ba miền. Tiêu chí cụ thể nào cho các “danh hiệu” đó? 19 triệu “gia đình văn hóa” như trong thông báo ở hội nghị trên được đánh giá trên cơ sở nào?
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị rằng “phải có tiêu chí cụ thể thì đánh giá mới đúng”. Vậy có nghĩa là lâu nay việc đánh giá để cấp các danh hiệu “gia đình văn hóa”, “khu phố văn hóa”, “làng văn hóa”… vẫn chưa có những quy định về tiêu chí rõ ràng, cụ thể, do đó chắc chắn có trình trạng tùy tiện ban phát, và con số trên cũng như một số hiện tượng xã hội khác cũng mang căn bệnh hình thức trầm kha.
Khái niệm “gia đình” cũng không biết phải định nghĩa như thế nào trong trường hợp một số chùa cũng được tặng danh hiệu “gia đình văn hóa”, hài hước dở cười dở khóc.
Gần đây, có một số nơi đề nghị công nhận danh hiệu “chùa tinh tiến” - cũng có thể hiểu là phiên bản khác mô phỏng phong trào “gia đình văn hóa”. Trong lịch sử và truyền thống văn hóa dân tộc, chùa vốn dĩ là trung tâm văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo, có thời chùa là nhà trường dạy học… Việc gắn thêm một danh hiệu nào đó vào chùa trở nên dư thừa trong khái niệm vốn đã ăn sâu vào trong tâm thức của người dân. Theo ý kiến của nhiều người về vấn đề này, việc làm đó là phản cảm.
Với con số mà phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đã công bố, hiện nay 85% gia đình gia đình Việt Nam là… gia đình văn hóa. Vậy mà, những vấn đề nhức nhối, những rạn nứt các giá trị truyền thống cơ bản từ gia đình ra ngoài xã hội vẫn diễn ra và có dấu hiệu ngày càng khốc liệt hơn.
Nhiều ý kiến trong dư luận cho rằng con số công bố đó cũng chỉ ở trên giấy tờ, hệ quả của căn bệnh hình thức, chạy đua thành tích đang hoành hành trong xã hội chúng ta hiện nay.
Hoàng Độ