GN - LTS. Tâm Ngộ là pháp danh của HT.Thích Chơn Thiện do Đức Trưởng lão HT.Thích Tịnh Khiết ban đặt. Đó cũng là tên một nhân vật trong tập tự truyện của Hòa thượng - “Hoa ngọc lan”, viết về nếp sống thiền môn ở cố đô, với nhiều nội dung thú vị và thâm trầm ẩn sau những mẩu chuyện ứng xử thiền vị, trao đổi hàng ngày trong nhà chùa, gợi hướng suy tư về nếp sống giải thoát thiết thực hiện tại và lịch sử Phật giáo dân tộc. GN trích giới thiệu cùng bạn đọc 8 câu chuyện nhỏ, từ “Hoa ngọc lan”.
HT.Thích Chơn Thiện - Ảnh: Nguyễn Văn Thịnh
Câu chuyện thứ nhất
Một giáo sư ngành Hóa, tuổi ngoài tứ tuần, sinh trưởng từ một gia đình đạo Phật, đã tham cứu nhiều sách vở triết lý và tôn giáo, nhưng chưa khẳng định tín ngưỡng cho tự thân; thường say mê trong phòng thí nghiệm, mơ ước làm xanh thêm màu xanh của những cánh đồng quê hương. Một hôm, một tai nạn xảy đến bất ngờ với gia đình: hai cháu trai độc nhất và thông minh qua đời qua một tai nạn xe cộ. Giáo sư và bà đã lịm ngất đi mấy lần.
Không thể vơi được cơn sầu khổ, giáo sư đã đi đến nhà chùa và hỏi, “Phật giáo có thể giúp gì cho tôi đi ra khỏi nỗi khổ thống thiết này?”, sau khi trình bày tự sự - theo giáo sư, cháu đầu có triển vọng vượt xa giáo sư trong lãnh vực khoa học, trong tương lai.
- Thầy Tâm Ngộ, với nét mặt trầm hẳn xuống, nói với giọng đượm buồn, “Xin thành thực chia buồn với giáo sư. Niềm đau nào cũng thống thiết. Ðối diện với niềm đau nào tôi cũng cảm thấy bàng hoàng. Tôi không biết với kinh nghiệm thoát khổ rất giới hạn của tôi, có thể đóng góp được ý kiến thiết thực nào? Trước tiên tôi xin kể câu chuyện hoàng hậu Ubirì.
Ubirì là một người con gái tuyệt đẹp được chọn làm cung nữ của vua Kosala. Hai năm sau nàng sinh hạ một công chúa đẹp lạ thường, được vua cưng quý. Vua liền phong Ubirì làm hoàng hậu. Nhưng rồi công chúa chết. Hoàng hậu đau khổ, ngày nào cũng đến nghĩa địa than khóc. Một hôm hoàng hậu định đến hầu Thế Tôn, nhưng lại đứng khóc bên bờ sông Aciravàti. Thế Tôn biết, Ngài đi đến cạnh hỏi, “Tại sao con khóc?”.
- “Bạch Thế Tôn, con khóc cho đứa con gái yêu quý của con đã chết”.
- “Tại nghĩa địa này, có đến 84.000 đứa con gái của con bị thiêu, vậy con khóc cho ai?”. Thế Tôn dạy.
Hoàng hậu Ubirì nguôi lòng trở về và trầm tư lời dạy của Thế Tôn, rồi chứng đắc A-la-hán lúc còn hình tướng cư sĩ đó.
Thưa giáo sư, hằng ngày có biết bao nhiêu người trẻ tuổi chết giữa đời; điều đó giáo sư biết, nhưng tại sao giáo sư không cảm thấy khổ đau như đang khổ đau về hai cháu? Phải chăng là do sự khác biệt: “của mình, con của mình”?
Nếu khổ đau đã đến từ chữ “của mình” ấy, thì lối thoát là đi ra khỏi nghĩa “của mình”, phải chăng là vậy?
Giáo sư ngồi trầm ngâm, đôi mắt bỗng lóe sáng lên như vừa tìm thấy lời giải của một bài toán. Thầy Tâm Ngộ lại tiếp, “Tại sao mình không xem các tuổi trẻ Việt Nam khác, như là con yêu để thương và để truyền đạt kiến thức?”.
Thầy Tâm Ngộ chỉ nói với nhiệt tình mà không hình dung ra được kết quả tác động. Không ngờ , vị giáo sư giật mình nói, “Có lẽ là thế. Tôi đang nghe nhẹ ở lòng. Nhưng có lẽ tôi cần có thời gian để vượt qua. Tôi sẽ nói lại với nhà tôi điều này”.
Thầy Tâm Ngộ đã tiễn chân vị giáo sư với tập truyện Phật giáo, trong đó ghi lại các trường hợp khổ đau và vượt qua khổ đau, tặng giáo sư.
Một tháng sau vị giáo sư trở lại cho nhà chùa hay là hai ông bà đã tan đi các cơn ngất và đã có thể làm việc trở lại. Giáo sư ngỏ lời sẽ đi sâu vào giáo lý nhà Phật.
Câu chuyện thứ hai
Giáo sư tiến sĩ luật là người uyên bác, đã đọc một số kinh sách Phật giáo nhưng chưa phát khởi tín tâm.
Bà luật sư là một Phật tử, bảo rằng giáo sư nghi ngờ tính chất thiết thực của Phật giáo.
Một hôm cùng giáo sư trao đổi các vấn đề giáo dục Phật giáo suốt ba tiếng đồng hồ, thầy Tâm Ngộ đã giản dị trình bày các khía cạnh thiết thực hiện tại của Phật giáo, các tinh thần giáo dục của Đức Phật rất người và rất hiện thực. Vấn đề đau nhức nhất của con người vẫn là các phiền não khổ đau đến từ nhiều phía của cuộc sống. Thầy đã giới thiệu cách nhìn của nhà chùa và cách giải quyết phiền não của nhà chùa.
Giờ phút từ giã, giáo sư cười phấn khởi.
Ðiều bất ngờ xảy ra là một tuần sau, vị giáo sư quyết định trở thành một Phật tử và đã tâm sự, “Trước đây, tôi không quyết định trở thành một Phật tử, bởi vì qua sách vở đọc được, và qua sinh hoạt của Giáo hội mà tôi chứng kiến, tôi nghi ngờ tính văn minh và thiết thực của Phật giáo. Nay là thời gian thuận lợi nhất để tôi nhận ra con đường phát triển tình cảm và trí tuệ. Thầy Tâm Ngộ là trợ duyên của tôi”. Từ đó, giáo sư trở nên một người bạn rất thân thiết của thầy Tâm Ngộ.
Người vui nhất trong sự kiện đổi thay ấy là bà luật sư (bà cũng là một luật sư). Bà đã nói, “Nhà tôi và tôi đang tìm thấy an vui mỗi ngày. Phiền muộn hàng ngày vẫn có, nhưng chúng tôi biết vượt qua”...
Câu chuyện thứ ba
Một cán bộ trí thức hưu trí hỏi, “Phật giáo có thể giúp con người thời đại đi ra khỏi khổ đau của thế kỷ không? Hình như Phật giáo không có nghĩ ra con đường cách mạng để xóa bỏ các bất công, áp bức của xã hội?...”.
- Khổ đau nào cũng quy về khổ đau tâm lý cả. Ðạo Phật chỉ nói chuyện về khổ đau, nguyên nhân của các khổ đau và con đường đi ra khỏi khổ đau, không những của thế kỷ, mà của muôn đời.
Giản dị mà nói, nguyên nhân chính của mọi khổ đau vẫn là dục vọng và chấp thủ. Dập tắt khổ đau là dập tắt dục vọng và chấp thủ đó. Ðó là phương cách; còn phần thực hiện là thuộc mỗi người.
Niềm đau khổ chính của con người không phải chỉ vì thiếu thốn vật chất hay bất công xã hội, v.v... Do đó, Phật giáo không nghĩ đến một cuộc cách mạng xã hội. Cả đến khi cách mạng hoàn toàn thành công, thì các khổ đau của già, bệnh, chết, biệt ly, v.v... vẫn còn nguyên ở đó.
Câu chuyện thứ tư
- Một người tôn giáo khác hỏi, “Phật giáo cho rằng mọi người đều có Phật tính, khả năng thành Phật. Ðiều đó thật khó tin, bởi ngay cả những tri thức thông thường, lắm người không thể đạt đến được”.
- “Quý vị quan niệm Phật tính như một cái gì ngã tính nên nói thế. Thực sự, đó là thực tướng của mọi hiện hữu. Hiện hữu nào cũng có thực tướng của nó. Con người cũng thế. Người ta có thể không có kiến thức về khoa học, về luật học, v.v... nhưng người ta có thể đi vào giác ngộ, nếu muốn. Ngược lại, dù có nhiều văn bằng tiến sĩ mà cố chấp, tham ái, thì sẽ không vào giác ngộ Phật tính được, cho đến khi nào loại bỏ các tham ái, cố chấp ấy”.
- Lại hỏi, “Kinh Phật giới thiệu nhiều quả Thánh, mà sao tôi chẳng thấy có vị tu sĩ nào chứng quả hiện nay?”.
- “Hẳn là việc chứng ngộ quả Thánh không phải dễ dàng thực hiện, nhưng không vì thế mà không thể chứng, hay không có người chứng.
Bác có đi đâu nhiều, có gặp ai nhiều mà phát biểu vội vã thế. Ngay bây giờ đây, đối diện với tôi, bác có biết tâm lý tôi đang ở đâu không?
Lại nữa, một tu sĩ Phật giáo, theo truyền thống chỉ vận dụng thân giáo và khẩu giáo, không sử dụng thần thông và chứng đắc, thì làm sao bác biết người đang đối diện có chứng đắc hay không?”.
Câu chuyện thứ năm
Một thầy đồng phạm hạnh (thầy G.Q) nói, “Một tạp chí Phật học nước ngoài có đăng tải sự kiện một Thượng tọa Nam truyền giảng giáo lý với tinh thần rất Bắc truyền; chư Tăng đòi 'tẩn xuất' vị Thượng tọa ấy. Nhưng ngài Tăng thống đã trân trọng xác nhận vị Thượng tọa đã nói đúng Chánh pháp, và giữ Thượng tọa ở nguyên vị trí trong Giáo hội. Thật là bi kịch!”.
Thầy Tâm Ngộ buột miệng than, “Ðau buồn quá nhỉ!”.
- Chấp thủ kiến thật là tai hại! Ở thời đại nào, xã hội nào, người tôn sùng Chánh pháp mà chấp thủ cũng phải trả giá đắt. Không phải bận tâm nhiều đến việc phải trả giá, mà điều bận tâm lớn nhất là làm thế nào để Chánh pháp, đúng Chánh pháp, được giới thiệu rộng rãi trong đời.
- Tư tưởng bộ phái thường gây trở ngại, phải vậy không nhỉ?
- Hẳn là vậy. Nhưng nói ra Thật pháp, lắm khi khiến người nghe dao động, cũng gây trở ngại vào buổi đầu tiếp thu giáo lý.
- Ðức Thế Tôn ngày xưa đã chọn lựa thái độ nói thật, nói rõ, như khi dạy các phẩm kinh “Lông tóc dựng ngược”, “Tiếng hống sư tử” v.v... Ngày nay các vị giảng sư có thể làm gì khác hơn thế?
- Phải. Vấn đề suy nghĩ là chánh kiến và chánh tín đến với người nghe sau cơn dao động. Phải nói pháp thế nào để đi đến kết quả đó.
Câu chuyện thứ sáu
Thầy G.Q nói, “Nhà chùa phải làm gì cho niềm tin của các Phật tử?”.
- “Có nhiều việc phải làm đồng thời. Nhà chùa cần biểu hiện nếp sống giải thoát đúng Chánh pháp, hay gần đúng Chánh pháp trước đã. Cần có chánh kiến để hướng dẫn Phật tử có chánh kiến. Thứ đến, cần có các phương tiện phổ biến và truyền thông tốt như kinh, sách Việt ngữ, báo chí, diễn giảng, và mở các trung tâm tu tập (thiền định và Bát quan trai giới); tạo điều kiện tốt nhất để phát triển Văn, Tư và Tu, thế nào để Phật tử có thể hiểu “con đường” để thực hiện “con đường” theo điều kiện sống của tự thân”.
- “Có Phật tử tin và hành không đúng lời Phật dạy, theo chỗ tôi hiểu. Nhưng họ nghĩ là đúng, vì khi họ tin và hành thế thì thấy vui vẻ, phấn khởi. Thật không dễ dàng khai mở!”.
- Không cứ phải tin và hành nào đem lại vui vẻ, phấn khởi là đúng đạo. Thì giải đúng một bài toán cũng vui vẻ, phấn khởi; đột nhiên nhận quà tặng cũng vui vẻ, phấn khởi; nam nữ hẹn hò nhau cũng đầy vui vẻ, phấn khởi với niềm tin của họ. Tất cả chuyện vui vẻ, phấn khởi đó có liên quan gì đến chánh kiến, chánh tín của người Phật tử đâu?!”.
- “Cần giới thiệu pháp tu nào thiết thực nhất cho các Phật tử tại gia?”.
- “Về Giới, thì dạy 5 giới, 8 giới, và 10 giới.
Về pháp công đức, thì giới thiệu bố thí. Về nhận thức thì dạy kỹ giáo lý Nhân quả, Nghiệp báo, Tứ đế, Duyên khởi (hay 3 Pháp ấn). Với các Phật tử có hiểu biết nhiều về giáo lý và có niềm tin đạo vững, thì dạy thêm pháp môn thiền định Tứ Niệm Xứ. Với các Phật tử mới vào đạo, thì giới thiệu kinh “Ðảnh lễ Lục phương”, Tam quy, Ngũ giới và pháp sám hối.
Câu chuyện thứ bảy
Thầy G.Q mở đầu, “Chân lý phải là một. Vì vậy Phật giáo chỉ có một, tại sao lại có quá nhiều tông phái? Con đường giải thoát Giới-Ðịnh-Tuệ rõ là con đường thiền định, tại sao lại có danh từ Thiền tông Phật giáo?”.
- Nguyên do chính của việc phân phái là do căn cơ hiểu biết và tu tập bất đồng của con người. Không thể không có tình trạng phân chia bộ phái qua dòng lịch sử phát triển Phật giáo. Nhưng, hẳn là việc thống nhất giáo lý các bộ phái, ít nhất là các điểm gặp gỡ về giáo lý căn bản, có thể thực hiện được.
Danh từ Thiền tông Phật giáo được dùng không ổn. Danh từ ấy nói lên rõ hầu như Thiền tông chỉ là một khía cạnh sắc thái của Phật giáo, trong khi chính Thiền là Phật giáo, hay Phật giáo là Thiền.
- Tổ Ðạt-mạ truyền kệ rằng, "Ngô bổn lai tự độ, truyền pháp cứu mê tình, nhất hoa khai ngũ diệp, kết quả tự nhiên thành". Có ý kiến cho rằng, y, bát Tổ truyền chỉ truyền đến Lục tổ Huệ Năng thì ngưng, vì nạn tranh chấp. Thầy nghĩ sao?
- Theo thiển ý, ý nghĩa của truyền y bát là ý nghĩa trao truyền sứ mệnh hoằng pháp của Như Lai cho những ai có đủ nhân duyên đảm trách. Cho đến đời Lục tổ thì đạo Phật đã được phổ biến rộng rãi hơn, đã có nhiều tu sĩ và cư sĩ thông rõ giáo lý giải thoát và có khả năng chứng nghiệm nên việc trao truyền y-bát không cần thiết nữa. Bất cứ ai hiểu đạo đều có thể tự nhận lấy trách nhiệm hoằng pháp, nghĩa là tự nhận y-bát trước chư Tổ (mang y Tỷ-kheo là ý nghĩa nhận y-bát rồi).
Ngày nay, việc truyền đạo đã là trách nhiệm của tập thể hoằng pháp, của Giáo hội mỗi xứ, của Giáo hội Tăng-già Thế giới, và của các cơ quan nghiên cứu Phật học ấn loát, gồm cả cơ quan hữu trách của nhà nước.
- Có lẽ hiểu như vậy ổn hơn. Vừa tránh tình trạng y-bát bị thất truyền vì nhiều lý do phức tạp, vừa tránh tình trạng tranh chấp, lạm dụng.
Phật tử cần xây dựng niềm tin dựa vào giáo lý và tự thân. Cần nỗ lực Văn, Tư, Tu để loại bỏ tham ái, chấp thủ mà không chờ đợi phép lạ nào từ bên ngoài.
Câu chuyện thứ tám: Vấn đề hưng suy của Phật giáo Việt Nam
Thầy G.Q đặt vấn đề, “Các cuốn lịch sử Phật giáo Việt Nam hiện nay ít có nhận định về các nguyên do hưng, suy của Phật giáo qua các thời đại. Thầy có nghĩ đến điều đó không?”.
- Thật sự, mỗi sự kiện xã hội đều có những nguyên nhân xa và gần của nó. Cần phải có một sự nghiên cứu thật kỹ và một sự lượng định thật chính xác về các lý do hưng, suy của Phật giáo. Ðương thời, tôi thường nghĩ đến triều đại nhà Lý và Trần kéo dài ngót 4 thế kỷ hưng thịnh của Phật giáo và của dân tộc.
Cuối nhà Lý, các nhà sư đã đi vào pháp tu của Lão giáo và Mật tông, đi vào các thần thông, pháp thuật. Sự kiện này ảnh hưởng đến quần chúng Phật tử và dân chúng, không tiếp tục làm bung dậy sức mạnh tự lực, tự chủ tích cực của Thiền, nên Phật giáo và dân tộc đều đổ dốc.
Qua đời Trần, các thiền sư đi vào Thiền và có sở học cao đã hưng khởi lại Phật Giáo, tiếp tục hưng thịnh hai thế kỷ nữa.
Ðến đời vua Trần Anh Tông, nhà vua (và hình như cả Pháp Loa thiền sư cũng có nghiêng về Mật tông) ưa chuộng pháp thuật của một pháp thuật sư Ấn Ðộ, đưa con gái của người này vào hàng cung nữ. Các tu sĩ đã đi sâu vào Tịnh và Mật, thì tình trạng suy yếu của Phật giáo xảy ra.
Hồ Quý Ly chống Phật giáo, đề cao Nho giáo. Tinh thần khẳng định, cố chấp của các nhà nho không thực hiện được sức mạnh đoàn kết của dân tộc, đã đưa dân tộc và Phật giáo vào giai đoạn suy yếu.
Nhà Nguyễn chỉ duy trì Phật giáo dưới hình thức tín ngưỡng nên cũng không hưng khởi được dân tộc và Phật giáo.
- Nhưng, tôi thấy đã có cơ sở rồi đó. Hy vọng lịch sử Việt Nam và Phật giáo Việt Nam lại có dịp kinh nghiệm một lần nữa vấn đề hưng suy đó.
(Trích Hoa ngọc lan, 1998)